Thứ Tư, 6 tháng 1, 2016

ÔNG NGUYỄN ĐẮC XUÂN BUỒN VÀ THẤT VỌNG VỀ CON TRAI GS KHÊ

Nguyễn Đắc Xuân: 'Tôi tiếc khi di nguyện GS Khê không được con trai thực hiện'
Thứ ba, 5/1/2016 | 09:15 GMT+7

Người bạn vong niên của Giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ, không có nhà lưu niệm cố giáo sư là điều thiệt thòi cho nền văn hóa dân tộc.

Con trai GS Trần Văn Khê bỏ ý định thực hiện di nguyện của cha


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (trái) và cố GS. TS Trần Văn Khê là bạn vong niên.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - hiện sống ở Huế - là thành viên chủ chốt của ban tang lễ cố Giáo sư Trần Văn Khê. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nhận được lá thư ngỏ từ ông Trần Quang Hải - con trai trưởng cố giáo sư - về việc bỏ ý định thành lập quỹ văn hóa và nhà lưu niệm mang tên cha mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ với VnExpress về vụ việc.

- Ông nghĩ sao khi nhận được lá thư ngỏ của Giáo sư Trần Quang Hải?

- Tôi rất buồn nhưng không ngạc nhiên. Sau ngày đưa tiễn thầy Khê, tôi đã mường tượng được cảnh tình này. Và, cái gì đến đã đến.

- Vì sao ông mường tượng ra điều này từ trước?

- Trước khi mất, thầy Khê đã dặn tôi, đại ý: trong trường hợp con trưởng ông là Trần Quang Hải vì lý do nào đó không về Việt Nam được, thì ban tang lễ chỉ cho phép con thứ của ông là Trần Quang Minh thay mặt gia đình cám ơn người đến viếng, chứ không giao cho anh Minh thực hiện bất kỳ việc gì liên quan đến tang lễ. Do đó Trần Quang Minh không được giao cùng với anh Hải thực hiện di nguyện. Về sau này, những gì mà anh Trần Quang Minh làm liên quan đến tang lễ là ý riêng của anh Minh. Có thể thấy, một bên theo di nguyện, một bên làm việc theo ý kiến riêng... Hai bên không thống nhất với nhau là chuyện tất nhiên phải xảy ra.


- Ban tang lễ nhìn nhận vai trò của Giáo sư Trần Quang Hải như thế nào trong việc lập quỹ Trần Văn Khê và nhà tưởng niệm Trần Văn Khê sau này?

- Giáo sư Trần Quang Hải là người con trưởng, vừa là học trò, vừa là người thừa kế sự nghiệp của thầy Trần Văn Khê, không ai có thể so sánh, có thể thay thế Trần Quang Hải trong vai trò đó được cả. Do đó mọi quyết định có liên quan đến thầy Khê của Giáo sư Trần Quang Hải là quan trọng nhất. Nhưng ở đây có hai vấn đề cần tách ra, vì chúng ít liên quan đến nhau.

Thứ nhất, vấn đề Nhà lưu niệm có hay không có đều do TP HCM quyết định. Nhưng cho đến nay tôi chưa có thông tin gì về ý kiến của lãnh đạo TP HCM. Anh Hải cũng như chúng tôi và người yêu quý Trần Văn Khê đều mong muốn có nhà lưu niệm Trần Văn Khê nhưng vấn đề này ngoài khả năng của mọi người. Nếu sau này TP HCM có chủ trương dành nhà số 32 Huỳnh Đinh Hai làm Nhà lưu niệm Trần Văn Khê thì tôi chắc "toàn dân" sẽ chung tay góp sức.

Thứ hai, chuyện quỹ Trần Văn Khê không thực hiện được do những khó khăn mà Giáo sư Trần Quang Hải đưa ra. Theo tôi cái khó nhất là không có ai đủ nhiệt tình, đủ uy tín, đủ thời gian xung phong giúp việc tổ chức lập quỹ, xin thủ tục, mời người tham gia và điều hành quỹ. Tôi ở xa TP HCM nên đến bây giờ vẫn chưa tìm được những người có nhiệt tình như thế nên không thể có ý kiến gì về tương lai của quỹ ngoài ý kiến của Giáo sư Trần Quang Hải.


Đoàn người trật tự đi sau linh cữu Giáo sư Trần Văn Khê khi linh cữu ông được di chuyển 
từ TP HCM đến nơi hỏa táng tại Bình Dương vào sáng 29/6/2015. Ảnh:Nguyễn Á.

- Về việc ông Trần Quang Hải đề nghị dùng số tiền phúng điếu 700 triệu đồng vào các việc thiện nguyện khác thay vì lập quỹ, ông nghĩ sao?

- Giáo sư Trần Quang Hải đã có kế hoạch sử dụng số tiền 700 triệu đó làm từ thiện (giúp các nghệ sĩ nghèo). Lúc sinh thời thầy Khê nhiều lần tâm sự với tôi: thầy biết có nhiều nhà nghiên cứu có nhiều công trình nghiên cứu dân tộc nhạc học rất giá trị nhưng không có tiền in thành sách, do đó nhiều thư viện quốc gia không khai thác được những công trình quý giá đó. Lĩnh hội được ý kiến của thầy Khê cho nên tôi rất vui với "dự án" sử dụng số tiền phúng điếu thầy vào việc lập quỹ thực hiện ý nguyện của Thầy. Nay không lập được quỹ, tôi có đề nghị với Giáo sư Trần Quang Hải trích 200 triệu để ít ra cùng giúp được ba bốn nhà nghiên cứu in sách, để vui lòng thầy ở cõi vĩnh hằng.

- Bao giờ các thành viên ban tang lễ sẽ họp bàn để đưa ra những quyết định trước lời đề nghị của Giáo sư Trần Quang Hải?

- Sau khi chu toàn hậu sự cho Giáo sư Khê, các thành viên của ban tang lễ cũng đã thôi gặp gỡ lâu rồi. Nếu Giáo sư Trần Quang Hải thấy cần ý kiến của ban tang lễ, ông sẽ triệu tập. Câu trả lời dành cho Giáo sư Trần Quang Hải.

- Ở góc độ cá nhân, là người bạn vong niên gắn bó với Giáo sư Khê, mong mỏi lớn nhất của ông liên quan đến việc thực hiện di nguyện của Giáo sư Khê là gì?

- Mong mỏi của tôi là mọi người có thể chung tay lập quỹ Trần Văn Khê và thành lập nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Hai việc đó là ước nguyện của hầu hết những người yêu quý Trần Văn Khê. Và, cũng không chỉ vì Trần Văn Khê mà vì lý tưởng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc của ta. Trần Văn Khê là một nhân vật văn hóa lớn của nước ta và cả quốc tế. Ông xứng đáng để dân tộc này xây dựng một nhà lưu niệm cho ông. Nhà lưu niệm đó làm sang cho văn hóa Việt và cũng là một điểm du lịch quảng bá văn hóa trong nước mà chúng ta đang rất thiếu. Trần Văn Khê chưa có nhà lưu niệm là một thiệt thòi của văn hóa dân tộc. Còn quỹ Trần Văn Khê như tôi nói ở trên, rất cần thiết cho ngành dân tộc nhạc học, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép thành lập. Nếu sau này có một mạnh thường quân nào đó đứng ra thành lập thì phúc cho dòng dân tộc nhạc học vô cùng.

Qua đây tôi cũng kính mong ngành văn hóa TP HCM tạo điều kiện cho ngành dân tộc nhạc học được khai thác đưa vào phục vụ nghiên cứu và giới thiệu kho di sản nhạc học đồ sộ của Trần Văn Khê đã trao tặng cho TP HCM, đang cất giữ trên tầng lầu nhà 32 Huỳnh Đình Hai.


Thoại Hà thực hiện

10 nhận xét :

  1. Ơ Việt Nam có rất nhiều nhà lưu niệm, đền tưởng niệm,tượng đài ...các vị cán bộ cộng sản sau khi họ qua đời được lấy từ tiền ngân sách (tiền thuế của dân) ra để xây dựng. Như đền thờ bà mẹ cụ Hồ Chí Minh tốn hàng trăm tỉ đồng, nhà tưởng niệm các cố tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, thậm chí cả bộ trưởng. Trong số họ có những người công tội ngang nhau, có người tội lớn hơn công. Tuy nhiên, nhiều vị chẳng để lại trong lòng dân mọt ấn tượng gì, chưa nói đến việc công lao chỉ là sự đồn thổi, chỉ là ăn theo cái chung. Giáo sư Trần Văn Khê là người Việt Nam sống ở nước ngoài trên 2/3 cuộc đời, nhưng ông vẫn giữ được cốt cách và đặc biệt là giữ được, bảo tồn được, truyền bá được văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đó là điều chưa một nhà văn hóa lớn nào của Việt Nam làm được.
    Chủ thuyết cộng sản tồn tại thì còn tưởng niệm các nhà lãnh đạo công sản. Nhưng một khi có sự thay đổi, thì chỉ những gì tinh túy nhất mà một số ít nhà lãnh đạo cộng sản có được có thể còn tồn tại trong lòng người dân, còn lại thì cũng như bọt bong bóng. Nhưng đối với GS Trần Văn Khê, công lao của ông dù chưa được nhà nước phong tặng bất cứ danh hiệu gì thì ông vẫn là nhà văn hóa lớn đương đại của Việt Nam và cả thế giới. Tình cảm của công chúng đối với ông xuất phát từ tấm lòng, từ sự cảm phục một tài năng, một nhân cách. Đám tang của ông là một minh chứng. Còn biết bao đám tang của các vị quan chức đảng và chính quyền tiêu tốn tiền ngân sách bội phần từ các cơ quan, đoàn thể thuộc nhà nước. tiêu tốn nhiều tiền, nhưng chẳng có tình.

    Trả lờiXóa
  2. Ông Xuân nói chuyện như người sống trên cung trăng, nước mất nhà tan đến nơi mà ông còn mong người ta bảo tồn văn hoá dân tộc, ông không thấy cái gọi là "Văn Hoá" ở Việt Nam đã và đang bị phá hoại giầy xéo cưỡng bức từ những giá trị tinh thần đến vật chất sao? Ông T.Q.Hải quyết định thế là sáng suốt, lẽ ra ông nên ủng hộ.

    Trả lờiXóa
  3. "Trước khi mất, thầy Khê đã dặn tôi, đại ý: trong trường hợp con trưởng ông là Trần Quang Hải vì lý do nào đó không về Việt Nam được, thì ban tang lễ chỉ cho phép con thứ của ông là Trần Quang Minh thay mặt gia đình cám ơn người đến viếng, chứ không giao cho anh Minh thực hiện bất kỳ việc gì liên quan đến tang lễ. Do đó Trần Quang Minh không được giao cùng với anh Hải thực hiện di nguyện".Thế là rõ rồi chứ ông xuân ông không biết đọc à?

    Trả lờiXóa
  4. Nhà nghiên cứu lịch sử NĐX ơi, tuy cũng hơi buồn về quyết định này nhưng tôi thấy họ đúng. Họ có lý do của gia đình là nên hoặc không nên. Và, tôi tôn trọng. Ông phải nhớ di nguyện của một vị cha già dân tộc mà người ta còn cố tình gạt phăng đi, thì điều này mới là điều đáng nói. Bác Hồ muốn chôn ở ngọn đồi nơi mọi người có thể đến thăm viếng dễ dàng, không hoành tráng, không phí phạm. Nay, người ta xây to đùng, quá tốn kém về mọi mặt lại có vẻ xa cách dân chúng quá. Ông nên buồn về chuyện này, hòa cùng nhịp đập với người dân hơn. Thưa nhà nghiên cứu lịch sử ợ !

    Trả lờiXóa
  5. Chắc có lẽ ông T Q H vì hoàn cảnh nào đó không thể có mặt thường trực ở VN để có thể điều hành được quỹ này những hội đoàn hay cá nhân nào đó nhân danh học tập nghiên cứu vớ vẫn lợi dụng hoặc sử dụng quỹ sai mục đích sẽ mang tai tiếng với hậu thế mà còn làm băng hoại lòng tốt của những người có tâm với cha ông. Thôi thì để cho người nghèo hay nghệ sĩ nghèo thì cũng tốt thôi chớ không có thời gian, không có nhân lực thì gây thêm quỹ bảo tồn văn hoá để làm để làm gì? Có biết bao viện làm văn hoá, bảo tồn văn hoá ở VN hiện nay mà tinh hình văn hoá của người Việt mình chắc ông TQH nắm được.

    Trả lờiXóa
  6. Làm nhà lưu niệm thì chỉ vỗ béo cho lũ quan tham mà thôi,cộng sản có biết gì về giữ gìn văn hóa một thứ duy nhất mà cộng sản biết là TIỀN,ở đâu có mùi tiền là ở đó sâu nó bò vào,tôi ủng hộ con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê

    Trả lờiXóa
  7. Chuyện nhà của người ta quyết định mà mình buồn cái gì ? Nếu quý vị có khả năng thì quý vị cũng có thể tự mình tiếp tục con đường mà GS Khê đã vạch ra đâu cần phải dựa vào người này người kia thì mới làm được.

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hải cứ thế mà làm, không hơi sức đâu mà theo được những thủ tục rườm rà rắc rối tuỳ tiện đầy vụ lợi ấy, bác sống lâu ở môi trường văn minh, giờ dây vào hệ thống làm việc bê bối nhất thế giới này chịu sao thấu. Kệ ông Xuân với nỗi "buồn" của ổng, ông ấy lựa theo ý họ thế nào để buồn cho thích hợp thôi, có gì đâu.

    Trả lờiXóa
  9. Cẩn thận không mất hết tài sản của ông GS để lại, trộm cướp giờ nhiều lắm, giới "khủng bố" cũng mới xuất hiện ở TPHCM.

    Trả lờiXóa
  10. GS Trần quang Hải nên đề nghị UNESCO can thiệp mang những hiện vật GS trần Văn Khê để lại nhờ bảo quản ở nơi khác an toàn hơn, nó là tài sản Văn Hoá chung của nhân loại cần được bảo vệ, hiện tại TPHCM đang đe doạ có khủng bố, tình hình khó lường lắm!

    Trả lờiXóa