Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

HỌC GIẢ QUỐC TẾ BÌNH LUẬN VỀ CHUYẾN ĐI MỸ CỦA ÔNG TRỌNG

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng bí thư Việt Nam tới Hoa Kỳ

Học giả bình về chuyến đi Mỹ của TBT Trọng

07.07.2015

Nhân chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, BBC Việt Ngữ đã hỏi ý kiến đánh giá của một số học giả nước ngoài về ý nghĩa của chuyến đi này trên phương diện quan hệ song phương Việt-Mỹ, tam giác Mỹ-Trung-Việt và đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông.


James Bellacqua, nhà phân tích châu Á của CNA, Virginia, Hoa Kỳ

Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tiềm năng là một tiến triển rất quan trọng trong mối quan hệ song phương. Trong hai thập niên qua, quan hệ hai nước đã đạt được nhiều nhưng vẫn còn có thể làm nhiều hơn nữa.

Đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ, lại trùng với dịp kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Hà Nội. Mặc dù tính biểu tượng này dĩ nhiên quan trọng, hai chính phủ sẽ hy vọng thành tựu cụ thể từ chuyến thăm cũng lớn không kém. Có nhiều vấn đề mà hai bên có thể đạt được tiến bộ có ý nghĩa.

Đầu tiên là thương mại. Việc Hạ viện Mỹ thông qua quyền đàm phán nhanh đã bỏ qua trở ngại lớn trong quá trình đàm phán bế tắc vì TPP. Nếu không có quyền này, viễn cảnh cho TPP ở Mỹ bị xem là đen tối.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2015 sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam là đối tác khu vực quan trọng của họ trong khi tiếp tục nỗ lực tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương.
James Bellacqua, phân tích gia châu Á
Hà Nội từ lâu là một trong những nước ủng hộ TPP mạnh nhất. Chính phủ ông Obama hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán TPP với 12 đối tác vào cuối năm, và có lý do để lạc quan rằng Mỹ và Việt Nam sẽ loan báo đã kết thúc thành công thương lượng về TPP trong chuyến thăm này của ông Trọng.

Một vấn đề khác có thể được thảo luận là an ninh, đặc biệt là lệnh cấm lâu nay của Mỹ không cho bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tháng 10 năm ngoái, Bộ ngoại giao Mỹ loan báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm để tăng cường khả năng bảo vệ an ninh trên biển của Hà Nội.

Nhiều nhà thầu quốc phòng Mỹ đã tới Hà Nội thảo luận các đơn đặt hàng có thể có với quân đội Việt Nam. Tuy vậy, hồ sơ nhân quyền kém cỏi của Hà Nội lâu nay vẫn là cản trở chính cho việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm. Dù chưa rõ việc này sẽ diễn ra thế nào tại cuộc gặp, chắc chắc hai bên sẽ thảo luận và việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm không phải là bất khả.

Một loan báo có khả năng sẽ diễn ra hơn là chuyến thăm đáp lễ của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam vào cuối 2015. Hai người tiền nhiệm của ông Obama đều đã thăm Hà Nội trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam năm 2015 sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam là đối tác khu vực quan trọng của họ trong khi tiếp tục nỗ lực tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thẩm Đinh Lập, Giáo sư Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phục Đán, Thượng Hải.

Đáng mừng khi Việt Nam và Mỹ tiếp tục cải thiện quan hệ. Từng là cựu thù, hai nước sẽ tiếp tục biến quan hệ từng đối địch chuyển sang bình thường.

Có nhiều lĩnh vực hai nước có thể hợp tác - thương mại và đầu tư, giáo dục, trao đổi con người…

Ngay cả trong lĩnh vực quốc phòng, có thể Hà Nội và Washington sẽ tìm cách hợp tác, cả về thực chất lẫn biểu tượng.

Vào lúc Mỹ đang “tái cân bằng” ở châu Á, Mỹ cần Việt Nam là đối tác. Căng thẳng trên Nam Hải có thể là lý do nữa để hai nước tìm kiếm quan hệ đối tác. Yếu tố Trung Quốc có thể được tính đến trong chuyến thăm này.

Sẽ lý tưởng khi Trung Quốc và Việt Nam tăng cường đối thoại và hợp tác bằng việc tự kiềm chế. Nếu làm tốt việc này, rõ ràng Việt Nam sẽ bớt nhu cầu tìm kiếm giúp đỡ từ bên ngoài.

Thời Ân Hoằng, Giáo sư về Quan hệ Quốc tế và Nghiên cứu Chiến lược, Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh

Địa chính trị rất quan trọng và gần như có tính vĩnh cửu. Do nhiều nguyên nhân, mà nổi bật nhất hiện nay và trong tương lai có thể tiên đoán được chính là tranh chấp tại Nam Hải (chủ yếu quanh quần đảo Nam Sa), dĩ nhiên Việt Nam sẽ nhờ đến các đối thủ của Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh trên biển của Mỹ.
 
Hoa Kỳ tăng cường giám sát trên không tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông

Nhưng mặt khác, động cơ kinh tế và ý thức hệ cũng quan trọng, mặc dù không sâu đậm bằng địa chính trị.

Lo ngại về “sự lật đổ” của phương Tây về ý thức hệ, ít nhất là trong lòng giới đảng viên lớn tuổi và đồ đệ của họ, và nhu cầu có quan hệ kinh tế không thể thiếu với Trung Quốc, điều mà hầu như tất cả trong đảng và chính phủ Việt Nam đều thừa nhận, sẽ hạn chế mức độ hợp tác với Mỹ trong cân bằng quan hệ với Trung Quốc.

Hà Nội phải chơi một trò chơi, và nói chung trong mấy năm qua, Hà Nội đã chơi tốt trò chơi này.

Collin Koh Swee Lean, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore

Trong những năm gần đây, khi có căng thẳng tại Biển Đông, chúng ta chứng kiến Việt Nam không chỉ tăng cường quan hệ với các thành viên ASEAN mà cả với Mỹ, đồng thời duy trì và tăng cường quan hệ với các đối tác truyền thống, chủ yếu là Nga.

Ngay cả với Trung Quốc, cũng có nhiều trao đổi giữa quan chức cao cấp hai nước. Điều này cho thấy Việt Nam có chủ ý không làm hỏng bức tranh quan hệ rộng lớn hơn với các nước láng giềng, kể cả Trung Quốc.
 
Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động cải tạo đảo trong thời gian gần đây 
tại các bãi đá có tranh chấp ở Biển Đông

Trong khung cảnh chính sách đối ngoại “cân bằng” này của Việt Nam, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ và gặp Tổng thống Obama.

Tôi tin rằng đây là một phần cố gắng của Hà Nội nhằm duy trì cân bằng giữa các cường quốc khác nhau. Không ai lại đặt trứng vào một rổ.

Tôi tin Hà Nội biết những gì cần làm để có lợi nhất. Mặc dù Hà Nội muốn duy trì quan hệ nồng ấm tuy khó khăn với Trung Quốc, họ cũng cần tạo lập thêm lối đi mới.

Với Nga, đây là quan hệ an ninh và quốc phòng lâu năm. Nhưng Việt Nam cũng muốn giảm bớt phụ thuộc vào Nga về quốc phòng.

Chúng ta cũng cần nhớ từ khi có khủng hoảng Ukraine, Nga và Trung Quốc đã có quan hệ gần gũi hơn. Hà Nội hẳn cũng đã để ý thấy điều đó. Vì thế quan hệ với Mỹ nay trở nên quan trọng hơn trước đây.

Chuyến thăm của ông Trọng là để duy trì đà đã có nhờ những diễn biến tích cực vừa qua: dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí, Mỹ đề nghị mở rộng trợ giúp an ninh và quốc phòng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.

Chuyến thăm của ông Trọng cũng nhằm mở rộng quan hệ song phương đã được tăng cường gần đây, và sẽ nhấn mạnh khía cạnh quốc phòng, an ninh. Có thể Việt Nam sẽ kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí và bình thường hóa thêm nữa quan hệ quốc phòng và an ninh.


1 nhận xét :

  1. NPT là trái bom đối với Mỹ hay Clinton-Obama là hai trái bom với VN ! May cho VN , 2 tổng thống của đảng DC Mỹ đã nhìn lại cuộc bỏ rơi VNCH 40 năm trước là một thất bại. Nước Mỹ nhìn lên bức tường tưởng niệm 58 ngàn BS Mỹ đả bỏ mình tại VN để thấy rằng không thể bỏ mặc VN cho Trung Cộng muốn làm gì thì làm . Chiếm được VN , BK dần dần nuốt trọn Biển Đông . Đó thực sự là thảm hoạ cho Mỹ và các đồng minh châu Á, cũng là thảm hoạ cho toàn thế giới .
    Nếu trước khi gây ra chiến tranh thế giới thứ 2 , Hitler đã nuốt Ba Lan mà Anh-Pháp đã nhượng bộ để rồi sau đó cả Âu châu rơi vào thảm hoạ kéo theo cả thế giới . Ngày nay khi TQ chiếm trọn Biển Đông, nước Mỹ bị đuổi khỏi TBD thì cả khối ASEAN cũng rơi vào tay BK . Lúc đó nước Mỹ còn phản ứng kịp nữa hay lại phải tốn xương máu và thế giới bị BK chi phối như kiểu Hitler !

    Trả lờiXóa