.
Từ tượng đài nghĩ về tượng đài
VietTuSaiGon
06-08-2015
“… khi tượng đài xây dựng lên khắp đất nước này, có ba thứ phải mất đi, đó là diện tích đất để xây tượng đài, tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân và phần lương tri sót lại của bọn đục nước béo cò bị mất. Bù vào đó, cái mà nhân dân nhận được là những khối bê tông, đất đá vô nghĩa cũng như những tượng đài người nghèo, sự bất công ngày càng rõ nét trong lòng dân tộc”.
Gần đây, mặc cho tình hình đất nước có nhiều rối tren từ kinh tế đến chính trị (đặc biệt là nạn ngoại xâm đã chính thức phủ bóng đen lên bờ cõi khi Trung Quốc ngang nhiên xây dựng các bãi đá ngầm, đâm tàu của ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam) nhưng nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn cho xây dựng nhiều tượng đài, từ vài chục tỉ lên đến vài trăm tỉ và thậm chí cả hơn ngàn tỉ đồng. Từ chuyện các tỉnh thi nhau xây dựng tượng đài, lại nghĩ đến một tượng đài khác như một phép đối lập giữa hiện thực Việt Nam, đó là tượng đài của sự đói nghèo và đau khổ.
Vì sao khi nói đến những tượng đài xây hàng ngàn tỉ mà lại có bóng dáng của sự đói nghèo, bần khổ ở đây? Vấn đề này được trả lời trên nhiều hướng, nhưng hướng căn bản vẫn là sự tuột dốc gần như thẳng đứng của giá trị đồng tiền Việt Nam đang tỉ lệ nghịch với lòng tham và sự trân tráo ngày càng tăng cao của giới quan lại. Bên cạnh đó, tượng đài bác Hồ, tượng đài các bà mẹ Việt Cộng càng hoành tráng bao nhiêu thì tượng đài số phận của hàng triệu bà mẹ Việt Nam đói khổ, đau khổ, bần cùng càng hiện rõ bấy nhiêu. Hai trạng thái này như một sự tương hỗ có tính nhân quả trên cơ thể Việt Nam.
Đầu tiên, làm một phép so sánh giữa tượng đài bà Mẹ Thứ ở Núi Thành, Quảng Nam với tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La. Tượng đài bà Mẹ Thứ khởi công xây dựng năm 2000 với kinh phí dự toán ban đầu đúng một tỉ đồng. Sau đó không lâu, con số cứ vọt dần lên để rồi cuối cùng, vì lý do đồng tiền trượt giá, số tiền để hoàn thành tượng đài lên đến trên 400 tỉ đồng. Nghĩa là con số được nhân lên 400 lần.
Có lẽ đây là con số khủng khiếp trong lịch sử xây dựng tượng đài thế giới. Ngoại trừ khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929 – 1933, đồng tiền trượt giá đến mức khi bước vào quán ăn một chiếc bánh Hambeger, số tiền trong túi có thể mua được cả trăm chiếc nhưng khi ăn xong bánh thì đổ nợ. Lúc đó, nếu có xây tượng đài, chắc hẳn sẽ nhân lên bằng con số khá cao. Nhưng hình như không có tượng đài nào được xây dựng trong giai đoạn đói khổ này!
Việt Nam hiện tại vẫn là nước mà theo giới chức Cộng sản rêu rao là tăng trưởng kinh tế ổn định. Điều này chứng tỏ Việt Nam không nằm vào diện khủng hoảng kinh tế. Nhưng sao lại có mức trượt giá đồng tiền lên đến 400 lần trong vòng chưa đầy 15 năm?!
Và với mức khởi điểm một tỉ đồng thì trượt lên đến hơn 400 lần trong giai đoạn đồng tiền chưa đến nỗi mất giá như hiện tại, liệu với mức khởi điểm 1,400 tỉ đồng trên bản dự toán xây dựng, trong lúc đồng tiền trượt giá rất nhanh hiện nay, liệu khi khánh thành, số tiền sẽ nhân lên bao nhiêu lần nữa? Và giả sử nó cũng nhân lên 400 lần như tượng đài Mẹ Thứ ở Quảng Nam thì số tiền này là bao nhiêu? Thực sự là con số không thể tưởng tượng nổi! Nhưng với hệ thống cầm quyền hiện tại, chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhân lên 400 lần hay 500 lần không phải là chuyện hy hữu. Bởi nó đã từng xãy ra!
Và khi số tiền dự toán xây tượng đài bị nhân lên vài trăm lần, ai sẽ là người gánh chịu hậu quả và ai được hưởng lợi? Đương nhiên là cái tượng đài vô tri vô giác kia chẳng thể hưởng lợi gì cho dù nó ngốn cả tổng kho ngân sách quốc gia trong bụng nó. Chỉ có những kẻ bày vẽ xây dựng nó là được hưởng lợi nhiều nhất và những người dân khốn cùng, nghèo khó, không có quyền lợi chính là người chịu thiệt nặng nề nhất!
Bởi nhân dân là kẻ chịu đóng những đồng thuế đầu tiên và được hưởng quyền lợi cuối cùng trên đất nước mà họ chỉ được phép đóng góp, vân phục và luôn bị đe dọa. Hay nói cách khác là đất nước không có dân chủ. Và việc đóng thuế không ngoại trừ ai, từ đứa bé chưa đầy tháng tuổi cho đến người già lụm khụm sắp từ giã cõi đời. Nói chư vậy không ngoa chút nào vì thuế giá trị gia tăng (VAT) không từ bỏ ai cả, một bịch bỉm lót, một hộp khăn ướt lau đít em bé cho đến bịch sữa đậu nành uống cho đỡ đói của người già… Tất cả, có thứ nào không khấu trừ thuế VAT?
Lại có người đật vấn đề: Xây dựng tượng đài là khoản riêng, chuyện xóa đói giảm nghèo là khoản riêng, mỗi nơi đều có quĩ riêng, chương trình và dự án riêng, không thể bảo vì sao xây dựng tượng đài to lớn thế mà không lấy tiền đó chia cho dân đói khổ, nói như vậy là ấu trĩ… Vân vân và vân vân…
Nếu nhìn như vậy thì chẳng có gì đề bàn. Thì rõ là khoản nào ra khoản đó. Nhưng Việt Nam là một đất nước của chỉ thị và sắc lệnh. Thử hỏi, nếu các ông ở trung ương ra lệnh, chỉ thị cho chính quyền tỉnh chỉ được phép trích chừng vài ba phần trăm ngân sách cho việc tung hê, xây dựng tượng đài, cổ động tuyên truyền và trích vài chục phần trăm cho việc xóa đói giảm nghèo thì lấy đâu ra vài ngàn tỉ, vài trăm tỉ để xây tượng đài? Vì nếu làm một phép toàn nhỏ, lấy 1,400 tỉ đồng, chia cho 71000 hộ thì ít nhất mỗi hộ cũng có được số tiền là 19 triệu đồng. Con số này hoàn toàn không nhỏ đối với người nghèo, thậm chí đủ để người ta làm vốn thoát nghèo.
Nhưng có bao giờ các ông nhà nước đã làm thế hay chưa? Chưa, số tiền cho người nghèo nhỏ giọt tựa như chút rượu cặn trong đáy ly trên bàn nhậu của các quan to. Trong khi đó, số tiền xây dựng tượng đài, làm băng rôn biểu ngữ và nuôi đội dư luận viên, nuôi hệ thống tuyên truyền viên bao giờ cũng nốn hết cả đống tiền thuế của nhân dân.
Và khi nhân dân đặt dấu hỏi, các ông bao giờ cũng trả lời đó không phải là tiền ngân sách mà là tiền do các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp! Thử hỏi, các doanh nghiệp này nếu chịu làm ăn chân chính, không toa rập với thế lực đỏ để tàn phá tài nguyên môi trường, không chiếm đất của dân, không vay ngân hàng rồi quỵt nợ, tuyên bố phá sản, không trốn thuế thì lấy đâu ra tiền để đóng góp cho các ông làm tượng đài? Và số tiền doanh nghiệp này vay ngân hàng nhà nước là tiền gì nếu không có nhân dân đóng góp bằng thuế? Vô hình trung, tượng đài của các ông xây dựng là cơ hội để bọn đục nước béo cò thẳng tay tàn phá đất nước.
Và suy cho cùng, khi tượng đài xây dựng lên khắp đất nước này, có ba thứ phải mất đi, đó là diện tích đất để xây tượng đài, tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân và phần lương tri sót lại của bọn đục nước béo cò bị mất. Bù vào đó, cái mà nhân dân nhận được là những khối bê tông, đất đá vô nghĩa cũng như những tượng đài người nghèo, sự bất công ngày càng rõ nét trong lòng dân tộc.
Khi một tượng đài phung phí được dựng lên trên mặt đất, liền có ngay một tượng đài cam chịu và đau khổ tự mọc lên trong tâm hồn dân tộc. Và tượng đài đói nghèo, đau khổ mới là tượng đài vĩnh cửu, bởi nó không bị bòn rút từng cây sắt, bao ciment cụ thể mà nó bị bòn rút từng thớ lương tri còn sót lại nơi con người! Và không đâu có nhiều tượng đài như thế hơn Việt Nam hiện tại!
Bài: Việt Tú Sài Gòn
Hình minh họa: Trần Nhương
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét