Thứ Ba, 9 tháng 6, 2015

Vĩnh Phúc: BỘ CÔNG AN VÀO CUỘC DỰ ÁN 280 TỶ XÂY CÔNG VIÊN

Vĩnh Phúc: 
Tỉnh thanh toán “nhầm” cho dự án trị giá hàng trăm tỷ

VietNamnet
09/06/2015 13:22 GMT+7

Theo quy định pháp luật, dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) chỉ được Nhà nước thanh toán sau khi hoàn thành, được nghiệm thu, bàn giao. Thế nhưng, tại tỉnh Vĩnh Phúc, doanh nghiệp thực hiện dự án BT được phép rút tiền mỗi khi cần vốn.
Bằng mọi giá đẩy nhanh tiến độ!
Theo tìm hiểu của PV, tháng 10/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 280 tỷ đồng (dự án thành phần 1 là 105,8 tỷ đồng và dự án thành phần 2 là gần 174,2 tỷ đồng).
Lấy lý do phục vụ Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra vào tháng 3/2013, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định bằng mọi giá phải đẩy nhanh tiến độ.
Hàng loạt văn bản được kí chỉ trong một ngày. Công ty cổ phần Sông Hồng Thủ Đô (có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên) được các cấp ngành tỉnh Vĩnh Phúc lựa chọn làm nhà đầu tư BT. Thời gian thực hiện dự án được ấn định trong vòng 14 tháng (từ cuối năm 2012-đến tháng 12.2013).
Lấy lý do phục vụ Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra vào tháng 3/2013, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định bằng mọi giá phải đẩy nhanh tiến độ. Hàng loạt văn bản được kí trong một ngày - (Ảnh: Hoàng Sang)
Hợp đồng BT ký kết giữa Sở xây dựng Vĩnh Phúc (đại diện cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc) và nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Sông Hồng Thủ Đô), cùng với nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất phương thức thanh toán: “Thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước tỉnh sau khi công trình hoàn thành. Phương thức chi tiết thể hiện trong hợp đồng BT, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối vốn của tỉnh”.
Giải ngân vốn bất thường!
Tuy nhiên trên thực tế, việc dùng tiền ngân sách Nhà nước thanh toán cho Công ty cổ phần Sông Hồng Thủ Đô để thực hiện dự án Khu công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc được chia nhỏ và đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, trong cùng ngày 1/2/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cùng lúc có tờ trình và công văn về việc bố trí vốn cho dự án BT này.
Cũng trong ngày 1/2/2013, bà Dương Thị Tuyến - Phó chủ tịch tỉnh ký ngay văn bản số 401/QĐ-UBND phân khai chi tiết 60 tỷ đồng cho dự án thành phần 1 dự án - Khu quảng trường phía bắc đường Hai Bà Trưng.
Điểm đáng lưu ý, trong văn bản số 401 nêu rõ: Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 trên 105,8 tỷ đồng nhưng khối lượng hoàn thành (tính đến thời điểm đó) mới chỉ đạt trên 74,9 tỷ đồng. Văn bản 401 cũng giao Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện kiểm tra thủ tục, cấp phát, giải ngân qua Kho bạc Nhà nước tỉnh đối với nguồn vốn được giao theo quy định hiện hành.
Vĩnh Phúc, đầu tư công, quảng trường, lãng phí
Có quá nhiều điều bất thường tại dự án BT này cần được làm rõ.(Ảnh: Hoàng Sang)
Tiếp đó, ngày 16/10/2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Hà Hòa Bình lại tiếp tục ký Quyết định số 2879, phân khai chi tiết trên 47,4 tỷ đồng - số vốn còn lại thuộc nguồn vốn Ngân sách nhà nước tập trung kế hoạch năm 2013 - cho công trình thực hiện theo hình thức BT này.
Trong đó, dự án đường từ nút giao nhà thi đấu TP. Vĩnh Yên vào khu đô thị Nam Vĩnh Yên (gồm cả cầu vượt đường sắt), đã quyết toán số tiền trên 26,73 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án thành phần 2 - khu công viên phía Nam đường Hai Bà Trưng thuộc dự án Công viên quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc số tiền trên 20,66 tỷ đồng.
Theo tài liệu PV thu thập được, ngay từ đầu năm 2013, chỉ vài tháng sau khi khởi công dự án, Công ty cổ phần Sông Hồng Thủ Đô đã được Sở Xây dựng Vĩnh Phúc (chủ đầu tư), Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc và ban ngành chức năng “tạo điều kiện” cho thanh toán hàng chục tỉ đồng để thực hiện dự án mà không phải bỏ tiền túi ra làm như theo quy định về thực hiện hợp đồng dự án BT.
Cũng theo tìm hiểu, mặc dù nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc thanh toán tiền để thực hiện theo kiểu 'cuốn chiếu', nhưng trong hợp đồng BT ký kết giữa 2 bên còn thể hiện Công ty cổ phần Sông Hồng Thủ Đô phải vay vốn từ 1 số ngân hàng bằng 85% tổng vốn đầu tư dự án và được Nhà nước phải chịu thêm khoản lãi suất vay vốn này.
Bộ Công an vào cuộc
Để làm rõ hơn thông tin về sự việc này, PV đã có cuộc làm việc với ông Phạm Hoàng Anh- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù trong các văn bản đều khẳng định tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành giải ngân hàng chục tỷ đồng cho dự án này khi công trình chưa được nghiệm thu, nhưng người đứng đầu Sở Xây dựng tỉnh này lại phủ nhận điều đó.
Ông Hoàng Anh cho rằng: Dự án Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công vào ngày 28/11/2012; hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 29/10/2013.
Sau khi nghiệm thu mới tiến hành việc thanh toán cho Nhà đầu tư, hoàn toàn “chuẩn chỉnh” điều kiện thanh toán theo hợp đồng BT đã ký kết giữa hai bên.
Việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc “ưu ái” cho doanh nghiệp thực hiện dự án BT đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao Nghị định 108/2009 của Chính phủ và Thông tư 166 của Bộ Tài chính chỉ rõ khi dự án hoàn thành được nghiệm thu bàn giao thì Nhà nước mới được phép thanh toán cho Nhà đầu tư, nhưng UBND tỉnh vẫn “xé rào” để quyết định phân bổ kinh phí? Tại sao Nhà nước có vốn nhưng vẫn đi lựa chọn hình thức đầu tư BT, để phải tính lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp, liệu đằng sau có lợi ích nhóm?
Ngày 7/6, nguồn tin cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để xác minh làm rõ nhiều điểm bất thường tại một số dự án thực hiện theo hợp đồng BT (Xây dựng-chuyển giao) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, một số người nguyên là cán bộ lão thành cách mạng tỉnh Vĩnh Phúc đã có đơn tố cáo tới một số cơ quan phòng chống tham nhũng TƯ về việc có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng trên địa bàn như: Dự án xây dựng nhà hát Vĩnh Phúc, đường vào khu đô thị Đầm Vạc, Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc…trong số này có nhiều dự án thực hiện theo hình thức BT và được tỉnh ưu ái cho một số ít doanh nghiệp trên địa bàn.
Chiều 8/6, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Độ, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cho hay: Công trình này sau khi được bàn giao, nghiệm thu, đưa vào sử dụng mới được thanh toán, có biên bản bàn giao mới thanh toán; không có chuyện vừa làm vừa thanh toán.
Cũng theo ông Độ, công trình này được nghiệm thu vào tháng 1.2013, đến tháng 2.2013 mới tiến hành thanh toán tiền đợt 1?!
Hoàng Sang

6 nhận xét :

  1. Nếu muốn thì cứ lần theo từng hóa đơn vật tư,từng bảng lương công nhân,từng bảng ca máy,từng chứng từ thanh toán sẽ rõ ngay tại sao ưu ái như vậy,thất thoát bao nhiêu.....

    Trả lờiXóa
  2. Khoản tiền quá lớn, những tên tội phạm lại chức to quyền lớn, nên bộ công an sẽ vào cuộc và tuyên bố: Không có dấu hiệu tội phạm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuột sa hũ mật. Ném chuột lại sợ vỡ hũ, bình...

      Đỗ Chí Việt

      Xóa
  3. 280 tỷ =>đi vào công trình chỉ 30 tỷ là nhiều ! còn 250 tỷ thì chia nhau ( chứ tuyệt đối không phải chi cho công trình 250,còn 30 tỷ thì chia nhau đâu ! chúng ăn cực kỳ đậm, hầu như là chúng ăn gần hết ! )

    Trả lờiXóa
  4. Phải cách chức và truy tố ngay GĐ Sở TC Vĩnh Phúc !

    Trả lờiXóa
  5. Cùng lắm thì: Nghiêm túc rút kinh nghiệm thôi.

    Trả lờiXóa