Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

TIẾNG GÀ GÁY - Tùy bút Phạm Quang Long



Tiếng gà gáy

Phạm Quang Long
8 Tháng 2 lúc 0:45 ·

Mới 26 tháng Chạp, anh bạn từ Hoà Bình đem xuống cho đôi gà sống ăn Tết. Đôi gà béo, khoẻ mạnh. Tự nhiên thấy thích, đem nuôi mà quên luôn nhiệm vụ chính của chúng là dùng vào những bữa cỗ Tết.

Nửa đêm, đang ngồi làm việc chơt nghe tiếng gà gáy. Đầu tiên là một giọng đùng đục, trầm trầm, đúng là giọng thổ rồi tiếp theo là những tiếng trong và thanh hơn của giọng kim từ chính nhà mình. Rồi dồn dập hai ba giọng khác ở những nhà khác hoà theo. Như một làng quê vậy. Lại thấy bồi hồi nhớ những ngày xa lắc xa lơ về một làng quê nghèo khó mà thanh bình. Những kỉ niệm cũ từ ngày xưa sống lại, lúc rõ rệt, lúc mơ hồ nhưng cứ cồn cào.

Tiếng gà gáy quá quen thuộc với những người có những năm tháng gắn bó với nông thôn như tôi. Tiếng gà mùa hè nghe như thấy cái oi bức của không gian còn tiếng gà mùa đông dường như có cái rét ngọt, rét đậm trong ấy. Đang năm trên ổ rơm dưới bếp, hưởng mùi ấm nồng của khói trấu chợt nghe tiếng gà gáy dồn là biết phải dậy đi học rồi. Chao ơi ngại vì cái rét ngọt. " Tháng "Giêng rét đài, tháng hai rét lộc" là đây. Rét, chân trần dẵm lên cỏ ướt sương đêm, ửng đỏ vì cước, dẵm lên đường xuyên qua những cánh đồng mới cày vỡ...tê cứng để đến trường. Sương mù mùa Đông trắng đục dâng lên trên cánh đồng vắng và lũ học trò chúng tôi đi như bơi trong sương. Có hôm mù nhiều, đến nơi áo sống ẩm hơi sương còn người thì tê cóng. Nhìn những ánh lửa của các gia đình bên đường chỉ muốn sà vào ngồi nhờ một lát cho đỡ rét.

Hai hôm nay chỉ còn gà nhà tôi gáy. Lũ bạn nó đã bị giết cả rồi. Hai con gà nhà tôi vẫn gáy vào những giấc nửa đêm, tảng sáng nhưng không còn hô ứng như mấy hôm trước. Vợ tôi bảo: " Anh nuôi đến bao giờ?". Tôi bảo " Anh nuôi cho nó đẻ". Vợ trố mắt: " Gà trống mà đẻ được?". Tôi phì cười: " Tự nó không đẻ ra trứng mà cần máy đẻ. Phải cưới vợ cho nó nữa". Thế là vợ sốt sắng bàn chuyện mua chuồng, nuôi gà sạch.

Tôi chỉ muốn nghe tiếng gà gáy thôi. Nghe nó gáy như thấy vui hơn, thấy một cái gì đó gần gũi, bâng khuâng của một thời đã xa đang trở lại. Có lẽ do nhàn rỗi mà dở chứng chăng? Nhưng, tiếng gà gáy giữa phố thị sao nghe yên bình và thương mến thế?
 
P.Q.L
 

5 nhận xét :

  1. Bài viết ngắn nhưng quá hay,gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu.Cám ơn tác giả Phạm Quang Long và Tễu-Blog rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Thường chỉ nghe nói đến gà gáy sáng
    giờ lại nghe tiếng gà lúc nửa đêm.
    Chợt nhớ ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao:
    ...Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
    Với khói bay trên sông
    Gà đang gáy trưa bên sông
    Một trưa nắng vui bao nhiêu tâm hồn...
    Vậy mà niềm vui vô hại ấy
    bị cấm cản suốt mười mấy năm trời trên đất Việt này.
    Lời ca ấy
    tiếng gà gáy trưa ấy
    không được phép cất lên từ xứ sở của nó.
    Nó chỉ được phát trên làn sóng của Đài phát thanh Tiếng Nói Nước Nga.
    Cũng đáng thương thay
    Và tủi nhục thay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra thì gà không chỉ gáy sáng.
      Nhưng tiếng gà gáy sáng nghe rõ nhất vì nó nhắc nhở người ta một ngày làm việc mới bắt đầu.
      Tiếng gà nửa đêm chỉ làm xao xuyến những người thao thức với một nỗi niềm nào đấy.
      Tiếng gà trưa thì lẫn với tiếng ồn xô bồ của đời sống muôn loài. Chỉ những ai chờ mong thì mới có.

      Xóa
  3. Tiếng gà gáy. Xưa nay gà gáy nhiều ở lúc gần sáng nhằm dục con người dậy đi làm. Nay gà gáy lúc nửa đêm vì cả Dân tộc ta ngủ mê man hơn nửa thế kỉ nên phải đánh thức lúc nửa đêm may chi còn kịp dậy chung cùng nhân loại. Con gà cửa tác giả PQL không cần lên Thiên đàng (đến 30 têt được lên thiên đàng) nà ở lại để cùng Dân tộc mà thức tỉnh nhiều người, không mãn nguyện một mình.
    Cảm ơn tác giả và TỄU!

    Trả lờiXóa
  4. Còn tôi ở xa lắm nhưng vẫn nhớ đến nao lòng Tổ quốc tiếng gà trưa.
    Cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa