Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

NSUT CHÈO MINH THU LÊN TIẾNG VỀ CHUYỆN XÉT DANH HIỆU NSND

NSƯT Minh Thu gửi 'tâm thư' chia sẻ việc xét danh hiệu nghệ sĩ - Ảnh 1

NSƯT Minh Thu gửi 'tâm thư' 

chia sẻ việc xét danh hiệu nghệ sĩ

Báo Người đưa tin
02.07.2015 | 08:58 AM 


Bức 'tâm thư' chân tình của NSƯT Minh Thu gửi tới những nghệ sĩ từng bị 'trượt vỏ chuối' qua mấy kỳ xét duyệt danh hiệu khiến công chúng không khỏi xúc động. 



Những ngày qua, chuyện xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND trở thành chủ đề ‘nóng’ trên mặt báo, các diễn đàn xã hội khi có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Chí Trung, Minh Hằng,…bị gạt ra khỏi danh sách xét duyệt chỉ vì thiếu ‘huy chương’. Xung quanh những tranh cãi về vấn đề này, mới đây báo điện tử Người đưa tin đã nhận được bức ‘tâm thư’ của NSƯT Minh Thu gửi tới các nghệ sĩ từng ‘trượt vỏ chuối’. 

Nguyên văn bức 'tâm thư' của NSƯT Minh Thu: 
Thân gửi các bạn đồng nghiệp NSƯT Xuân Hinh, Thành Lộc, Chí Trung, Khắc Tư, Thanh Ngoan, Minh Hằng,… cùng các nghệ sĩ thực sự xứng danh mà không được phong tặng NSND. 

Chọn con đường làm Chèo là chấp nhận ‘cái sự nghèo’
 
Tôi biết từ lâu tên tuổi và tài năng của các anh chị đã được bạn bè, đồng nghiệp công nhận và đông đảo công chúng mến mộ. Thế nhưng cũng như tôi, qua mấy mùa xét duyệt danh hiệu, chúng ta đều ‘trượt vỏ chuối’ vì chưa đủ tiêu chuẩn. 

Hãy cứ thử làm một cuộc trắc nghiệm tham khảo ý kiến của cả Làng Chèo hay toàn ngành sân khấu Việt Nam, thậm chí cả ý kiến của đông đảo công chúng nữa xem tôi và các bạn có xứng đáng là NSND hay không? Tôi chắc chắn câu trả lời sẽ là: Các anh chị quá xứng đáng! 

Biết đến bao giờ Làng Chèo mới có được một danh hài như Xuân Hinh, một gương mặt nghệ sĩ tài năng như Thanh Ngoan, một giọng hát Chèo quý hiếm như Khắc Tư, Minh Thu, Thanh Hoài, Thanh Bình. Khó đấy! Quả là 'đãi cát tìm vàng'.  

Tôi và các bạn, chúng ta đều sống hết mình cho nghệ thuật mà chẳng bao giờ toan tính thiệt hơn cho mình, lại càng không làm điều gì có tội với nghề Tổ, với công chúng. Ấy vậy mà…Như tôi đây, hơn 40 năm yêu và làm Chèo bằng cả sự tâm huyết, niềm đam mê của 3 đời cha truyền con nối, rồi đến cả đời cháu cũng lại làm Chèo. Vậy mà hơn 18 năm nay vẫn chỉ giữ ở ngôi vị NSƯT. 

Người ta bảo nghệ sĩ có danh là có giá, nhưng có lẽ câu nói ấy chỉ dành cho những nghệ sĩ thuộc loại hình sân khấu ca nhạc. Còn những nghệ sĩ dân tộc như chúng ta thì cái giá nào có đáng gì. 

Vẫn biết rõ rằng nếu chọn con đường làm Chèo là phải chấp nhận ‘cái sự nghèo’ bởi không phải ai cũng hiểu và yêu Chèo. Diễn ít thì tiền ít, bồi dưỡng lại thấp đủ sống là tốt rồi nói gì đến chuyện khá giả. Nếu không biết năng động một chút thì có khi còn thiếu ăn như một số bạn bè đồng môn của tôi vậy. 

Đến như cha tôi, NSND Nguyễn Mạnh Tuấn, người được bạn nghề và công chúng yêu mến gọi với cái tên ‘Ông Vua hề Chèo’. Nghe thì tưởng ‘Ông Vua hề’ ấy chắc phải giàu có lắm. Thế nhưng, tài sản duy nhất mà ông để lại cho mẹ con chúng tôi chỉ là một căn hộ tập thể vẻn vẹn hơn 80m2, tầng áp chót, không thang máy ở Nghĩa Tân. Một khu nhà đã quá cũ từ thời bao cấp. 

Với tấm thân gầy guộc, chưa nổi 50 kg vậy mà hàng ngày, ông vẫn leo lên xuống gần 10 bậc thang để rồi vừa đi vừa thở. Thế mà vẫn cứ yêu đời và làm nghề cho đến hơi thở cuối cùng. Bạn bè đến chơi, thăm cụ nhìn căn nhà xuyền xoàng chỉ biết lắc đầu mà nói đúng là ‘Nghệ sĩ vô sản’. 

Trong khi đó, không ít người, mới chỉ làm đến chức vụ Giám đốc của một cơ quan nhà nước thôi mà họ đã kịp thu vén cho mình vài căn hộ khang trang rồi. Đời vốn là vậy mà ‘Kẻ ăn không hết người lần không ra’. 

Gác lại chuyện của Cha, còn tôi trong suốt hơn với 40 năm sống với nghệ thuật Chèo trên sân khấu, tôi đã gặt hái được 7 tấm huy chương (5 vàng – 2 bạc) và còn hàng chục giải thưởng khác nữa. Trong đó, có cả giải Quốc tế cho thành tích đã dàn dựng 1 chương trình nghệ thuật cho đoàn dân gian UNESCO Việt Nam đi tham dự liên hoan văn hóa tại Hàn Quốc, được đánh giá là chương trình đặc sắc nhất trong số 72 nước tham dự. Ấy vậy mà, họ cũng bảo là giải này không được tính! Người có trách nhiệm thì nói vậy, nhưng tôi luôn tự hào vì những thành tích ấy không phải nghệ sĩ sân khấu nào cũng có thể làm được. 

Ngày nay, những chuyện bất bình trong giới văn nghệ sĩ chúng ta đâu còn là chuyện hiếm thấy. Nó đã trở thành chuyện thường nhật ở khắp mọi nơi, mọi lúc, quán nước, vỉa hè…Đâu đâu cũng bàn tán xôn xao, đặc biệt là sau mỗi đợt bình xét danh hiệu nghệ sĩ.

Theo đúng quy định: 2 HCV là được NSƯT và sau 5 năm đạt 2 HCV nữa sẽ được phong tặng NSND. Có nghĩa là, 4 HCV thì đủ tiêu chuẩn NSND. Vậy thì, với số lượng 7 huy chương vàng –bạc và chưa kể những giải thưởng mà tôi đạt được đã là quá thừa so với tiêu chuẩn quy định rồi. Ấy vậy mà, lại vẫn là thiếu! 


Phải chăng cái tôi thiếu chính là ‘được cái bằng lòng’ lãnh đạo chứ không phải chỉ là những tấm huy chương vàng – bạc cho tài năng nghệ thuật. Thật khó quá, có lẽ cái bằng này đối với tôi chẳng bao giờ có được, vì tôi quá thẳng thắn và trung thực. 

‘Được lòng dân thì mất lòng quan’ đó là đạo lý xưa nay mà. Tôi cho rằng thiệt một chút nhưng được cái thanh thản vì không phải nợ nần ai. Nhân dân biết đến mình, đồng nghiệp công nhận mình, đó mới là niềm tự hào cho những nghệ sĩ chân chính như chúng ta. Còn những kẻ ‘tài ít, tật nhiều’ như NSND ấy…hỏi rằng danh giá cái nỗi gì mà cao ngạo dạy đời. 

Các anh chị cũng như tôi làm nghề ‘con hát’ là đôi khi phải chấp nhận sự nghịch cảnh bởi có lúc phải ‘cười trong nước mắt’ để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đời. Vật chất, bổng lộc hỏi được là bao mà nỡ kìm hãm nhau. Ngồi vào vị trí hội đồng xét duyệt để ‘xổ toẹt’ công lao của anh em đồng nghiệp ‘chém như chém chuối’, chẳng muốn ai được chỉ ngoài mình. 

Một Nghệ sĩ mất nhân cách, không xứng danh liệu có đáng bị tước bỏ danh hiệu hay không? Chỉ có phong mà không phế thì sẽ còn điều bất cập cho xã hội. Có lẽ, đã đến lúc anh chị em nghệ sĩ chúng ta phải đoàn kết, đồng lòng để có tiếng nói chung cho các cấp lãnh đạo nhà nước nhìn thấu vấn đề này. 

Nếu còn cơ chế Xin – Cho thì văn nghệ sĩ chúng tôi còn phải chịu thiệt thòi
 
Nhà hát Chèo Việt Nam từ trước đến nay vẫn được coi là anh cả Đỏ, là con chim đầu đàn của ngành Chèo cả nước, nơi hội tụ biết bao nghệ sĩ bậc thầy như: Khắc Tư, Thanh Ngoan, Minh Thu, Vân Quyền,…đã và đang truyền nghề hát, diễn cho nhiều lớp diễn viên trẻ của các đoàn Chèo. Ấy vậy mà, cả mấy đợt phong tặng gần đây, những gương mặt sáng giá ấy chẳng ai được là NSND.
Danh hiệu cao quý phải được trao cho những nghệ sĩ giỏi, danh giá thì giải thưởng mới có giá trị. Một nền nghệ thuật có nhiều nghệ sĩ được vinh danh thì đó là niềm tự hào cho nền văn hóa dân tộc, cho toàn ngành sân khấu chứ đâu chỉ riêng một Nhà hát Chèo hay cá nhân ai. 
Gần 10 năm làm lãnh đạo nhà hát và mấy đợt được đại diện Làng Chèo ngồi trong Hội đồng xét duyệt, thử hỏi ông Bùi Đắc Sừ đã bảo vệ được bao nhiêu người là NSND-NSƯT.

Nếu không có Nhà hát Chèo VN và tập thể những nghệ sĩ giỏi như chúng tôi thì: ‘Bùi Đắc Sừ ơi! Liệu ông có được vinh quang ngày hôm nay không?’ 


Các cụ vẫn dạy rằng, Chưa khỏi vòng đã cong đuôi, qua sông…Thế đấy! Cái danh hiệu NSND và những vinh quang mà ông có được ngày hôm nay là nhờ sự may mắn, gặp thời hơn là tài năng đích thực của mình. 

Ông phải biết rõ rằng: Phủ nhận công lao cống hiến của anh em đồng nghiệp là tội lớn đã làm thui chột tinh hoa nghệ thuật của một nền văn hóa dân tộc. Hãy vì niềm tự hào chung của nền sân khấu dân tộc mà kiềm chế sự háo thắng của cá nhân mình. Nghệ sĩ Làng Chèo nghèo lắm, lấy đâu ra tiền vài chục triệu mà chạy chọt, mua danh. 

Nói đến thế thôi! Chứ những chuyện về NSND Bùi Đắc Sừ có mà kể cả ngày không hết!

Thiệt cũng đã thiệt rồi nhưng tôi mừng vì thấy các anh chị cũng giống như tôi, tuy không được nhìn nhận, đánh giá đúng tài năng nhưng chúng ta vẫn ‘cháy hết mình’ cho nghệ thuật vì dân sinh. Chúc các anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và mãi mãi là những nghệ sĩ thực sự, chân chính của nhân dân. 


Cũng như anh Văn Hiệp, chị Phương Thanh, Anh Dũng, những lớp nghệ sĩ đàn anh đàn chị của chúng ta, họ đã sớm ra đi nhưng tiếng thơm của họ sẽ còn để lại mãi mãi trong lòng công chúng. Cố NSND Tào Mạt đã từng nói: ‘Cứ cố mà hát đi, rồi thế nào khi chết người ta cũng sẽ truy tặng’. 

Cuối cùng tôi vẫn muốn nhắc lại lời của một cán bộ nghệ thuật rằng: ‘Con người ta giống nhau ở chữ sinh ra, nhưng khác nhau ở chữ để lại’. Và chúng ta hãy cố gắng để lại cho đời những trái thơm quả ngọt, chứ đừng để lại những trái đắng như ai đó đã từng làm.

Trân trọng cảm ơn báo điện tử Người đưa tin đã giúp tôi được nói thẳng những sự thật mà bấy lâu nay chưa báo nào dám nói. 

NSƯT Minh Thu trân trọng

21 nhận xét :

  1. Có lẽ đến hẹn mà lên ? cứ NSUT được 5 năm thì chuyển thành NSND nếu vẫn còn duy trì sự nghiệp !
    Có cái danh thôi mà ! Hám danh cũng không phải là nghệ sĩ chân chính? Đừng bàn quá mà mất đi ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng !

    Trả lờiXóa
  2. Một tiếng thở dài,rất dài...Kể ra cũng tâm tư lắm chứ.Nhưng như người xưa đã nói :"Tiên trách kỷ...," Những sự việc này không chỉ xảy ra riêng trong mỗi làng Chèo ,mà trên mọi lãnh vực ,và từ xửa từ xưa đến giờ chứ không phải mới đây,tất cả mọi người đều phải thấy điều này.Khi đã thấy,đã biết ,mà vẫn còn cứ đi vào,thì đó là ....tại ai ?, còn cứ ngồi đó mà "trách lẫn trời gần,trời xa ?"....

    Trả lờiXóa
  3. Trộm nghĩ, tất cả các nghệ sỹ đều nên phong cho họ danh hiệu cao quý NSND để họ chăm chú cống hiến cho nhân dân và tránh được tranh cãi mất thời gian.

    Trả lờiXóa
  4. Khổ... Các nước khác họ có cần ba cái danh hiệu dở hơi này đâu. Nếu giỏi, tự khắc họ nổi tiếng và thành công.
    Có ai nghe John Lennon (ban nhạc The Beatles) là NSND, NSƯT chưa?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như Mai-cơn-jắc-sơn đã được phong NSND chưa nhể? Hề hề !!!!

      Xóa
    2. Các danh hiệu hão, quái gở chẳng giống ai này là sản phẩm của chế độ phi nhân XHCN, nhằm trói buộc các văn nghệ sỹ (nếu chẳng may cũng háo danh) vào chế độ, phục vụ chế độ. Nó là những củ cả rốt dành cho những con lừa chứ vinh danh cái nỗi gì? Thật bịp bợm! Tốt nhất các CNS nên tẩy chay nó. Cho nó lành. Phỏng?

      Xóa
  5. Tốt nhất là các nghệ sĩ nên tẩy chay cái danh hiệu gọi là "NSUT, NSND", bởi vì để đạt được danh hiệu đó, các nghệ sĩ phải "biết điều" với lãnh đạo và các ông trong HĐ xét tuyển, nếu không thì dù tài giỏi đến máy cũng phải đợi đến...mồng thất.
    Cứ như nghệ sĩ Kim Chi, chẳng màng gì đến danh hiệu, thậm chí còn thẳng thừng từ chối cái bằng có chữ ký của ông TT thì đầu óc giờ đây thanh thản vô cùng.
    Lãnh đạo VN nói chung, lãnh đạo ngành văn hóa nghệ thuật và các ngành khác nói riêng, đa phần là dốt nát nhưng khi may mắn được ngồi vào ghế "lãnh đạo" thì lại lên mặt dạy đời. Bi hài cho đất nước là ở chỗ đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng như bao nghề khác, nghệ sĩ cũng là một nghề, vậy thì "hàng tốt đắt khách" việc chi phải bàn ? Té ra cái "món danh hão" cũng có vẻ ngon nên nhiều người muốn tận hưởng ? hi !

      Xóa
  6. Hóa ra các vị đều là Háo danh cả. Hình như đã có nhạc sĩ nào đó không thèm làm đơn, hồ sơ vì: không đi xin danh hiệu. Đó mới là người Quân tử. Còn các vị, khi không được thì thắc mắc, chửi bới...Đúng là cái chợ. Kẻ đi bán đi ban cái danh chẳng tốt nhưng người đí cầu cái danh cũng cũng Rứa.

    Trả lờiXóa
  7. nhà nước không phong tặng thì nhân dân phong tặng (không cần phải làm đơn )

    Trả lờiXóa
  8. p.thường dân Nam Bộlúc 11:30 4 tháng 7, 2015

    Vua chèo còn chẳng ra gì ! Quan chèo chi nữa khác chi thằng hề !
    Vua chèo ở đây là thôn trưởng hay xã trưởng làng chèo . Quan chèo là các diễn viên Làng Chèo . Ôi ! Cái làng chèo dễ thương làm sao . Đừng ai làm cho nó chết . Hay bi giờ cái gì cũng máy với cơ giới cả , mấy ai còn chèo ? Nhưng mái chèo trên sông nước từ Nam chí Bắc đến miền Trung dân đi thuyền vẫn chèo . Cái chèo đi đôi với cái thơ mộng của sông nước . Ai quên được dáng người thôn nữ đẩy mái chèo trên sông nước ba miền đất nước ta ? Còn sông , còn nước còn chèo. Ngay cả những cái gondolfe ở Venice vẫn còn chèo cơ mà . Chèo trong các cuộc thi tài Olympic quốc tế . Vậy thì không thể khai tử Làng Chèo được . Những diễn viên tận tuỵ , sống chết với chèo thì tiếc chi cái danh hiệu NSND !


    Trả lờiXóa
  9. Danh hão thôi, khổ, nó cầm tù các vị

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hão là thế nào, có danh mới có chức, có chức mới có quyền, có quyền mới có tiền! sao gọi là hão!

      Xóa
  10. Có lẽ chỉ có vài nước trên thế giới là có những danh hiệu kiểu này. Không hiểu ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Đức Pháp, nhật, Canda, Ý, Nhật có các phong trào như của ta không? Tháng vì an toàn vệ sinh, Tháng phòng chống cháy nổ, Tháng Phụ nữ, Tháng thanh niên vv.. & vv.. họ có phong trào thi đua yêu nước không mà nước họ phát triển thế? Ai biết nói giúp?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ có ở nước chậm phát triển về dân trí!

      Xóa
  11. không biết ở Mỹ , các giải thưởng lớn trong hoạt động nghệ thuật như OSCAR, GRAMMY , NGÔI SAO TRÊN ĐẠI LỘ DANH VỌNG ....được xét thế nào nhỉ

    Trả lờiXóa
  12. Minh THU ơi thời buổi này là vậy đó toàn danh hão thôi , đến hoc hàm , học vị kia còn là đồ đểu kia kìa. Ai là người tử tế sẻ quay mặt đi nhổ bọt. Vậy chẳng cần tâm tư làm gì .Phần thưởng lớn nhất vãn là lòng dân giành cho cá nghệ sỹ chân chính

    Trả lờiXóa
  13. Văn Cao,Trịnh Công Sơn đâu có danh hiệu gì đâu mà nhân dân vẫn nhớ mãi, các ông bà trên đến hôm nay đọc ở đây tôi mới nghe tên lần đầu,thứ danh hão thôi .

    Trả lờiXóa
  14. Các giá trị đã bị đảo lộn hết rồi, người tử tế bị gọi là hâm. người chống tham nhũng bị coi là "thế lực thù địch" vv.... Danh hiệu đâu có phản ánh đúng thực tế, các nghệ sĩ chân chính hãy thẳng thừng tẩy chay cái danh hão này, nghệ sĩ Trung Kiên đã có ý định trả lại cái danh hão ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đề nghị bác Trung Kiên tiên phong trong việc "Trả danh hiệu", như vậy mới là trí THỨC, nếu không sang năm có khi trên bác lại đứng cạnh tên ĐVHưng hay Chế Linh chưa biết chừng!

      Xóa
  15. Đủ chuẩn cũng vài chục triệu bôi trơn cho hội đồng khỏi cản trở, chưa đủ chuẩn số này phải cao hơn nhiều, còn đại loại như những đại tá Tự Long muốn cái danh nsnd cho thêm oách chắc phải thêm vài ba số 0 nữa nhỉ? Ôi! cái thời đại....

    Trả lờiXóa