Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Hà Nội: CỤ BÀ 81 TUỔI VÔ GIA CƯ VÀ ƯỚC MƠ CUỐI CÙNG

Bà lão 40 năm ăn, ngủ vỉa hè Hà Nội 
và mơ ước chết có người chôn

20:42 PM, 11-11-2014

Thất lạc gia đình từ thời chiến, đói khổ, bà Liên bao năm qua lang thang khắp ngõ ngách nơi phố thị. Bà lão đã gần 40 năm ăn, ngủ ở vỉa hè Hà Nội ước mơ sau khi mình chết sẽ có người chôn cất.

Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Ái Liên (81 tuổi) lại thu dọn đồ đạc ngủ nhờ vỉa hè một quầy ki-ốt ở số 2, phố Hàng Giày (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chủ quán lấy chỗ bán hàng. Rồi bà mò mẫm gánh đồ ra đầu đường Phan Đình Phùng (đoạn đối diện Bốt Hàng Đậu, phường Hàng Mã, Hà Nội) bán quần áo, chăn màn cũ để mưu sinh. Suốt bao năm qua, bà lão ở tuổi xế chiều này sống cô độc, không người thân thích.

Bà Liên sống qua ngày bằng nghề bán quần áo cũ.

Những bộ quấn áo, chăn cũ được bà giặt giũ cẩn thận rồi mang bán.

Bà không nhớ quê quán mình ở đâu, không giấy khai sinh, tên là do bà tự đặt cho mình. Bao năm qua, bà lưu lạc khắp nơi sống kiếp cô độc, không người thân thích.

“Thời tôi sinh ra, chiến tranh bom đạn, nhà nghèo khổ, đói rét nên từ nhỏ đã bị bố mẹ mang đi cho người khác nuôi. Không biết người thân còn những ai. Sau này, tôi lang thang khắp nơi rồi mò mẫm lên Hà Nội kiếm sống”, bà Liên nhớ lại.

Để mưu sinh, bà làm đủ nghề, từ làm thuê, nhặt hoa quả ở chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân để bán lại đến rửa bát thuê… Ngoài ra, đối với những bộ quần áo cũ được người đi đường mang cho, bà Liên tỉ mẩn chọn lọc cái nào còn mới, đem giặt sạch sẽ rồi bán lại, kiếm tiền sống qua ngày. Tối đến bà vạ vật bên vỉa hè làm chỗ ngả lưng.

Bà Liên buồn rầu vì không biết quê mình ở đâu.

Nhiều người dân thương tình mang quần áo cũ bỏ đi cho bà lão.

“Ngày trước, đói khổ, sống lang thang ở ngoài đường Hà Nội nên những người như tôi bị đưa vào trong trại để lao động và sống 21 năm trong đó. Khi ra ngoài, tôi chỉ còn 25kg. Gần 40 năm qua tôi cứ sống lang thang thế này”, bà lão cho hay.

Bà vui vẻ kể: “Nhìn tôi già cả thế này thôi nhưng may, thêu khéo tay lắm. Quần áo cũ người ta cho bị mất cúc hay khóa, tôi lại lấy kim may lại cẩn thận. Sau đó giặt xả thơm phức mới bán được. Được cái ông trời bao năm qua cho sức khỏe, ngủ đường, ngủ chợ nhưng không ốm đau. Nếu mà ốm tôi cũng chẳng có tiền để chữa trị".

Tiếp lời chúng tôi, bà Liên buồn rầu chia sẻ: “Cuộc đời tôi thì cô đơn lắm. Không nhà không cửa nên cũng chả người đàn ông nào dám lấy. Nhiều lúc tôi nghĩ hay xin một đứa con để nuôi cho có mẹ có con sau này nương nhờ lúc già yếu nhưng rồi lại thôi. Đời tôi khổ lắm rồi, không nhà cửa, ngủ vỉa hè với cảnh màn trời chiếu đất thì có nuôi cũng khổ con cái nên đành thôi”.


Bữa cơm đơn giản chỉ có cà muối kho của bà lão đơn thân.

Bữa cơm trưa đơn giản của bà lão chỉ có vài quả cà và ít muối vừng và cơm nguội còn lại của buổi tối ngày hôm trước. “Cơm nguội trời lạnh thế này cũng không lo thiu. Bao năm nay tôi chỉ thích ăn cà muối rồi kho lên cho nó mềm thôi. Cứ chiều lại, người dân nấu xong lại nhờ bếp lò của họ đun cơm để ăn cho buổi tối và ngày hôm sau, sống một mình nên ăn uống cũng qua loa cho qua ngày”, bà Liên vui vẻ kể.

Chiếc can bà dùng để đi xin nước của các hộ dân để tắm rửa, sinh hoạt.

Bà chuẩn bị di ảnh để thờ chính mình sau khi mất.

Bà chỉ ước mơ khi chết có người chôn cất.

Lôi tấm ảnh chụp chân dung mình được cất cẩn thận trong làn quần áo bà Liên khoe mới tiết kiệm được 300 nghìn đồng rửa ra để sau này chết còn làm ảnh thờ mình. “Sống một mình nên tôi chỉ có tâm niệm sau này chết, không có người thân chỉ mong mọi người chôn cất rồi lấy ảnh này đặt lên mộ tôi là tôi có thể nhắm mắt xuôi tay rồi”, bà Liên thều thào nói.

Cứ chiều tối khi chủ quán đóng cửa bà lại lui về phố Hàng Giày để nghỉ ngơi.

Ngóc cửa này là nơi bao năm qua bà lão không người thân thích dựa lưng ngủ.

Nhớ về kỷ niệm sống ở vỉa hè Hà Nội bà lão bày tỏ: “Tôi chỉ sợ rất là những ngày mưa rét. Trời mưa phùn phả hết vào bên trong. Lúc đó tôi chỉ biết lấy chăn quấn khắp người cho bớt lạnh. Còn những ngày mưa bão thì ôm đồ đạc, quần áo đứng trú mưa. Không nhà cửa khổ cực lắm”.

Bà cho biết chỉ sợ nhất hôm nào mưa gió là phải thức trắng đêm.

Bà tâm sự: "Cũng may người ta thương tình nên cho ngủ nhờ 
chứ tôi cũng không biết đi đâu".

Một ngày làm việc của bà lão thường bắt đầu từ sáng sớm đến tận chiều tối mới về vỉa hè ở phố Hàng Giày (quận Hoàn Kiếm) để ngủ. “Gần 40 năm ngủ vỉa hè Hà Nội cũng thành quen. Tôi ngủ được 6, 7 năm nay. Quanh khu phố này hầu như phố nào tôi cũng ngủ vài năm nên hầu như ai cũng biết. Cứ sáng sớm tôi phải dọn đồ đạc rồi mang đi bán. Chiều tối chủ quán dọn hàng, đóng cửa tôi mới dám về ngủ nhờ trước cửa. Cũng may họ thương tình cho ngủ nhờ chứ không cũng chẳng biết ở đâu”, bà Liên tâm sự.

Chị Ngô Thị Duyên, phường Phúc Xá, quận Ba Đình cho biết: “Thấy bà ấy bán quần áo cũ để sống khổ cực qua ngày ở đây bao nhiêu năm qua nên thi thoảng vẫn gom quần áo mang cho bà ấy, lần thì mang cho bà ấy ít đồ ăn. Nghĩ cảnh già cả rồi không người thân thích sống lang thang như vậy ai cũng thấy thương”.


7 nhận xét :

  1. Một cảnh đời rất đáng được cộng đồng quan tâm như mong ước cuối cùng của bà Liên - Một bà già đã ngoài 80 tuổi nét mặt phúc hậu nhưng không quê hương, chồng, con, người thân...Biết được hoàn cảnh bà Liên có thể có nhiều người cũng như tôi muốn được gặp bà chia sẻ một đôi lời. Mong nhà báo cho biết chỗ bà tá túc vào buổi tối hiện nay để có thể gặp được. Cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi không còn mơ "Tỉnh dậy mình là người Việt Nam" nữa.
    (Một người nước ngoài)

    Trả lờiXóa
  3. Trách nhiệm này thuộc về Chính phủ. Bất kỳ Chính phủ nào khi quản trị một đất nước, cũng phải có trách nhiệm tối thiểu là lo cho mọi người dân ai cũng có nơi ăn, chốn ở, ai cũng được học hành.

    Trả lờiXóa
  4. Chẳng biết những người có trách nhiệm có ai đọc bài báo này và động lòng trắc ẩn không vì họ còn "bận trăm công ngàn việc"!

    Trả lờiXóa
  5. Các bạn ở Hà Nội.
    Các bạn có thể đưa bà vào các trung tâm nôi dưỡng người gia được không ? Tôi tin Hà Nội và các thành phố lớn đều có những trung tâm như vậy.
    Để bà có chỗ ở, sống qua những ngày còn lại . Và chắc chắn sẽ có một chỗ an nghỉ ở nghĩa trang xã hội khi mất đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chắn là có rồi, HN có mấy trung tâm bảo trợ xã hội. Người gia cô đơn vào đấy có chỗ ở, cơm ăn, áo mặc - những nhu cầu đủ cho cuộc sống. Nhưng có những người lại không thích sống ở đó vì cho rằng như thế là mất tự do (đương nhiên là đã vào trung tâm thì phải tuân theo kỷ luật giờ giấc của TT).

      Xóa
  6. Bộ Thương binh xã hội đâu? chết sạch hết rồi à.

    Trả lờiXóa