Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Lê Công Định: MÀN ĐẤU TỐ TẠI NƠI CƯ TRÚ

Ông Lê Công Định, người tự ứng cử ĐBQH năm 2007.

Lê Công Định:
CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI NĂM 2007

Kỳ 2: Màn đấu tố tại nơi cư trú

Sau khi tự ứng cử, tôi và các ứng cử viên độc lập khác của khu vực bầu cử Sài Gòn được mời đến họp với ban tổ chức bầu cử.

Cuộc họp diễn ra suốt buổi sáng tại trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM trên đường Mạc Đĩnh Chi, do bà Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đương nhiệm khi ấy chủ trì.


Chúng tôi được hướng dẫn trình tự và diễn biến của quá trình bầu cử, đặc biệt thủ tục lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú và nơi làm việc. Vào thời điểm ấy tôi vừa là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn, vừa là Giám đốc một công ty luật. Do vậy tôi muốn xác định nơi làm việc trong trường hợp của tôi là văn phòng Đoàn Luật sư hay trụ sở công ty luật của tôi.

Trả lời câu hỏi tôi nêu ra, bà Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã khẳng định ít nhất hai lần trong buổi sáng hôm đó, rằng tùy tôi chọn và nếu muốn thì việc lấy ý kiến cử tri nơi làm việc có thể được tổ chức tại trụ sở công ty luật của tôi và những người cùng làm việc tại đó sẽ là cử tri góp ý về tôi, dưới sự chứng kiến của các thành viên trong ban tổ chức bầu cử.

Bà Phó Chủ tịch cũng cho biết đối với trường hợp luật sư Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Trừng, được đảng cử vào quốc hội khóa 12, thì nơi làm việc sẽ là văn phòng Đoàn Luật sư vì ông chọn như vậy. Sau khi nghe giải thích về quyền lựa chọn của mình, tôi thông báo rằng nơi làm việc để tổ chức lấy ý kiến cử tri sẽ là trụ sở công ty luật của tôi.

Đối với nơi cư trú, do tôi đăng ký thường trú tại quận Bình Thạnh, nhưng tạm trú ở quận 7, nên cũng cần xác định nơi nào sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri. Bà Phó Chủ tịch nói rằng nơi thường trú chính là nơi sẽ tổ chức cuộc họp như vậy. Tôi đồng ý với bà, vì đối với tôi nơi nào cũng được.

Khoảng một tuần sau, tôi được ban tổ chức bầu cử thông báo buổi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú sẽ được tổ chức vào lúc 7 giờ tối của một ngày giữa tuần, tại Trường phổ thông Hồng Hà, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần ngôi nhà mà tôi đăng ký thường trú.


Vào lúc 6 giờ tôi đã có mặt tại địa điểm để quan sát và chuẩn bị. Từ 6 giờ 30 bắt đầu có người đến, nhiều người là cư dân ở cùng khu phố mà tôi biết rõ, vì tôi đã sinh sống nơi ấy gần 20 năm trước khi chuyển nhà một năm trước đó. Bỗng một người phụ nữ lạ mặt, khoảng 35 tuổi, đến và đứng rụt rè riêng một góc, không trò chuyện với ai.

Sau khi nói chuyện với nhiều người quen, tôi bước lại phía người phụ nữ lạ mặt bắt chuyện hỏi thăm. Tôi hỏi: “Tôi chưa từng gặp chị trong khu phố, chắc chị mới dọn đến ở gần đây?” Chị ta im lặng, không phản ứng trong vài chục giây, rồi gật đầu nhanh. Tôi niềm nở hỏi tiếp: “Chị làm nghề gì, chắc bận rộn lắm?” Chị ta lại im lặng một khoảng dài, rồi đáp: “Em làm ở xa suốt cả tuần lễ, về đến nhà cũng phải 9 -10 giờ tối, nên không quen biết và tiếp xúc ai trong khu phố.”

Tôi định cám ơn chị dành thời gian ít ỏi đến góp ý cho tôi, nhưng chưa kịp nói ra thì chị ta đã lủi nhanh sang chổ khác, thái độ rõ ràng tránh né tiếp chuyện với bất cứ ai. Tôi ngạc nhiên và hiểu ngay nhân vật đó là ai. Một bác trai là tổ trưởng cũ trong nhiều năm đến trò chuyện với tôi. Bác kéo tôi ra một góc riêng ít người đứng, rồi hạ giọng nói:

“Ngày hôm qua bên công an và ủy ban phường triệu tập một cuộc họp về buổi lấy ý kiến hôm nay, họ chọn các cử tri nào được tham dự và phân công người nào phát biểu về anh với nội dung do họ soạn trước. Nhiều bà con quý anh và ba mẹ anh nên đã từ chối không tham gia phát biểu, chỉ tham dự cho đủ số thôi, nhưng cũng không ít người nhận lời làm việc đó. Lát nữa họ sẽ nói những lời khó nghe, mong anh bình tĩnh, đừng nổi nóng mà trúng kế của họ. Anh nhớ lời tôi dặn nhé, phải thật bình tĩnh và nói những gì cần nói thôi.”

Tôi ngỡ ngàng, im lặng một lúc, rồi bắt tay cám ơn ông đã “mật báo” trước tình hình như thế. Quả thật, quỷ ma không phá mới lạ! Những gì diễn ra sau đó là một màn đấu tố đầy kịch tính. Đúng 7 giờ tối buổi lấy ý kiến cử tri bắt đầu, một quan chức của phường điều khiển cuộc họp. Ban tổ chức bầu cử đưa vài đại diện xuống dự và chứng kiến.

Sau khi đọc tiểu sử của tôi xong, bà chủ tọa yêu cầu mọi người đóng góp ý kiến về tôi. Tôi quay xuống nhìn và chờ đợi mọi người phát biểu. Ngay lập tức, người phụ nữ lạ mặt ban nãy đứng phắt dậy, nói nhanh: “Tôi xin phát biểu.” Tôi chăm chú lắng nghe vị cử tri mới dọn đến khu phố và đang phải làm việc ở xa đến tận 9-10 giờ tối này phát biểu những gì.

Khác với sự rụt rè lúc nói chuyện với tôi vài phút trước đó, chị ta gần như la hét, giọng hùng hồn: “Tôi phản đối ông Lê Công Định và thấy ông không xứng đáng làm đại biểu quốc hội, vì ông ta viết nhiều bài đăng trên báo đài phản động nước ngoài kêu gọi đa nguyên, đa đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi hỏi dân chủ và nhân quyền. Ông Định có quan hệ với nhiều tổ chức phản động ở nước ngoài. Ông Định cũng không gần dân, từ hồi chuyển về đây ở tôi chưa bao giờ thấy mặt ông Định. Người như vậy làm sao là đại biểu của nhân dân?”

Tôi thốt lên trong lòng: “Bà vừa nói mới dọn đến khu phố này và đang phải làm việc ở xa, mỗi ngày trở về nhà khoảng 9-10 giờ tối, thì bằng cách nào có thể gặp tôi? Chẳng lẽ tôi phải đến nhà gặp bà lúc nửa đêm mới gọi là “gần dân” sao trời?” Hóa ra câu chuyện chị ta kể chẳng qua để giải thích vì sao chị có vẻ là người lạ mặt khi tôi hỏi chuyện mà thôi.

Tiếp theo phát biểu đó, hàng loạt người theo sắp đặt đã đứng lên công kích tôi bằng những nhận xét nặng nề đại loại như chị kia, nào là ủng hộ đa đảng, phủ nhận Đảng Cộng sản, quan hệ với tổ chức phản động, đòi dân chủ và nhân quyền kiểu phương Tây, không gần dân vì suốt ngày đi làm, không đóng góp gì cho địa phương, vân vân và vân vân.

Một bác trai lớn tuổi ngồi gần tôi phát biểu cuối cùng: “Tôi xem tin tức trên mạng Internet thấy ông Định viết nhiều bài về pháp luật, trong đó yêu cầu cải cách hệ thống tòa án và áp dụng án lệ theo kiểu phương Tây, với ẩn ý bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với ngành tư pháp. Một quan điểm cải cách như thế là không thể chấp nhận. Mai mốt trở thành đại biểu quốc hội, chắc ông Định muốn cải cách quốc hội theo kiểu Mỹ luôn. Không được, tôi thấy không được!” Nói xong, cụ già thở hổn hển, ngồi xuống.

Thời lượng dành cho cuộc đấu tố gần 45 phút. Sau đó mọi người nghỉ giải lao khoảng 15 phút. Tôi xoay sang hỏi han bác trai lớn tuổi phát biểu cuối cùng. Sau vài câu hỏi về gia đình và sức khỏe, được bác trả lời tường tận, bất chợt tôi nhận xét: “Mắt bác kém, lại bị đau lưng, không ngồi lâu được, mà bác vẫn quan tâm thời sự, chịu khó sử dụng máy tính để truy cập Internet đọc tin tức hàng ngày, bọn trẻ như cháu nhiều người chắc không theo kịp bác.”

Cụ già đáp lại thật lòng: “Mắt kém làm sao đọc trên máy tính được. Hơn nữa, tôi già rồi, không dùng máy tính làm gì, nên ba cái công nghệ hiện đại như Internet chỉ nghe con cháu nói thôi, chứ có biết sử dụng gì đâu. Tôi hay đọc báo Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên và Tuổi Trẻ để thỉnh thoảng biết tin tức.” Tôi hỏi lại ngay: “Sao hồi nãy phát biểu bác nói vẫn xem tin tức trên mạng Internet thấy cháu viết nhiều bài về pháp luật?” Ông nhìn tôi không nói câu nào. Tôi cười cười: “Cháu biết rồi nha bác!” Chán ông già thiệt!

Sau giờ giải lao, vị chủ tọa yêu cầu tôi lên trả lời từng góp ý của bà con. Bà chủ tọa nhấn mạnh: “Anh chỉ có 3 phút để trả lời bà con cử tri, không được nói về chương trình tranh cử của mình vì chưa đến lúc.” Tôi bước lên bục, phớt lờ lời dặn dò của bà chủ tọa, nói thao thao bất tuyệt trong 5 phút về chương trình tranh cử và các mục tiêu sẽ thực hiện nếu đắc cử đại biểu quốc hội, tuyệt nhiên không đáp lại bất kỳ nhận xét nào của mọi người trước đó.

Do đoán trước tình hình này, nên tôi chuẩn bị bài phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào từng điểm quan trọng của chương trình tranh cử nhằm truyền đạt viễn kiến của mình một cách dễ hiểu nhất cho đại đa số người dân mà không phải ai cũng hiểu biết rõ lĩnh vực tôi đề cập. Tôi phát biểu không dùng giấy, liên tục trong khoảng thời gian ngắn đã lượng định trước.

Khi nhận ra tôi nói về chương trình tranh cử, chứ không trả lời góp ý của cử tri, bà chủ tọa yêu cầu tôi chấm dứt ngay lập tức, nhưng tôi đã nói đủ những điều cần thiết, nên vui vẻ cám ơn mọi người đã dành 5 phút lắng nghe. Tôi còn đề nghị mọi người góp ý về chương trình tranh cửa của tôi, nhưng có lẽ không ai được phép phát biểu nữa, nên cuộc họp chuyển sang phần bỏ phiếu tín nhiệm.

Việc bỏ phiếu và kiểm phiếu kéo dài trong 60 phút. Kết quả tôi đạt được 42% phiếu tín nhiệm của các cử tri tham dự hôm đó. Dù tỷ lệ dưới 50% phiếu thuận bị xem là không đạt tín nhiệm, nhưng đó vẫn là một kết quả làm choáng váng những kẻ phá đám, bởi họ chuẩn bị để tôi không nhận được một phiếu tín nhiệm nào. Chỉ cần 5 phút phát biểu về chương trình tranh cử tập trung vào vấn đề dân sinh, tôi đã thuyết phục được nhiều người dân tại địa phương.


Lúc ra về, tôi dừng lại trò chuyện cùng bác tổ trưởng cũ. Bác bảo: “Anh bình tĩnh quá, bọn nó tức lắm vì đã cố tình chọc giận anh; nếu anh nổi nóng, họ sẽ cho lập biên bản về phản ứng của anh, rồi cho công an vào xử lý hình sự luôn. Họ đã chuẩn bị kịch bản như thế để loại anh bằng mọi giá. Thôi chúc anh đạt được những gì anh muốn, dù tôi thấy không hy vọng gì cho những người tự ứng cử như anh.” Tôi cám ơn bác, rồi bước lại trò chuyện cùng cô bạn nhà báo cũng đến dự để đưa tin.

(Kỳ sau: Màn đấu tố tại nơi làm việc)
Lê Công Định.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét