Bát hương tưởng niệm tại tượng đài Lê Thái Tổ ngày 17.2.2016 đã “hoá”.
DÂN CHỦ ĐẾN THẾ LÀ CÙNG (?!)
GS. Tương Lai
Bùi Văn Bồng Blog
Câu này là của ông Trọng. Đành phải mượn để tăng thêm tính hài hước cho “mênh mông thế sự 28” thiên về “tả chân” một sự thật bẩn thỉu của cái gọi là “dân chủ phải có kỷ cương” để mong làm nhoè bớt đi sự nhày nhụa của một sự kiện. Xin trích nguyên văn những lời vàng ngọc của ngài Tổng nói trước báo giới quốc tế: “dân chủ đến thế là cùng, không có dân chủ gì hơn nữa… cho nên tại sao Đại hội lần này tôi nói ngay là một đại hội biểu thị tinh thần dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ”. Thế rồi kịch bản Đại hội đã được “nghiệm thu” chỉ một ngày sau lễ bế mạc - hảo, hảo “hấn háo lơ” 挺好 - rất tốt. Và đây là lúc thực hiện:
Ngày 17.2.2016, cả nước tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong cuộc chiến chông Trung Quốc xâm lược tại biên giới phía Băc năm 1979. “Mặc dù diễn ra không quá lâu như các cuộc chiến chống Pháp, Mỹ những năm trước nhưng về tính chất, nó thậm chí còn ác liệt hơn… Có những trận đánh mà chiến sỹ ta hy sinh gần hết cả quân số một tiểu đoàn, bỏ lại thân xác nơi bãi mìn, khiến cho việc quy tập hài cốt vô cùng khó khăn”. Đó là lời của người trong cuộc, thiếu tướng-anh hùng Lê Mã Lương, trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) hiện vẫn day dứt với hình ảnh “ẩn trong những vách đá tai mèo dựng đứng, khô khốc kia là những mảnh xương cốt mà hàng ngàn đồng đội ông vẫn nằm lại để đổi lấy hòa bình cho đất nước”. [Theo PetroTime ngày 16.2.2016]
Sáng sớm ngày 16.2.2016, Huỳnh Kim Báu gọi điện cho tôi hỏi thăm sức khoẻ và bảo: “Biết là anh đang bệnh, chắc là không ra được phải không”, tôi ậm ừ không trả lời. Vì quả thật, không hiểu mình có thể đến được cuộc mitting tưởng niệm dưới chân tượng Đức Thành Trần như những năm trước không nữa. Thế nhưng, đêm nằm không sao ngủ được. Làm sao có thể không đến?
Trước mắt tôi cứ hiện lên hình ảnh cháu Ngọc, 19 tuổi, con trai ông Bền trên gác nhà tôi ở 9 Hàn Thuyên Hà Nội trước đây. Bắt tay và nhét vào túi áo của bộ quân phục mới toanh nhưng quá rộng với vóc dáng gầy guộc của cháu món quà mọn tiễn cháu lên đường nhập ngũ và biết chắc sẽ được điều lên phía bắc cách nay thế là 37 năm. Thế rồi mãi mấy tháng sau gia đình cháu nghe phong thanh cháu hy sinh, nhưng hình như gần cả năm mới có báo tử chính thức. Tin dữ nửa tin nửa ngờ ấy là từ câu chuyện kháo nhau lúc tham gia đào đắp phòng tuyến bên Sông Cầu chỉ đủ giục giã nhát cuốc đào đất chát chúa vội vã hơn chứ chưa đủ thấm sâu vào trong đầu khi mà trường hợp cháu Ngọc đâu có phải là hãn hữu! Có rất nhiều những cái tên khác thì thầm hoặc bật ra khá thường xuyên chen vào những nhát cuốc đào đất đắp phòng tuyến. Thế rồi năm 1997, khi lên chào ông Bền để vào Nam, tôi chỉ biết ngước nhìn lên tấm di ảnh của cháu mà lòng cuộn lên nỗi băn khoăn khó tả. Để hôm nay, 37 năm sau cái bắt tay dạo ấy, sao tôi lại xốn xang day dứt làm vậy khi nhớ lại khuôn mặt và ánh mắt của cháu Ngọc- mà thật ra dạo ấy- khi hàng ngày gặp cháu tôi chẳng có ấn tượng nào sâu đậm cả?
Ám ảnh bởi ánh mắt của cháu Ngọc cũng chính là nỗi ám ảnh về những đôi mắt đã mãi mãi nhắm lại, những đôi mắt của cả một thế hệ tuổi trẻ đang dõi theo những người đang sống. Và rồi người ta đã tàn nhẫn phản bội lại sự hy sinh của Ngọc và hàng ngàn, hàng vạn những Ngọc khác, “ẩn trong những vách đá tai mèo dựng đứng, khô khốc kia là những mảnh xương cốt mà hàng ngàn Ngọc vẫn nằm lại để đổi lấy hòa bình cho đất nước”. Thế mà, để bám giữ cái gọi là “ý thức hệ XHCN” từng được cam kết bởi “mật ước Thành Đô”, bằng sự “lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng”, người ta đã hạ lệnh cho cả một dân tộc phải tuyệt đối câm lặng không được nhắc đến tên cuộc “chiến tranh biên giới” có thể làm mếch lòng thượng quốc, điều mà những Ích Tắc, Chiêu Thống xưa kia cũng không táng tậm lương tâm đến thế. Khốn nạn và nhẫn tâm hơn là người ta không ngần ngại chà đạp lên đạo lý dân tộc để quyết “chỉ đạo” đục bỏ tên trên bia kỷ niệm các liệt sĩ đã hy sinh nơi biên cương của tổ quốc.
Cùng với việc làm táng tậm lương tâm đó, Ban Tuyên Giáo TW chỉ đạo gắt gao theo mệnh lệnh từ nơi trực tiếp nối đường dây nóng với Tập Cận Bình, để ngay khi đã buộc phải nói về cuộc chiến biến giới trên báo chí, thì trong sách giáo khoa, cuộc chiến tranh ấy chỉ được ghi lại bằng 11 dòng và 140 chữ trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12!
Chưa hết, nhằm làm vừa lòng quan thầy, họ đã quyết liệt dùng bạo lực để đàn áp khốc liệt những người yêu nước dám thắp hương tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược. Để tránh búa rìu của dư luận thế giới, người ta dùng côn đồ thay công an, cảnh sát để trấn áp người yêu nước, kể cả các cụ già và trẻ em. Người ta quên mất rằng, trong thời buổi internet nối mạng toàn cầu, mọi hành vi tội ác đều được phơi bày, thậm chí là ngay lập tức trước ánh mắt trực tiếp của công luận. Thì đấy, những videoclip quay cận cảnh việc lũ côn đồ ngăn không cho thắp hương hoặc rút bỏ, dập tắt những nén hương đã được thắp lên dưới chân tượng Đức Thánh Trần nhìn ra Bến Bạch Đằng của Sài Gòn lúc 9h20 ngày 17.2.2016. Xin hãy nhìn cho kỹ để thấm thía sự nhày nhụa của cái gọi là “dân chủ đến thế là cùng” của ông Trọng!
Tôi cứ ngỡ như ánh mắt căm hờn của cháu Ngọc và những người đồng đội của Ngọc đang nhìn thẳng vào hành động mị dân với việc cũng thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ biên giới nhưng không dám gọi rõ tên kẻ thù đã xả súng vào họ là Trung Quốc xâm lược nhưng với cuộc chiến 9 năm thì gọi rõ là chiến tranh chống Pháp, rồi tiếp đó nói rõ là chiến tranh chống Mỹ. Nỗi sợ Tàu đã thấm vào tim óc rồi sao? Hay lối trí trá này là cách kín đáo biểu tỏ sự tri ân người đã giúp mình hạ bệ đối thủ chứ không phải là sự quay quắt quen thuộc nhằm lấp liếm những ý đồ đang dấu kín trong đầu? Lịch sử rồi sẽ rất sòng phẳng với câu trả lời giữa thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi. Không gì dấu được đôi mắt tin nhạy và công bằng, chính trực của nhân dân! Những người đã chết đang đòi hỏi những kẻ đang sống không được mượn cái chết của họ để toan tính những âm mưu.
Vậy thì làm sao có thể đang tâm ngồi nhà trong những thời khắc nghiệt ngã làm xáo động lương tâm khi mà trong tôi, tiếng nói của lương tri, lương năng đang âm thầm giục giã. Quyết định sẽ đến kiểm tra mắt định kỳ chừng 20, 30 phút rồi đi thẳng đến tượng đài Trần Hưng Đạo thắp nén nhang tưởng niệm chiến sĩ và đồng bào, trong đó có Ngọc và nhiều chàng trai như Ngọc đã ngả xuống để cho tôi, con cháu tôi được sống, tôi gọi taxi. Vừa bước xuống đường, mở cánh cửa taxi thì có người níu lại. Gạt tay anh ta ra, tôi ngồi vào ghế taxi đóng cửa thì bị cản lại. Một anh chàng nét mặt không lấy gì làm bặm trợn nhưng giọng thì rất hách với chàng lái xe: “không được đi”. Mở cửa xe, tôi hỏi: “anh muốn gì? Công an à, giấy tờ đâu, lệnh khám xét đâu”.
Hắn lùi lại ngoắc tay, hất hàm gọi Sáng, bí thư Đảng uỷ Phường vốn rất quen với chuyện này, nhưng lại rất thân tình “chú cháu” ngọt xớt với tôi, Tết vừa rồi đến thăm, quà cáp rất hậu hĩnh. Sáng tiến đến gần “Chú ơi, thôi chú tuổi cao rồi, chú về nhà nghỉ cho khoẻ chú ơi”. Tôi cười “Cậu không có câu nào mới hơn, hay hơn à? Câu này tớ nghe mãi chán lắm rồi, và cậu không thể cản được tôi với luận điệu cũ rich này đâu”.
Đột nhiên Sáng đổi giọng : “Chú muốn đi nhưng không đi được. Mời chú lên nhà”. Tôi nổi đoá: “Thế tôi cứ đi thì cậu làm gì, đánh tớ à?”. Tôi kéo cửa xe đánh rầm, giục tài xế “Đi thôi”. Lập tức và rất chuyên nghiệp, hai cảnh sát giao thông rồ xe trước mũi taxi, quát tài xế xuống xe trình giấy tờ. Cậu lái xe cuống “Bác ơi, họ phạt cháu đấy, cháu không dám để bác đi đâu, bác lên xin cho cháu”. Tôi xuống xe, đến gặp tay cảnh sát giao thông “Tớ không xin gì cả, cậu phạt vì lý do gì, ghi rõ vào biên bản, phạt bao nhiêu tớ cũng trả, chỉ cần cậu ghi biên lai thật rõ ràng chính xác để tớ còn đưa cho Đinh La Thăng, vì sau chuyện này thế nào tớ cũng gọi cho ông Đinh La Thăng, Tân bí thư Thành uỷ, lại nguyên là Bộ trưởng Giao thông”.
Tôi nói nhẹ nhàng, vả lại, ngoài 80 rồi, không đủ sức gào to lên như chàng trai cùng học một trường với ông tân Bí thư Thày uỷ giương cao vòng hoa tưởng niệm bị bọn côn đồ phá nát trước tượng đài Đức Thánh Trần “Đinh La Thăng đâu? Hãy nhìn đây. Đinh La Thăng, tân bí thư Thành uỷ Sài Gòn đâu, hãy trả lời cho dân đi” mà ai đó đã ghi rõ mồn một cả hình lẫn tiếng trong một đoạn video clip vừa được tung ngay lên mạng chỉ mấy chục phút sau đó rồi một clip khác ghi lại hình ảnh anh đang nêu lên những thắc mắc cần được trả lời cũng đã được đưa lên mạng.
Tuy tôi nhỏ nhẹ, nhưng xem ra viên cảnh sát giao thông cũng là người am hiểu chuyện đời nên lùi lại, vẫy tay “tha bổng” cho lái xe. Nhìn thấy vẻ hoảng hốt tội nghiệp của chàng taxi, tôi gọi Sáng, bí thư Đảng uỷ Phường : “Tôi đi khám mắt đây, cậu ngồi vào xe cùng đi cho an tâm”. Bí thư Sáng dại dột tra vấn tôi, “chú đi khám mắt ở đâu, sao không vào bệnh viện Pháp Việt”, rồi lại đưa tay định giật cái túi giấy có logo của Phòng Khám trong tay tôi đựng bao kính và bệnh án mắt. Tôi nổi điên quát to “Cậu định làm gì? Khám xét à? Trời ơi, sao mày ngu thế, bí thư Đảng uỷ Phường mà lại đi làm một chuyện ngu xuẩn phạm pháp như vậy à? Ai cho phép các người làm chuyện bậy bạ này”?
Lúc này số người tụ tập ngày càng đông, mà tôi lại quát rất to: “Dùng một lực lượng như thế này, vừa công an, vừa cảnh sát, vừa Đảng Uỷ Phường, Chi bộ khu phố, tổ trưởng dân phố để ngăn chặn một ông già 80 vì sợ ông ta hôm nay, 17.2, đi thắp hương tưởng niệm đồng bào và chiến sĩ bị bọn xâm lược Trung Quốc giết hại trong chiến tranh biên giới thì còn có đạo lý nào nữa không? Có phải đây là biểu tỏ cái “Dân chủ đến thế là cùng” của Tổng Trọng đã nói với báo chí quốc tế không? Ngần này lực lượng được huy động chỉ để ngăn chặn hành động của một ông già đang phải chống gậy đi chữa bệnh thì thuế nào của dân đóng cho xuể đây? Càng nói tôi càng hung, khó kiềm chế nỗi sự phẫn nộ đang dâng trào trong tim.
Trước mắt tôi những diện mục bặm trợn hoặc đờ đẫn vô hồn đang ngăn cản tôi cứ nhoè dần đi để chỉ còn bừng lên ánh sáng ám ảnh đôi mắt của Ngọc nhìn tôi như trách móc, như giục giã. Mà không. Không chỉ của Ngọc 9 Hàn Thuyên của tôi ở Hà Nội. Mà là của hàng vạn Ngọc trên khắp sáu tỉnh biên giới phía bắc, hàng chục vạn, hàng chục triệu người đã nằm xuống để bảo vệ từng thước đất, từng góc biển, từng mảnh trời của Tổ Quốc trong hơn nửa thế kỷ.
Và, xốn xang day dứt hơn nữa là ánh mắt của những người liệt sĩ bị đục bỏ tên mình trên tấm bia tưởng niệm đang đội mồ đứng dậy hỏi tội những kẻ phản trắc, táng tậm lương tâm gọi kẻ xâm lược từng bắn giết họ là đồng chí. Chẳng những thế còn trải thảm đỏ tại Hội trường Diên Hồng trong toà nhà Quốc Hội để mời tên cướp nước đến truyền ban thiên triều thánh chỉ! Không một vị đại biểu của dân nào, kể cả những người từng cao đàm khoát luận chứ không chỉ là những con khiếu hót làm cảnh mua vui cho những màn trình diễn nhàm chán dám biểu tỏ một chút sự phẫn nộ, cho dù chỉ một ánh mắt!
Xương người đâu phải là gỗ mục, máu người đâu phải là nước lã rãi khắp, thấm đẫm trên từng thước đất của non sông đất nước, để rồi người ta dẫm đạp lên trong cuộc tranh giành quyền lực. Rồi vì quyền lực ấy mà cúi đầu trước toan tính nham hiểm của kẻ thù!
Thấy giọng tôi càng nói càng to và bà con đường phố dồn lại càng đông, Sáng vội vã trèo lên xe giục tôi, “nào cháu ngồi cùng chú đến bệnh viện”. Không hiểu sao tôi bật ra lời phẫn nộ khá tàn nhẫn “Bây giờ thì tôi không cho anh ngồi cùng tôi nữa. tôi ghê tởm anh. Từ nay tôi cấm anh không được bước vào nhà tôi, nhiều lắm, tôi chỉ đồng ý để cô chi uỷ viên của Chi bộ đến thu đảng phí, còn các anh, tôi cấm cửa”. Tôi nhận ra sự ngu ngốc vì đã ngây thơ đưa tặng anh ta cuốn sách của tôi với lời đề tặng “để anh hiểu được những gì tôi muốn nói”. Uớc gì ai đó xé hộ tôi cuốn sách đang nằm đâu đó trong góc tủ nhà anh ta hoặc chính anh ta tức giận vì những lời sỗ sàng của tôi mà xé đi thì đỡ tức! Tôi nói với cô Chi uỷ viên “Cháu còn trẻ, hãy suy nghĩ bằng cái đầu của mình, đừng biến mình thành một công cụ cho những kẻ nắm quyền sai mình làm những việc mà chú biết cháu không muốn làm”.
Sau đó liên tiếp tôi gọi ba chiếc taxi , thì rồi cả ba lần lượt bị hai xe của cảnh sát giao thông bắt dừng lại kiểm tra giấy tờ và nộp phạt. Biết rõ việc phi pháp tệ hại của bọn họ, nhưng tôi hiểu ra rằng, trên đất nước của cả rừng luật chỉ để làm cảnh, duy nhất luật rừng là phát huy đầy đủ công năng của nó sẽ không đủ thời gian để tranh cãi mà chắc chắn mọi tranh cãi về luật với họ là vô nghĩa, tôi rút ví lấy tiền rồi giúi vào tay ba chàng taxi để đỡ cho họ phần nào số tiền bị “làm luật” vì trót dại đã dừng xe đón tôi.
Tôi xuống đi bộ vì biết rằng tất cả taxi chạy trong tuyến phố này đã bị phong toả hoặc hăm doạ. Nhưng rồi, “oan oan tương báo” hay sao mà loanh quanh thế nào tôi lại gặp Sáng. Thì ra, anh ta vẫn có nhiệm vụ theo dõi tôi, và tôi thì “chạy trời không khỏi nắng”! Phải có anh ta đi gọi taxi thì mới có xe dám chở tôi đến chỗ khám mắt với hai xe cảnh sát giao thông hộ tống, oai như cóc. Đâu chỉ có cảnh sát giao thông, kèm theo còn mấy chàng thường phục bặm trợn bám theo xe.
Bấm cầu thang máy đi cùng với ông bác sĩ người Âu của phòng khám, các chàng biết tôi đi khám mắt thật nên chỉ đứng canh ở ngoài. Lấy gấp cái hẹn định kỳ rồi sẽ quay lại, tôi vội ra taxi đang đợi theo lời dặn của tôi. Tôi bảo xe chạy thẳng ra cầu Tân Thuận rồi lên đường Tôn Đức Thắng, đến tuợng Đức Thánh Trần, lúc này đã 9h40, cuộc mitting tưởng niệm 17.2 chắc cũng sắp tàn. Nhưng dù thế, tôi vẫn muốn có mặt để thắp một nén hương cho Ngọc, cho “những Ngọc” của đất nước đau thương này cho dù ở mỗi một điểm bị chặn, tôi cũng đã tranh thủ biểu thị lòng nhớ thương cháu Ngọc bằng cách gào to lên lý do người ta chặn tôi trước sự chứng kiến của một số người quan tâm dừng lại quan sát. Cũng như dạo năm 2013, tận dụng những lúc bị cảnh sát dừng xe “làm luật”, tôi tranh thủ gào to lên với đám đông bà con qua đường lý do tệ hại của chuyện thực hiện luật rừng này, một kiểu mini diễn thuyết bất đắc dĩ, để rồi lúc này ngồi trong xe mà ruột nóng như lửa.
Đúng lúc ấy, cháu tôi nhắn qua Iphone: “nhân ngày 17.2, cháu vừa gửi ảnh ba cháu đang di thị sát chiến trường biên giới năm 1979 qua email! Mời mở xem ngay!”. Hình ảnh anh tôi, tướng Cao Văn Khánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng tại chiến trường biên giới cách đây 37 năm như giục giã, đầu tôi nóng bừng, tim đập mạnh. Những ý tưởng tôi đã viết trong “Một nhân cách trí thức” in trên sách “Cảm nhận và suy tư” trào dâng trong tôi. Hình ảnh anh Cao Văn Khánh tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Sức mạnh về bản lĩnh và lòng tự trọng của một trí thức yêu nước biết vượt qua mọi thách thức.
Người trí thức chân chính ấy đã tận lực cống hiến hết sức mình cho tổ quốc, có mặt tại những nơi trọng yếu và nóng bỏng nhất của cả ba cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn xâm lược Trung Quốc. Ông không hề và không thèm bận tâm đến những định kiến hẹp hòi chỉ biết đề cao công nông, coi thường và e sợ trí thức nên dường như hình ảnh của vị tướng của những trận đánh lớn nhất trong suốt cả ba cuộc chiến tranh chống xâm lược không có trên sách báo chính thống của Đảng và quân đội.
Có lẽ đây là chuyến thị sát chiến trường cuối cùng của ông. “Đối với nhân dân Việt Nam, mỗi tấc đất của tổ quốc là thiêng liêng- tướng Khánh nói,- Kẻ thù sẽ không bao giờ có thể cướp được dù một mẩu đất của chúng tôi. Chúng tôi phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đánh trả bọn xâm lược, nếu như chúng không từ bỏ các âm mưu bành trướng”. Đó là tuyên bố của ông với các nhà báo quốc tế trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Quốc tế ngày 19/3/1979 tại Hà Nội do ông-với tư cách là Phó Tổng Tham mưu trưởng chủ trì- lưu giữ trong một cuốn sách được viết bởi một người Nga! [Theo báo Đất Việt ngày 18.2.2016].
Năm sau, 1980 ông mãi mãi ra đi vì ung thư gan, hệ luỵ trực tiếp của nhiễm chất độc dioxin - như kết luận của giáo sư Tôn Thất Tùng- vì ông thường xuyên có mặt tại những vùng Mỹ rải chất độc màu da cam dày đặc nhất, đặc biệt là thời gian ông là tư lệnh Mặt trận Khe Sanh thay ông Trần Quý Hai bị bệnh. Và nhất là thời kỳ làm Tư lệnh Quân Khu Trị Thiên với chiến dịch Trị Thiên ác liệt nhất vào mùa hè 1972.
Ngả đầu vào thành ghế, nhắm mắt lại, tôi nhớ lại nụ cười bình thản của ông trên giường bệnh năm ấy. Nụ cười của anh tôi và ánh mắt cháu Ngọc 9 Hàn Thuyên Hà Nội giục giã tôi đến thắp hương để cùng bạn bè tưởng nhớ tới họ.
Bừng tỉnh vì tiếng chàng lái xe: “Bác ơi, tại sao mấy xe công an cứ bám riết xe cháu thế này”? Tôi cười hỏi lại, “thế cháu có sợ không”. Chàng trai trả lời, “Sợ gì. Cháu biết bác đi đâu rồi, việc ta, ta cứ đi, họ theo kệ họ”. Tôi thấy được an ủi, vơi bớt nỗi trĩu nặng trong lòng với câu nói của chàng trai trẻ. Thoáng lên trong đầu tôi ý nghĩ : chưa chừng, những tay bám theo tôi cũng là buộc phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên chứ chắc họ cũng chẳng thích thú gì. Nhưng thế nào đến chỗ vắng, chúng cũng sẽ chặng taxi để “làm luật”, quyết buộc tôi phải trở về nhà. Và như vậy thật tội cho chàng trai lái xe đáng quý này. Một vài giây trôi qua, tôi hiểu mình cần phải tỉnh táo quyết định. “Thế nào chúng nó cũng chặn, thôi cháu rẽ vào Sky 3 đi”,tôi nói với lái xe, bác thì chúng chẳng dám làm gì hơn là chuyện chặn không cho đến chỗ mitting bắt xe phải quay về nhà, nhưng cháu thì thế nào cũng lôi thôi với chúng”.
Tôi vào nhà Tống Văn Công. Mấy tay bặm trợn lại bám sát. Anh Tống Văn Công ngạc nhiên, tôi nói to: “tôi đến xin tị nạn chính trị đây, lịch sử đang lặp lại duyên phận giữa anh và tôi trong cuộc ngăn chặn đuổi bắt năm kia đó, đáng tiếc là lần này chỉ mình tôi chịu trận nên đến lôi anh vào cuộc cho vui, và cũng để xả hơi một tí vì mệt quá rồi”!
Câu chuyện “tị nạn” khá lý thú kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ. Có tiếng gõ cửa. Anh Công đứng dậy bước đến cửa, tôi nói to “Công an đấy, anh mời họ vào đây đi”. Một nét mặt bặm trợn ló vào, nhìn thấy tôi đang ngồi, hắn ta nói vội “Xin lỗi, cháu nhầm nhà”!
Chắc chàng ta sốt ruột, lo bị khiển trách vì đã để lọt đối tượng, có khi bị hụt tiền thưởng không chừng! Tôi ngồi lâu quá, hắn ta sợ tôi vọt ra ngoài bằng một cách nào đó như lần trước tôi đã tuột khỏi vòng vây của “hệ thống chính trị” theo mô hình “chuyên chính vô sản được thu nhỏ ở cấp phường” để đến phát biểu dưới chân tượng Đức Thánh Trần vào ngày này năm ngoái. Thông cảm với nỗi khó nhọc và sự nhẫn nại đến khốn khổ của những “người anh em làm nhiệm vụ chuyên chính vô sản cấp phường”, vả chăng tôi cũng đã thực sự thấm mệt không còn ngồi được nữa mà phải nằm, nếu vậy thì khó cho gia chủ quá vì bữa cơm trưa đã đến và anh chị Tống Văn Công không thể giữ tôi lại vì biết rằng ở nhà, vợ tôi đang sốt ruột. Tôi từ biệt ra về.
Cả “hệ thống chính trị theo mô hình chuyên chính vô sản cấp phường” vẫn kiên nhẫn bám tôi. Tôi chỉ cho anh Công vị bí thư Đảng uỷ Phường mặc áo ca rô sọc nâu đang ngồi ở vỉa hè đối diện với niềm ái ngại và thật sự cảm thông nỗi vất vả của anh ta. Một nhân vật mà tiếng nói có sức nặng nhất của một Phường với cả ngàn thần dân dưới quyền, anh ta đang phải quá vất vả vì một lão già 80 đi phải chống gậy, để chỉ muốn thắp một nén hương tưởng niệm những người đã chết dưới mũi súng của bọ Trung Quốc xâm lược để cho lương tâm đỡ day dứt. Và cũng chỉ thế thôi, sao người ta lại làm dữ đến vậy?
Tôi có chút ân hận vì khi tức lên đã nặng lời với anh ta. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo và chút địa vị cỏn con có được nhờ cả một đời cam chịu và mẫn cán thực thi nhiệm vụ một quan cấp phường, anh ta phải nhẫn nhục làm vậy, chứ tôi ngờ rằng trong anh cũng không phải là không hiểu được việc mà anh ta phải làm, anh ta không hề thù ghét và khinh bỏ tôi khi quyết ngăn chặn tôi làm cái điều mà trong sâu kín của một tâm hồn chưa bị băng hoại, anh ấy tôn trọng việc làm của tôi. Thế nhưng cái đáng sợ cũng là chính ở chỗ này đây. Khi đã là một công cụ, thì việc phải tự đánh mất mình, tự vứt bỏ lương tâm bởi những thủ đoạn tuyên truyền dối trá và lừa bịp, biến cái giả thành cái thật trong suốt cả mấy thập kỷ đã tạo ra những rôbốt đa năng hành động theo những nút bấm từ đâu đó. Có thể từ cấp trên trực tiếp, và cũng có thể từ cấp cao nhất hoặc từ những nút bấm được thao tác tự bên ngoài. Nút bấm thì vô hồn, chỉ kẻ bấm bên trên cao thì luôn đầy đủ những toan tính.
Vậy thì những toan tính gì đây cho cuộc trấn áp bằng được cuộc tưởng niệm 17.2 tại Sài Gòn ngày hôm qua? Ai toan tính và chỉ đạo cuộc này. Ai? Ai? Hay không ai như câu thơ của Nguyễn Duy mà tôi đã có lần trích dẫn?
Liệu có phải đây là một nút bấm từ xa nhằm thực thi một đòn hiểm của môn võ Tàu bí truyền giương đông kích tây, làm rối loạn tình hình, gây mâu thuẫn căng thẳng giữa thế lực cầm quyền với quần chúng nhân dân, làm cho người ta quên đi mối hiểm nguy còn lớn hơn, hung hăng và trắng trợn hơn sự kiện giàn khoan 981 và việc bồi đắp các đảo nhân tạo. Đó là việctriển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của nước ta.
Cũng có người nghĩ đến nút bấm được dấu kín của những người muốn tỏ lòng trung thành với người “đồng chí cùng ý thức hệ” đã hết lòng giúp đỡ, vạch kế hoạch hoàn hảo cho họ bảo vệ được cái ghế quyền lực? Và là để Tập Cận Bình an tâm rằng, cái dân tộc bất khuất quật cường suốt mấy nghìn năm chưa bao giờ chịu cúi đầu thiên triều, nay nhờ món võ Tàu thâm hậu với ngón bí truyền “lấy vô chiêu thắng hữu chiêu” đã khéo sử dụng chiêu “ý thức hệ” để nắm đầu thế lực cầm quyền, buộc họ vì miếng mồi quyền lực của giai cấp mới đang hình thành và củng cố, sẽ tiếp tục đẩy cả dân tộc phải chịu trầm luân trong thân phận nhược tiểu lạc hậu, làm con tốt đen trên bàn cờ theo toan tính của nước lớn? Những người này muốn nhắn gửi: Đồng chí Tập cứ an tâm, chúng tôi sẽ làm tất cả để nỗi lo lớn nhất của đồng chí không xảy ra : Tiến trình dân chủ hoá thành công ở Việt Nam sẽ là một cơn địa chấn tại Trung Quốc đang nghẹt thở trong chế độ toàn trị và sự ngiệp “đã hổ diệt ruồi” của “đồng chí”!
Cũng lại có ý kiến cho rằng, ai đó muốn dằn mặt tân Bí thư Thành uỷ Sài Gòn Đinh La Thăng, đặt ông ta vào một thách đố tế nhị “nhả chẳng ra cho nuốt chẳng vào”?
Đó là những ý tưởng nêu ra để bàn dân thiên hạ tham khảo và các bậc thức giả suy xét mà đưa ra những phân tích xác đáng để khẳng định chính kiến rõ ràng. Nhưng về cách nhìn nhận đơn giản thì chính ông Trọng đã từng tuyên bố rành rọt: “nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không”. Và rồi “Đại hội Đảng đã thành công rực rỡ”, người “không có tham vọng quyền lực”, bằng mọi mưu ma chước quỷ đã ngồi vào cái ghế quyền lực cao nhất nhờ vào chiêu bí truyền “không đụng độ” đấy thôi. Chuyện này thì từ thế kỷ XIII Trần Nhật Hiệu đã gạ gẫm vua Trần Thánh Tông với chiêu “nhập Tống” còn “lưu danh sử sách” về một tội đồ lịch sử không hơn không kém!
Và để rồi hôm nay, người ta đang chỉ đạo thực thi điều ông Trọng nói “Dân chủ đến thế là cùng”. Vào tháng 5 sắp tới, có lẽ ông Trọng phải dàn xếp sao để có một buổi thuyết trình cho Tổng thống Obama về sáng tạo vĩ đại của ông “dân chủ gắn với kỷ cương” để ông ta truyền lại cho ứng viên của Đảng Dân chủ sẽ ngồi vào chiếc ghế ông ta đã ngồi như lời tuyên bố vừa rồi ở Baltimore! Tại sao không cơ chứ khi đúng là “không có dân chủ gì hơn nữa”, một tuyệt phẩm made in Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng.
Tôi được vinh dự là nhân chứng nhỏ nhoi nhưng nóng hổi của cái “không có dân chủ gì hơn nữa” nhày nhụa đó! Vì vậy, khi trên mạng nhiều nhân chứng sống động và mãnh liệt gấp bội phần đang thức tỉnh công luận trong và ngoài nước về nền dân chủ mà ông Trọng và bộ sậu của ông ta gầy dựng, tôi cũng mạo muội viết vài dòng để kịp đưa lên ĐIỂM TIN SỐ 75 này thay vì phải trả lời những cuộc điện thoại, nhắn tin và email hỏi thăm sau khi đọc email báo tin khẩnvề tôi của Chu Hảo, bạn tôi. Vâng, chỉ thế thôi.
Tương Lai
GS tuổi cao chí bền vô cùng khâm phục, cảm động kính trọng GS bao nhiêu thì căm gét bọn cẩu tặc Hán gian bấy nhiêu.
Trả lờiXóaKhốn nạn đến thế là cùng.
Trả lờiXóaChúng nó tranh hết phần khốn nạn của loài người để hưởng riêng.
Ôi cái thời thổ tả, khi mà ông Trời có khi bị chúng nó chọc cho mù mắt, khi mà cụ Rùa cũng không thiết sống nữa giữa thối tha ô nhiễm, nên bọn chúng nhơn nhơn tồn tại chứ đâu có như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống phải vong bản vong gia vong quốc sống kiếp chó ngựa nơi đất giặc. Tại sao Lịch sử lại lạ lùng vậy? Hay Lịch sử cố tình thử thách lòng kiên nhẫn bao dung của nòi giống Việt, cố tìm cơ hội cho bọn giặc nhà quay đầu về bờ? Dù cách nào thì đây quả là một thời kỳ quỷ khốc thần sầu. Thì đành hãy đợi, và ta hiểu nỗi hận của những kẻ không đội trời chung khiến cho phải đào mồ cuốc mả kẻ thù, phải nhồi thịt xương kẻ thù cùng thuốc pháo nổ bõ cơn điên giận. Ô hô,du tai!
Tuyệt vời, đây chính là tấm bia ghi khắc bản án chế độ cho nghìn năm sau
Trả lờiXóaTôi nghĩ sẽ hạnh phúc cho nhân dân chúng ta biết bao khi "bề trên" đọc những dòng chữ của giáo sư viết, nhưng tôi cũng biết chắc chắn rầng họ chẳng bao giờ đọc và có đọc họ cũng chút áy náy gì. Đau thương cho một dân tộc!
Trả lờiXóa