Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Danh ca Út Bạch Lan: "TÔI KHÔNG XIN DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN"


Út Bạch Lan: 
'Tôi không muốn xin danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân'

VNExpress

Thứ năm, 9/7/2015 | 07:41 GMT+7

Nữ danh ca làng cải lương miền Nam bộc bạch bà không nghĩ đến chuyện được mất danh hiệu mà chỉ vui khi tên tuổi mình còn sống trong lòng công chúng.

- Đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân (NSND) lần thứ tám đang diễn ra, NSND Kim Cương vừa lên tiếng với các cơ quan chức năng về việc xin đặc cách cho bà nhận danh hiệu, bà nghĩ sao về điều này?

- Tôi rất vui và thấy ấm lòng khi được mọi người quan tâm và nhớ đến. Nhưng thực tình, từ trước đến giờ tôi không quan tâm nhiều đến chuyện đi xin danh hiệu cho mình. Khán giả hay giới chuyên môn trao cho tôi danh hiệu nào, tôi sẽ nhận danh hiệu đó. Hàng chục năm đứng trên sân khấu, tôi được tặng nhiều cái tên như: Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng vọng cổ, Vương nữ Sương chiều, Sầu nữ... Trong số đó, tôi thích nhất được khán giả gọi với cái tên "sầu nữ" chứ không phải là danh hiệu nào khác.

Ở đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân cách đây khoảng ba năm, cũng có đại diện của cơ quan chức năng đến tận nhà đưa tôi các hồ sơ điền vào đơn xin, nhưng tôi từ chối. Tôi tự thấy mình cao tuổi rồi, không còn làm được gì nhiều cho sân khấu, chỉ biết đóng góp những việc trong khả năng mình có thể. Vì vậy, tôi không dám viết đơn xin danh hiệu.

- Nhắc đến bà, khán giả nhớ ngay đến danh hiệu "Sầu nữ Út Bạch Lan". Hai chữ "sầu nữ" vận vào bà những nỗi niềm ra sao?

- Tôi thích được gọi là "sầu nữ" vì nó gợi nên hình ảnh đẹp của một đào thương trên sân khấu, nhưng không có nghĩa ngoài cuộc đời tôi lúc nào cũng buồn bã, u sầu. Cuộc đời một con người bình thường vốn dĩ có lắm nỗi niềm, huống chi đời người nghệ sĩ thì tránh sao khỏi không có lúc đau buồn, sướng khổ. Nhưng nhìn lại cả chặng đường dài đã qua, tôi thấy mình có nhiều niềm vui hơn là nỗi buồn. Tôi không muốn nói về nỗi buồn trong quá khứ mà luôn vui với hiện tại. Tuổi này, tôi vẫn còn được khán giả dành nhiều tình cảm khi lên sân khấu biểu diễn, vẫn được đồng nghiệp yêu thương, các thế hệ em cháu trong nghề quý trọng, chịu đồng hành với tôi trong công việc thiện nguyện, mang lời ca tiếng hát cổ truyền đến với mọi người.

- Ở tuổi 80 bà vẫn miệt mài làm công việc thiện nguyện khắp các tỉnh thành trong nước. Động lực nào mang đến sức mạnh cho bà thực hiện công việc này?

- Tôi xuất thân từ con nhà nghèo, mồ côi cha, phải chịu vất vả với mẹ từ sớm nên tôi hiểu cảnh nghèo khó là thế nào. Từ lâu tôi đã quy y nhà Phật, ăn chay trường, sống cuộc đời thanh đạm. Tôi chỉ muốn góp chút sức của mình để san sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh khác vì tôi thấy mình may mắn khi không sống đời long đong, vất vả mà có con, có cháu quây quần bên cạnh. Trong khi còn rất nhiều nghệ sĩ chưa được an hưởng tuổi già.

Hơn 20 năm qua, tôi và nhóm từ thiện "Hoa lan trắng" (lấy theo tên bản vọng cổ do nghệ sĩ Viễn Châu viết tặng cuộc đời Út Bạch Lan) của mình gồm các diễn viên cải lương trẻ và các nghệ sĩ như Diệu Hiền, Thanh Sử… miệt mài đi làm từ thiện. Cứ mỗi lần cả nhóm sắp sửa lên đường đi hát, đi trao quà cho bà con là lòng tôi rộn niềm vui. Nhờ vậy, tôi có thể quên đi cái mệt của tuổi tác để ngồi xe cùng các em, cháu đi tỉnh xa, rồi đi bộ đến những địa chỉ từ thiện ở miền quê, ở chùa.



Nghệ sĩ Út Bạch Lan một thời xuân sắc.

- Vì sao đến giờ bà vẫn chưa có một liveshow ghi dấu ấn với sân khấu?

- Sáu mươi năm đứng trên sân khấu, tôi đã nhận quá nhiều thứ từ khán giả nên bây giờ tôi không dám nghĩ đến việc làm chương trình riêng. Một phần tôi ngại chuyện mình làm liveshow sẽ dễ bị nhầm là muốn kiếm thêm tiền từ túi người xem. Một phần vì tôi là người lớn tuổi, đâu cần chương trình hoành tráng làm gì. Nhiều lúc tôi đi hát ở chùa, đang hát tôi bỗng quên lời bài vọng cổ, phải ngừng lại xin lỗi mọi người, chờ đến khi có người "nhắc tuồng" tôi mới tiếp tục. Ca hát với tôi bây giờ là niềm vui và tôi chỉ muốn chia sẻ niềm vui đó với mọi người trong những dịp họp mặt có ý nghĩa thiện nguyện, hát ở sân chùa, hát cho khán giả vùng sâu vùng xa...

- Từng sống qua thời vàng son của sân khấu cải lương, mỗi khi nhớ lại giai đoạn huy hoàng đó, bà nhớ nhất điều gì?

- Tôi luôn luôn giữ trong lòng mình hình ảnh đẹp của sân khấu cải lương một thời. Để có được giai đoạn vàng son đó, cả một tập thể nghệ sĩ, họa sĩ, soạn giả, người lo phục trang, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, ông bầu bà bầu các gánh hát... đều sống chết trọn vẹn với nghề. Những người thầy thì tận tâm truyền đạt kinh nghiệm ca diễn cho học trò. Người soạn giả thì dốc tâm lực để viết nên vở tuồng hay, đi vào lòng người xem. Nghệ sĩ trình diễn thì hết mình khi hóa thân vào từng nhân vật....

Đến bây giờ, khi nhớ về những họa sĩ thiết kế sân khấu của thời đó tôi vẫn còn giữ trong lòng sự ngạc nhiên và kính phục với các họa sĩ: Phan Phan, Lô Ca... Qua bàn tay của họ, sân khấu cải lương đẹp như mơ với những hình ảnh dòng sông, con đò, thác nước thật trên sân khấu, rồi hình ảnh mái nhà tranh, những cơn mưa nhân tạo... Tất cả các kỹ thuật đó họ đều tự mày mò, dùng trí tưởng tượng và óc sáng tạo để tận dụng những nguyên vật liệu gần gũi nhất tạo nên hiệu ứng thật, mang đến cảm xúc thật cho sân khấu. Bạn có tin là khán giả ngày ấy xếp hàng tranh nhau mua bằng được vé ngồi ở hàng ghế đầu của một vở tuồng chỉ để được cái vinh dự chùi mặt khi mưa thật ở sân khấu bắn xuống hàng ghế ngồi, để được sống trong khung cảnh như mơ mà những người dàn dựng sân khấu tạo nên. Ngày nay, kỹ thuật công nghệ đều cao hơn hàng chục năm trước, nhưng tôi có cảm giác, sân khấu cải lương không mang lại được những cảm xúc như xưa mà ngày càng bị gắn với khái niệm "tượng trưng", "ước lệ" nhiều hơn.



Nghệ sĩ Huỳnh Quý chở NSƯT Út Bạch Lan trong một lần đi trao quà từ thiện. 
Ở tuổi 80, bà vẫn tất bật với các hoạt động công tác xã hội. Ảnh: Thanh Hiệp.

- Ước mơ của bà dành cho sân khấu cải lương hôm nay là gì?

- Thấy cảnh nghệ sĩ cải lương hôm nay thiếu sân khấu đúng nghĩa để diễn mà tôi chạnh lòng quá. Tôi vẫn thường cầu mong ơn trên cho tôi được trúng số độc đắc (cười). Nếu trúng được 6-7 tỷ tôi sẽ đầu tư dựng lại một sân khấu đẹp như thời trước, để cùng các đồng nghiệp, diễn viên trẻ tái dựng lại không khí của một thời. Nếu thấy lại được cảnh đó, tôi có mất đi chắc cũng mãn nguyện.

Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan, sinh năm 1935 tại Long An, tên thật là Đặng Thị Hai. Bà thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ. Sau đó, bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... Đến nay, bà được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là "viên ngọc quý" với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai.

Ngày 9/7, kỳ họp thứ thứ ba của 25 thành viên của Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân - Nghệ sĩ Ưu Tú lần thứ tám được tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Các danh hiệu dự kiến được trao vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2/9.

Để lên được tới hội đồng xét duyệt cấp nhà nước cho hai danh hiệu này, người nghệ sĩ phải hoàn thành bảy loại đơn từ, văn bản và qua bốn hội đồng xét duyệt là hội đồng cơ sở, hội đồng tỉnh, hội đồng cấp bộ, cuối cùng là hội đồng cấp quốc gia. Ngoài những quy định về phẩm chất, đạo đức, thâm niên, với danh hiệu NSND, một trong các tiêu chí quan trọng để hội đồng căn cứ xét duyệt là nghệ sĩ phải ít nhất hai giải vàng quốc gia...

NSND Kim Cương cho rằng, cơ quan chức năng cần xem lại tiêu chí xét duyệt NSND, NSƯT để đặc cách trao danh hiệu cho người xứng đáng. "Trong làng nghệ thuật miền Nam có nhiều nghệ sĩ tên tuổi, sống trong lòng người dân mà không ai có thể phủ nhận như: như Út Bạch Lan, Minh Vương và rất nhiều người nữa... Nhưng do hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh đất nước họ không thể nào có điều kiện lấy huy chương", bà Kim Cương bày tỏ.


Thoại Hà thực hiện

21 nhận xét :

  1. Càng ngày càng có nhiều người từ chối các danh hiệu mà "đảng và nhà nước" ban phát.
    Tất cả đều là những tài năng thật sự và có lòng tự trọng cao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều đó nói lên các "danh hiệu" chẳng còn mấy xu giá trị!

      Xóa
  2. Xin lỗi bac Tễu, cỡ như Út Bạch Lan nhận cái danh hiệu NSND vớ vẩn ấy làm ...đ gì! Nhiều cái tên gắn cái danh hiệu NSND mà chẳng ai biết là ai, đóng góp họ là gì, cống hiến ra làm sao! Nhà nước gãy giữ lấy để trao cho Tự Long, Hiệp Gà, Chiến Thắng, ... ấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ có Hiệp Gà là xứng đáng nhất
      thứ nhì đến Kiều Trinh.

      Xóa
    2. Chính xác!

      Xóa
    3. Còn cả các đồng chí lãnh đạo nữa chứ?

      Xóa
  3. p.thường dân Nam Bộlúc 04:52 15 tháng 7, 2015

    Tâm sự của người nghệ sĩ già Ut Bạch Lan làm nhiều người cảm động . Dù đã lăn lộn cả đời trong chốn kịch trường và trường đời , bà vẫn mộc mạc, chất phát của người Nam Bộ . Chẳng cần ai phong N S Ư T , N S N D, bà Út Bạch Lan đã chiếm địa vị cao chót vót trong lòng Dân Nam Bộ . Bà Út Bạch Lan, người phụ nữ Nam Bộ, người diễn viên Nam Bộ. Cảm phục bà, chúng tôi quí mến , yêu thương Bà .

    Trả lờiXóa
  4. Vậy những nghệ sĩ khác là Nghệ-Sĩ-Không-Nhân-Dân?

    Trả lờiXóa
  5. Tôi từng sợ rằng người ta sẽ trao danh hiệu NSND cho Trịnh Công Sơn. May mà điều đó không xảy ra.

    Trả lờiXóa
  6. Bà Út Bạch Lan đúng là nghệ sĩ, không xin xỏ gì hết. Cũng như nhà văn Nguyên Ngọc, không xin xỏ gì hết. Nhạc sĩ Phạm Tuyên không xin xỏ gì hết, nhưng sợ dơ với người viết từng ấy bài hát về Hồ Chí Minh mà không có giải HCM, nên ông rung đùi nhận giải. Nhưng nhận giải rồi, lại sám hối như Nguyễn Khải thì cũng buồn.

    Trả lờiXóa
  7. Không là NSND nhưng bà là"NS yêu quý của ND",điều này hàng loạt nghệ sỹ khác khó có thể có được.Giá trị danh dự của Hội đồng Nhân dân đáng giá gấp nhiều lần Hội đồng...tiền,không ồn ào,không chạy chọt,không có sự ghen ăn tức ở,bươi móc nhau,thật đáng quý

    Trả lờiXóa
  8. Nhiều cái nhất châu Álúc 10:49 15 tháng 7, 2015

    Kính thưa Bà, Bà chính là nghệ sĩ nhân dân trong lòng nhân dân. Có cho, cũng chưa chắc đã nhận, huống gì làm đơn khẩn cầu; chúng nó hám danh và giành giựt kệ chúng.

    Trả lờiXóa
  9. Các ca sĩ ở Hải ngoại xứng đáng được phong tặng là nghệ sĩ ND ,vì tiếng hát của họ nhiều chục năm nay vẫn còn vang vọng -lan truyền đến ngày nay , tiếng hát của họ đã đi vào lòng người lay động thổn thức hàng triệu con tim .
    Nói đến Thanh Tuyền - Giao Linh - Phương Dung - Thanh Lan - Chế Linh -Duy Khánh thì nhiều người biết .
    Còn mấy ca sĩ chuyên hót nhạc nô mấy ai biết mặt biết tên .
    Qua đây tui xin phong tặng chú Tễu danh hiệu '' VIỆN SĨ '' viện Hán Nôm .

    Trả lờiXóa
  10. Những người nghệ sĩ đúng nghĩa nghệ sĩ họ yêu và quan tâm đến cái đẹp của tâm hồn, của nghệ thuật, họ luôn cố gắng làm sao cho ngày càng đẹp hơn để cống hiến cho khán giả và cuộc đời chứ không để ý đến danh hiệu này nọ. Nhà nước duy trì hủ tục bầu bán danh hiệu này mãi sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng "NSND" sẽ kém dần đi vì nghệ sĩ thực sự đâu dễ có? dần dà sẽ lẫn vào nhiều tạp chủng, (những người không xứng đáng) như thế là thiếu công bằng và xúc phạm những NSND chân chính trước đây nhất là những người NS đã lừng danh trong lòng nhân dân từ nhiều năm mà vì lý do gì không có danh hiệu đó. ngoài ra dễ phát sinh hiện tượng thiếu minh bạch không công bằng do quen thân hoặc hối lộ hội đồng xét duyệt, làm cho danh hiệu NSND mất dần đi ý nghĩa cao quí, gây thắc mắc bất mãn không cần thiết trong dư luận quần chúng làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần chung khiến chất lượng sống ngày càng suy giảm. Theo tôi nên giải tán cái hội đồng cùng những bầu bán vô bổ này, nếu không mỗi năm nó sẽ càng tệ hơn nữa, có nó không ích lợi gì cho sự phát triển nền văn nghệ nước nhà mà còn làm xấu thêm.

    Trả lờiXóa
  11. Bao giờ được nghe lại giọng Út Trà Ôn , giọng Thành Được ?

    Trả lờiXóa
  12. Tại sao các danh hiệu lại phải viết đơn xin nhỉ? Thế mới biết các nghệ sĩ có được danh hiệu của nhà nước cấp cho đều phải trải qua tủi nhục cho lòng tự trọng của con người.

    Trả lờiXóa
  13. Cần trao danh hiệu cao quý này cho Kiều Trinh

    Trả lờiXóa
  14. Trả danh hiệu này cho GS ts nguyễn phú trọng là hợp lý nhất

    Trả lờiXóa
  15. Không đâu . NS Út Bạch Lan chờ khi nào kép Thành Được nhận được danh hiệu NSND thì Út Bạch Lan mới chịu nhận đó chứ !

    Trả lờiXóa
  16. Theo trang vnexpress:

    Thứ bảy, 5/11/2016 | 00:14 GMT+7
    'Sầu nữ' Út Bạch Lan qua đời
    Khoảng 22h55 tối 4/11, đại thụ của làng cải lương qua đời tại nhà riêng ở TP HCM sau thời gian điều trị bệnh nan y, hưởng thọ 81 tuổi

    Trả lờiXóa