Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

NHỮNG BẤT CẬP TRONG TỔ CHỨC BẦU CỬ Ở VIỆT NAM

 Cử tri bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thành phố Hà Nội vào ngày 22 tháng 5 năm 2011.

Những bất cập trong tổ chức bầu cử

Mặc Lâm, biên tập viên RFA RFA 2016-03-16

Chưa lần nào việc bầu cử quốc hội lại gây chú ý cho người dân bằng lần này. Bắt đầu với phong trào tự ứng cử rồi cơ quan nhà nước ngăn cản, phá rối ứng viên độc lập cũng như các bài viết, hay tuyên bố của lãnh đạo nhằm định hướng cho người dân rằng không phải ai tự ứng cử cũng là người tốt. Về phần Mặt trận tổ quốc, cách thức hiệp thương chọn người vào danh sách bỏ phiếu cũng đầy những sai sót nếu không muốn nói là tùy tiện và thiếu khách quan đã góp phần làm cho cử tri không còn muốn tham gia bầu cử. 

Bầu cử Quốc hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp sắp diễn ra với rất nhiều hình ảnh thời sự ngày càng cuốn hút sự chú ý của đông đảo quần chúng. Tuy có hai khu vực bầu cử nhưng người dân và các ứng viên độc lập chỉ tập trung vào Quốc hội mà không ai nhắc tới chiếc ghế trong Hội đồng Nhân dân các cấp. Điều này cho thấy Quốc hội được đánh giá là nơi cho phép người chiến thắng có thể lên tiếng hay ít ra là góp ý trong các tiểu ban về các vấn đề mà họ quan tâm. Trong khi vai trò của Hội đồng Nhân dân quá mờ nhạt trong tâm thức của người dân khiến vị thế của nó hầu như rất khiêm tốn trong hệ thống.

Trong hầu hết những động thái liên quan tới việc tự ứng cử, báo chí chính thống không chú ý tới những động cơ thúc đẩy họ ra tranh cử cũng như chương trình hoạt động của từng người mà truyền thông chỉ chú ý tới các tuyên bố của quan chức liên quan tới việc tự ứng cử của người dân. Điều này gây tâm lý cô lập người tự ứng cử ngay từ những giờ phút đầu tiên trước khi hạn nộp đơn kết thúc. Nó làm cho cử tri không hứng thú vì thiếu sự tranh luận, phản biện giữa người tự ứng cử hay ngay cả những người được đề cử với nhau. Hình thức dân chủ này thiếu vắng trong mọi cuộc bầu cử tại Việt Nam đã làm tâm lý người dân đóng khuôn vào hai chữ “hình thức”.

GS-TS Hoàng Ngọc Giao nhận xét tâm lý người dân trong các cuộc bầu cử và nguyên nhân dẫn đến tâm lý này:

Đã từ lâu cử tri không tích cực lắm trong câu chuyện bầu cử bởi lẽ việc đi bầu rất là hình thức cho nên người ta không biết người mà họ bỏ phiếu là ai chỉ biết được trên cái ảnh và thông tin cá nhân chứ còn người đó làm chuyện gì thì cử tri biết được rất ít. Truyền thông cũng nên làm mạnh về cái chuyện này, tức là làm mạnh về chuyện truyền thông người tự ứng cử và kể cả người được đề cử. Mỗi cá nhân đó phải có chương trình hành động, được đăng tải trên truyền thông đại chúng thật nhiều để người dân có cơ hội tiếp cận thông tin với từng cá nhân một để khi đi bỏ phiếu thì họ đã hiểu được ông này nếu trúng cử thì ông ta sẽ làm được gì. Cái đó nó sẽ tạo nên nhiệt tình, cái tích cực của cử tri đi bỏ phiếu.
Đến thời điểm này khi theo dõi thông tin báo chí thì tôi thấy rất ít bài đăng các chương trình hoạt động của những người được đề cử cũng như những người tự ứng cử.
GS-TS Hoàng Ngọc Giao
Đến thời điểm này khi theo dõi thông tin báo chí thì tôi thấy rất ít bài đăng các chương trình hoạt động của những người được đề cử cũng như những người tự ứng cử. Do đó cử tri có rất ít thông tin, mà ít thông tin thì họ chỉ bỏ phiếu vì trách nhiệm, gạch ai thì gạch thôi.

Báo chí không thông tin đầy đủ về nhân thân của người tự ứng cử đã đành mà ngay cả người được đề cử cũng không có thông tin gì nổi bật ngoại trừ tờ sơ yếu lý lịch rất đơn giản của từng ứng viên. Thế nhưng tờ sơ yếu lý lịch ấy đối với các Ủy ban bầu cử không hề đơn giản, nó là chiếc chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên vào thế giới bầu cử nhưng cũng là cánh cửa khó mở nhất cho một vài người, trong đó có ca sĩ Mai Khôi, một ứng viên độc lập nộp đơn ứng cử tại đơn vị Khánh Hòa. Chia sẻ với chúng tôi ca sĩ Mai Khôi tiết lộ:

Cái đơn của tôi vào ngày 9 tháng 3 đã được cơ quan chấp nhận hồ sơ ứng cử tỉnh Khánh Hòa chấp nhận và viết biên bản cho tôi rồi nhưng tới ngày hôm nay là ngày 15 tháng 3 lúc 14 giờ 30 phút thì một người tự xưng là trong Ủy ban bầu cử tỉnh Khánh Hòa gọi điện thoại báo với tôi rằng Ủy ban bầu cử trung ương gọi điện thoại cho tỉnh Khánh Hòa yêu cầu bổ sung hồ sơ của Đỗ Nguyễn Mai Khôi vì hồ sơ thiếu khai báo sơ yếu lý lịch và phải bổ sung trước 5 giờ chiều nay. Tôi gọi tới gọi lui hai ba lần thì họ đều không giải thích rõ ràng bây giờ tôi phải làm gì và phải bổ sung như thế nào. Bởi vì họ đã tiếp nhận hồ sơ của tôi mà sau đó lại không chịu trách nhiệm về vấn để đó.

Cán bộ của Ủy ban bầu cử làm việc như vậy là chưa được vì không rõ ràng. Rất chèn ép người tự ứng cử bởi vì thông báo cho tôi một cách đột ngột và bắt tôi phải bổ sung trước 5 giờ chiều lúc đó chỉ còn 2 tiếng rưỡi đồng hồ mà không hướng dẫn cho tôi phải làm sao cả. Tôi thấy đây là hành động không chuyên nghiệp không hợp lý.

Trong tất cả các nước Cộng sản trước đây cũng như Xã hội chủ nghĩa hiện nay cụm từ “hiệp thương” được dùng để miêu tả sự chọn lựa ứng viên vào danh sách bầu cử. Hiệp thương được một bộ phận quan trọng của Đảng là Mặt trận Tổ quốc đứng ra tổ chức để chọn người vào danh sách bầu cử cho cử tri, và sự chọn lựa này người dân không thể tham gia cũng như thông tin về nhân vật được đề cử hoàn toàn được giữ kín cho tới giờ chót. GS-TS Hoàng Ngọc Giao chia sẻ những nhận xét của ông về những buổi hiệp thương trong phòng kín như sau:

Cái việc hiệp thương thật ra nếu nó được thực hiện một cách công khai, minh bạch trong viêc rà soát những người dự kiến đưa vào danh sách bầu, đại diện các tổ chức xã hội, truyền thông thậm chí cuộc hiệp thương cũng nên truyền hình trực tiếp để cho nhân dân thấy việc lựa chọn ai để đưa vào danh sách bầu cử và người nào không đủ tiêu chuẩn có tên trong danh sách bầu cử nhưng dân được biết thì tôi tin rằng nó sẽ tốt hơn và họ hiều rõ hơn về dân chủ. 

Như hiện nay hiệp thương vẫn khép kín do đại diện một số tổ chức Mặt trận, một số tổ chức xã hội do một số người ngồi bàn bạc với nhau thì việc đó khép kín quá người dân không biết lý do vì sao mà ông này được đưa vào danh sách mà ông kia lại không được. Chính chuyện đó nó làm cho người ta thấy việc đưa vào danh sách bầu cử không rõ ràng minh bạch để làm tốt hơn việc bầu cử và gây sự tích cực hăng hái tham gia đi bỏ phiếu.

Bầu cử là cách thực hiện dân chủ đúng nghĩa chỉ khi nào mọi công dân được đóng góp bình đẳng vào tiến trình ấy. Trong tình hình hiện nay người tự ứng cử và các Ủy ban bầu cử chưa có một cầu nối rõ rệt nào nhằm tạo lòng tin nơi cử tri sẽ làm cho họ giữ nếp nghĩ như bao năm qua: chẳng qua là hình thức.

1 nhận xét :

  1. Bầu cử ở Việt Nam là một vở kịch mà người viết kịch bản, đạo diễn và diễn viên đều là một người đó là đảng cộng sản VN.

    Trả lờiXóa