Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

QUỐC HỘI CỦA DÂN, SẼ PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THỂ HIỆN SỰ THƯƠNG DÂN?

Quốc hội làm gì để thể hiện sự thương dân?

Viễn Sự
Tuổi trẻ
02/11/2015 15:50 GMT+7
 
TTO - Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng đã bất ngờ đưa ra câu hỏi này trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Quốc hội chiều 2-11.
Phiên họp Quốc hội ngày 2-11 - Ảnh: chụp màn hình

“Chúng ta nói nhiều về tinh thần yêu nước, nhưng hình như ít nói về lòng thương dân? Quốc hội đại diện cho nhân dân, đòi hỏi khi quyết định và giám sát phải thể hiện sự thương dân. Hiện nay, ta đang ở thời điểm mà yêu cầu phát triển cần có sự suy nghĩ và thao thức mới” ” - đại biểu Nghĩa nói.

Phải dân chủ trong bầu cử

Đưa ra bối cảnh chỉ còn mấy tháng nữa sẽ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa mới, ông Huỳnh Nghĩa đã khẩn trương đề nghị hai việc quan trọng.

Thứ nhất phải chuẩn bị ngay từ bây giờ là sắp xếp bộ máy, tinh giản và sàng lọc biên chế, có cơ chế tuyển chọn phù hợp, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Thứ hai phải dân chủ thật sự trong ứng cử, bầu cử.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa nói qua thực tiễn nhiều năm hoạt động Quốc hội, ông càng thấm thía tầm quan trọng của yêu cầu dân chủ trong việc lựa chọn những người đại diện cho nhân dân.

“Sẽ không có sự thay đổi về hiệu quả hoạt động nghị trường nếu thiếu những đại biểu tâm huyết, có năng lực và gắn bó máu thịt với nhân dân” - ông Huỳnh Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng chúng ta phấn khởi về các thành tựu kinh tế - xã hội đạt được năm qua cũng như cả nhiệm kỳ, song cũng rất trăn trở về những điều lẽ ra phải làm tốt hơn.

Bởi nước ta có những thuận lợi rất cơ bản: nhân dân năng động, cần cù, tin tưởng và ủng hộ đường lối của Đảng, nhà nước; có nguồn tài nguyên dồi dào, môi trường xã hội ổn định, quan hệ quốc tế thuận lợi.

“Nhưng sau 40 năm thống nhất đất nước, nhìn nhận một cách nghiêm túc thì chúng ta vẫn chưa thoát khỏi một cách vững chắc tình trạng nước nghèo” - đại biểu Huỳnh Nghĩa thẳng thắn.

Chất lượng tăng trưởng gắn với phiếu tín nhiệm

Cả bài phát biểu, đại biểu Huỳnh Nghĩa chủ động minh chứng cho quan điểm của mình về chuyện thương dân. Ông nói: “Các chỉ tiêu tăng trưởng GDP là cần thiết nhưng sẽ vô nghĩa nếu dựa trên cách tổng hợp số liệu không sát thực tế”

“Có thể con số tăng trưởng từng năm đều đạt, song xét kết quả chung của nền kinh tế đòi hỏi phải xem lại. Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa... Chúng ta đều biết, một nước công nghiệp hóa trước hết phải thể hiện ở năng lực sản xuất dựa trên nền tảng sản xuất máy móc công nghiệp và tỷ trọng của sản phẩm công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng đến nay thử hỏi mặt hàng nào của Việt Nam là sản phẩm điển hình thể hiện năng lực kinh tế trên thị trường thế giới? Thời gian để hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa chỉ còn 5 năm nữa, nhưng có lẽ khó đạt được. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm của việc không đạt này?” - ông Nghĩa nêu những câu hỏi trăn trở.

Ông Nghĩa đặt tiếp câu hỏi: Vì sao sản lượng gạo xuất khẩu nước ta vào loại cao nhất, nhì thế giới nhưng đời sống nông dân vẫn còn nhiều khó khăn? Và đề nghị Chính phủ khi lập kế hoạch ở mỗi ngành, lĩnh vực cần có hệ chỉ tiêu cụ thể, các giải pháp năng động và thông minh để triển khai, đồng thời có cơ chế gắn trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo.

“Quốc hội cần giám sát chất lượng tăng trưởng và đánh giá người đứng đầu các ngành hằng năm thông qua phiếu tín nhiệm. Thay đổi cách làm kế hoạch và thay đổi cơ chế quản lý, giám sát là đòi hỏi bức thiết” - đại biểu Huỳnh Nghĩa tiếp tục đề nghị. 
.
 
Nhóm lợi ích đang khuynh đảo?
Trước Quốc hội, đại biểu Huỳnh Nghĩa nêu lên vấn đề rất gai góc: “Hiện nay, một trong những yếu điểm của nền kinh tế là tình trạng khuynh đảo của các nhóm lợi ích. Sự cấu kết giữa những người làm chính sách với các đại gia đang là mối nguy tiềm tàng và lớn nhất trong việc khai thác tối ưu nguồn tài nguyên”.
Ông cho rằng, điều đáng lo không chỉ là tình trạng lợi ích nhóm đang ngày càng thao túng, mà nghiêm trọng hơn ở chỗ vẫn chưa có một hệ thống luật pháp và cơ chế quản lý đủ mạnh để ngăn chặn nó.
Ông Nghĩa nêu lên một sự đối nghịch: “Khi sự giàu có của doanh nghiệp không xuất phát từ hoạt động bình thường, năng động của môi trường kinh doanh lành mạnh thì tình trạng bất bình đẳng sẽ xuất hiện. Trong khi đó, số người nghèo tuyệt đối và tương đối sẽ càng tăng, xã hội xuất hiện các mâu thuẫn tiềm ẩn không thể coi thường”.


12 nhận xét :

  1. ĐBQH ở các nước DC thiết lập VP ngay tại đơn vị mình đại diện tại QH và phải giải quyết mọi đơn từ , kiến nghị, khiếu nại của người Dân trong đơn vị đại biểu của mình . ĐBQH của tiểu bang hay LB cũng thế . ĐB nào không lo cho Dân thì khoá sau đừng hòng trúng cử .
    Còn VN, cả tỉnh mới có một VP ĐBQH, người Dân khó mà gặp được ĐB . Khi tiếp xúc cử tri cũng chỉ là cử tri chọn lọc được mời . Gặp xong có phong bì đút túi
    mang về . Đơn từ gì nhân cũng được cái thư trả lời và hướng giải quyết lại là CQ địa phương đánh bùn sang ao . Các vị ĐB mang nhiều chức vụ quá , quá bận với công việc khác, lại còn quan liêu nữa , người bình dân sợ các ngài như sợ quan lớn ! ĐB Huỳnh Nghĩa nói thẳng nói thật . Khoá sau mong có tên ông trong QH !

    Trả lờiXóa
  2. đề nghị các vị giữ các chức vụ trong chính phủ không được tham gia quốc hội

    Trả lờiXóa
  3. "Thứ hai phải dân chủ thật sự trong ứng cử, bầu cử." - thì phải có ngay giải pháp thực thi thế nào , cứ nói chung chung thế này thì có đến mùa quít! Đại biểu QH mà còn thế...

    Trả lờiXóa
  4. Đặt vấn đề như ông Huỳnh Nghĩa là quý báu nhưng dân chưa cần ai thương đến. Dân chỉ cần đại biểu QH hoặc người ăn lương từ thuế làm đúng trách nhiệm với dân (như các nước) là đã mừng lắm rồi. Kêu gọi lòng tốt của quan chức thời nay có là thứ xa xỉ quá không ?! Dân Mỹ và các nước dân chủ có cần ai thương không?

    Trả lờiXóa
  5. Đại biểu quốc hội là người được dân bầu lên, để thừa hành quyền lực được nhân dân ủy quyền, nay lại thương dân đúng là giọng vua tôi.

    Trả lờiXóa
  6. Thôi, để các nhà văn hài hước đưa ra ý kiến.

    Trả lờiXóa
  7. Muốn lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập. Đại biểu quốc hội là người của cơ quan lập pháp, do vậy thành viên chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh là cơ quan hành pháp không thể là đại biểu của cơ quan lập pháp được, vơi tư pháp cũng vậy không thể là đại biểu quốc hội hay thành viên trong chính phủ được.

    Trả lờiXóa
  8. Đại biểu QH khi gặp dân, trả lời dân cũng chỉ chung chung sáo rỗng, đổ lỗi cho chính quyền địa phương, xong không giải quyết gì hết. Để sự việc chìm trong im lặng, họ mặc dân đi đi lại lại nhiều lần. Đó là việc gia đình tôi đã gặp phải tại VPQH tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2013.

    Trả lờiXóa
  9. Hành động thiết thực nhất là quốc hội nên...giải tán.
    Mỗi ngày mấy ông bà họp là dân phải còng lưng đóng hàng tỉ tiền thuế mà chẳng làm được cái trò trống gì cả.

    Trả lờiXóa
  10. Vớ vẩn ! Nhân dân không cần ai thương xót , chiếu cố v.v.... Nhân dân cần , đề nghị , đòi hỏi , yêu cầu - các vị , các cấp chính quyền , các cơ quan của chính phủ .... phải có trách nhiệm chăm lo , bảo vệ người dân ( vì dân mà ) , vì người dân nuôi các vị , có thế thôi !

    Trả lờiXóa
  11. Ăn lương bằng tiền thuế của dân để làm việc cả ngày nhưng QH nghỉ sớm vì KHÔNG CÓ NGƯỜI PHÁT BIỂU hài vãi L...

    Trả lờiXóa
  12. thương dân thì sao lại biểu quyết luật đất đai

    Trả lờiXóa