GS Vũ Dương Ninh:
'SGK dứt khoát không được né tránh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc'
VNExpress
Chủ nhật, 21/2/2016 | 10:09 GMT+7
VNExpress
Chủ nhật, 21/2/2016 | 10:09 GMT+7
'Những tác giả chúng tôi rất không thoả mãn với việc thể hiện cuộc chiến biên giới phía bắc trong sách giáo khoa, nhưng cuối cùng, đành chấp nhận', GS Vũ Dương Ninh, đồng chủ biên cuốn sách Lịch sử lớp 12 trao đổi với VnExpress.
Cuộc chiến chống quân Trung Quốc chỉ có 11 dòng trong sách giáo khoa
35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc
- Trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12, nội dung về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 còn rất sơ lược. Là đồng chủ biên, ông lý giải thế nào về vấn đề này?
- Trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12, nội dung về cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 còn rất sơ lược. Là đồng chủ biên, ông lý giải thế nào về vấn đề này?
.
- Vào thập niên đầu năm 2000, Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức trại sáng tác sách giáo khoa. Một vấn đề được đưa ra thảo luận khi đó là sách Lịch sử lớp 12 nên viết thế nào về những sự kiện có liên quan đến vấn đề hải đảo và biên giới đất liền giữa Trung Quốc và Việt Nam. Có ý kiến chỉ đạo là không viết vì khi đó ta vừa bình thường hoá quan hệ với nước bạn. Tuy nhiên, các thầy giáo không đồng ý mà chủ trương viết đầy đủ sự kiện đã xảy ra vì Lịch sử phải khách quan.
Sau những hồi thảo luận sôi nổi, cuối cùng mọi người đi đến kết luận là nhất định phải viết, rồi giao một số thầy thực hiện. Sự kiện Hoàng Sa thời điểm đó chưa công bố thông tin nên chỉ có vấn đề chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc được đưa vào sách.
Ban đầu các tác giả viết khá dài và chi tiết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Sau vì khuôn khổ sách giáo khoa quy định, chủ yếu vì lý do "quan hệ tế nhị" với nước bạn nên nội dung này bị sửa đi sửa lại nhiều. Từ 4 trang xuống chỉ còn 11 dòng. Những tác giả chúng tôi rất không thoả mãn vì với nội dung như thế chưa thể nói lên được điều gì. Cuối cùng, chúng tôi đành chấp nhận vì ít nhất, sự kiện đã được nêu ra để học sinh biết đến.
- Việc đưa thông tin các sự kiện đấu tranh bảo vệ biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh, sinh viên có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Trước hết ta cần khẳng định, phải viết các sự kiện đấu tranh bảo vệ biên cương của tổ quốc trong sách giáo khoa vì tính khách quan của lịch sử, tính giáo dục truyền thống của sử học và vì yêu cầu, đòi hỏi của xã hội.
Về nguyên tắc, lịch sử luôn ghi lại những sự kiện khách quan đã diễn ra và có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước. Trong việc chọn lọc các sự kiện thì cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương của tổ quốc, cả đất liền và hải đảo, đều là sự kiện rất quan trọng, không thể không nói tới. Sách giáo khoa Lịch sử do đó, phải tôn trọng sự thực khách quan này.
Qua dư luận, tôi thấy nhu cầu lớn của xã hội đòi hỏi được biết những sự thật đã xảy ra một cách đầy đủ. Việc bưng bít thông tin đang khiến nhiều người nghi ngại là chúng ta sẽ chuẩn bị thế nào nếu tình hình tương tự xảy ra. Với học sinh, sinh viên từ chỗ không biết sẽ không phân biệt được đúng sai. Từ đó các em không chuẩn bị được tinh thần cảnh giác để nhìn nhận đúng nguy cơ và sẵn sàng đứng lên bảo vệ khi đất nước có biến.
Với tư cách một người giảng dạy Lịch sử, tôi rất lo nếu cứ cắt xén sự kiện thế này, thế hệ sau sẽ không tiếp nhận được thông tin đúng đắn để có định hướng rõ ràng. Sự bưng bít thông tin một cách cố ý tạo nên hậu quả nguy hiểm khôn lường.
- Trong sách giáo khoa mới chuẩn bị ban hành, nội dung về chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo, theo ông nên được đưa vào như thế nào là hợp lý?
- Sách giáo khoa mới nhất thiết phải nhắc tới các sự kiện bảo vệ biên giới đất liền và hải đảo, từ những vụ như: Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1978-1979, trận chiến Vị Xuyên bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1984, trận đánh Gạc Ma bảo vệ Trường Sa năm 1988…
Việc viết các nội dung ấy, theo tôi phải dựa trên 5 nguyên tắc:
Thứ nhất, viết đúng sự thật lịch sử đã xảy ra là ngày tháng nào, có cuộc tấn công gì, diễn ra ra sao và hậu quả như thế nào.
Thứ hai, phải phân tích được tính chất của cuộc đấu tranh ấy, về phía Việt Nam là cuộc chiến chống xâm lược để bảo vệ biên cương, hải đảo, toàn vẹn lãnh thổ. Ở đây cần nhấn mạnh yếu tố xâm lược của Trung Quốc khi họ chiếm Hoàng Sa, tấn công biên giới nước ta, do đó chúng ta phải tiến hành đấu tranh chống xâm lược. Cuộc đấu tranh ở biên giới phía Tây Nam cũng là nhằm bảo vệ biên giới, lãnh thổ nước ta, đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Việc nêu rõ tính chất cuộc chiến sẽ giúp ta giữ được ngọn cờ chính nghĩa, bác bỏ luận điệu Việt Nam xâm lược Campuchia hay Trung Quốc chiến đấu là để phản kích tự vệ.
Thứ ba, phải nhấn mạnh tinh thần chiến đấu hy sinh của quân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương, từ những cái chung rồi nêu đến những nhân tố điển hình.
Thứ tư, cần giáo dục tinh thần cảnh giác cho học sinh vì cuộc chiến này chưa kết thúc. Có những lúc nó mang tính chất ôn hoà, lặng lẽ nhưng có lúc bùng lên bất ngờ. Vì thế ta phải cảnh giác, sẵn sàng đề phòng và chống lại những hành động xấu, những hành vi xâm lược của đối phương.
Thứ năm, nhấn mạnh truyền thống yêu nước, đồng thời tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Quan điểm của ta là quyết đánh để bảo vệ nền độc lập nhưng vẫn coi trọng những mối quan hệ hữu hảo giữa các quốc gia, dân tộc. Bằng chứng lịch sử rất rõ là ta đã đánh Pháp, đánh Mỹ quyết liệt, nhưng quan hệ hiện nay với 2 nước đó phát triển tốt đẹp. Do đó, không thể nói rằng nếu đưa thông tin lịch sử về các sự kiện như chiến tranh biên giới 1979 sẽ ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị Việt - Trung. Đây là sự nguỵ biện. Việc gì phải ra việc ấy. Bản thân cuộc chiến tranh đã diễn ra như thế nào thì ta phải nói đúng như thế ấy. Còn xây đắp tình hữu nghị thì ta vẫn làm, vẫn phát huy mặt tốt.
Cách viết các nội dung về chiến tranh biên giới trong sách giáo khoa vừa phải tuân thủ tính khách quan, sự thật lịch sử nhưng đồng thời phải theo nguyên tắc sư phạm tức là không thể viết dài mà nêu ngắn gọn, đầy đủ bản chất. Do bị hạn chế về số trang sách, thời lượng giảng dạy nên bên cạnh bài chính nên có sự tích hợp để tạo ra các chuyên đề, hoạt động ngoại khoá cho học sinh tìm hiểu sâu hơn. Việc chuẩn bị kiến thức đầy đủ cho giáo viên các môn liên quan như Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử… để cùng nói về sự kiện sẽ tạo cho học sinh ấn tượng, nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
Trong thời gian chờ đợi sách giáo khoa mới phải vài năm nữa mới có, tôi nghĩ các thầy giáo giỏi của các trường chuyên có thể tập trung viết một tài liệu để giảng dạy, đáp ứng nhu cầu về mặt giáo dục cho học sinh. Tài liệu này tất nhiên có sự thống nhất và chỉ đạo của nhà trường, các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 (xem chi tiết).
- Quan điểm biên soạn sách giáo khoa lịch sử của một số nước như thế nào và chúng ta nên học tập những gì từ họ?
- Sách sử ở nhiều nước hiện nay trình bày khách quan những sự việc đã xảy ra rồi gợi ý cho học sinh thảo luận, nhận xét. Một ví dụ điển hình là ở Mỹ, khi dạy về chiến tranh Việt Nam, ngoài các sự kiện chính, họ có một bài về Hollywood và chiến tranh Việt Nam. Trong đó nêu ra 5 phim để học sinh xem và bình luận. Tôi nhớ có một phim kể về cựu chiến binh Mỹ nhận được rất nhiều huân chương khi tham gia chiến tranh Việt Nam nhưng lúc trở về Mỹ thì gặp phải sự lạnh nhạt, thờ ơ của mọi người. Anh này dần dần nhận thức ra vấn đề về sự phi lý của cuộc chiến ở Việt Nam và sau đó trực tiếp tham gia biểu tình chống chiến tranh. Ví dụ này cho thấy, họ cố gắng đảm bảo tính khách quan, tôn trọng sự thật của khoa học Lịch sử.
Trong một thời gian dài chúng ta chỉ coi Lịch sử, Văn học như công cụ để giáo dục tư tưởng mà không phải là một khoa học, do đó có thể cắt xén theo ý mình muốn. Chính sự không khách quan này là một lý do khiến học sinh chán học sử.
Sách giáo khoa Lịch sử của các nước thường ít lời nhưng có nhiều hình ảnh về sự kiện, các biểu đồ, bản đồ cuộc chiến đấu cùng màu sắc sinh động để gây ấn tượng. Đan xen vào các thông tin cơ bản là những mẩu chuyện nhỏ kích thích sự tìm hiểu của học sinh. Bài giảng chính rất ít lời nhưng phần hướng dẫn học tập: nêu một vài trích dẫn, mẩu chuyện về sự kiện, các từ khoá, câu hỏi gợi ý cho học sinh… lại là phần chủ yếu. Học sinh có thể trả lời khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Các em được đánh giá ở khả năng nhận thức, lập luận và diễn đạt, chứ không ở chỗ có nói đúng bài của thầy cô hay không.
Sách giáo khoa của ta chưa làm tốt những điều này, hy vọng sắp tới sẽ có nhiều thay đổi theo hướng cải cách giáo dục cơ bản và toàn diện.
.
Phải vạch mặt, chỉ đích danh những kẻ hèn nhát nào đã chỉ đạo không đưa diễn biến cuộc chiến tranh biên giới do giặc Tầu gây ra năm 1979 vào sách lịch sử giáo khoa để khơi dậy lòng yêu nước và căm thù giặc bành trướng BK trong nhân dân và thế hệ trẻ VN.
Trả lờiXóaCòn môn sử còn được 11 dòng về ct xâm lược trung quốc,sắp tới khi không còn môn lịch sử riêng biệt nữa thì sẽ không còn dòng nào về cuộc chiên này,như mấy chục năm qua đã không nhắc đến vậy.Thời đại rực rỡ nhất của dân tộc là như vậy.
Trả lờiXóaTôi chẳng hiểu sao mà có biết bao nhà giáo , nhà sử học , các soạn giả , giáo sư tiến sĩ...mà đến giờ vẫn chưa điều tra ra ai, người nào , chức vụ gì ...đã ra quyết định , có ý kiến...về việc loại bỏ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới từ năm 79 đến cuối những năm 90 ra khỏi chương trinh SGK ! Cần phải vạch mặt chỉ tên cụ thể để cho toàn dân phỉ nhổ vào bọn việt gian phản động này!
Trả lờiXóaCCB đánh Tàu.
Ông Gs này chỉ có nói được ý là phải đưa chiến tranh với Tàu vào sách giáo khoa .Còn lại thì tẩt cả các ý kiến khác ,tư duy ,cách viết lịch sử và dạy sử cho học sinh toàn là quá kém .
Trả lờiXóaĐưa ra quan điểm dạy sử hiện đại lại mâu thuẫn với quan điểm dạy của ông với học sinh Việt Nam , ý trước đá ý sau.
Tóm lại với tư cách là gs và người chủ biên và dạy lịch mà ông chỉ nói đúng về liên quan tới tàu ,còn lại ở ông tư duy xơ cứng và giáo điều về lịch sử thì bảo sao việc dạy và học sử hiện nay không đi vào ngõ cụt .
Nản cho cái gọi là sừ học nước nhà , cách viết , đào tạo và dạy học sử theo Liên Xô và Tàu Mao mấy chục năm đến nay đã cho ra hậu quả rồi.
Nói trắng ra là toàn bài viết này chỉ trừ chuyện liên quan với tàu và dạy học sử của Mỹ ra .Còn lại là tư duy thiếu khoa học của người dạy sử ,cũng tương tự như những thế hệ viết sử ,dạy sử hiện nay ở mọi cấp học.
Chỉ đạo của Ban tuyên giáo TW, như vừa rồi định tích hợp môn: quốc phòng, lịch sử, giáo dục công dân cũng theo ý của BTGTW.
Trả lờiXóa