15-9-2015
Đảng CSVN vừa công bố Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng XII cho nhân dân đóng góp ý kiến.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 15/9/2015 đến hết ngày 31/10/2015.
Bản dự thảo nhìn lại những thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội 5 năm qua, được gọi cách khác là “kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI”.
Dự thảo nhận xét kinh tế Việt Nam vượt qua được nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô dần ổn định và tốc độ tăng trưởng tuy giảm đi nhưng vẫn thuộc loại khá và “có chiều hướng phục hồi”.
Các mặt khác đều được đánh giá là có tiến bộ.
“Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hòa bình, ổn định được giữ vững để phát triển đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả.”
Dự thảo báo cáo chính trị nêu rõ: “Những thành quả đạt được 5 năm qua có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, giải quyết kịp thời, có kết quả nhiều vấn đề mới phát sinh…”
Tuy nhiên bên cạnh đó, bản dự thảo cũng nói còn tồn tại nhiều yếu kém, khuyết điểm, mà nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan.
Lý do chủ quan được cho là các “hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục…”
Bản dự thảo do vậy rút ra một số kinh nghiệm, mà trước nhất là “hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…”
Những cụm từ lâu nay sử dụng trong văn kiện Đảng như “phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ; đồng thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”… tiếp tục được sử dụng.
Mục tiêu kinh tế
Tuy nhiên, trong mục tiêu phương hướng phát triển 5 năm tới (2016-2020), phát triển kinh tế được đặt lên vị trí hàng đầu.
Các chỉ tiêu kinh tế chính:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm.
- Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 đôla
- Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP
- Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP.
Trong thời kỳ 5 năm 2010-2015, tăng trưởng kinh tế bình quân là 5,82%. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đã đạt 6,28%, khá cao trong khu vực.
Nhiệm vụ về kinh tế mà dự thảo báo cáo chính trị đề ra có một số điểm được cho là mới.
“Thể chế hoá quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013”.
“Bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế”.
Dự thảo cũng nhấn mạnh: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.
Việt Nam cần đẩy mạnh cổ phần hóa, theo hướng “doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư”.
“Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích.”
Bản dự thảo đề xuất: “Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp”.
Quốc phòng-an ninh
Các mục tiêu phương hướng trong lĩnh vực này ghi trong dự thảo báo cáo chính trị chưa có gì khác biệt so với những năm trước.
Mục tiêu trọng yếu được nêu là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
“Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm…”
Báo cáo khẳng định quyết tâm “Kiên quyết giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế – xã hội trong mọi tình huống”.
Tuy nhiên, lần này dự thảo báo cáo chính trị đề cập tới nguy cơ tiềm tàng trong một thế giới nhiều bất ổn và kêu gọi có “kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”.
.
Đ báo cáo thay QH, CP !
Trả lờiXóa