Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Mạc Văn Trang: LẦN ĐẦU ĐI SINH HOẠT CÀ PHÊ GẶP GỠ


LẦN ĐẦU SINH HOẠT “CÀ PHÊ THỨ 7”

Mạc Văn Trang

Mình đúng là dân ngoại thành, nay mới lần đầu tham dự một buổi sinh hoạt “Cà phê thứ 7”.

Thì ra hình thức sinh hoạt này là sáng kiến của Nhạc sĩ Dương Thụ, người gắn bó với Hà Nội từ thơ ấu; nên ông muốn – như lời ông mở đầu buổi sinh hoạt – làm một cái gì đó nhỏ nhoi để duy trì một kiểu sinh hoạt văn hóa Hà Nội. “Cà phê thứ 7” rất Hà Nội và có gì đó mang phong cách của thị dân Pháp. Đó là nơi gặp gỡ của các tầng lớp thị dân, chủ yếu giới trí thức, để nghe giới thiệu những nghiên cứu, sáng tạo mới về khoa học, văn học, âm nhạc, hội họa… và cùng nhau vừa dùng cà phê vừa trao đổi một cách tự do, thoải mái, thân thiện…một kiểu văn minh tình thần của người dân đô thị.


Buổi sinh hoạt hôm nay, PGS TS Đinh Khắc Thuân trình bầy TƯ LIỆU VÀ LỊCH SỬ VỀ NHÀ MẠC, một phần lấy từ Luận án Tiến sĩ ông bảo vệ tại Pháp và một phần những nghiên cứu mới gần đây. Ông trình bầy vắn tắt hơn 1 giờ và phần trao đổi hơn một giờ, sôi nổi, liên tục đến hơn 5 giờ chiều mới dừng. Không ngờ một vấn đề chuyên sâu về lịch sử mà mọi người lại quan tâm sâu sắc đến vậy. Có vài điều thú vị:

- Từ 1945 đến gần đây, dưới chính thể cách mạng, nhưng các sử gia viết sách giáo khoa từ phổ thông đến đại học, khi viết về nhà Mạc vẫn theo y như các sử quan thời phong kiến Lê - Trịnh, không tìm kiếm các tư liệu khách quan mới mà chỉ chép theo sách cũ và bình luận theo kiểu tuyên giáo. Đã bị sử gia cũ quy gán cho là “ngụy” thì mọi cái đều xấu xa, không công nhận là một triều đại (?).

- Những sử liệu từ sách của nhà Minh, nhà Thanh mà thư viện của Pháp lưu giữ được, cũng như nghiên cứu gần 200 văn bia thời Mạc, nghiên cứu các gia phả, các di tích đình, chùa, tượng, các hoa văn chạm khắc, đồ gốm… thời Mạc đã cho thấy sức sống của cả một triều đại. 


Có những chi tiết thú vị:

+ Thời Lê ruộng đất thuộc nhà vua, vua phân cho các quan cai quản (quan điền); thời Mạc thực hiện “quân điền”, chia ruộng về đến các làng và có quyền mua bán ruộng…

+ Thời Mạc chấn hưng Phật giáo và chủ trương Đạo Phật, Nho, Lão “đồng nguyên”, phát triển Đình làng, Đạo quán, xây nhiều chùa… Các bia đều ghi khuyến Thiện, tích Thiện…Các vợ vua, hoàng thân đều chăm lo xây chùa, làm việc thiện. Có lẽ vì thế, sau khi nhà Mạc cai quản đất nước, chỉ dăm năm, thiên hạ thái bình, thịnh trị… 

+ Lần đầu tiên các thợ thủ công làm đồ gốm được ký tên vào sản phẩm, thể hiện tôn trọng sáng tạo cá nhân…

+ Nhà Mạc cũng khuyến khích Thiên Chúa giáo, còn tìm thấy lá thư vua Mạc gửi thư cho linh mục nói về giảng Đạo và có một công chúa nhà Mạc theo Thiên chúa giáo…

+ Mọi người đều tâm đắc với lời di chúc nổi tiếng của Đại thần Mạc Ngọc Liễn: Cấm không được mời người Minh vào trong nước, làm dân ta lầm than cực khổ, đó là cái tội lớn không gì bằng! Có lẽ nhờ thế, 6 đời vua nhà Mạc ở Cao Bằng 90 năm, dù khó khăn, nhưng quyết không để quan quân nhà Minh, Thanh vượt sang biên giới nước ta, Thác Bản Giốc, Ải Nam quan và giải biên cương tổ quốc phia Bắc vân nguyên vẹn…

Có nhiều vấn đề các cử tọa nêu ra trao đổi sôi nổi, nhưng được xem như những gợi mở cùng tiếp tục suy ngẫm, nghiên cứu… Ỏ đây không ai có thẩm quyền kết luận dứt khoát thế này hay thế kia…

Điều thú vị nữa là trong buổi sinh hoạt này gặp được bao nhiêu anh em họ Mạc, gốc Mạc và nhiều bạn bè quý mến, như TS Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Vũ Ngọc Tiến, TS Nguyễn Quang A … Đặc biệt, lúc ra khỏi phòng họp, gặp một phụ nữ nhỏ nhắn, giản dị, nắm tay mình, bảo: bác biết em không, bác vẫn hay vào trang FB của em và coment…Nhìn quen quá, hóa ra chị Lê Thị Minh Hà, vợ anh BA SÀM - Nguyễn Hữu Vinh, vẫn “gặp” trên hình ảnh! Ôi người phụ nữ quá mảnh mai, nhìn yếu đuối thế này mà phải gồng mình lên, đem hết nghị lực và trí tuệ ra để chống chọi với bao nghịch cảnh, đòi công lý cho chồng. Anh Ba Sàm bị bắt giam hơn một năm rồi, nhà cầm quyền vẫn không tìm ra chứng cứ kết tội, cũng giống như trường hợp Bọ Lập, nhưng anh vẫn chưa trả tư do? Mỗi chúng ta đặt vào hoàn cảnh của anh chị càng thấy bức bối, xót xa…

12/12/2015
M.V.T

Một số hình ảnh tại cuộc tọa đàm:


 Nhà văn Vũ Ngọc Tiến - một người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử






  
Bài và ảnh: Mạc Văn Trang

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét