Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

CẦN THÊM SỬ LIỆU ĐỂ XÁC MINH NIÊN ĐẠI CÁI GỌI LÀ "ẤN ĐỜI TRẦN"

Ấn 'Sắc mệnh chi bảo': 
Cần thêm sử liệu để xác định niên đại
 

Đại Đoàn Kết
Thứ Ba, 01/03/2016 01:35:00

Xung quanh những quan điểm khác nhau về niên đại của chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo” cũng như việc thực hành nghi lễ khai ấn thể nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long- đã có một hội thảo khoa học do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long tổ chức (ngày /-2) để lấy ý kiến tham vấn của giới nghiên cứu khoa học. Để rộng đường dư luận, số báo này chúng tôi giới thiệu phân tích của nhà sưu tầm tiền cổ Nguyễn Anh Huy.


Ấn “Sắc mệnh chi bảo” thời Lê cũng có chữ “bảo” kiểu “2 chữ Vương song song”.

Ông Huy cho rằng, theo PGS Tống Trung Tín và PGS Hoàng Văn Khoán, kết quả giám định chiếc ấn này cho thấy ấn được khắc từ đời vua Trần Thái Tông. Tôi cũng đã từng say mê tìm hiểu ấn chương, và cho rằng trong khoa học, việc nhận định đúng sai, nhầm lẫn cũng rất bình thường. Tuy nhiên, kết quả của một nhận định, có thể dẫn đến những hệ lụy khác về mặt tâm linh, gây bức xúc dư luận, và cũng có nhiều nhà nghiên cứu muốn tham khảo ý kiến của tôi, do vậy, nhận thấy vấn đề này rất cần được bàn luận thêm...


PGS Hoàng Văn Khoán căn cứ vào thư pháp trên tiền cổ để giám định và khẳng định chiếc “ấn” đó là hiện vật đời Trần. Ông nói: “Về thư pháp, tiền cổ từ thời Lê về sau, chữ Bảo một bên bộ Vương, một bên bộ Phẫu. Riêng tiền đời Trần và Hồ, chữ Bảo gồm 2 chữ Vương song song. Đó là đồng tiền “Nguyên Phong thông bảo” của vua Trần Thái Tông và tiền “Đại Trị thông bảo” của vua Trần Dụ Tông”!

Thành thật mà nói, tôi nghiên cứu tiền cổ đã hơn 30 năm, xem hầu hết các công trình sưu tập tiền cổ trên thế giới, sách Lịch sử tiền tệ Việt Nam của tôi cũng đã tái bản (2010, 2013), trong đó cũng có hình 2 đồng tiền Nguyên Phong của Trần Thái Tông, nhưng tôi chưa bao giờ thấy tiền này có “2 chữ Vương song song” như PGS Hoàng Văn Khoán nói! Cho nên, tôi ước mong được PGS Hoàng Văn Khoán cho biết sưu tập nào có tiền Nguyên Phong của Trần Thái Tông có “2 chữ Vương song song” ?

Về tiền Đại Trị (1358-1369) cũng có một loại dị dạng có chữ “bảo” với “2 chữ Vương song song”, nhưng loại này tỉ lệ rất thấp, không phải là dạng chính, do đó không thể lấy đó làm chứng cứ. Hơn nữa, để chứng minh chiếc ấn trên của Trần Thái Tông khắc năm 1257 thì phải xem tiền lệ trước năm 1257 đã có sử dụng dạng chữ “bảo” này chưa thì mới có cơ sở !

Song thực tế, 2 đồng tiền Nguyên Phong của Trần Thái Tông, cùng thời với cái ấn trên, không hề có chữ “bảo” với “2 chữ Vương song song”! Còn nếu lấy đồng tiền Đại Trị kia đúc năm 1358 làm chuẩn để so sánh ngược lui về năm 1257, thì không khác gì “sinh con rồi lại sinh cha”!

Riêng về chuyện cho rằng chữ “bảo” với “2 chữ Vương song song” là thư pháp đặc trưng thời Trần thì tôi kính mời PGS Hoàng Văn Khoán xem các loại ấn “Sắc mệnh chi bảo” từ thời Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, đều có chữ “bảo” viết “2 chữ Vương song song”: Trên Facebook của nhà nghiên cứu Trần Văn Quyến có rất nhiều album hình ấn này mà tôi xin trích vài hình ảnh đại diện; sách Ấn Chương Việt Nam (từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX) của tác giả Nguyễn Công Việt (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005) có hình ấn thời Mạc cũng tương tự!

Tiếp đó, PGS Hoàng Văn Khoán dẫn sử liệu, cho biết năm 1257, Trần Thái Tông có dùng ấn gỗ. 


Ấn “Sắc mệnh chi bảo” thời Tây Sơn cũng có chữ “bảo” kiểu “2 chữ Vương song song”.

Để rõ ràng hơn, tôi xin trích lại nguyên văn từ Đại Việt Sử ký toàn thư (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993) tập 2, trang 29 cho biết: “Đinh Tỵ, (Nguyên Phong) năm thứ bảy (1257)... khi vua thân hành thống lĩnh sáu quân đi chống giặc, quan giữ ấn vội vàng giấu ấn báu lên tường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy lại mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng con ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ”.

Trang 101 cho biết thêm: “Bính Thìn, (Đại Khánh) năm thứ ba (1316). Mùa Xuân, tháng 2, xét duyệt quan văn và hộ khẩu có mức độ khác nhau. Các quan xét duyệt cho rằng những tấm thiếp đóng ấn gỗ vào năm Nguyên Phong (1251-1258) là giả tạo. Thượng hoàng nghe tin ấy, bảo họ: “Đó đúng là những tấm thiếp của nhà nước đấy”...”.

Đọc các dòng sử liệu trên, đối chiếu với cái ấn đã tìm được, ta thấy mấy vấn đề sau: Thứ nhất, các giáo sư chưa hề chứng minh thời Trần đã dùng ấn có dùng chữ “Sắc mệnh chi bảo” chưa?, hay là dùng ấn khắc các chữ khác? Bởi vì sử liệu không hề nói rõ là vua Trần có dùng ấn “Sắc mệnh chi bảo”, còn cái ấn gỗ vua Trần sai khắc là ấn “nội mật” dùng trong điều lệnh quân đội, chứ không phải là ấn “Sắc mệnh chi bảo” như PGS Hoàng Văn Khoán đã thêm thắt khi trả lời phỏng vấn!

Hơn nữa, khuôn dấu là sự biểu hiện uy quyền của vua, khắc ngược là khi quân, không thể có chuyện “Khắc phải như thế đóng ra thành trái, đó là sai. Thế nhưng trong khi chạy giặc thì vẫn sử dụng” như giáo sư giải thích ! Sử liệu cho biết vua chủ động “đi chống giặc”, chứ không phải là bị động mà “chạy giặc”!

Thứ hai, dấu gỗ được đóng trên các tấm thiếp hộ khẩu được xét duyệt năm 1316, mà Thượng hoàng nói là “của nhà nước đấy”, là dấu được quan lại dùng trên hộ khẩu, một loại văn bản hành chính xã hội, chứ không phải dấu “nội mật” trong quân đội của vua! Do đó, 2 khuôn dấu trong 2 sử liệu vừa dẫn là khác nhau chứ không phải là 1 khuôn dấu!


Ấn “Sắc mệnh chi bảo” thời Nguyễn cũng có chữ “bảo” kiểu “2 chữ Vương song song”.

Thứ ba, chúng ta được biết, một khuôn dấu được khắc bằng gỗ thì gỗ đó phải mềm, mới dễ khắc, và chất gỗ mềm thì mực mới thấm, đóng dấu mới ra hình! Nếu là gỗ mềm, được chôn dưới lòng đất ẩm đến gần 800 năm, khách quan mà nói, gỗ ấy có còn không? Giáo sư dựa vào chất mực đỏ còn dính trên ấn để giải thích: “Thêm nữa, son để sử dụng đóng dấu thì phải vua mới có, triều đình mới có. Hơn 700 năm dưới lòng đất rồi mà bây giờ son vẫn bám chắc vào gỗ đó, màu đỏ rực rỡ. Chứng tỏ rằng cái này dùng trong triều đình”. Chúng ta cũng cứ khách quan mà trao đổi: mực son ấy đóng trên giấy để lâu ngày còn bị phai, liệu bị chôn dưới lòng đất ẩm gần 800 năm, không bị phân hủy à?

Thêm nữa, chúng ta biết, nếu một khuôn dấu không dùng nữa thì phải thu hồi, có hội đồng chứng kiến hủy bỏ một cách rõ ràng để tránh bị lợi dụng làm văn bản giả, nên ấn không thể còn như thế được!

Vài ý kiến trên, cho thấy việc giám định cái ấn bằng gỗ kia được vua Trần Thái Tông khắc năm 1257 là chưa có cơ sở khoa học! Và nó ở đâu ra, thì chính PGS Khoán cũng nói rằng “có thể về sau nó rơi vãi”, nhưng “về sau” là khoảng thời gian nào?

Minh Quân (ghi)


3 nhận xét :

  1. Vương hay ngọc ?

    Chữ 王 trong chữ bảo 寶, giống như chữ vương nhưng thật ra là chữ ngọc 玉. Vì chữ bảo nghĩa là quý báu nên theo phép hội ý của chữ Nho suy ra gồm có chữ ngọc để chỉ ý.

    Một lý do nữa là chữ ngọc 玉 tự nó là một bộ. Bộ ngọc khi viết thành chữ khác không bao giờ có dấu chấm, thành thử ra nhìn như chữ vương 王 . Thí dụ, các chữ viết với bộ ngọc như: 珠 châu, 瑤 dao, 琴 cầm, 瑟 sắt v.v... Ngoài ra, chính chữ 王 là vua, 4 nét, nhưng thuộc bộ ngọc 玉 5 nét.

    Tóm tắt, 2 chữ 王 trong chữ bảo 寶 dấu triện chính là 2 chữ ngọc chứ không phải vương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ "vương" thuộc bộ "ngọc" ! Hơi ngược đời một tí tẹo, vì số nét của chữ lại ít hơn số nét của bộ của chữ ấy.
      Xin đừng chiết tự, mà hãy nắm bắt vấn đề đặt ra? Nghĩa là cái ấn đào được ở Hoàng Thành có thể ở đời Lý, đời Lê, đời Nguyễn, đời Tây Sơn? Có phải cái gì tìm thấy trong tầng khai quật đời Trần là thuộc đời Trần không? hay là nó chỉ là cái dấu giả của người chuyên làm sắc sao cho các làng?
      Chỉ còn lại là dùng phóng xạ các bon để xác định tuổi của "di vật" đào được, thì lúc đó mới rõ. TƯ DUY KHOA HỌC LÀ THẾ, CHỨ KHÔNG ĐOÁN MÒ, CHỨ KHÔNG ẤP ĐẶT. VÌ KHOA HỌC TỰ NÓ BIẾT NÓI, KHÔNG LÚC NÀY THÌ LÚC KHÁC NÓ SẼ "LÊN TIẾNG" !

      Xóa
  2. Không hiểu nhiều về việc xác định tuổi các cổ vật nhưng có thể dùng phương pháp mà các nhà khoa học khảo cổ trên thế giới hay đùng là dung c14 được không? nhiều cổ vật hàng vạn năm còn xác định dduwwocj nữa là ấn gỗ này. Nếu Việt Nam không có đủ phương tiện thuê thế giới xác địn, tiền hội thảo rồi tranh cãi có khi còn tốn kém hơn.

    Trả lờiXóa