.
NHÂN NGÀY 20-11, TIẾC CHO MỘT THỜI ĐÃ QUA
Trịnh Khả Nguyên
20-11-2014
Ai đã học, học chữ, học nghề thì phải
nên biết ơn những người đã dạy mình. Tôi, từ ngày đầu đi học đến bây
giờ, đã học trong trường học, trong trường đời với nhiều thầy- cô, với
những vị đáng kính trong gia đình,xin gọi chung là các Thầy. Những gì
tôi biết hôm nay là nhờ công của các vị, nhân ngày 20.11 kính bày tỏ
lòng biết ơn các Thầy.
Kỹ niệm về thời đi học thì rất nhiều,
một bài viết ngắn nầy không thể kể hết được, chỉ ghi lại vài điều. Trong
thời đi học có những điều nhớ như in, lại có những điều học trước quên
sau. Nhưng có như thế mới là… học trò.
Thưở đi học dù nhỏ hay lớn đều thích
nghe kể chuyện. Có một thầy đã viết một quyển sử Việt Nam bằng thơ lục
bát (sách có tên, nhưng tôi quên) thầy mang đến lớp đọc giới thiệu .Tôi
nhớ vài trích đoạn,nếu không đúng nguyên văn, xin thầy tha lỗi :
Mở đầu:
Làm con phải nhớ ông cha,
Làm dân phải nhớ nước nhà từ xưa.
Họ nào trước đã làm vua,
Chiến tranh mấy thuở được thua thế nào…
Một đoạn khác:
Mà trong ngọc diệp kim chi,
Lũ Trần Ích Tắc sao đi đầu hàng.
Trong khi biến cố rộn ràng,
Kẻ trung người nịnh đôi hàng tỏ ngay.
Hay:
Biên Hòa, Gia Định, Định Tường,
Bên ta thua trận phải nhường đất đai.
Pháp toan bảo hộ lâu dài,
Mà vua ta lại hiểu sai tình hình,
Cho người qua tới Pháp đình,
Lo bề chuộc những tỉnh thành mất đi,
Điều đình chẳng được việc chi,
Bắt Phan Thanh Giản đi về uổng công.
Rõ ràng đọc mấy đoạn thơ nầy dễ nhớ các
sự kiện lịch sử hơn là học một bài sử, nhớ Trần Ích Tắc, tôn thất nhà
Trần, đã chạy sang cầu cứu Tàu qua “giúp” Việt Nam, nhớ việc Pháp chiếm
ba tỉnh miền đông Nam kỳ là BH,GĐ,ĐT và biết cụ Phan là trưởng phái đoàn
của Việt Nam sang Pháp lo điều đình chuộc lại ba tỉnh đã bị chiếm.
Rất tiếc, không biết vì sao, quyển “thơ sử” Việt Nam đã không lưu hành ngay từ lúc ấy.
Thầy có kể (sơ) về ông Hoàng Xuân Hản,
ông thuộc hàng thầy của thầy chúng tôi về tuổi tác và trình độ. Ông đậu
Thạc sĩ toán bên Pháp năm 1936, nhưng văn học, sử học ông cũng giỏi.Ông
soạn quyển “DANH TỪ KHOA HỌC”rất có ích cho cả thầy trò lúc bấy giờ .
Ông còn là một trong những người có công trong việc Việt hóa chương
trình giáo dục. Có thời ông về Việt Nam làm việc, nhưng sau lại sang
Pháp dạy học, nghiên cứu rồi mất bên ấy.
Lúc đó nghe thầy kể về ông Trần Đức
Thảo, ông Nguyễn Mạnh Tường, chúng tôi rất ngưởng mộ sự học hành của các
ông. Ông TĐT du học Pháp đổ Thạc sĩ triết học. Thầy nói rằng, trong hệ
giáo dục của Pháp, ngành triết, bằng thạc sĩ là bằng cao nhất. Ông TĐT
đỗ cùng khóa với ông J.P.Sartre, một triết gia hiện sinh tên tuổi của
Pháp. Ông đã viết nhiều bài phê bình ông J.P.Sartre, nghe vậy chúng tôi
càng nể hơn, dù không thể đọc nỗi các bài viết bằng chữ Pháp của ông.
Sau nầy đọc được quyển “Triết lý đi về đâu” ông viết bằng chữ Việt. Thập
niên 60, ông J.P.Sartre được nhiều người biết tên, còn triết lý hiện
sinh như thế nào, thú thật đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu. Nhưng một
lần, sau 1975 không lâu, nghe người ta nói rằng triết lý hiện sinh chủ
trương yêu cuồng sống vội, chỉ biết hôm nay.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, thầy nói là người
Á Châu đầu tiên trẻ nhất đậu hai bằng Tiến sĩ văn chương và Tiến sĩ
luật bên Pháp. Ông NMT khi về nước có đề nghị mở lại trường Luật Hà Nội
đã bị giải thể sau 1954. Nhưng lãnh đạo không chấp thuận vì có vị cho
rằng chế độ XHCN không cần luật sư.
Khoa bảng thứ thiệt và có tài như ông
TĐT, NMT nếu ở lại Pháp thì chắc không thiếu trường đại học mời. Biết
đâu hai vị sẽ nổi tiếng về tư tưởng Duy vật của mình giữa thủ đô của một
nước Duy tâm. Chỉ nói về kiến thức thì chắc chắn hai ông biết rõ về Duy
vật. Nhưng nghịch lý là mang tư tưởng Duy vật về xứ XHCN mà bị cho là
phản.
Cuối đời hai ông sống rất hẩm hiu, bị cô
lập, bị chính học trò của mình tố khổ vì tội…biết nhiều. Ông TĐT phải
trở qua Pháp và chết bên đó (đọc thêm bài “Chuyện vui về ông Trần Đức
Thảo). Tiếc cho những người tài bị bạc đãi và xót cho cảnh học trò trở
mặt với thầy.
Thời của các vị HXH, TĐT, NMT trên toàn
quốc số người du học không nhiều, số đậu Thạc sĩ, Tiến sĩ đếm đúng trên
đầu các ngón tay. Thời trước thiếu thông tin, chỉ giới học hành khoa cử
mới biết về các vị HXH, TĐT, NMT… Bây giờ thì mở google “xợt” một cái là
biết hết.
Hiện nay cũng có nhiều thầy tài giỏi như
các thầy lớp trước, một số vị đang ở trong nước thì than phiền giáo
dục, một số khác lại không muốn làm thầy ở quê nhà.
Tôi và chắc nhiều người khác cũng thế,
trong đời đi học, đã học với nhiều thầy thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
Một số các thầy lớn tuổi thuộc lớp cha chú của tôi đã sống, đi học trong
thời Pháp thuộc. Các thầy đã học tại các trường nghe rất Pháp“ école X,
collègeY, lycée Z” tức trường tiểu học, trung học với một chương trình
nặng tiếng Pháp, dĩ nhiên cũng có tiếng Việt, nên các vị giỏi chữ Pháp,
nói tiếng “Tây”, đọc sách Pháp dễ dàng. Các vị hay đệm tiếng Pháp trong
lúc nói chuyện. Đây là “bệnh” của những người học ngoại ngữ từ hồi nào
đến giờ. Ví dụ như trong những bài “công dân giáo duc” dạy về chế độ dân
chủ có ba “quyền” phân biệt, độc lập với nhau là Lập pháp, Hành pháp,
Tư pháp, thầy chua thêm mấy chữ (le pouvoir législatif, le pouvoir
exécutif, le pouvoir judiciaire). Nhờ cái “chua” nầy mà tôi biết thêm
mấy tiếng “Tây”, như vậy cũng tốt, không nở bề ngang cũng nở bề dọc.
Còn về “Tam quyền phân lập” thì đó là ý
tưởng đã có cách đây hơn hai thế kỷ và hiện nay nhiều nước đã áp dụng sự
phân quyền nầy. Người Việt Nam biết “Tam quyền phân lập” cũng khá lâu,
có lẽ từ thời thầy của thầy tôi kia, cách đây đã gần trăm năm, nhưng đến
nay thì “Tam quyền phân lâp” chỉ là mơ ước đối với nhiều người, nhưng
là điều “bất khả thi” đối với một số người khác. Tôi nhớ lời thầy dạy
“nghe, biết, không bằng thấy”.
Nền giáo dục của Pháp nói chung, các
trường học nói riêng, lúc bấy giờ có mục đích chính là tạo ra những
người làm việc cho chính quyền bảo hộ. Đôi khi Pháp cũng muốn cho dân ta
mất gốc, theo các thầy, chẳng hạn Pháp lấy sử của họ dạy cho dân Việt,
như Tổ tiên chúng ta là những người Gaulois (nos âncestres sont des Gaulois).
Phải nói rằng đó là cách của mấy “anh Tây” cổ lỗ, vụng về, trắng trợn
chỉ gây ra hiệu ứng ngược. Có người Việt nào chấp nhận điều ấy đâu,
Gaulois là tổ tiên của người Pháp, Lạc Long Quân và Âu Cơ mới là tổ tiên
của dân Việt (dù là truyền thuyết ). Tây, Tàu… đô hộ ta, muốn đồng hóa,
làm ngu dân ta là điều không ngạc nhiên. Nhưng rất đáng ngạc nhiên là
chính ta dạy cho dân mình (mất gôc) nhận họ hàng từ… Ông Lê-Nin ở nước Nga/ Mà em cảm thấy rất là Việt Nam. (Câu nầy trong một bài học thuộc lòng Cấp Một-Tiểu học) hoặc… Bên ni biên giới là nhà/ Bên kia biên giới cũng là quê hương.
Song một phần nào đấy, nền giáo dục của
Pháp lúc ấy cũng góp phần vào việc giáo dục người Việt. Theo các thầy,
ngay cả những thầy Pháp đã dạy cho các thầy chúng tôi những vấn đề như
tự do, công bằng, thân hữu (liberté-égalite-fraternité). Lúc ấy các
trường đại học, cao đẳng còn hiếm hoi, chỉ kể đến một số trường trung
học do Pháp mở ra cách đây hằng trăm năm như Chu Văn An (Albert Sarraut)
ở Hà Nội, Quốc Học ở Huế, Pétrus Ký (Lê Hồng Phong) ở Sài Gòn, là nơi
đã đào tạo ra những vị tài danh của Việt Nam trong nhiều lãnh vực. Nhiều
người vẫn tự hào là những cựu học sinh của các trường ấy.
Phần khác, nhờ học tiếng Phấp, đọc được các sách báo “tiến bộ” của người Pháp viết/ dịch, các thầy biết về các tư tưởng trên. Chính
các vị chống Pháp cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của giáo dục/ sách báo
Pháp. Như thế sách báo tốt cũng góp phần giáo dục tốt còn những sách báo
tệ thì chỉ làm ngu dân.
Thời (chúng) tôi đi học, dù không có
“Ngày 20.11”, nhưng học sinh vẫn quí mến các thầy, thỉnh thoảng cũng có
ngoại lệ. Thầy dạy không theo chỉ tiêu hoặc ý kiến chỉ đạo nào. Học sinh
tiếp thu, vận dụng thoải mái theo cách của mình miễn “nghe” hợp lý,
không cực đoan là được. Thậm chí thầy trò không đồng quan điểm, nhưng
không ảnh hưởng gì tới việc dạy, việc học. Trước 1975 thấy rõ, đôi
trường hợp, thầy trò ở hai “phía”, nhưng cũng chẳng có vấn đề gì. Bởi sự
giáo duc khi trước đặt trên nền DÂN TỘC-NHÂN BẢN-KHAI PHÓNG. Bây giờ
con cái chúng tôi học, làm bài theo khuôn, thầy chấm bài, đặc biệt là
các môn “xã hội” theo khuôn. Ví dụ “phân tích một bài thơ” thì bài làm
phải có các ý A, B, C đã định trước, nếu khác thế là không đạt. Giáo dục
như vậy là cái khuôn tạo ra các con người giống nhau.
Bây giờ, hằng năm đến ngày 20.11 lại được nghe Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo/ Tiên học lễ -Hậu học văn… tôi
lại nghĩ về những thầy đã dạy mình, nhớ những chuyện thầy kể về những
vị thầy tiền bối đáng kính như Hoàng Xuân Hản, Trần Đức Thảo, Nguyễn
Mạnh Tường … rồi tiếc vu vơ.
Nguồn: BasAm.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét