Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

CÂU CHUYỆN VỀ NGƯỜI HÁT NHẠC VÀNG MÀ BỊ BỎ TÙ 8 NĂM


Nghệ sĩ Lộc Vàng hiện nay - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Giọng ca vàng thuở ấy… bây giờ: 
Lộc Vàng ở tù vì hát nhạc 'vàng'

Thanh Niên
05:53 AM - 02/03/2016

Ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc. Vì ông mê nhạc “vàng” và có giọng ca trữ tình đúng chất dòng nhạc này nên nhiều khán giả Hà Nội và anh em văn nghệ sĩ thường gọi ông là Lộc Vàng. Trước khi tìm gặp ông, tôi đã được biết tiếng quán cà phê Lộc Vàng nằm ven hồ Tây, nơi giới văn nghệ sĩ khắp trong nam ngoài bắc vẫn thường xuyên ghé qua và thu hút khá đông khán giả yêu mến giọng hát của ông.


Cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, đánh dấu sự hình thành của nền tân nhạc tại miền Bắc. Từ khoảng thời gian này đã xuất hiện dòng nhạc mang màu sắc trữ tình, thường mang chủ đề tình yêu, trong đó có nhiều tên tuổi nhạc sĩ nổi bật như Đoàn Chuẩn, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy… Dòng nhạc này vào những năm 1950 - 1960 ở miền Bắc hay được gọi là nhạc “vàng”. “Hồi ấy, người Hà Nội rất thích nghe dòng nhạc này, bởi hầu hết đó đều là những bản nhạc trữ tình về tình yêu, cuộc sống”, ông Lộc Vàng nhớ lại. Cho đến năm 1954, thủ đô được giải phóng, tinh thần chiến đấu được đề cao trong âm nhạc, nhạc “vàng” bỗng bị ghẻ lạnh, hắt hủi.

Ông Lộc Vàng kể, dù biết là không được phép hát nhạc “vàng”, nhưng vì mê quá nên cứ tối tối ông và bạn bè lại ngồi trong nhà hát những ca khúc yêu thích. “Chúng tôi mỗi người làm một công việc, tôi thì lái xe cho công ty vận tải. Hồi đó, ai cũng nghèo, nhưng mọi người dành dụm tiền mua gói chè, bao thuốc để ngồi hát với nhau thâu đêm”, ông Lộc Vàng nhớ lại. Năm 1968 là ngã rẽ cuộc đời của ông Lộc Vàng, nhóm nhạc của ông bị bắt. Ông kể bị kết tội vì hát nhạc “vàng”, trong đó có bài Chuyển bến của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Hồi ấy, vì biết Lộc Vàng mê nhạc và quý giọng hát của ông nên nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã tặng ông một số ca khúc của mình. Giữ trong lòng tình cảm với người anh Đoàn Chuẩn, đến lúc bị bắt, ông Lộc Vàng nhất quyết không chịu khai tên tác giả của ca khúc đã hát.

8 năm sau, năm 1976, ông được trả tự do. “Tôi sướng quá, đi bộ đường rừng 30 km từ trại giam ra đến TX.Lào Cai. Lúc ra đến ga Lào Cai, trời đã sẩm tối, tôi ngớ người ra vì các quán cà phê, hàng nước ở đó đều mở băng cối nhạc “vàng” do người miền Nam hát. Tôi vào quán ngồi mà không dám ngồi cạnh cái đài vì trước đây cũng vì hát những bản nhạc này mà tôi bị tù. Ra đến Hà Nội thấy ngạc nhiên vô cùng vì quán cà phê nào cũng mở dòng nhạc này”, ông nhớ lại. Tuy vậy, dòng nhạc này chỉ thực sự được nhìn nhận đúng giá trị bắt đầu từ năm 1987, khi có chính sách khôi phục lại các tác phẩm văn học nghệ thuật trước năm 1954 và được gọi là nhạc tiền chiến.

Mỗi lần nhắc đến người vợ quá cố, ông Lộc Vàng đều rơm rớm nước mắt vì thương bà. “Có những ngày nhìn trời mưa, tôi lại nhớ bà ấy. Khi biểu diễn những ca khúc mà bà ấy thích tôi cũng lại nhớ bà”, ông nói. Ông kể, khi nhạc “vàng” đã được khôi phục, ông được mời đi hát. Cứ mỗi lần như vậy vợ ông lại đưa cả con đi theo. Người bạn của Lộc Vàng mới hỏi: “Trời mưa gió rét mướt thế này, mày bế con đi làm gì, ở nhà nghe thằng Lộc hát suốt rồi không biết chán à? Nó có giai gái gì đâu mà theo nó?”. Vợ ông bảo: “Anh ạ, không phải em đi theo để nghe nhà em hát đâu, mà sợ chẳng may nhà em bị bắt một lần nữa thì em còn biết đường đi tiếp tế”.

Bán nhà vì yêu nhạc

Sau năm 1987, người ta hát nhạc tiền chiến ở khắp nơi, trong quán cà phê, trong các chương trình ca nhạc. Ngay như tại “ngôi nhà” của giới văn nghệ sĩ số 51 Trần Hưng Đạo, chương trình biểu diễn ca khúc trữ tình cũng được tổ chức thường xuyên. Nghệ sĩ Khắc Huề - người chỉ đạo nghệ thuật chương trình đã tìm ông Lộc Vàng - lúc đó đã là giọng ca quen thuộc ở nhiều quán cà phê để mời hát. Ông Lộc cho biết dù vậy ông không đi hát để kiếm tiền, ông làm đủ thứ việc từ bán bánh mì, quét vôi, thầu xây dựng... để nuôi gia đình. Ông hát chỉ vì thích được hát cho mọi người nghe.

Có lần, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đến nghe chương trình có Lộc Vàng hát. Lúc kết thúc phần biểu diễn, nhạc sĩ lên tặng hoa, ôm lấy Lộc Vàng đôi chân như khuỵu xuống. Ngày hôm sau gặp lại, Đoàn Chuẩn mới nói: “Hôm qua anh sướng lắm! Chú có biết vì sao không? Anh đã cho chú mấy bài hát nhưng chú không khai. Điều đó anh rất quý, rất trân trọng chú. Không giá trị nào bằng tiếng hát của chú vang lên bản nhạc của anh”.

Ông Lộc Vàng giờ đã ở tuổi 72, nhưng vẫn giữ nguyên nét hào hoa, phong nhã của chàng trai Hà Nội. Cách đây 8 năm, ông mở một quán cà phê ở ven hồ Tây. “Mục đích của tôi là để giữ gìn dòng nhạc này”, ông Lộc Vàng tâm sự. Ông vay mượn khắp nơi để mở quán, nhưng vì chỉ biết hát mà không biết làm kinh doanh, nên quán bị lỗ. Sau này ông phải bán ngôi nhà ở Kim Mã để trả nợ, rồi mua căn nhà nhỏ hơn để ở. Rồi cứ thế, ông phải bán hết nhà đi để bù lỗ cho quán, đến giờ ông không còn ngôi nhà nào để bán nữa. Ông bảo giờ ở luôn tại quán. Chỗ ngủ của ông trên căn gác xép nhỏ, ngay cạnh bàn thờ gia tiên và người vợ đã khuất.

Ngọc An
___________

Lời bình của Thi Dao Tien

Ông Lộc Vàng (Nguyễn Văn Lộc) chỉ vì hát "nhạc vàng" (nhạc Tiền chiến hay nhạc trữ tình lãng mạn trước năm 1945 và sau 1945 một chút) mà bị 8 năm tù. Nay thì "nhạc vàng" có lẽ là thứ nhạc lành mạnh, lương thiện và có giá trị hơn tất cả các loại nhạc của VN. Nhưng những bản án "hình sự" thực chất là chính trị 100% đó dù oan sai rành rành thì cũng không bao giờ được giải oan bằng một văn bản hủy án hay bồi thường (vì nó là chính trị mà). Số phận của những Nguyễn Hữu Đang, Tuân Nguyễn, Phùng Quán,... còn nguyên đó.

Nhưng thiệt hại của loại người tù nói trên đâu chỉ cho bản thân và gia đình họ. Nó là thiệt hại cho cả một đất nước, đặc biệt cho thế hệ nào lớn lên trong giai đoạn đó. Như thế hệ tôi chẳng hạn. Hồi nhỏ, một đôi khi tôi có nghe các anh chị lớn hơn khe khẽ hát ở chỗ vắng "Cô hái mơ" hay "Ngày trở về" đồng thời mắt họ lấm lét như sợ có người nghe thấy. Năm học lớp 10 (12 ngày nay) tôi được học bài Văn học lãng mạn 1932 - 1945 với nhận định "Văn học lãng mạn VN căn bản là bạc nhược suy đồi, có nhiều nọc độc". Và cả một giai đoạn dài tôi cũng nhận thức tính "độc hại" của nó như thế.

Nghĩ lại hôm nay, những người như chúng tôi - biểu tình, viết bài chống Trung Cộng xâm lược, kiến nghị sửa đổi Hiến pháp,... - đang bị quy là "phản động", "suy thoái" rồi đến một ngày nào đó cũng được "giải toả" (dù không có văn bản) nhưng cả một giai đoạn của đất nước đã đi qua, cả một thế hệ đã đi qua... 

Và Trung Cộng cùng những lượng lượng bảo thủ trong nước đã làm được những gì cần làm để trói buộc đất nước này trong vòng lạc hậu và ngu hèn...

19 nhận xét :

  1. Tuy không đầy đủ như bài "yêu nhạc vàng" đăng trên beauxite Việt Nam trước đây nhưng tôi cũng khá bất ngờ khi đọc bài này với các còm rất "độc" trên thanh niên sáng nay...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ đến ngày nếu ai đó hát "nhạc đỏ" thì mọi người nhìn như kẻ điên.

      Xóa
  2. Còn 1 nhân vật nổi tiếng trong vụ này là Toán Xồm.
    Bài từ 2011 của RFA:
    http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/hanoi-music-lover-paid-a-price-08302011164521.html

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là độc tài toàn trị.

    Trả lờiXóa
  4. Tàn độc đến như thế là cùng ! (CHỨ KHÔNG PHẢI DÂN CHỦ ĐẾN NHƯ THẾ LÀ CÙNG đâu nhé )

    Trả lờiXóa
  5. nhạc vàng được mọi người hát và nghe mọi lúc mọi nơi nhạc đỏ chỉ còn hát vào những ngày kỷ niệm cái mà đảng cấm thì nhiều người hát cái mà đảng khuyến khích hát thì chả ai muốn hát

    Trả lờiXóa
  6. Nói không ai tin, đi tù những 8 năm vì hát.

    Trả lờiXóa
  7. Chả biết có ngày thằng hát nhạc 'đỏ' bị đi tù không đây ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc không có chuyện đi tù đâu, nhưng thế nào cũng bị khán thính giả bảo là đồ điên. Mong sao ngày đó mau đến.

      Xóa
    2. Thì cứ hát bài "Xuống đường" của Lưu hữu Phước xem sao.
      Cũng là nhạc đỏ đấy !
      -" Xuống đường, xuống đường, đập tan mọi xích xiềng..."

      Xóa
  8. Bây giờ ai hát bài " Chiến đấu vì độc lập tự do" của NS Phạm Tuyên là có thể đi tù đấy. Năm 1979 sau khi có lệnh tổng động viên , chúng tôi đi đào phòng tuyến ở Cao Bằng luôn luôn vang lên bài hát này và chúng tôi cũng hồ hởi hát theo, bây giờ tịt.

    Trả lờiXóa
  9. Ngược về những năm đầu 197x thế kỉ trước.. có 1 phiên tòa xử 1 ban nhạc hay hát tại-gia.

    Tội của các anh là .. hát nhạc tiền chiến, các anh cũng không hát nhạc phản động, nhưng ở cái thời chỉ có máu và sắt, thì bất kì bài hát nào không phải dạng : " đường ra trận giờ này đẹp lắm.... blah." đều bị cấm.

    Các anh đã tụ tập tại nhà riêng, và hát những bài mà anh em bần nông cầm quyền không thích, họ muốn dân hát nhũng khúc ca hoành tráng thúc giục co em ra xa trường, kiểu : " nào anh em ta cùng nhau xông pha....".

    Nhưng toán Lộc vàng ko hát những bài đó, họ hát những : suối mơ... bên rừng khuya vắng...

    Rốt cuộc, Lộc vàng, Toán xồm và đồng bọn ra tòa, với những thẩm phán là bần nông mõm vẩu tai chỉ quen nghe chèo thị màu lên chùa hay lưu bình dương lễ..
    Phiên tòa đã đc chép lại bởi nhạc sĩ lừng danh Tô Hải ( lưu ý đây là lời kể lại của ảnh trong H ỒI KÝ CỦA 1 THÀNG HÈN, tin hay ko tùy )

    Chánh án: -Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?

    Toán xồm: -Dạ! Thưa quý toà,con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!

    Chánh án: -Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?

    Toán Xồm: -Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất Bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!

    Chánh án: -Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?

    Toán Xồm: -Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!

    Chánh án: -Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?

    Toán xồm: -Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!

    Chánh án: -Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!

    Toán Xồm: -Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn... chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!

    Chánh án: -Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!

    Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.".

    Trả lờiXóa
  10. Ngày đó tôi còn nhỏ lắm, nhưng thấy các anh chị lớn mà ngân nga những ca khúc tình cảm, du dương đó là bị mẹ tôi bắt im ngay vì sợ "tai vách mạch rừng". Sợ hàng xóm tố cáo ra cuộc họp tổ dân phố....
    Sau này tôi lớn lên cũng thích dòng nhặc đó, nên đôi khi cũng tụ tập bạn bè hát vui với nhau. Mặc dù lúc đó không còn cấm, khắp các quán cafe mở nhạc đó công khai, nhưng khi xét tuyển cho tôi đi học nâng cao ở nước ngoài. Không có lý do gì để ngăn cản ko cho tôi đi, vì tôi là nhân viên giỏi lại là con liệt sĩ nữa, song chỉ vì mỗi lần họp cơ quan, thấy cái gì không đúng, tôi đều phát biểu thẳng thắn, nên ông trưởng phòng Tổ chức ghét tôi lắm. Hôm đưa ra đấu tố xét tiêu chuẩn "đạo đức" của tôi, ông ta lôi ra tội tôi thi thoảng hát "nhạc vàng" là có tư tưởng suy đồi về văn hóa và qui luôn là "phản động". Nếu cho tôi đi ra nước ngoài học, sẽ tạo nên "mầm mống phản quốc".... Khiếp thế đó.
    Cả cuộc họp sững sờ vì sự qui chụp, vì ai cũng quí tôi và đều khen tôi là đứa sống nhiệt tình, tham gia tất cả mọi phong trào văn thể của cơ quan, rất biết điều và sẵn sàng giúp tất cả mọi người.
    Tôi suýt bị loại, vì ai cũng sợ bị trù dập sau này, nên chỉ có vài lời phản đối yếu ớt, và đều bị ông ta gạt phắt.
    May chị Bí thư chi bộ là người thẳng tính, lại rất quí tôi đứng ra bênh vược tôi. Chị lý luận khúc chiết khiến ông ta hết cớ, thế là tôi được đi, mặc dù ông ta hậm hực bày ra một vài trò đểu nữa nhằm qui chụp tôi, song đưa ra cơ quan "lấy biểu quyết", thì ai cũng ủng hộ tôi, nên tôi mới được đi. Khi trở về, ông ta hành tôi nhiều điều vô lý kinh khủng nhằm gìm chân tôi, nên tôi xin nghỉ ra làm ăn riêng.

    Trả lờiXóa
  11. Ru con toàn bằng những bài ca dao thắm đẵm tình yêu trai gái, tình yêu mẹ con , tình yêu non nước, tình yêu làng quê . Vậy mà sao cs không bắt hết đi ? Nhạc vàng VN có từ trong trứng !

    Trả lờiXóa
  12. Đọc bài nói về ca sỹ Lộc vàng, chợt lại nhớ xưa , hồi xửa tức những năm 60 - 75 trở về trước ở miền Bắc. Các trường học từ cấp 2 trở lên đều bị cấm ngặt các bài hát trữ tình trước 1945 . Năm 1968 cậu bạn tôi thích hát và hát rất hay các bài hát loại đó như Dư âm, Cung đàn xưa, Gửi người em gái.. , Không may , cậu ấy bị đội cờ đỏ bắt tại trận khi đang hát bài " ..tôi xa Hà Nội năm lên 18.." cùng vài ba đứa, trong đó có tôi . Sau khi bắt làm hàng chục bản kiểm điểm, cậu ấy bị đuổi học, còn bọn tôi bị ghi " sổ đen". Kỷ niệm đáng sợ và đáng buồn đó cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi cho đến sau 1975. Vì ai, cái gì, tại sao đời sống âm nhạc VN ta bi đát và các ca sỹ, nhạc sỹ lại đầy bi kịch như thế?

    Trả lờiXóa
  13. Một thời mông muội ! Giữ được mạng sống là may rồi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thời mông muội vẫn đang tiếp diễn, chuyển qua các lĩnh vực khác, ví dụ trạm BOT, v.v...

      Xóa
  14. Xin nhớ: Nhiều bài hát chỉ phù hợp với không khí và xúc cảm của một thời. Nên công bằng, đặt chúng vào hoàn cảnh lịch sử.
    Nhưng - theo riêng tôi - Nhạc Vàng là vĩnh cửu với tâm hồn Việt

    Trả lờiXóa
  15. Năm 1974 tôi bị kiểm điểm trước tổ dân phố ở Hà Nội vì nghe những bài hát... phản chiến của The Beatles. Gã tổ trưởng tổ dân phố âm thầm bò sau nhà tôi để nghe tôi nghe nhạc gì? "À, tiếng nước ngoài. Quân phản động!".

    Trả lờiXóa