Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

"NHÀ NƯỚC ĐANG NUÔI BÁO CÔ NHIỀU CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC"

"Nhà nước đang nuôi báo cô nhiều công chức, viên chức"

Ngọc Quang
Giáo dục VN
16/11/15 12:23

(GDVN) - Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng như vậy khi trao đổi với báo chí về năng lực công chức, viên chức.
 
Theo kế hoạch dự kiến, Nhà nước sẽ tinh giản biên chế trên 296 nghìn cán bộ công chức, viên chức (tức là chiếm khoảng 10%) trong giai đoạn 2015 – 2021.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều Đại biểu Quốc hội lo ngại hiện nay là liệu có chuyện “giảm chỗ nọ, phình chỗ kia” hay không? Thậm chí, đã có ý kiến chỉ ra rằng, số lượng cán bộ công chức, viên chức ăn lương nhà nước không những không giảm mà còn tăng lên thời gian qua, và các ngành đều có lý do chính đáng.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói thẳng rằng, không thể cào bằng như hiện nay mà phải tính lại cho đúng với năng lực thực tế của từng vị trí công việc. Nếu không làm được thì động lực phát triển trong bộ máy nhà nước bị triệt tiêu, đến một lúc nào đó người có năng lực sẽ chán và buông xuôi.

“Hiện nay, trong bộ máy nhà nước đang trả lương cho một bộ phận không làm gì, tức là nuôi báo cô. Nhưng đồng thời, chúng ta có tội với những người làm việc bằng 5 người khác đang làm”, ông Quyền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH (ĐBQH đoàn Hà Nội) 
nói thẳng, Nhà nước đang nuôi báo cô rất nhiều công chức, viên chức. 
Ảnh: Ngọc Quang.

Theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, muốn giảm biên chế hiệu quả phải đặt vấn đề trên tổng thể toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ ở bộ máy hành chính của nhà nước.

“Chúng ta đang cải cách bằng cách định biên, tức là làm rõ mỗi vị trí công tác thì công việc như thế nào? Trong một số ngành, tôi thấy đã định biên được, nhưng nhìn chung thì chưa định biên được nên dẫn đến giảm biên chế rất khó khăn.


Hơn thế nữa theo quy trình hiện nay, tinh giảm biên chế không dễ dàng một chút nào cả. Người ta vẫn làm việc, bây giờ, hiệu quả đánh giá năng suất lao động như thế nào, những tiêu chí, người có thẩm quyền, cách thức thực hiện ra sao, trình tự thủ tục vẫn rất mơ hồ”, ông Quyền nhận định.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, việc phình biên chế trong cơ quan nhà nước trong nhiều trường hợp còn do ý chí chủ quan của người đứng đầu đơn vị.


Ông Quyền nêu thí dụ: “Tôi đã từng làm Vụ trưởng, lúc đó, tôi bảo chỉ cần 2 vụ phó thôi, nhưng thủ trưởng tôi bảo, không, anh phải cần 4 vụ phó.

Tôi chưa cần lấy thêm người thì ông thủ trưởng bảo cần lấy thêm người. Tức là người đứng đầu một đơn vị cũng không có thẩm quyền về biên chế, cán bộ.

Tính tự chủ đi đôi với tính tự chịu trách nhiệm, bởi vì người ta không tự chủ nên tính tự chịu trách nhiệm cũng yếu đi. Muốn tinh giản bộ máy Nhà nước hiện nay để lương cải thiện thì có quá nhiều việc phải làm và phải có bàn tay nào đó rất mạnh mẽ”.

Ông Nguyễn Đình Quyền cũng khẳng định, qua kinh nghiệm làm việc ở những cơ quan mà ông từng làm quản lý thì có thểm giảm được tới 40% cán bộ công chức, viên chức.

Ông Quyền dẫn chứng: “Có lần tôi đã từng nói, nếu tôi làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi có thể thải được 40% cán bộ, công chức ra khỏi bộ máy. Nếu cho phép tôi toàn quyền.

Thực tế ở các vụ chuyên môn 1 người có thể làm việc bằng ít nhất 3 người, thậm chí có thể làm bằng 5 người. Một anh vụ phó dư sức làm việc của hai anh vụ phó và 3 anh chuyên viên cộng lại, nhưng không có cơ chế gì khuyến khích, thậm chí có khi làm càng nhiều lại càng phải va chạm. Đến lúc bỏ phiếu bình bầu thì có khi mất phiếu.

Do đó, quan trọng nhất hiện nay là phải tính được định biên, và đặc biệt phải giao quyền tự chủ cho người đứng đầu. Người ta đã ở trong bộ máy nhà nước lâu rồi, bây giờ nói xa thải rất khó. Cơ chế thải bằng cách nào là cả một vấn đề, chúng ta phải tính đến hậu quả pháp lý của vấn đề đó”.

Từ câu chuyện sử dụng cán bộ, ông Nguyễn Đình Quyền cũng chỉ ra sự bất cập trong cách tính lương của hệ thống cơ quan nhà nước.

“Thí dụ, tôi nói những doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế như dầu khí, điện lực, tại sao lương lại mấy chục triệu như vậy? Địa tô chênh lệch đó không phải do anh ta tạo nên mà do cán bộ nhà nước và do ngân sách nhà nước đầu tư cho anh tạo nên.

Ở các tập đoàn kinh tế, cán bộ công chức được nhà nước bỏ tiền ra đào tạo, ngân sách nhà nước bỏ tiền ra để làm các thủy điện, nhiệt điện hàng nghìn tỷ... Khi bắt đầu kinh doanh anh đã tạo ra địa tô chênh lệch 1, chênh lệch 2 thì ngành anh hưởng, cái đó là vô cùng bất hợp lý.

Hai người, một người vào bộ máy nhà nước thì hưởng lương như lương thứ trưởng của tôi hiện nay là khoảng 14 triệu đồng, một người tài năng chưa chắc hơn ai vào tập đoàn đó thì được hưởng lương 50 - 70 triệu đồng. Như thế hoạch định lương kiểu gì? Thế mà nó vẫn diễn ra”.
.

Có một vấn đề rất thời sự đó các cơ sở giáo dục, y tế đã được nhà nước đầu tư rất lớn nhưng thực tế người dân vẫn phải trả phí rất cao. Câu chuyện xã hội hóa đã được nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập là tại sao luôn nói “xã hội hóa” mà không phải “tư nhân hóa”? Nếu tư nhân làm tốt thì nhà nước cũng cần khuyến khích tạo điều kiện, nhưng cơ chế chính sách hoàn toàn khác với “xã hội hóa”.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, trong dịch vụ lợi ích công của Việt Nam hiện giờ là thiếu minh bạch nhất, mà việc này sẽ tạo ra lợi ích nhóm.
“Sẽ có một nhóm hưởng lợi từ cái thiếu minh bạch đó. Cho nên, trong dịch vụ công đó phải tính đúng, tính đủ nhưng phải trên cơ sở tính minh bạch chứ không phải một nhóm người tạo ra định suất rồi áp vào người dân.
Ở đây, cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt cho từng định suất đó và phải tính trên mặt bằng trung bình của xã hội chấp nhận được.
Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch được thì đồng vốn của Nhà nước chi phí vào dịch vụ công đó sẽ minh bạch.
Thứ hai là công lao của đơn vị dịch vụ công đó và thứ ba là sự đóng góp của người dân. Ba thứ đó, mới tạo ra được dịch vụ công tránh được thất thoát, lợi ích nhóm”, ông Quyền phân tích.




7 nhận xét :

  1. Theo tôi báo cô nhất là cái bác gì vừa trả lời chat vấn cuối cùng ấy. như một gáo nước lạnh đổ lên nhiệt huyết của Quốc hội trong 2 ngày chat vấn trước đó

    Trả lờiXóa
  2. Cả một hệ thống các cơ quan đảng, đoàn thể từ trung ương xuống đến tận thôn xóm ngõ ngách để làm gì? CA đông như kiến rồi vẫn đẻ thêm chân tay là tổ bảo vệ dân phố, câu lạc bộ này nọ do ngân sách gánh...

    Trả lờiXóa
  3. Cứ nhìn cái ngã tư giao thong ở HN thì biết tại sao Ngân sách NN hêt tiền. Để thay cho 1 cái đèn xanh - đỏ như ở nước ngoài tại HN mỗi ngã tư có đến 5-6 lực lượng tham gia quản lý giao thong: CSGT, CS cơ động, CS phường, thanh tra giao thong, dân phòng, thanh niên xung phong. Sự thực này đập vào mắt mọi người hang ngày mà ko thể giải thích được vì sao? do ai?

    Trả lờiXóa
  4. thủa nhỏ tôi chẳng làm được việc gì ra hồn, bố mẹ thường mắng: Mày sau này chỉ ăn hại đái nát thôi con ạ ? hay Mày là đồ chỉ ăn hại cơm trời uống hại nước sông ! Lớn lên tôi đã hiểu.

    Trả lờiXóa
  5. - Tôi rất lo ngại cho các công chức là những người không biết cách "hái" ra tiền để đút lót quan trên sẽ bị xa thải...
    - Sợ người có tài, có tâm không chiu nịnh kẻ kém tài hơn mình đang lãnh đạo mình bị xa thải.
    Hãy chờ xem nhà nước này đang diễn trò...

    Trả lờiXóa
  6. Không cần phải đuổi bớt cán bộ công chức các ngành "về vườn" cho đỡ ngân sách nhà nước chi trả. Trước tiên chỉ cần nhà nước giải tán một số cơ quan ban ngành không cần thiết, không còn tác dụng phục vụ Tổ Quốc vafnhaan dân như:
    - Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, các hội phụ nữ, hội CCB, và một số cơ quan báo chí tuyên truyền, Tuyên giáo...và các đảng bộ, chi bộ đảng yếu kém...
    - Đối với chính quyền cấp xã phường, chỉ cần để lại mấy chức danh gồm: 01 Chủ tịch UBND xã, 02 Phó Chủ tịch UBND xã, 01 Kế toán trưởng và 01 trưởng Công an xã...
    - Chủ tịch và phó chủ tịch cơ quan hành chính các cấp, các giám đốc và Phó giám đốc Kiêm thêm các chức danh Bí thư và phó Bí thư bên đảng. Sát nhập cơ quan đảng vào với chính quyền.
    - Chỉ sơ sơ như thế là đã tiết kiệm được một khoản ngân sách khổng lồ dùng trả lương và kinh phí hoạt động cho các tổ chức cá nhân này..
    Cơ quan Y tế, Giáo dục chỉ để lại ở cấp tỉnh và cấp bộ mỗi đơn vị một trường, một bệnh viện do nhà nước quản lý...Nhằm bồi dưỡng nhân tài và nghiên cứu về khoa học, làm nơi ban hành các chủ trương chính sách của ngành mình quan lý.
    Tất cả bệnh viện trường học giao cho tư nhân quản lý điều hành. tự thu chi và đóng thuế cho nhà nước.
    Ngày xưamooix huyện có 01 quan huyện và mấy anh lính Cẩm . ở thôn có 01 lý trưởng và mấy tay Tuần phu tốp trạch..(Bảo Nông bây giờ). NHưng guồng máy nhà nước vẫn vận hành thông suốt .

    Trả lờiXóa
  7. Tôi nhất trí với Nặc danh 05:55 Ngày 20 tháng 11 năm 2015, xin bổ xung thêm:
    - Đối với ngành giáo dục, nhà nước nên duy trì việc phổ cập giáo dục tiểu học (hết lớp 5) giúp xoá mù, bằng cách nhà nước trích 50% kinh phí còn lại 50% do dân địa phương và cá nhà hảo tâm đóng góp tài trợ. (Miễn Học phí cho học sinh tiểu học)
    - Các cấp học khác đề do nhà trường tự thu chi và đóng thuế cho nhà nước.
    - Mỗi tỉnh được giữ lại một trường do tỉnh quản lý để đào tạo các lớp chuyên.
    - Cấp đại học cao học tương tự như Trung học...nhà nước chỉ quản lý một đến hai trường (Quốc học) để đào tạo các giáo sư tiến sỹ theo chuyên ngành và làm nới tổ chức cá kỳ thi tiến sỹ và nghiên cứu ban hành các chính sách của nganh GD)
    - Đối với Y tế, nhà nước giao cho địa phương duy trì quản lý các bệnh xá xã phường, mỗi bệnh xá được biên chế từ 2 đến 3 bác sỹ và hộ lý y tá (theo tình hình thực tế) để bảo vệ sức khoe và thám gia khám chữa bệnh phòng dịch (chăm sóc sức khoẻ ban đầu , bệnh nhân được miễn viện phí)...Kinh phí do dân đóng góp.
    - Còn lại các bệnh viện cấp tỉnh, huyện, cho tư nhâ hoá và cổ phần hoá, hạch toán kinh doanh độc lập tự cân đối thu chi và đóng thuế cho nhà nước.
    - Nhà nước chỉ để lại 1 bệnh viện trung ương và một số bệnh viện khu vực để chữa các bệnh hiểm nghèo từ tuyến dưới chuyển lên. là nơi tham mưu chỉ đạo và ban hành các chính sách về Y Tế...
    - Các bệnh viện này được nhà nước bao cấp và được quyền thu thêm từ các nguồn khác để tăng thêm thu nhập cho các Bác sỹ và cán bộ nhân viên ...tăng phúc lợi và kinh phí mua sắm trang thiết bị và cơ sở hạ tầng của mình.
    - Các ban ngành như Mặt trận Tổ quốc , công đoàn, đoàn Thanh Niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức đảng, phải tự lo kinh phí cho các tổ chức của mình, bằng cách các đảng viên, hội viên , thành viên đóng đảng phí Hội phí, hoặc xin từ các nhà tài trợ khác. Không dùng Ngân sách nhà nước để trả lương và kinh phí hoạt cho các tổ chức này.
    - Đã đến lúc nhà nước phải tinh giảm biên chế vì ngân sách không kham nổi một bộ máy hành chính khổng lồ quá kồng kềnh hoạt động kém hiệu quả.
    -

    Trả lờiXóa