Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Thư giãn cuối tuần: CHÙM TIỂU PHẨM ĐẶC SẮC XUÂN ẤT MÙI


Chùm Tiểu phẩm của Lão Hói: 
BÍ QUYẾT SỐNG LÂU

Tin đồn có ông sống lâu như trời đất, đã mấy trăm năm nay vẫn khoẻ mạnh, tóc vẫn xanh, da dẻ vẫn hồng hào, lục phủ ngũ tạng đều tốt . Có người tò mò tìm đến ông để tìm hiểu, học hỏi bí quyết sống lâu

-Thưa ông , ông đã làm thế nào để sống lâu như vậy?

-Không biết!

Người kia lại hỏi:

-Có phải ông cũng được tôi luyện trong lò bát quái, ăn trái đào tiên … ở trên trời như Tề Thiên Đại Thánh và được Phật tổ Như Lai phù trì để thành người trường sinh bất diệt… không ạ?


-Không !

-Chắc là ông đã nhiều năm tu luyện , nay đã thành Phật, thành tiên, thành thánh hoặc chí ít cũng thành yêu tinh… mới sống lâu được như vậy chứ?!

-Không phải!

- Vậy đúng ông là người có phép “thần thông biến hoá”, nhất là phép đội lốt và đào tẩu . Khi đơn vị có thành tích, ông đứng lên nhận công trạng. Khi được bọn xiểm nịnh tung hô, đề cao vai trò của ông rồi, thì ông ẩn náu giữa tập thể để tham nhũng, đào khoét của công, lấy tiền nhà nước chi tiêu lãng phí. Có tội, bị phanh phui, ông lại chui vào tập thể ẩn náu, đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể .Tập thể là cái hầm trú ẩn kiên cố an toàn nhất cho những người như ông

- Bây giờ mà các ngươi mới biết điều đó à?. Đó là bí quyết đấy! 

HỎI CHUYỆN VÀNH MÓNG NGỰA 

.

- Xin chào Vành Móng Ngựa! Xin được hỏi, bạn có mặt khắp nơi trên thế giới tại các phiên tòa xét xử tội phạm hình sự phải không?

- Vâng, đúng. Thế thì sao?

- Tôi cũng đang muốn hỏi tại sao? Loài người chọn bạn đặt ở đó làm gì?

- Như bạn biết đấy, tôi chỉ có mặt tại phiên tòa hình sự, chứng tỏ tôi là biểu tượng của một kiểu hình phạt. Thời sơ khai của luật hình, người La Mã đã xử tội chết bằng cách dùng dây trói buộc vào tứ chi phạm nhân rồi cột vào chân ngựa, quất cho ngựa lồng lên để xé xác người phạm tội. Về sau, thấy việc xử tội kiểu voi dày ngựa xéo tàn khốc quá, vả lạị sự việc phạm tội, mức án phạt cũng khác nhau mà bộ luật hình ra đời và loài người đã chọn Vành Móng Ngựa làm biểu tượng cho sự nghiêm mình của luật pháp để đặt tại các phiên tòa hình sự.

- Vậy là đã rõ. Bạn là hàng rào phân cách ranh giới giữa quan tòa với bị cáo đồng thời cũng xác định vị trí người phạm tội, khoanh một vùng “cảnh báo nguy hiểm”, nhắc nhở mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, phòng tránh vi phạm. Người ta có thể nhìn vào bạn mà đặt niềm tin vào sự nghiêm minh và công lý, đúng không?

- Bạn nhầm! Luật pháp sinh ra tôi chứ tôi không sinh ra luật pháp. Công lý ở bộ luật hình, những tinh hoa nhân loại cũng nằm ở đấy và điều quan trọng là người áp dụng các điều khoản trong bộ luật ấy ra sao. Mỗi chế độ chính trị có các bộ luật của riêng mình phục vụ lợi ích thế lực cầm quyền và mục đích tối thượng là bảo toàn trật tự xã hội. Sự văn minh của một quốc gia một phần thể hiện qua những bộ luật của họ, chặt chẽ bởi ngôn từ chỉ có một nghĩa.

- Không có hay ít có chỗ hở để người phạm tội và người xử án…lách vào?

- Đúng! Những câu chữ đa nghĩa sẽ tạo nhiều kẽ hở. Từ “lách luật” dường như chỉ phổ biến ở quốc gia chậm phát triển. Thiếu khoa học nên luật không đi vào cuộc sống, thể hiện hạn chế của việc lập pháp. Luật pháp không được thực thi nghiêm chỉnh nên quản lý xã hội bất cập dẫn đến tiêu cực, quản lý không nổi thì ra lệnh cấm.

- Là người luôn đứng đối diện với bị cáo dù phiên tòa xử kín hay xử công khai, xin bạn cho biết cảm nhận chủ quan của mình.

- Có những phiên tòa dường như bị cáo đã cầm chắc mức án của mình.Việc xét xử chỉ còn là hợp thức hóa mức án phạt mà thôi. Nhìn vẻ mặt bị cáo có thể đoán biết

- Nghĩa là xử không đúng người đúng tội?

- Vâng. Hậu trường vụ án tiềm ẩn tiêu cực, chạy án, mớm cung, thay đổi nội dung hồ sơ… “Án tại hồ sơ” mà!

- Còn những trường hợp khác?

- Nhiều bị cáo tỏ ra ăn năn hối hận hoặc khổ sở tột cùng hoặc không tâm phục khẩu phục với bản án đã tuyên và với các quan tòa. Rất có thể nhiều oan sai.

- Để hạn chế oan sai có lẽ phải rất quan tâm chuẩn hóa hình luật từ khâu điều tra, kiểm tra giám sát đến năng lực phẩm chất những người thực hiện và nhất là phải có cơ chế…

- Thôi, xin đừng nhắc đến cơ chế nữa. Trước tiên hãy nhìn vào những người thi hành luật pháp kia, họ đại diện cho ai và đời sống của những người thanh liêm thế nào!

- Vâng. Cám ơn Vành Móng Ngựa.


BÁO CÁO VIẾT TẮT


Những đơn vị tổ chức họp hành thường rất giàu kinh nghiệm. Họ thừa biết các vị khách được mời thường chỉ ngồi phòng họp lấy lệ để nhận phong bì, nên đã in sẵn các tệp báo cáo để phát cho từng đại biểu. Những bản báo cáo dài lê thê thường đựoc rút ngắn bằng cách viết tắt. 

 

Những ngày giáp Tết, sau hơn một tuần “chạy sô” đi họp, ông chủ tịch cầm về nhà những tập báo cáo dày tới cả gang tay, định bụng khi rỗi rãi mang ra nghiên cứu. Nhưng khốn nỗi, mỗi khi cầm đến chồng báo cáo ông đâm ngại phát sốt vì nhiều bản dài lê thê, nội dung lủng củng. Ông chọn những bản ngắn nhất đọc trước vì cho rằng phải kì công lắm, tâm huyết lắm, có trình độ tổng hợp, khái quát lắm mới viết được ngắn gọn, cô đọng và có sức thuyết phục cao. Khi mở bản báo cáo ngắn nhất ra xem, ông thấy văn bản chi chít những chữ viết tắt mà tuyệt nhiên không có một dấu ngoặc đơn kèm lời chú thích nào. Là người rất thông thạo “khẩu ngữ dân dã”ở địa phương, ông đã “dịch” ngay được những từ thông dụng như PNTTNXH là “phòng ngừa tai tệ nạn xã hội”, PKH là “phối kết hợp” hay ĐMPTKHHGĐ là “đẩy mạnh phong trào kế hoạch hóa gia đình” vân vân và v.v. Có mấy từ viết tắt rất mới ông không tài nào “dịch” nổi. Đó là BCĐPCTNVLP. Ông liền hỏi vợ là giáo viên tiểu học. Bà này vốn ít khi quan tâm đến tình hình thời sự, nhưng hôm qua nghe đài thấy thông báo mới bắt được một bọn chuyên trộm cắp xe máy đem bán lấy tiền chia nhau. Bà ta liền “dịch” ngay cho ông nghe. Bà ta nói “BCĐPCTNVLP có nghĩa là “bọn-chôm-đồ-phân-chia-thu-nhập-và-lấy-phần ”. Trong lúc đang băn khoăn chưa tin lời giải thích của vợ thì có người hàng xóm hiện đang là tuyên truyền viên của phường sang chơi, ông liền vồ vập hỏi luôn. Ông ta liền “dịch” ngay ra được, BCĐPCTNVLP là chữ viết tắt của cụm từ “Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và lãng phí”. Ông chủ tịch thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng:

- Ừ, phải thế mới đúng chứ. Viết tắt mà không mở ngoặc giải nghĩa thật tai hại!

L.H 
_____

*Ghi chú những tiểu phẩm trên đây tác giả đã đăng trên các báo giấy (Người cao tuổi, Lao động cuối tuần) mấy năm trước đây, nay lục lại gửi Blog Chú Tễu.


Tiểu phẩm Ngô Khắc Tài
THẦY TRỊ GIẬN

Trước đây ít thấy nghe mấy ông thầy bàn, thầy cãi, thầy dùi, rồi thầy đời. Bây giờ coi vậy mà vui ở đâu cũng gặp các ông, dường như xã hội có nhu cầu nên phát sinh ra nghề của mấy ông. 

.
Xóm quê của tui cũng có một cha thầy đời. Không biết cha học hành, ngâm cứu ở đâu mà trên trời dưới đất chuyện nào cũng biết mới lạ rồi cha đi dạy đời. Chẳng ai mời nhưng chỗ nào có động dao động thớt, có ăn nhậu là thầy lò đò đi tới - ai kêu qua đó - không có nghe - có mà, chả lẻ qua nghe lộn. Rồi tự nhiên như về miệt Long Xuyên ăn cá em chiên, thầy tự động kéo ghế ngồi xuống phân bua - thấy đông vui ghé lại chơi ăn uống gì. Dân nhậu tốt bụng chẳng lẽ để thầy ngồi chơi nhưng ai cũng quá rành. Qua ly thứ hai bộ máy bắt đầu chạy thầy cướp diễn đàn nói tía lia lên lớp mọi người. Ai nấy chỉ có nước ngồi chịu trận để nghe, chẳng có cách chi xen vô (ngoài miền Bắc cũng có một cha giống hệt vậy. Cha còn trẻ lại để le hoe mấy sợi râu càm bộ muốn làm ông tiên chỉ trong làng). Bực mình nhứt là, một cha không làm lụng chi hết để vợ con nuôi lại đi dạy thiên hạ làm ăn, làm giàu. Tui ít khi tranh cãi với ai, nhiều lúc bực cũng phải hỏi “Sao cha không làm giàu đi cho vợ con nhờ”. Thầy trả lời tỉnh queo “thường mấy người biết lại không làm, càng biết càng im lặng (??). Đời nó vậy chú em. Những người lĩnh giải nobel kinh tế đó, có cha nào giàu làm chủ công ty đâu”. Nghe mà tức cành hông lý lẽ ba trợn. Nhưng rồi chẳng phải tui, mà xung quanh phải phục cha đúng là thầy đời thứ thiệt. Nhậu nhẹt chẳng dám rủ ren cha nhưng rồi khi thiếu mặt cha bữa rượu như thiếu vui. Theo tui, thầy có nói tào lao bất xế cứ việc cản mà chi, mình nghe được thì nghe. Để tui kể thêm cho bạn đọc biết tài, biết cái miệng lưỡi của thầy. 

Thông thường, buổi trưa thầy dạo một vòng quanh xóm thấy vắng mặt một vài người lập tức biết là tụ tập đâu đó, thầy lò dò đi tìm. Công nhận cái mũi thầy hay thiệt rất là thính. Hôm đó thằng bạn trong xóm giận con vợ. Chén trong rỗ còn khua huống gì chuyện gia đình, của ai nấy biết, lời lẽ vô ra chuyện nhỏ nhiều khi xé ra to, nên anh em rủ nhau uống rượu cho vui, việc gì cũng qua. Đám nhậu kín bưng phía sau vườn, vợ con cũng không biết, vậy mà thầy biết. Người ta lặng lẽ uống rượu chẳng ai nói gì. Thầy lọ mọ đến ngồi chưa nóng đít, uống mới một ly chưa nóng dái đã lẹ làng phát hiện “Thôi rồi tụi mầy giận vợ con. Đừng lo. Tao chỉ cho mấy phương pháp, cứ làm theo tao vợ con chẳng dám chọc giận tụi mầy”. Thấy ai nấy ngồi yên thầy như trúng tủ mở giáo trình ra lên lớp. Có ba cách để chấm dứt hờn giận đó là giận chay, giận mặn và tui giận nghe. Dùng cách này không được tuỳ mình chuyển qua cách khác hiệu nghiệm. Anh em tò mò lẳng tai nghe, chuyện này coi bộ mới la. Trước hết, giận chay phải tìm hiểu nguồn gốc từ đâu. Có phải nó xuất phát từ tâm phân biệt ta với người. Tâm nó dẫn đến tư tưởng, nhận thức. Do đó phải biết kìm chế không cho tư tưởng phát sinh bằng cách ngồi yên hít vô hít ra lắng nghe hơi thở lát sau tâm trở lại bình tĩnh hết giận.

- Tưởng cha dạy dỗ gì. Tui xen vô. Đây là kiểu của mấy ông thầy chùa không phù hợp với cõi trần gian. Như vậy chẳng khác bắt thiên hạ làm thinh chịu đựng. Giống như mà chọc tao giận như chọc tức ông nội, ông cố mày.

- Vậy là sang giận mặn, giận mà vui lúc giận nóng lên la lối đánh đập vợ con. Rồi có đứa đập phá nhà cửa, đập chén, tô phải vậy không?. Thay vì làm vậy vợ con khóc lóc thiên hạ kéo tới coi, mình tự đánh mình. Đưa tay đánh vô ngực, đấm cho thật mạnh, cho đến lúc vợ nó hoảng sợ quỳ xuống năn nỉ mới chịu thôi. Biết tật xấu giận hay đập tô, chén, rất dễ, mua sẵn vài chục chén đá thứ rẻ tiền để sẵn. Lúc giận lôi ra đập mặc tình, chẳng hao tốn bao nhiêu vợ con sợ mà cũng không nói được.

- Thôi đi ông đừng có xúi dại - ai đâu tự đánh mình, sao không nói thêm lấy tay đập mạnh vô mũi cho chảy máu nằm vạ cho giống chí phèo. Đến lượt tui phản đối. Vậy thì tụi mày chuyển qua cách tui giận nghe. Đây là siêu giận. Tao biết chắc tụi mày đứa nào cũng muốn học. Thầy tỉnh queo.

Đàn bà vốn hà tiện tiết từng đồng bạc. Mình lợi dụng tật đó lúc nào giận la cho lớn lên - Tui giận nghe - Rồi chạy ngay ra chợ mua vịt xiêm mua thịt bò, mua mấy kết lave rủ anh em tới nhà bày tiệc. Ngoài đám giỗ, đám thôi nôi, đám này gọi là đám thôi giận, anh em cứ việc tới tay không khỏi mua gì hết. Mà phải nhớ mời thêm một hai người có uy tín như cán bộ xã, phường để vợ nó nể nang không dám quậy. Sau một vài trận nhậu vợ biết là chồng mình giận hao tiền quá nên không dám cãi nữa. Tụi mày thấy hay không. Còn nữa. Tuyệt chiêu cuối cùng của tui giận nghe là cố nén cơn giận chờ đêm xuống … Thay vì yêu vợ một, mình yêu tăng lên hai, ba như lần đầu tiên hai đứa gặp nhau. Tao cam đoan từ chỗ giận hờn con giận chuyển qua thương tụi mày.

Tụi tui phải cười bò lăn ra bái phục, phương pháp của thầy rất đơn giản mà rất hay - Vậy thầy có áp dụng chưa.

- Chưa, bả không cho mà lúc đó mình cũng xụi lơ không hứng thú lắm.

- Vậy sao thầy đi dạy tụi này.

- Vì tao thấy lý thuyết nó hay, từ từ mình đợi cơ hội thực hiện, gấp gì. Mà không phải chỉ có một mình nó nhiều lý thuyết hay nhưng không thể thực hiện được người ta vẫn tiếp tục dạy đó sao.


N.K.T
.

2 nhận xét :

  1. Có lão quan đi khám tổng quát. Đến Khoa Thần kinh, lão bị bác sĩ phê "Bị nệnh cleptomania".
    Lão lèm bèm: "Bác sĩ ghi tiếng Tây tiếng u làm gì. Tôi nào có biết. Cứ phang tiếng Việt cho nó ra ngô ra khoai cho tôi".
    "Vậy, cleptomania là Tật thích trộm cắp. Sự thôi thúc ăn trộm, trong đó động cơ thúc đẩy không có liên quan gì tới giá trị xác thực của vật lấy trộm".
    Lão bèn giãy nảy: "Thôi, thôi! Ông cứ để nguyên tiếng Tây cho nó lành"?

    Trả lờiXóa
  2. Thời ông Bao Công loàm gì có vành móng ngựa, chỉ có cẩu đầu thôi ?

    Trả lờiXóa