Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

MẤT CHỖ DỰA Ở DÂN, NHÀ HỒ SỤP ĐỔ NHANH CHÓNG


THÀNH NHÀ HỒ
VÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ HỒ QUÝ LY


Trò chuyện cùng Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Đã hơn một năm Thành nhà Hồ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể của nhân loại (27-6-2011). Mới đây, tỉnh Thanh Hóa cũng đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa tại chính Thành nhà Hồ. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị xung quanh nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly và Thành nhà Hồ cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải.


Là nhà văn duy nhất cho đến nay viết hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về thời đại nhà Lý và nhà Trần, cũng là người am hiểu sâu sắc lịch sử, đặc biệt thời kỳ Lý - Trần - Lê (trong đó có giai đoạn nhà Hồ nắm quyền); theo nhà văn, vì sao nhà Hồ lại nhanh chóng sụp đổ?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Vâng, đã hơn một năm Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa vật thể của nhân loại.

Đó là niềm vinh hạnh cho nền văn hóa nước nhà. Ngôi thành đá kiên cố, hơn 600 năm xem ra vẫn còn chắc vững lắm. Thế mà cái thời đại đẻ ra ngôi thành đó, tức nhà Hồ, lại sụp đổ nhanh chóng đến bất ngờ.

Xét Hồ Quý Ly lấy ngôi nước từ nhà Trần trên cơ sở điêu trá và tàn bạo. vốn liếng chính trị ông gây dựng trên cái nền của lòng dân chán ghét, nội bộ chia lìa; tất cả những yếu tố khiến cho sức mạnh quốc gia dần đi vào thế bại liệt, đều do một tay Hồ Quý Ly bày xếp cả. Và cái thế nước lụi tàn ấy, làm sao mà che bịt được những đôi mắt gian giảo của bầy ác thú phương Bắc.

Chính cha con Hồ Quý Ly chứ không phải ai khác, đã tiến hành những cuộc tàn sát khủng khiếp đối với những người chống đối, hoặc chỉ có ý nghĩ không tùng phục mà có kẻ tố giác, cũng bị rơi đầu. Quân lính của ông luôn luôn bận mải hành quân đàn áp nhân dân nổi dậy từ khắp mọi nơi, cả nước tràn ngập không khí tang tóc và tù ngục. Lòng dân oán hận triều đình đến cùng cực, chia rẽ đến tột cùng, đói khổ đến tột cùng.

Để cho đất nước rơi vào thảm cảnh đó, cũng có nghĩa tự mình tạo điều kiện tốt nhất cho giặc ngoài vào xâm lấn, và cũng có khác chi tự mình đem nước dâng cho giặc.

Đúng vào thời điểm bi đát nhất của nước mình, thì Minh Thành tổ sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bôn.... đem 40 vạn quân vào xâm lược nước ta. Chỉ vài trận ra quân, giặc Minh đã đánh sập triều đình nhà Hồ. Và chỉ năm, sáu tháng sau, từ khi quân Minh vào cõi, cả ba cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đều bị giặc Minh bắt đem về Kim Lăng.

Nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng như vậy, chỉ có một nguyên nhân duy nhất có thể cắt nghĩa là bởi nó khinh dân, nó chống lại nguyện vọng chân chính của toàn dân, và vì thế cả dân tộc không hợp tác với nó, khiến nó bị diệt vong.

Nhớ câu nổi nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng trả lời khi Hồ Quý Ly hỏi: “Ta ước sao có được một trăm vạn quân để chống lại người Minh”. Trừng đáp: “Thưa cha, quân không sợ thiếu, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Vậy là bài học muôn thuở, vẫn là BÀI HỌC LÒNG DÂN.

- Lịch sử cho đến hôm nay vẫn ca ngợi những cải cách táo bạo của Hồ Quý Ly, và giá như không có giặc ngoại xâm thì có lẽ... ! Là nhà văn viết về lịch sử, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Đây là câu hỏi vừa thú vị vừa hóc búa. Nó đủ sức bao chứa một luận văn tiến sĩ có tầm cỡ.

Trước hết ta hãy khảo sát những cải cách của Hồ Quý Ly và thử bình giá, xem những cải cách ấy nếu không bị chiến tranh cản trở thì nó sẽ đóng góp được gì cho sự phát triển đất nước. Hồ Quý Ly soạn một cuốn sách có tên Minh Đạo (Con đường sáng) - nay đã thất lạc.

Trong đó ông đề cập:

Chu Công là tiên thánh.
Khổng Tử là tiên sư.

Ngôi vị thờ trong Văn Miếu thì đặt tượng Chu Công ở chính giữa, mặt ngoảnh về phương Nam, Khổng Tử đặt ở bên, mặt ngoảnh về phương Tây. Ông cho cuốn Luận Ngữ của Khổng Tử có bốn chỗ ngờ...

Các vấn đề Hồ Quý Ly đặt ra trong sách Minh Đạo, có nhẽ nổi hơn cả để đương thời bàn tán, chủ yếu là hai vấn đề trên.

Xét cho cùng thì đây là quan điểm của một người đọc sách hoặc phê bình sách, vấn đề đặt ra rất vụn vặt. Nó không có đóng góp gì cho học thuật nước nhà tròng giai đoạn đó. Việc làm sách này cũng chỉ là một thủ đoạn, nhằm tăng thêm vốn liếng chính trị cho nhà học phiệt Hồ Quý Ly mà thôi. Bằng chứng là Quốc tử trợ giáo Đoàn Xuân Lôi dâng thư nói: “Bàn thế là không phải” bèn bị Hồ Quý Ly cho lưu đày đi cận châu (tức châu gần). Còn trạng nguyên Đào Sư Tích vì có xem thư của Đoàn Xuân Lôi cũng bị biếm chức.

Một cải cách nữa mà ba bốn thập niên gần đây các học giả, các sử gia hiện đại cho là cải cách táo bạo, ấy là việc bỏ tiền đồng, tiêu tiền giấy.

Tháng 4 năm Bính tý (1396), Quý Ly cho phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”. In xong, hạ lệnh cho mọi người đem tiền đến đổi. Cấm hẳn việc tiêu tiền đồng.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, trên tờ tập san Văn - Sử - Địa, tôi thấy nhiều học giả ca ngợi việc tiêu tiền giấy của Hồ Quý Ly là một bước tiến vượt bậc, đi trước thời đại, hơn nhiều nước châu Á và một số nước châu Âu.

Ngày ấy tôi tín điều mà các học giả ca ngợi Hồ Quý Ly, nhưng khi viết tiểu thuyết lịch sử đến giai đoạn suy thoái của nhà Trần, và khi Hồ Quý Ly đang ngấp nghé ngôi báu của nhà Trần, thì thấy hoàn cảnh xuất hiện tiền giấy vào năm 1396 không ăn nhập gì với nhận định của các học giả, các sử gia. Vì rằng đó là giai đoạn kinh tế nhà Trần suy thoái đến tột độ. Nền nông nghiệp lạc hậu, ruộng đất tập trung trong tay giới quý tộc. Một số không nhỏ nông dân bị bắt làm điền nô, số còn lại không có ruộng đất hoặc có rất ít lại bị tô thuế cao, bị bắt đi lính hoặc đi phu phen tạp dịch, nên đói là vấn nạn thường trực đối với đa số dân nghèo. Vì vậy giặc cướp nổi lên tứ tung, nông dân tụ tập khỏi nghĩa, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Ngay cả nhà sư như Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai cũng kêu gọi dân nghèo tụ nghĩa chống lại triều đình.

Một xã hội nghèo xác nghèo xơ lại luôn luôn bất ổn, không hề có một nhân tố nào cho kinh tế hàng hóa phát triển. Mà theo như Karl Marx, sản xuất hàng hóa phát triển là tiền đề cho tiền giấy ra đời.

Rõ ràng cái xã hội mà Hồ Quý Ly cai trị không có một mảy may nào, một mầm mống nào cho sự phát triển kinh tế hàng hóa.

Thế thì dựa trên cơ sở nào Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy, cấm ngặt việc tiêu và trao đổi hoặc tàng trữ tiền đồng.

Khảo sát lịch sử, tình hình trong nước như phần trên đã nói, còn phần ngoài nước, đặc biệt là đốỉ với nhà Minh bên Trung Hoa. Tới lúc này, nhà Minh đang nhìn vào nội tình nước ta như cú dòm nhà bệnh, và họ đang ấp ủ một âm mưu thôn tính. Vì vậy họ cấm họp các chợ đường biên, cũng tức là cấm dân ta trao đổi hàng hóa (ngày nay gọi là cấm vận). Đặc biệt nghiêm cấm người nước ta qua lại đất Minh mua bán hàng hóa, nghiêm cấm và trị tội nặng đối với việc đưa các hàng đồng, sắt sang An Nam.

Trước sự uy hiếp của nhà Minh, buộc Hồ Quý Ly phải gấp rút tăng cường binh bị, chế tác vũ khí.

Chế tác vũ khí thì phải có kim khí. Vừa không khai thác được mỏ đồng trong nước, vừa bị bao vây cấm vận, nhưng không thể không có kim khí để sản xuất khí giới chống giặc. Trước nhu cầu cấp bách về sự tồn vong của sinh mệnh quốc gia, cha con Hồ Quý Ly nảy sinh sáng kiến phát hành tiền giấy, thu về tiền đồng để làm nguyên liệu chế tác binh khí.

Phải xem đây là một sáng kiến vĩ đại, nó xuất phát từ nhu cầu phục vụ chiến tranh chứ không phải nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa.

Sự ca ngợi cải cách táo bạo của Hồ Quý Ly về phát hành tiền giấy bởi các học giả đương đại, mắc vào lầm lẫn là ở chỗ đó.

Và nếu như không có giặc ngoại xâm thì có lẽ... như nhà báo hỏi. Thì có lẽ Hồ Quý Ly vẫn tiến thẳng vào con đường sụp đổ, tuy nhiên nó sẽ diễn ra với tốc độ chậm hơn, bởi trong tay nó còn sở hữu một bộ máy đàn áp cực lớn.

- Xây dựng một thành đá trong rừng sâu tỉnh Thanh Hóa làm Kinh đô nhằm chống chọi với giặc ngoại xâm phương Bắc, đã minh chứng một tầm nhìn hạn hẹp của một người làm vua, đồng thời là bước thụt lùi về nghệ thuật quân sự chống giặc của dân tộc ta. Vậy nhưng, hình như xu hướng hiện nay qua việc Thành nhà Hồ được vinh danh đang có sự lẫn lộn, đồng thời đề cao Hồ Quý Ly?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Thành nhà Hồ trước hết đó là một thành tựu vĩ đại của nhân dân lao động cả nước ta, nhưng công đầu thuộc về người dân Thanh Hóa. Phải nói đây là một kiệt tác nghệ thuật trong xây dựng công trình bằng đá, và với một kỹ năng tuyệt vời. Những phiến đá nặng từ 4 tấn đến trên 20 tấn mà không hề có một phương tiện cơ giới nào trợ giúp. Và cả ngôi thành được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục: 3 năm. Nhưng đây cũng là một tội ác ghê rợn mà Hồ Quý Ly để lại cho đương thời và hậu thế.

Nay về Vĩnh Lộc, chúng ta còn nghe được vô vàn các câu chuyện đau lòng trong quá trình xây thành đá. Và nhân dân căm phẫn Hồ Quý Ly tới mức khắp tỉnh Thanh Hóa không hề có một am, miếu nào thờ ông. Ngay chân thành, dân dựng ngôi đền thờ người đốc công bị Hồ Quý Ly chém đầu với tội dạnh: chậm tiến độ.

Ngay cả nơi Hồ Quý Ly giết vị tướng trẻ Trần Khát Chân ở núi Đôn, dân cũng lập tới hai ngôi đền để thờ ông. Cả tỉnh Thanh Hóa có hơn 70 đền thờ Trần Khát Chân. Chỉ riêng điều đó đủ biết nhân dân đánh giá Hồ Quý Ly có công hay có tội. Vì vậy trong dân gian vùng Thanh - Nghệ mỗi khi bình phẩm một nhân vật lịch sử nào, họ thường đọc câu ca dao quen thuộc:

Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân dân đái ngập mồ thối xương


Còn ngôi thành đá đó với tầm nhìn của một nhà quân sự như nhà báo hỏi, tôi phải khẳng định một lần nữa: Thành đá nhà Hồ là một kỳ công kiến trúc. Nhưng về mặt chiến thuật công hoặc thủ thì ta phải nhìn vào thực tế rằng cha con Hồ Quý Ly đều bỏ thành chạy, và bị giặc Minh bắt sống ở cửa biển Kỳ La, ở núi Thiên Cầm, Hà Tĩnh.. Và chưa hề có một phát súng nào hạ sát, dù chỉ một tện giặc Minh từ phía trong thành bắn ra. Xem thế đủ biết nghệ thuật chiến tranh của Hồ Quý Ly so với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta nó lạc hậu tới mức nào, và để di hận tới muôn sau.

Tưởng cũng cần biết thêm trong cuộc đời làm tướng cầm quân đánh nhau với người Chiêm, Hồ Quý Ly chưa hề có một chiến thắng lót tay. Điều kỳ lạ, cứ sau mỗi lần thua trận, Hồ Quý Ly đều đổ tội cho người khác rất thành công, còn ông ta lại được vinh thăng.

- Theo nhà văn, điều quan trọng nhất trong bảo tồn Thành nhà Hồ là gì?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Điều quan trọng nhất trong việc bảo tồn Thành nhà Hồ là giữ nguyên trạng và không để nhân dân vi phạm. Đặc biệt là không xây mới, không cấy bất cứ một công trình nào vào di tích, vừa tốn kém, vừa phá vỡ cảnh quan và gây phản thẩm mỹ nữa.

- Trân trọng cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải

Láng Thượng, ngày 12 tháng 7 năm 2012
Nhà báo Cao Minh thực hiện


22 nhận xét :

  1. Quá hay, nhiều kiến thức bổ ích. Cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà báo Cao Minh. Cảm ơn TS. Nguyễn Xuân Diện!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lần đầu tôi gặp một tác gia nói lên được cái tệ và tầm thường của Hồ quý ly.Rất đúng cho việc nhận xét về ông này.

      Xóa
    2. Nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng như vậy, chỉ có một nguyên nhân duy nhất có thể cắt nghĩa là bởi nó khinh dân, nó chống lại nguyện vọng chân chính của toàn dân- Chân lý này nói về thời nào đây nhỉ???

      Xóa
    3. Nhà Hồ hay nhà SẢN đây?

      Xóa
  2. trong sách ĐVSKTT khi giặc Minh huy động lực lượng chuẩn bị tiến đánh nước ta lúc đó Hồ Quý Ly có hỏi con trưởng Hồ Nguyên Trừng là nên hòa hay nên đánh . Hồ Nguyên Trừng trả lời : thần không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo.
    còn khi lên ngôi vì bất tài về quân sự ( điều này được chứng minh khi ông được giao cầm quân)nên làm mọi cách để tăng cường về số lượng quân mà không chú trọng mặt chất lượng nên ông mới ƯỚC gì có được trăm vạn quân.
    Triều đại nhà Hồ là một bước đệm tát yếu của lịch sử nếu Hồ Quý Ly không tiếm ngôi nhà Trần thì cũng sẽ có người khác làm vì triều Trần đã lụi tàn . Vậy nên có cần phải lên án Hồ Quý Ly nặng nề như vậy không

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện ngoài chính sử:
    Tôi là dân sinh sống ở gần thành nhà Hồ, được cha ể lại rằng:
    ...Sợ chuông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
    Chuông nhà Hồ ở đây là tiếng chuông báo giờ đi làm (xây thành). Hàng trăm người chết hoặc bị tàn phế cụt tay cụt chân vì bị đá đè.
    - Những phiến đá to (3mx2mx 5m) nặng tới 20 tấn được vận chuyển từ núi đá cách thành nhà Hồ từ 5 - 10 km khai thác từ các núi đá thuộc xã Vĩnh Yên và xã Vĩnh Quang...Toàn là do sức người đục đẽo vận chuyển bằng phương pháp lăn trên con trượt đưa về xây thành. 4 cổng thành có cửa vào hình cong, dân gọi là "cửa tò vò" người ta phải đục đá theo hình "múi cam" phía trong mỏng hơn phía ngoài , sau đó kè đá đến đâu lấp đất cao đến đó và cứ tiếp tục kê đá lên cho tơi khi hoàn thành việc xếp đá, kè đá thành hình cổng "tò vò" thì người ta đào đất ra cho lộ phần cổng đá.
    Đất đào đắp thành được lấy ở xung quanh thành tạo ra sông sâu vây quanh thành. Bốn cổng thành có xây cầu bằng đá qua sông đào để vào thành, Cửa thành làm bằng sắt kiên cố.
    Bên ngoài thành là luỹ tre gai bao bọc, không thể ai chui qua được kể cả trâu bò ngựa voi cũng không thể chui qua luỷ tre dày đặc hàng chục mét (theo bề ngang). Cổng và trên bề mặt thành quân linh và voi ngựa tuần tra canh gác cẩn mật suốt ngày đêm .
    Quân Minh 3 lần công phá thành đều bị thất bại do vướng luỹ tre gai bao bọc cản trở đường tiến quân.
    Sau đó quân Mịnh được một tên phản bội người Việt bày kế đúc tên bằng vàng rồi vào các bụi tre gai xong rút quân,
    Nhân dân xung quanh luỹ tre thấy giặc Minh rút tưởng rằng yên bình rồi, nên họ kéo nhau ra chặt hết tre để tìm vàng. Khi luỹ tre bị chặt hết lúc đó quân Minh kéo đến đánh.
    Hồ Quý Ly bỏ thành chạy trốn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
      "Truông" chứ không phẢI "Chuông".

      Xóa
    2. Câu ca dao đó đầy đủ phải là :
      Thương em anh cũng muốn vô
      Sợ truông nhà Hồ,sợ phá Tam Giang.
      Truông là một vùng rừng rậm,hẻo lánh.
      Truông nhà Hồ là vùng rừng rậm nằm giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay.
      Hồi thế kỉ 16,khi chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp,nhiều vùng đất vẫn còn hoang sơ,hẻo lánh,chưa quản lý hết được nên vùng truông nhà Hồ,bọn cướp hoành hành rất ngang ngược.Chúng thường xuyên cướp bóc những ai đi ngang qua.Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã sai quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp yên vùng này.Quan nội tán đã sử dụng kế giả đoàn khách buôn bị cướp phải bỏ lại xe hàng rồi bí mật tháo nút ở đáy xe chứa thóc giống,bọn cướp kéo xe về vô tình rãi thóc trên đường đi.Đợi khi thóc đã lên cây,quan nội tán cùng binh sĩ theo đó mà vào tận hang ổ bọn cướp,triệt phá hết toàn bộ.
      Phá Tam Giang là một địa danh thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.Là nơi hợp lưu của 3 con sông trước khi chảy ra biển.Đây là vùng nước rất trở với nhiều xoáy nước nguy hiểm,nhận chìm nhiều rất nhiều thuyền bè qua lại.Người dân tin rằng,có con thuồng luồng khổng lồ sinh sống dưới đó nên tạo ra xoáy nước như vậy.Quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng sau khi nghiên cứu địa hình mới biết do có nhiều đá ngầm nên đã tạo ra nhiều xoáy nước nguy hiểm.Ông cho người đào phá hết hệ thống đá ngầm đó.Để cho nhân dân yên tâm,ông làm một cái lễ trên bờ,ném thanh kiếm xuống phá,có người đã chờ sẵn ở dưới,mở bọc máu tươi ra,và người dân tin rằng,con thuồng luồng đã bị quan nội tán diệt trừ.

      Xóa
    3. cảm ơn Lệ Thủy đã giải thích.

      Xóa
  4. Nhà Hồ kia tuy không được lòng dân nhưng được cái đáng khen là vẫn kiên quyết chống giặc chứ không chấp nhận phản bội Tổ quốc và làm tay sai cho ngoại bang.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà Hồ hiện nay mất lòng dân và lại còn làm tay sai cho ngoại bang, nên nếu không có bọn "còn chó còn mắm tôm" thì chỉ vài hôm là sụm bà chè.

      Xóa
  5. Gửi bạn Lê Việt Cường.
    lamkhanghn@yahoo.com.vn

    Trả lờiXóa
  6. Nguyên nhân chính yếu làm Nhà Hồ thất bại là do Hồ Quý Ly không đủ độ gian manh chính trị như Trần Thủ Độ. Hồ Quý Ly là anh em cô cậu với Trần Nghệ Tông; chính TNT dùng HQL làm tướng quốc và thấy rỏ con cháu Nhà Trần đã bất tài đến hồi mạt vận. HQL không tàn bạo bằng TTĐ. TTĐ không cướp ngôi Nhà Lý mà đạo diển để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là cháu của mình : Trần Cảnh (Trần Thái tông). (Trần Thái tổ ngầm hiểu chính là TTĐ). Đây là một cuộc soán ngôi chứ không phải cướp ngôi, vì thế nhà Trần tồn tại hơn 120 năm. Bên Tàu ngày xưa Tư Mã Ý hay con là Tư Mã Chiêu đều có thể cướp ngôi Nhà Ngụy, nhưng họ không làm mà để cho Tư Mã Viêm là cháu TMY làm. HQL thất bại là vì vội quá nên không quy tụ được lòng dân. HQL biết điều đó nhưng chọn giải pháp dời đô về Thanh Hóa là hạ sách. Thượng sách là dựng vài ông vua bù nhìn, cải cách đất nước chờ cơ hội soán ngôi chứ đừng cướp ngôi. Quyền lực mới quan trọng , danh vị chỉ là thứ vô nghĩa. Đừng phê phán các chính sách của HQL để bao che cho một chế độ suy tàn. Bài này nghe có mùi nối tiếp các bài ca ngợi Mạc Đăng Dung.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. gửi bạn Xuân Nguyên : mình nghĩ Hồ Qúy Ly cũng như Trần thủ Độ, Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm...và các nhà chính khách nói chung đều có nhiều tham vọng. Tuy nhiên, HQL và MDD không thành công do không có quyết sách đúng, bất chấp tất cả để cướp lấy chính quyền, kể cả giết chóc rất nhiều người một cách DÃ MAN công khai.vÌ THÊ NHAN TÂM KHÔNG PHỤC, HỌ SẴN SÀNG BáN DỨNG CÁC VỊ CHO KẺ THÙ. Trần Thủ Độ không có học thức nhiều nhƯNG biết mình nên khiêm nhường, không ra làm Vua mà nhường cho các cháu, Trịnh Kiểm và con cháu thì chịu làm chúa để ngôi vua lại cho NHÀ LÊ...nên vẫn giữ được quyền thế và hưởng lộc đến 8 đời.

      Xóa
  7. Nhà Trần tàn sát dã man các tông thất nhà Lý, rồi thì trả giá. Nhà Hồ cũng tham lam nhưng đầu ngu tối chưa nhìn rõ tình hình. Trả giá cũng đúng. Quan trọng là không rước giặc về đào mồ tổ tiên, làm suy tàn dân tộc.

    Trả lờiXóa
  8. Không ai tổng kết nguyên nhân thất bại hơn Nguyễn Trãi anh minh:
    Họ Hồ chính sự phiền hà
    Trong nước lòng dân oán bạn
    Cuồng Minh thừa cơ gây họa
    Gian tà bán nước cầu vinh.
    Bốn cái đó đủ nói lên rồi. Thành nhà Hồ là một chứng tích văn hóa nhắc nhở muôn đời 4 điều đó.

    Trả lờiXóa
  9. Theo tôi , bài này Nv Hoàng Quốc Hải không có ý phê phán thái quá nhà Hồ xưa. Ông chỉ nhắc lại bài học lịch sử cho thời nay mà thôi. Nhưng chắc chỉ những người yêu nước đọc. Còn CQ thì chẳng ai hơi đâu nhé!

    Trả lờiXóa
  10. Dù gì chăng nữa chúng ta phải nhìn nhận khách quan về Hồ Quý ly...
    Ông phải thi hành các biện pháp khắc khổ, cứng rắn để cố duy trì một chế độ thối nát, đã mục ruỗng đến tận cùng.
    Có thể so sánh với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiện nay đang thừa kế một nền kinh tế kiệt quệ và một chế độ đầy tham nhũng và hối lộ của người tiền nhiệm để lại...
    Cho dù được sự giúp đỡ của TBT Nguyễn Phú Trong về chống tham nhũng, nhưng mọi cố gắng cũng chỉ là con số không. Càng chống thì tham nhũng càng chắc. Càng bắt thì hối lộ càng công khai trắng trơn.
    Có thể mọi cố gắng của VN CHXHCN đã quá muộn. Ta hãy chờ sự phán xét của lịch sử.

    Trả lờiXóa
  11. Kỹ thuật xây Thành Nhà Hô, xin thưa,chỉ có các nhà văn và nhà sử học đầu óc ảo mới không biết thôi. Còn chỉ cần một anh thợ xây loại ba thôi thì họ cũng biết nên xây như thế nào. Không tin thì hãy đưa cho tôi 30 viên gạch, 1 khối cát, nửa lạng dây ni lông và 1 chiếc muỗm múc canh, tôi biểu diễn cho mà xem. Tôi đã thực nghiệm trước nhiều người với một lô xích xông các câu hỏi rồi. Nói chung là mọi người chịu.

    Trả lờiXóa
  12. Tác giả mượn câu chuyện về Thành Nhà Hồ để nói nên bài học lịch sử qua các thời đại kể cả thời hiện đại!

    Trả lờiXóa
  13. giật mình ,sao giống thời nay đến vậy

    Trả lờiXóa