Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

KHÔNG THỂ TÙY TIỆN PHONG GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ ĐƯỢC!

'Không tuỳ tiện công nhận chức danh giáo sư,
phó giáo sư'

VNE
Thứ ba, 15/9/2015 | 08:05 GMT+7

'Giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự, dù trường có quyền tự chủ, nhưng cũng không thể tùy tiện, phải đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia", ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước nói.

Trường đại học tự bổ nhiệm chức danh giáo sư cho giảng viên
Ông Bùi Mạnh Nhị
 Trao đổi với VnExpress về việc Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư cho những cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có nhu cầu, ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước khẳng định việc này không đúng quy định và cần phải dừng lại.

Theo ông Nhị, giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghiêm túc và vinh dự, không thể thể tùy tiện công nhận. Quyết định số 174 của Thủ tướng (sửa đổi năm 2013) quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nêu rõ, để được công nhận đạt tiêu chuẩn các chức danh đó, ứng viên phải đăng ký và phải gửi hồ sơ tới các cơ sở xét duyệt theo quy định; nếu được Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở đồng ý thông qua, hồ sơ của ứng viên sẽ được chuyển tới Hội đồng chức danh giáo sư ngành/liên ngành xem xét.

Tại Hội đồng này, ứng viên sẽ trình bày báo cáo tổng quan kết quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời Hội đồng sẽ kiểm tra năng lực ngoại ngữ của ứng viên. Cuối cùng, trên cơ sở kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ xem xét, đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng hồ sơ ứng viên.

"Tóm lại, để công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, ứng viên phải qua ba cấp Hội đồng xét duyệt: Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, Hội đồng Chức danh giáo sư ngành/liên ngành và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự, dù các trường có quyền tự chủ, nhưng cũng không thể tùy tiện được, phải đảm bảo quy định, đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia", ông Nhị nói.


Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cũng cho biết, việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được quy định tại Thông tư số 16 (năm 2009) và Thông tư số 30 (năm 2012) của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Đối tượng được các cơ sở giáo dục bổ nhiệm là nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc đã được bổ nhiệm làm giáo sư, phó giáo sư tại một cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh này tại một cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam - tiêu chuẩn và quy trình cũng được quy định rất rõ ràng.

Đối với những người đã được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thì phải có số điểm công trình khoa học quy đổi ít nhất bằng số điểm quy định đối với ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, trong đó ít nhất có một công trình khoa học được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín quốc tế. Việc tính điểm các công trình khoa học của ứng viên phải được ít nhất ba giáo sư, hoặc phó giáo sư cùng ngành chuyên môn thẩm định. Nhà trường phải thành lập Hội đồng khoa học và Đào tạo để xét duyệt. Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm báo cáo danh sách giáo sư, phó giáo sư mới được bổ nhiệm lên cơ quan chủ quản và Bộ Giáo dục.

Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước có trách nhiệm xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Còn Bộ Giáo dục hướng dẫn thực hiện xét công nhận đạt tiêu chuẩn, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh này, bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh theo quy định...

"Tôi đã gọi điện tới các đồng chí lãnh đạo và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản trực tiếp của Đại học Tôn Đức Thắng, đề nghị Tổng Liên đoàn có ý kiến chỉ đạo sớm đối với Nhà trường trong việc thực thi pháp luật", ông Nhị cho hay.

Trước đó, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ (Đại học Tôn Đức Thắng) cho biết, việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ là chức vụ chuyên môn ở trong trường. Hội đồng giáo sư của nhà trường đã xây dựng tiêu chí riêng, nhưng chủ yếu vẫn là dựa trên những công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Theo ông Út, việc bổ nhiệm chức danh này trường đã tham khảo hoạt động của các trường đại học ở những nước tiên tiến. Nội dung, quy định về việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư sẽ được thông báo rộng rãi trên website của trường để các nhà khoa học, cán bộ trong và ngoài trường đăng ký, nếu họ thấy mình xứng đáng được bổ nhiệm. Đây là bổ nhiệm chức vụ nên hàng năm trường sẽ đánh giá từng cá nhân, nếu sau một thời gian người được bổ nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ miễn nhiệm chức vụ đó.

Lan Hạ


13 nhận xét :

  1. Quan trọng chức danh ấy có làm lợi cho Dân không thôi!

    Trả lờiXóa
  2. GS/PGS chính là sản phẩm lựa chọn của các ông chứ ai vào đây?
    Chuyện có thật 100% và kéo dài gần chục năm diễn ra ở bộ môn tôi là GS, TS phải ôm giáo trình giáo án của "cử nhân" soan đi dạy? Tại sao ư? là vì họ chỉ nghĩ về bằng cấp chức danh mà không chịu đầu tư chuyên môn ! Một người thày giỏi phải âm thầm làm việc xây dựng bộ môn chuyên môn của mình, nên ít để tâm đến bằng cấp hình thức . Vì vậy GS của trường phong lại có chất lượng thực !

    Trả lờiXóa
  3. Ông Bùi Mạnh Nhị, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước khẳng định"Giáo sư, phó giáo sư là chức danh rất nghiêm túc và vinh dự, dù trường có quyền tự chủ, nhưng cũng không thể tùy tiện, phải đảm bảo mặt bằng chất lượng quốc gia" Vậy xin hỏi ông có biết việc các ông Nguyễn Lân, Vũ Ngọc Khánh từ hàng chục năm tự phong Giáo sư cho mình, được các nhà xuất bản, được ông Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội công nhận và còn tổ chức hội thảo với hàng chục tham luận ca ngợi, được con trai ông, đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, thông báo trên các diễn đàn là tên của giáo sư tự phong Nguyễn Lân được lấy làm tên đường phố của Hà Nội? Và suốt bao năm qua, sao không thấy ông Chánh văn phòng hội đồng có ý kiến gì cả?

    Trả lờiXóa
  4. Củng chẳng lấy gì làm lạ >GÌ PHONG GIÁO SƯ GIÁO SĨ LÀ CẢ ĐỐNG TIỀN ĐẤY ! SAO LẠI ĐI CHO CÁI QUYỀN KIẾM RA TIỀN CHƯ BÁC TỂU NHỈ ! ai củng có quyền phong thì hội đồng nầy lấy gì mà sống ,nhảm.hoan hô ông chánh văn phòng hội đồng PHẢN ỬNG NHANH NHẠY QUYẾT LIỆT < HAY ! phải chi dân oan mà được phản hồi củng nhanh như thế ! đúng là thời đại mới rồi .ai củng phong được thì loạn à ! may là chỉ mới 1 trường ,may kia hàng chục trường đại học nó phong thì ôi thôi CỨ RA NGỎ LÀ CHÀO VÁI NHAU CỦNG NẾT HƠI ! cứ tưởng tượng mà xem họ chào nhau <chào bác giáo sư đi chợ ạ ! chào ông tiền sỉ đi vá xe ạ .chào chị thạc sĩ đi chai chai ạ ,nghe mà sướng cái lổ tai .hì.may mà Chí phèo ,,,đả khuất nếu nhân vật nầy còn sống có khi phải gọi ới ông tiền thạc sĩ chí phèo ới ời đi bia nào

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chà, nhà iem phải “đi tắt đón đầu” thôi: soạn gần chục cái cạc-vi-dít cho cả nhà để mai đưa đi in. Nhà em nhiều GS lắm: dạy mầm non: 1, dạy tiểu học: 2, dạy THCS: 3, dạy THPT: 2 – dững 8 GS chứ ít à! Cứ cái đà này chỉ 1-2 năm nữa cứ có học trò thì là…GS: GS mộc, GS nề, GS cối, GS giếng v.v…Ối, thế thì nhà iem phải đến 2 chục GS ấy chứ!

      Xóa
  5. Các trường ĐH có quyền phong học hàm thì Hội đồng Chức danh Nhà nước của ông Nhị thất thu ư? Không, không, ngàn lần không được!

    Trả lờiXóa
  6. Trần Thị Thảolúc 18:54 15 tháng 9, 2015

    Cùng một chế độ, thì Trường phong ,hay Hội đồng chức danh phong cũng đều mất TIỀN hoặc quen biết ,đặc biệt là có chỉ đạo của cấp trên nữa .Thực tế đã cho thấy : Một đất nước mà có tới 9000 GS, 24000TS, trên 10000 thạc sĩ , còn kĩ sư thì nhiều lắm . thế mà không làm nổi một con ốc vít.Vậy thì cái sự phong hàm GS, TS từ trước tới nay đã khách quan chưa ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong môi trường giáo dục – đào tạo – nghiên cứu ở Việt Nam mà đòi hỏi khách quan và trung thực ư? Chị mới từ Sao Hoả đến chăng? Học sinh gian lận, sinh viên gian lận, học viên cao học gian lận, nghiên cứu sinh gian lận. Và thế là…bình thường. Trung thực thì chỉ có thiệt, suốt đời long đong lận đận.

      Xóa
  7. Cứ xem cái CV (Curriculum Vitae) của cậu Danh hiệu trưởng thì biết hắn là loại giáo gì rồi
    Lê Vinh Danh đích danh ôi
    Cái ghế hiệu trường lôi thôi quá chừng
    Làm đơn kiện cáo thầy Hưng
    Nổi hứng lại vẽ phong hàm giáo sư
    Giáo Út như tiến sĩ mù
    Nghe Danh nên bại nên ngu quá rồi

    Trả lờiXóa
  8. Cũng không cấm được lâu nữa đâu. Các đại gia ấy có sợ gì cái hội đồng của ngài.

    Trả lờiXóa
  9. Theo tôi nên ủng hộ việc các trường chịu trách nhiệm trong việc phong học hàm Phó giáo sư, Giáo sư. Nhưng phải dựa trên qui định của pháp luật. Rất nhiều năm nay Hội đồng chức danh nhà nước đã phong cho hàng ngàn phó giáo sư, giáo sư không làm nghiên cứu, giảng dạy đã biến học hàm như một tiêu chí để bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan quản lý. Tình trạng chạy để bổ nhiệm học hàm là có thật. Rất nhiều trường hợp không tham gia công tác giảng dạy, không tham gia viết bài báo nhưng có tên trong bài báo để nhằm lấy điểm đã được phong học hàm. Tôi nghĩ tội của Hội đồng chức danh nhà nước không nhỏ đâu khi đã sản sinh hàng loạt giáo sư, phó giáo sư rởm của nước nhà.

    Trả lờiXóa
  10. Lĩnh Nam chích quáilúc 00:40 16 tháng 9, 2015

    Chức danh GS, PGS của các trường ĐH VN đem ra ngã giá đầu tiên ở ĐH TĐT ! Chợ sớm hay chợ chiều ? Ở các nước TB, nghe chức danh Professor , mọi người ngả mũ chào . Còn ở VN thì ra ngõ đã gặp GS !

    Trả lờiXóa
  11. Tớ thì tớ phản đối kịch liệt việc để cho các trường ĐH tự phong GS và PGS. Như thế các ứng viên sẽ dễ “đi đêm” hơn và tớ chả kiếm được gì nữa. Số là tớ chỉ ThS phọt phẹt thôi, nhưng được cái ngoại ngữ ngon. Từ trước đến giờ nhiều PGS, GS trường tớ khi làm hồ sơ xin phong học hàm phải qua tay tớ (kê khai lý lịch khoa học và có bài phát biểu bằng ngoại ngữ đã khai), tớ dịch cho, viết bài phát biểu cho, luyện đọc theo cách rất dễ hiểu. “Các cụ” gần như mù ngoại ngữ nên tớ kiếm cũng khá, bây giờ mà trường có quyền phong thì “các cụ” gần gũi với Hội đồng, thế là tớ ra rìa!

    Trả lờiXóa