Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Thái Kế Toại: KỂ CHUYỆN GIẢI TỎA CHO ÔNG NGUYỄN HỮU ĐANG

CHUYỆN GIẢI TỎA CHO ÔNG NGUYỄN HỮU ĐANG 

Thái Kế Toại
Đại tá Công an PA25, đã nghỉ hưu
.
Ông Nguyễn Hữu Đang
Khi ông Đang ra tù năm 1973 ông vẫn còn bị quản chế 5 năm. Theo tiền lệ thời gian đó Bộ Công an phải nuôi ông mỗi tháng 15 đồng, cũng tạm đủ ăn. Sau đời sống khó khăn số tiền đó không đủ nuôi ông, công an Thái Bình xin thêm, Bộ giải quyết cho 50 đồng nhưng hàng tháng phải cho người trực tiếp lên đơn vị tôi lĩnh về.

Bắt đầu đổi mới, tôi được giao nhiệm vụ tham mưu cho cấp trên xem xét xử lý vụ Nhân Văn – Giai Phẩm.

Đầu tiên là phải đọc lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Đó là một công việc nan giải vì hồ sơ của vụ án này nhiều hàng mét khối. Giấy tờ đã lưu trữ hàng ba chục năm, bản viết tay nhiều, bản đánh máy thì lèm nhèm. Tôi vừa làm công tác lãnh đạo đơn vị vừa tranh thủ đọc các tập hồ sơ cơ bản. Một cán bộ là anh Dương Thanh Hưởng giúp cho tôi. Khi đọc hồ sơ tôi hiểu được bản chất vụ án, phát hiện ra một số tình tiết mà một số bài báo, bản tổng kết sau này đã viết khác đi.

Việc thứ hai là phải rà soát lại toàn bộ nhân sự cùng quan hệ nhóm, quan hệ xã hội, tâm tư, sáng tác, thái độ chính trị của những văn nghệ sỹ đã tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm.

Việc thứ ba là đánh giá thái độ của các chính phủ, các cơ quan văn hóa, các đài phát thanh, truyền hình, báo chí các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề Nhân Văn- Giai Phẩm này.


Kết quả là tôi đã đề xuất cần thực hiện nhanh các biện pháp giải tỏa cho những văn nghệ sỹ đã tham gia nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Đó là biện pháp công tác tích cực nhất góp phần tháo bớt căng thẳng dư luận xã hội và văn nghệ sỹ, góp phần làm cho việc lợi dụng sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm theo chiều hướng tiêu cực giảm đi. Đầu tiên là khôi phục ngay hội tịch cho những người đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật. Thứ hai là cấp lương hưu cho hai ông Nguyễn Hữu Đang và Phùng Cung sau khi đi tù về không có lương, chỉnh lương hưu cho những người đã có lương nhưng quá thấp như Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm. Thứ ba là bình thường hóa việc in tác phẩm trên báo, xuất bản sách của các ông ở các nhà xuất bản. Thứ tư là dỡ bỏ những rào cản đối với nghề nghiệp, đời sống con cái các ông.

Nói thêm là cùng với số văn nghệ sỹ tham gia Nhân Văn – Giai Phẩm còn có một số văn nghệ sỹ khác cũng bị ngừng in bài, in sách trong một thời gian dài như Nguyễn Dậu, Hồ Dzếnh, Vũ Trọng Phụng, Hà Minh Tuân, Hoàng Tiến, Hoàng Yến, Trần Huyền Trân, Hoàng Công Khanh…

Do nhiệt tình của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương và các Ban, Ngành khác công việc được tiến hành nhanh chóng.

Riêng ông Nguyễn Hữu Đang do thân phận đặc biệt của ông cần được giải quyết ngay. Tôi trực tiếp đi Thái Bình. Hội ý với anh Hội Phó Giám đốc phụ trách an ninh, anh Tuất Trưởng phòng nghiệp vụ, anh Tý trinh sát xong, không dùng xe con, tôi nhờ anh Tý lấy xe máy đèo tôi xuống Trường cấp hai Vũ Công. Tôi ở lại làm việc với ông Đang, đêm ngủ ở nhà ông Hiệu trưởng ngay gần nhà ông Đang. Gọi là nhà chứ đó trước là căn bếp của trường trong buổi sơ khai, sau trường có bếp tập thể to hơn để lại cho ông Đang ở nhờ. Sau khi tôi về giải tỏa cho ông, ông Phùng Quán, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán mới về thăm ông được. Khung cảnh và cuộc sống của ông đúng như Phùng Quán đã kể trong bài viết Người tổ chức Lễ Độc lập 2-9. Gầm giường ọp ẹp của ông đầy vỏ chai rượu, vỏ bao thuốc lá ngoại ông nhặt từ Hà Nội để trao đổi với bọn trẻ con cóc nhái làm thức ăn. Ông có một đống tất cũ đã rách cũng xin từ Hà Nội sửa lại để đi. Lại còn một chiếc vại nữa xin nước gạo của nhà bếp để lắng lại rồi gạn lấy phần bột để nấu cháo mà ông gọi là xúp. Rau thì ông trồng lấy trên vạt đất nhỏ trên bờ ao. Với mấy thứ đó ông cho là tự đủ dinh dưỡng, cũng không cần chợ búa.

Ông vẫn để dành được số tiền trợ cấp ít ỏi của công an chi mua thóc lúc đang mùa, bán lại vào lúc giáp hạt để sinh lời. Có lúc ông đã có hàng tấn thóc. Nhưng con cháu ông nghèo khó luôn luôn nhòm ngó tìm cách vay mượn của ông rồi ăn quỵt. Trong thư viết cho tôi ông gọi họ là lũ giòi bọ, lưu manh. Ông thích nói về tư tưởng của Lão Trang, triết học an nhiên tự tại thuận theo quy luật tạo hóa. Ông cũng không tỏ ra ân oán với vụ án mà ông chịu 15 năm tù giam, 5 năm quản chế sau mãn hạn tù. Tôi biết ông đã trải qua những trại giam khắc nghiệt như Phong Quang Lào Cai, Quyết Tiến Hà Giang nhưng ông chỉ nói đến việc lần ông bị tạm giam ở Nam Định do sang thăm người bạn tù bị một thanh niên 18 tuổi cưỡi trên lưng, bắt ông làm chó cắn gâu gâu.

Trở về công an Thái Bình tôi trao đổi mấy việc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ như sau:

Ông Đang đang là một công dân bình thường cần phải đối xử với ông bình thường như những công dân khác. Không thể tiếp tục thực hiện biện pháp quản chế như cũ. Phải làm hộ khẩu cho ông, cấp chứng minh thư cho ông. Ông được tự do đi lại mà không cần có giấy phép của công an mới được ra khỏi đất Thái Bình. Bạn bè, người thân từ xa về thăm ông không phải trình báo xin phép. Ông được đọc và mượn sách báo tại Thư viện của tỉnh, có thể giúp cho công tác biên soạn lịch sử cách mạng của tỉnh.

Về Hà Nội tôi báo cáo với Bộ trưởng cần đề nghị Bộ Lao động Thương binh Xã hội làm lương hưu cho ông Đang chứ không tiếp tục dùng tiền nghiệp vụ nuôi ông nữa. Vì ông độc thân, không có nhà cửa chỉ còn anh em con cháu ruột ở Hà Nội nên bố trí cấp nhà cho ông và cho ông chuyển lên sống ở Hà Nội. Việc xếp lương hưu tiến hành tương đối nhanh, ông được hưởng mức trợ cấp như chuyên viên bậc 5 tương đương Vụ trưởng. Đối với một người như ông Đang số tiền lĩnh hàng tháng đó rất là có ý nghĩa và cũng là rất lớn so với số tiền công an nuôi ông. Trong khi làm lương hưu cho ông Đang xảy ra một chuyện. Ông cứ khăng khăng đòi trợ cấp đặc biệt một lần. Ông cũng tính với tôi trong thời gian chờ làm thủ tục ông đã thiệt hại 1.400.000 đồng. Những năm tháng trở về sống như thế đã làm cho ông tính toán như một người nông dân thực thụ.

Việc cấp nhà và chuyển lên Hà Nội thì lâu hơn nhưng cũng xong vào đầu những năm 90 với sự giúp thêm của ông Trần Quốc Hương, người đàn em của ông Đang thời Văn Hóa cứu quốc, ông Phan Diễn là cháu của ông Phan Khôi. Căn hộ ông được cấp ở cùng Khu nhà tập thể Hội Sân khấu đường Liễu Giai nhưng ông đã bán đi dọn về ở cùng người cháu tên Hà con ông anh ruột tại Khu tập thể nhà máy bánh mỳ Nghĩa Đô.

Ông Đang bắt đầu viết và đăng báo trở lại. Vaì bài báo về đời sống điện ảnh Hà Nội trước 1945, Việc tổ chức ngày Lễ Độc lập 2-9-1945, hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ… một truyện ngắn về người yêu của ông ở Hà Nội Chiếc vòng Xơ men. Các báo cũng có bài viết và ảnh về ông.

Tôi nhớ trong thời gian chờ đợi làm thủ tục ông lên Hà Nội hay đạp chiếc xe đạp mi ni lại chỗ tôi. Người đương thời Hà Nội không thể biết được ông già bé nhỏ vẻ mặt khắc khổ, dáng điệu nhếch nhác đạp chiếc xe mi ni kia lại là Nguyễn Hữu Đang một thời nổi tiếng ở thành phố. Tôi đã trả lại cho ông bức ảnh giấy lụa còn rất đẹp về Kỳ đài Lễ Độc lập 2-9-1945 Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập. Ông Đang đứng trên lễ đài phía ngoài cùng bên phải. Một lần ông bị sưng bàn chân trái. Tôi đề nghị Bệnh viện 198 của Bộ Công an chữa cho ông. Ông Giám đốc Hoàng Tuấn mừng lắm nhận lời ngay vì mấy khi có dịp chữa bệnh cho con người đặc biệt đó.

Trước khi vào viện anh em tôi đưa ông ra ăn phở Nam Ngư đang có tiếng. Mấy bà bán nước chè ngỡ ngàng khi ông nói chuyện phở ngày xưa. Ngày xưa Hà Nội không có phở gà như bây giờ. Chỉ có phở bò, phở chín, phở tái, phở nạm, phở gầu, phở nước trong, phở nước đục… Họ cũng không thể biết rằng Nam Ngư là cái quán phở thời trước ông vẫn ăn, căn nhà cũ ông ở cũng ngay gần đây ngoài phố Yết Kiêu.

Có lần tôi hỏi ông việc bối trí quay phim ngày 2-9-1945 ông bảo có đặt hiệu ảnh Hưng Ký ở Hàng Trống quay phim nhưng sau họ báo là phim bị hỏng, chỉ còn ít ảnh. Do bận nhiều việc to lớn hơn nên không ai nghĩ đến việc này. Ông cho biết hình như Đội biệt kích Con nai của người Mỹ cũng chịu trách nhiệm bảo vệ kỳ đài ngày 2-9 có thể có máy quay. Sau này khi Điện ảnh Công an làm bộ phim Điệp viên nhảy dù về nhóm các ông Lê Giản, Hoàng Đình Giong, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Hiệu, Nông Văn Hoạt được Đồng minh thả dù xuống miền Bắc Việt Nam đầu 1945 liên lạc với Việt Minh đánh phát xít Nhật chúng tôi được Hội hữu nghị Mỹ Việt tặng một cuốn băng video có những thước phim quay về hoạt động của Đội Con nai ở chiến khu Việt Bắc. Tuy vậy đấy mới chỉ là giả thiết. Cho đến giờ người quay những thước phim nhựa cực kỳ quý giá về ngày lễ Độc lập 2-9-1945 vẫn còn là một ẩn số.

Ngày 20-11-1992 hai người em kết nghĩa là thi sỹ Phùng Cung và thi sỹ Phùng Quán tổ chức cho ông Lễ mừng thọ 80 tuổi tại nhà ông Phùng Quán ven hồ Tây. Hàng trăm người đủ các thế hệ già trẻ của văn nghệ sỹ Hà Nội, những người bạn cũ, ông Vũ Tú Nam Tổng thư ký Hội Nhà văn đã đến dự. Trong lời tâm sự ông nói:

Tôi không thể nói hết được sự cảm động của tôi trước cử chỉ thân ái, ân cần của các bạn đối với tôi hôm nay. Đúng là việc may mắn lớn mà trước đây tôi không thể nào nghĩ tới, không thể nào tưởng tượng được.

Sau khi ông Đang yên vị ở Hà Nội tôi chuyển sang phụ trách Điện ảnh Công an, một công việc thuần túy quản lý nghệ thuật ít có dịp gặp lại ông. Sau nhiều năm, có một lần trong dịp kỷ niệm gì đó của Hội Nhà văn ở Cung Hữu nghị Việt Xô tôi thấy ông đứng với các ông Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam… Tôi đi lại chào và bắt tay các ông. Ông Đang đã già, thần sắc ngơ ngác. Ông bắt tay mà hình như không nhận ra tôi…


Tháng 12 - 2014
Nguồn: Blog Ngô Minh

28 nhận xét :

  1. Ồ, anh Thái Kế Toại ơi, sao lại "giải toả"? Đúng ra phải giải oan cho bác Đang mới đúng chứ. Bác ý bị tòa án nhân dân xử tù 15 năm, thì cũng chính Tòa án nhân dân phải hủy cái án oan ấy và xin lỗi bác Đang. Bây giờ bác Đang đã ra người thiên cổ. Dù đã chết vẫn phải minh oan cho người bị oan. Toà án tối cao có đủ bản lĩnh để làm cái việc hợp lý hợp tình này không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thôi thì gọi là giải tỏa nó hợp lý hơn , chứ bảo tòa án giải oan cho ông Đang thì tòa án cũng biết gì , đây là đảng bảo sao thì tòa làm thế . Còn đối với đảng thì ông đang đâu có oan , vì ông có tài và có nhiều thứ mà đảng không thích .

      Xóa
  2. Một thân phận, một kiếp người

    Trả lờiXóa
  3. Xin ông Thái Kế Toại vui lòng cho biết : theo ý kiến cá nhân ông thì vụ việc Nhân Văn Giai Phẩm có phải là phản động không ? Tại sao ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. theo ý kiến cá nhân ông thì vụ việc Nhân Văn Giai Phẩm có phải là phản động không ?
      Chắc chắn là không. Vì sau nhiều năm bị giam cầm oan uổng. Ông Nguyễn Hữu Đang lại được lĩnh lương hưu, hưởng mức trợ cấp như chuyên viên bậc 5 tương đương Vụ trưởng. được cấp nhà, đươc viết báo trở lại... Nhưng họ vẫn không lên tiếng công khai xin lỗi, giải oan cho ông và nhiều văn nghệ sĩ vưóng vào vụ án này . khiến cho nhiều người phải mang theo nỗi oan khuất xuống mồ. CS là vậy rồi.

      Xóa
  4. Tôi nghĩ, anh Thái Kế Toại thật lòng hơn anh Khổng Minh Dụ, dù anh Dụ là người đồng hương với tôi.Tôi sẵn lòng tin rằng những người dựng nên vụ Nhân văn-Giai phẩm là do ấu trĩ trong nhận thức, nhiệt tình bảo vệ chế độ mà họ tin là tốt đẹp nhưng vì dốt nát nên làm sai, làm bậy. Tuy nhiên, tôi muốn những người trong cuộc hãy công khai tất cả những việc họ đã làm để " xử trí" các VNS bị khép vào nhóm NV. Những người khác tôi không gặp, không biết nhưng tôi biết một người là bác Trần Châu và rất thương bác ấy. Mong anh Toại tiếp tục bạch hóa những gì anh biết để mọi người cùng biết và cùng góp sức để những vu " án văn tự" tương tự không bao giờ xảy ra nữa. Cảm ơn anh, một đồng môn khoa Văn, ĐHTH Hà Nội!

    Trả lờiXóa
  5. Đừng hỏi ác ý với ô Toại. Ko có ông Toại, mọi việc có thể trì hoãn đấy bây giờ, thậm chí chìm xuồng luôn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông vui lòng nói rõ cho : câu hỏi "theo ý kiến cá nhân ông (Thái Kế Toại) thì vụ việc Nhân Văn Giai Phẩm có phải là phản động không ? Tại sao ?" bảo là có ác ý thì "ác ý" ở chỗ nào ? Xin cám ơn.

      Xóa
  6. Muộn còn hơn không!

    Trả lờiXóa
  7. Cùng chung tay xây dựng cơ đồ , đươc nửa đoạn đường vì nghi kỵ nhau nên tìm cách triệt nhau !!! Bài học này do Mao thực hành với Bành đức Hoài , Lưu thiếu Kỳ , Lâm Bưu ....Và truyền dạy lại cho đảng quôc tế đây mà !!!

    Trả lờiXóa
  8. Chuyện "đánh" Nhân văn - Giai phẩm là do ĐCS chẳng những có tư duy ấu trĩ , phong kiến hủ lậu mà còn thể hiện sự nhẫn tâm , thủ đoạn nham hiểm, bảo thủ ... Cho đến nay dường như những đặc tính ấy vẫn không thay đổi mà còn nguy hiểm hơn , tàn bạo hơn, ma quái hơn. Quan trọng là , qua chuyện về ông Đang , hậu thế chúng ta phải rút ra những bài học gì ?
    CCB

    Trả lờiXóa
  9. Cũng là Hữu mà sao Hữu Đang, Hữu Loan khổ thế còn Tố Hữu, Thuận Hữu sướng dữ vậy trời?

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn ông Kế Toại
    Còn giữ được tính người
    Ở về bên phía địch
    Chẳng nhuốm bùn tanh hôi

    Trả lờiXóa
  11. Giá mà các bcs bên phe địch
    Đều nặng tình như bác Toại này
    Có phải dân tộc mình có phúc
    Chẳng còn đau khổ dến hôm nay

    Trả lờiXóa
  12. Tranh quyền, tranh tiếng tăm, tranh tài sản,.. cuối cùng đến, bạn bè, người thân

    bọn nó cũng đem ra "thít hay cho đi "mò tôm"

    Trả lờiXóa
  13. Dù sao ông Nguyễn Hữu Đang - người dựng lễ đài để CT Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - đã đi vào lịch sử và là một phần lịch sử mà không ai có thể phủ nhận được.
    Còn ông Thái Kế Toại là một cán bộ công an đầy tình người, dũng cảm để làm được việc minh oan cho ông Đang và nhóm NVGP rất đáng trân trọng.

    Trả lờiXóa
  14. Hầu như tất cả các chế độ CS như LX, TQ và VN đều có những vụ xử lý nội bộ rất tàn bạo và đầy oan trái như vậy.
    Bản chất của CS là như vậy mà .

    Trả lờiXóa
  15. Với những đóng góp to lớn của ông cho CM , nên chăng đặt tên đường , phố hoặc công trình ( ở Hà Nội và Thái Bình ) mang tên ông Nguyễn Hữu Đang .

    Trả lờiXóa
  16. Bác Thái Kế Toại quả là viên ngọc quý!Nếu 4tr Đảng viên ĐCSVN đều là Thái Kế Toại,tôi ủng hộ hết mình...Tiếc quá!

    Trả lờiXóa
  17. Trong vụ NVGP, sở dĩ mấy bác "nhân văn" bị đòn nặng là do những người chỉ đạo đàn áp cũng là "dân" văn nghệ! Trong CMVH ở TQ, Giang Thanh cũng "đì" tới bến các văn nghệ sỹ vì bà cũng từng là diễn viên, nhưng là diễn viên hạng hai!

    Trả lờiXóa
  18. Kẻ nào chủ mưu gây ra những oan trái này, phải điều tra, quật mồ chúng lên xử mới đúng.

    Trả lờiXóa
  19. Nhóm Nhân văn Giai phẩm là nhóm trí thức tiên phong ,họ là những người yêu nước ,muốn xây dựng đất nước dân chủ tiến bộ như phương tây .Các bố chết là đúng rồi ,ai bảo các bố không yêu nước kiểu Mao .Các bố đọc lắm nhưng chưa thuộc câu " trí phú địa hào ... "

    Trả lờiXóa
  20. Đây là đoạn trích bài viết đăng trên vanchuongviet mà ông Lê Thọ Bình đã đạo:
    http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19311

    Cuốn Tiểu Tự Điển Larousse Của Ông Nguyễn Hữu Đang
    Nguyễn Anh Tuấn

    ...
    Đứng trước ông- một trong những anh hùng lỗi lạc của văn hóa-giáo dục VN thời hiện đại, con người đã dám làm dám nói tất cả những gì mà ông từng suy ngẫm và cho là đúng, chúng tôi thấy mình thật bé nhỏ! Song tài bút chiến tựa huyền thoại của ông vốn dành cho một nền văn hóa đúng nghĩa, cho một xã hội pháp trị - xã hội công dân, giờ đây chỉ để dùng để bút đàm một cách vui vẻ với những kẻ vô danh tiểu tốt như chúng tôi!
    Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ khiến chúng tôi như bị thôi miên. Nhìn ông, ai có thể tin rằng: sau mười lăm năm tù đầy, ở tuổi 63, ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc- nhái- chuột- rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình... Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh...
    ...Nhưng chính lúc đó thì ông lại chủ động. Ông không bút đàm nữa, ông trút bỏ nỗi sợ cố hữu, cũng bởi ông thừa biết chúng tôi chỉ là những kẻ khờ dại mà ông thấy tội nghiệp... Ông bảo: "Các cậu chờ chút!" Ông bước vào giá sách góc nhà lục tìm cái gì đó. Ngay lúc ông vừa quay đi, trước mắt chúng tôi là những mảng lưng hở qua chiếc áo bở tã đến thê thảm! Bóng ông lúi húi bên giá sách cạnh tấm ảnh đen trắng Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng!...Chiếc bàn nhỏ kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn lấm bụi, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ, v.v. Ông Đang dường không chú ý tới việc tôi mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông, chắc bởi lúc đó ông muốn thông báo với chúng tôi điều gì hệ trọng lắm qua một một cuốn sách lớn dày cộp đang ôm trên tay. Thì ra là điều này: ông giở bìa cuốn từ điển Bách khoa "Le petit Larousse" in năm 2000 ra, chỉ tay vào trang đầu tiên có chữ nắn nót của ông: "Mất từ tr. 865 đến tr. 968" (gạch đậm dưới). Rồi ông vội vã mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. "Ai đã xé nó đi? Gần 100 trang đó gồm những mục gì hở bác?"- chúng tôi nóng ruột hỏi. Ông ghé tai hỏi lại cho rõ rồi thở dài, lắc đầu nhẹ và ngơ ngác như vẫn không tin nổi đó là sự thật giữa cái thời buổi thông tin toàn cầu, giữa một xã hội Dân chủ... Ông khẽ trả lời: "Những người có trách nhiệm kiểm soát trước khi chuyển nó đến cho người nhận, chứ còn ai vào đây nữa?! Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!"- Câu cuối ông nói ra vừa có gì diễu cợt lại vừa đượm nước mắt... Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác- kể cả với những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có, vậy mà đã nó diễn ra thường xuyên như thứ một tập quán ghê sợ!
    Chúng tôi chia tay ông, kịp lưu giữ lại ấn tượng không thể phai nhạt về một cụ già quen sống cô độc nhiều năm ròng, ít có khả năng tự phục vụ được mình trong sinh hoạt đời thường, song cuộc sống tạm bợ về vật chất đã không tàn phá nổi cấu trúc nhân cách - trí tuệ; ông tỏ ra khá minh mẫn, chưa mất khả năng hài hước, và nhất là vẫn lao động trí óc một cách căng thẳng...

    Trả lờiXóa
  21. úi giời ơi sao thân phận ông Đang và nhiêu nhân tài lại bị oan ức đên thế..Nên có quyet định giai oan cho ho du ho đã qua đời....khung khiep qua neu kg co ong pa 25 nay thì có le om han ngan thu là cai chắc

    Trả lờiXóa
  22. Giải tỏa được là tốt, nhưng đáng tiếc là để vụ này quá lâu khiến bao con người tài năng và yêu nước bị đọa đầy khốn khổ. Và nếu đảng không cho phép thì chẳng ai dám nghĩ đến giải tỏa, kể cả anh TK Toại. Nhưng cũng phải cảm ơn anh Toại vì sự nhiệt ình, công tâm.

    Trả lờiXóa
  23. Quyền và thế của ông Thái Kế Toại chỉ đủ để giải tỏa cho cụ Đang mà thôi.
    Hiện nay, cụ Đang vẫn ở dạng OAN và ỨC.
    ĐCS chỉ vắt chanh là giỏi.

    Trả lờiXóa
  24. Cho đến giờ người quay những thước phim nhựa cực kỳ quý giá về ngày lễ Độc lập 2-9-1945 vẫn còn là một ẩn số.
    Ai nhỉ, tôi chắc chắn phải là một người nước ngoài vì cảnh quay rất kỹ thuật và mỹ thuật, máy quay phải hiện đại và người quay phải có nghề thì mới được như vậy.
    Thế mà 75 năm nay không ai tìm ra người này, kể ra CSVN cũng bạc thật!

    Trả lờiXóa
  25. Cho đến giờ người quay những thước phim nhựa cực kỳ quý giá về ngày lễ Độc lập 2-9-1945 vẫn còn là một ẩn số:
    Ông Nguyễn Hữu Đang đã bình luận về việc này như sau: “Khả năng là do một phái đoàn của Mỹ quay, việc này này chỉ mới xuất hiện gần đây trong đầu tôi khi đọc trên một tờ báo, đoạn hồi ký của tướng Archimedes L.A. Patti nguyên trưởng phái đoàn Mỹ đến Hà Nội dưới danh nghĩa Đồng minh liền sau Tổng khởi nghĩa của ta thắng lợi. Ông tường thuật cuộc mít-tinh khổng lồ ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình với những chi tiết hết sức đúng, có cả những chi tiết từ trước tới nay, sách báo ta chưa nhắc đến lần nào.
    Sự mô tả chính xác chứng tỏ ông và một số nhân viên của ông đã chứng kiến buổi lễ, đã đi lại trong khu vực mít-tinh để như ông kể - chụp ảnh và quay phim. Thật bất ngờ đối với tôi, kẻ mang nặng trên vai trách nhiệm điều hành buổi lễ và kiểm soát cuộc mít-tinh mà không biết có những hoạt động của người ngoại quốc ngay trước mắt mình”.
    Tìm hiểu sâu hơn về tướng Patti và phái bộ tiền trạm OSS (bí danh Con Nai - “The Deer”) của ông, tôi được biết đây là những nhân vật đã chứng kiến buổi lễ 2/9/1945 tại Hà Nội. Đơn vị đặc nhiệm này đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp đón và hợp tác chặt chẽ trong thời gian ở Việt Bắc. Một đại đội Việt - Mỹ đã được thành lập, tham gia vây quân Nhật tại Thái Nguyên và về Hà Nội ngay sau khi giành chính quyền không bao lâu.
    Đây là số người nước ngoài hiếm hoi không cần giấy phép của ông Nguyễn Hữu Đang mà vẫn có quyền đi khắp trong quảng trường Ba Đình ngày hôm đó. Trong bài viết của mình, ông Đang có cho biết một chi tiết: Những người Mỹ này có đeo bên cánh tay trái, chỗ gần bắp vai, một mảnh vải biểu trưng lá cờ Mỹ (ecusson) to bằng nửa bàn tay. Chính miếng biểu trưng ấy là cái “giấy thông hành” giúp họ có thể đi lại tự do, và một trong những hoạt động của họ khi đó là quay phim, chụp ảnh mà không ai để ý đến.
    Với con mắt nghề nghiệp, tôi thấy những thước phim trên được quay bởi tay máy rất chuyên nghiệp. Và điều đặc biệt là những thước phim này được ghi hình từ nhiều góc độ khác nhau chứng tỏ người quay phim đã di chuyển liên tục trong khi quay để quan sát rồi ghi lại chứ không phải chỉ cầm máy đứng yên một chỗ.
    Những toàn cảnh lia biển người trên quảng trường Ba Đình, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài, những chân dung nam nữ, những đặc tả bước chân người rầm rập đi trong hàng quân, những tà áo dài của các thiếu nữ Hà Nội bay phấp phới... rất xúc động và ấn tượng. Từ đây, giả thiết về việc những thước phim này được quay bởi người trong phái bộ cơ quan tình báo Mỹ có mặt hôm đó tại quảng trường Ba Đình lại càng được cho là đúng.

    Trả lờiXóa