Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Nguyễn Thụy Kha: NGUYỄN HỮU ĐANG - MỘT NGỌN LỬA

Nguyễn Hữu Đang (trái) và nhạc sĩ Văn Cao tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Báo Lao Động 14/8/1994. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nguyễn Hữu Đang - Một ngọn lửa

Nguyễn Thụy Kha
11:40 29/02/2016

Nguyễn Hữu Đang đã có những đóng góp rất lớn với phong trào Quốc ngữ ở miền Bắc những năm đầu thập niên 1940 của thế kỷ trước.


Sinh thời, có lần nhà thơ Hoàng Cầm hỏi tôi: “Kha có nghĩ ông Nguyễn Hữu Đang là người không biết Việt Nam đã từng đánh nhau với Mỹ không?”. Tôi thốt lên: “Sao lạ thế bác?”. Hoàng Cầm cười tủm tỉm rồi thong thả nói: “Có gì đâu, ông ấy đi cải tạo ở vùng núi cao lâu quá. Đến khi trở về, nhìn thấy hố bom, ông ấy hỏi mọi người không hiểu đó là hố gì. Mọi người nói rằng đó là hố bom Mỹ. Ông ấy mới biết là Việt Nam đã từng đánh nhau với Mỹ”.

Sau này khi tôi gặp trực tiếp Nguyễn Hữu Đang hỏi lại, ông xác nhận là đúng. Nhưng ngoài việc không biết thì còn có việc là ông không tin nữa. Ông không tin bởi vì khi ông làm Trưởng ban tổ chức ngày Quốc khánh 2/9/1945, ông đã từng thấy những người Mỹ có mặt trong buổi lễ và hai máy bay Mỹ bay chào mừng vòng lượn trên đầu đám đông.


Ông từng không tin là có chiến tranh xảy ra giữa Việt Nam với Mỹ. Rồi ông chép miệng: “Dù sao cũng thật đáng tiếc”. Gần ông nhiều, mới thấy cách nghĩ của Nguyễn Hữu Đang là thế.

Nguyễn Hữu Đang quê ở Thái Bình nhưng hoạt động văn hóa ở Hà Nội từ thời trẻ. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia Hội truyền bá quốc ngữ từ giữa thập niên 1930 thế kỷ trước. Từ Hà Nội, nhận thấy phong trào truyền bá Quốc ngữ ở Hải Phòng cần được thúc đẩy, khoảng tháng 4/1942, Nguyễn Hữu Đang xin nghỉ việc ở Sở Tài chính Hà Nội xuống Hải Phòng tham gia công việc truyền bá quốc ngữ như một việc nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã ca ngợi ông trong nhật ký: “Đức hy sinh của anh thật không thể nào tả được. Nhờ anh mà phong trào quốc ngữ ở Hải Phòng chết đi nay sống lại. Anh như một ông tướng khuyến khích được cả đạo quân chiến bại. Muốn làm một bài thơ tặng anh ấy”. Cũng chính ở Hải Phòng, Nguyễn Hữu Đang gặp Nguyễn Huy Tưởng và Lưu Văn Lợi. Họ hóa thành bộ ba ngự lâm pháo thủ trong nhiều năm tháng.

Ở một phía khác thuần văn nghệ hơn thì lại là bộ ba Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi cũng rất nhiều duyên nợ. Nhận xét về tính cách Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng từng viết: “Anh đã biểu lộ ngay từ bé một tính cách đặc biệt hùng hổ và ngang tàng. Không sợ, khinh quyền thế, biến báo giỏi, biết thân phận mình, tin ở tài mình, đó là những tính cách của một người giỏi. Nhà nghèo, anh đi đến đâu là làm nổi bật một phong trào. Tưởng như trong anh toàn là lửa”.

Tính cách đó càng hằn rõ khi mẹ Nguyễn Huy Tưởng mất, Nguyễn Hữu Đang đã có một lời an ủi chân tình rằng, muốn báo hiếu cho mẹ chỉ có một cách là làm việc cho xuất chúng để xứng đáng với tinh thần mẹ. Với khát vọng ấy, Nguyễn Hữu Đang dấn thân vào những hoạt động xã hội hết mình, không màng tới ái tình, ngay cả chỗ ở cũng không quan tâm sang hèn.

Tuy hình ảnh khi diễn thuyết của nhà hùng biện Nguyễn Hữu Đang là một người tuy nhỏ thó, tóc rễ tre nhưng trong bộ complê màu đỏ như ngọn lửa, thì ở bên trong lại là một người cô đơn, chất phác và dễ thông cảm. Khi tôi gặp Nguyễn Hữu Đang, “chàng trai tân” đặc biệt này đã tuổi bát tuần. Hôm ấy ông từ Thái Bình lên Hà Nội để thắp hương cho bạn Nguyễn Huy Tưởng tại tư gia phố Lý Thường Kiệt. Nén hương cho bạn cũ lại là nhân duyên nối kết giữa ông và tôi.

Nhiều bữa trò chuyện cùng nhau, ông Đang hàn huyên khá nhiều chuyện về cái “thời oanh liệt xa xưa” một cách hồn nhiên. Nhờ những người trí thức có tinh thần dân tộc như ông và các bạn ông, Hội Văn nghệ Cứu quốc đã hình thành và đã chuẩn bị ngay trong những ngày cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa một tờ tạp chí mang tên Tiên Phong và sẽ ấn hành tại Nhà xuất bản của họ lập ra mang tên Người Bốn Phương.

Dù từng bị bắt cùng Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Tô Hoài và Nguyên Hồng… nhưng ông và các bạn không hề nhụt chí. Tạp chí Tiên Phongđầu tiên này đã được ấn hành coi như tái bản sau cách mạng tháng Tám ít tháng (10/11/1945) với bài Định nghĩa hai chữ: Văn hóa của Nguyễn Hữu Đang viết chung với Đặng Thai Mai. Trong những ngày đầu giành chính quyền, Nguyễn Hữu Đang được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách làm Trưởng ban tổ chức Lễ Quốc khánh 2/9/1945.

Bằng sức thuyết phục của mình, Nguyễn Hữu Đang đã kêu gọi được nhiều nhà tư sản lúc đó ủng hộ cho ngày lễ. Bằng tài tổ chức của mình, Nguyễn Hữu Đang đã tổ chức thành công buổi lễ lịch sử này và được Bác Hồ khen ngợi. Đã đem chữ quốc ngữ truyền đến người dân, Nguyễn Hữu Đang lại tổ chức được ngày đại lễ cho người dân chứng kiến Tổ quốc mình mở ra một kỷ nguyên độc lập.

Những ngày ấy, Nguyễn Hữu Đang như mê đi trong sự mới mẻ của cách mạng. Vừa tham gia làm tạp chí Tiên Phong, ông vừa đăng đàn diễn thuyết về đất nước và cùng Nguyễn Đình Thi ra cuốn sách Một nền văn hóa mới. Cứ thế, ông cùng các bạn đã hăm hở đi cùng dân tộc suốt cuộc trường kỳ kháng chiến với bao khát vọng xây dựng Một nền văn hóa mới. Nhưng không phải khát vọng dù tốt lành đến mấy cứ nghĩ tới là có thể thực hiện được.

Vào thời điểm nhạy cảm đầu khó khăn của những năm tháng đầu hòa bình ở miền Bắc, với ý nghĩ rằng, nước đã độc lập thì cầu cho dân được “tự do và hạnh phúc” như đúng tiêu chí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khát vọng “tự do sáng tạo” của Nguyễn Hữu Đang và các nhà văn, nhà thơ Văn Cao, Lê Đạt, Hữu Loan, Phùng Quán, Phùng Cung… đã vấp phải nhiều lực cản từ nhiều quan niệm, trong đó có cả sự đố kỵ cá nhân.

Bây giờ qua một vận hội 60 năm tròn. Sự thật về câu chuyện nhóm “Nhân văn - Giai phẩm” vẫn được đời sống hiểu theo cách mà truyền thông thời kỳ ấy đã làm rất róng riết. Bởi thế, cũng cần có một lần nhìn nhận cho thật khách quan hơn, cho thật nhân tâm hơn. Với tư cách là một trong những người tham gia lãnh đạo hồi đó và với tư cách một nhà văn chân chính, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã bày tỏ tâm tư về sự kiện này trong những trang nhật ký rải rác từ ngày 1/2/1956 là ngày tạp chí Giai phẩm mùa xuân ấn hành cho đến ngày 21/1/1960 là ngày xử án.

Nhật ký được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2006. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về sự kiện này qua những trang nhật ký ấy. Nó cho thấy, những khát vọng tự do sáng tạo thời đó. Tất cả những tài năng có khát vọng đó, đã phải tự thể hiện mình suốt mấy chục năm lặng lẽ và ngẫm nghĩ. Ngọn gió mạnh thời mở cửa và đổi mới đã trả lại vị trí cho Nguyễn Hữu Đang và những người bạn nói trên.

Công việc cuối cùng của người bạn Nguyễn Đình Thi khi ấy là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam trước khi rời vị trí này là giải quyết sự “phục sinh” này. Và tất cả những gì đã được các ông viết ra trong những năm tháng đó dần dà đã được giới thiệu trước công chúng. Riêng Nguyễn Hữu Đang rời Thái Bình lên sống ở một căn hộ được phân ở một khu tập thể phía Tây Hà Nội.

Những năm tháng lặng lẽ và ngẫm nghĩ ở một góc rừng sâu, Nguyễn Hữu Đang dường như thấu hiểu được sự quý giá của cuộc sống. Ông học được sự tận dụng để khỏi “phí của giời”. Ông vẫn giữ được sức ăn hồn nhiên của một nông phu. Ăn cơm với ông, dù một hạt cơm nhỏ rơi ra, ông cũng nhặt lên ăn tiếp. Ông thường nói đùa, câu đùa có vẻ “phản khoa học” nhưng lại rất đúng với chính ông: “Bí quyết để sống lâu là ăn bẩn (nghĩa nguyên gốc chứ không phải nghĩa phiên bản để chỉ những người “ăn bẩn” thiếu đạo đức), ở bẩn. Chỉ cần giữ tâm hồn trong sạch”.

Vào năm Đinh Hợi 2007, đúng vào năm kỷ niệm một thế kỷ Đông Kinh Nghĩa Thục, thì ngày 7/2/2007, giới văn nghệ chứng kiến sự ra đi của nhà truyền bá quốc ngữ Nguyễn Hữu Đang ở tuổi 95. Sinh thời, ông rất mê một câu hát của Văn Cao: “Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ/ Trầm trầm không gian mới rung thành tơ…”. Giây phút ấy, trong không gian trầm trầm hương khói của một ngày áp Tết trên con đò Trương Chi, “nhà truyền bá quốc ngữ” Nguyễn Hữu Đang - một ngọn lửa trôi về cõi vô định.

7 nhận xét :

  1. Muốn đọc những dòng để lại hậu thế của Cụ Đang mà hình chữ bé quá. Giá chú Tễu chịu khó đánh máy lại thì mình cám ơn lắm lắm!

    Trả lờiXóa
  2. Người thanh niên cầm cờ đi hàng đầu trong buổi ngày biẻu tình tuần hành 2 tháng 9 năm đó là chú tôi, ông Nguyễn Hợp Đoàn. Ông Đoàn đuợc HCM đề cử đi du học tại Liên Sô, nhưng vì có cha làm công chức cho nhà nuớc quốc gia nên bị gạch. Ông chú tôi cũng có liên hệ với cụ Đang, xin thay mặt chú tôi xin thắp nén hương tuởng nhớ cụ.

    Trả lờiXóa
  3. Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Hán-Nôm Nguyễn Xuân Diện !
    Xin chân thành cảm ơn tác giả Nguyễn Thụy Kha và nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng !

    Trả lờiXóa
  4. Cụ là một trong những trí thức ưu tú nhất lúc bấy giờ, để rồi có những lúc cuối đời, cụ đã tự tìm cho mình gốc bụi trẻ làm huyệt, khi sắp chết tự bò nằm vào đó, khỏi phiền ai, bởi cụ không có nhà, ở nhờ trái bếp của giáo viên, bữa ăn hàng này là cóc nhái, xin nước vo gạo của giáo viên làm dưỡng chất qua ngày. Tội của cụ là quá yêu nước, luôn giữ phẩm chất trung thực, can đảm của một trí thức trong mọi hoàn cảnh.

    Trả lờiXóa
  5. Để hiểu hơn về Nguyễn Hữu Đang, có một bài trong tập bút ký Ba Phút Sự Thật của Phùng Quán. Các bác tìm đọc ạ

    Trả lờiXóa
  6. Chết không ra chết
    Sống không ra sống
    Đó là điều nổi nhất
    Về cuộc đời của ông

    Trả lờiXóa
  7. Về số phận bi thảm cụ Nguyễn Hữu Đang ,những điều các vị viết ở trên , theo tôi là chưa đủ. Xin hãy đọc VỤ NHÂN VĂN GIAI PHẨM ,MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH của Lê Hoài Nguyên, tức Thái Kế Toại , một Đại tá công an chuyên theo dõi vấn đề này đăng ở GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG'S BLOG..Trên tễu blog hôm nay cũng có đăng một bài (cũ) của anh . Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn Thái Kế Toại về những bài anh đã viết , tôi đã tìm thấy ở đấy sự thật mà mấy chục năm trời người ta vu khống, bưng bít !

    Trả lờiXóa