Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ:
“Tôi từng khuyên một Bộ trưởng từ chức”
Dân trí - “Nói quy định từ chức đã có trong luật
Cán bộ công chức, từ năm 2008 nhưng đến nay, tôi chưa thấy có ai từ
chức cả” – nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương
trao đổi với PV Dân trí…
Ông Nguyễn Đình Hương: "Vì quyền chức gắn với lợi lộc nên người ta cố bám, quyết bám,
không muốn rời khỏi cái ghế của mình".
Cuộc tranh luận liên quan đến đề xuất đưa quy định về việc từ chức vào luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi trong lần trình Quốc hội cho ý kiến đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Quan điểm của ông về đòi hỏi xây dựng văn hóa từ chức đang đặt ra bức thiết hiện nay?
Văn hóa từ chức tốt hay xấu? Trước hết phải hiểu, từ chức không phải
là một hình thức kỷ luật mà là một đòn bẩy để kích thích cán bộ, nâng
cao trách nhiệm của các công chức, viên chức, nhất là những công chức
đứng đầu các cơ quan đơn vị phải có trách nhiệm khi bản thân không hoàn
thành nhiệm vụ.
Khi trước làm công tác tổ chức, tôi đề nghị quy định 2 năm rưỡi bỏ
phiếu tín nhiệm lại một lần để ai thấy không làm được nhiệm vụ thì xin
từ chức. Đó là cách để lọc lại một lần nữa dàn cán bộ, chuẩn bị nhân sự
cho khóa sau, để xem ai nên tái cử hay không tái cử, ai có thể bổ nhiệm
lại hay thôi.
Kết quả “sát hạch giữa kỳ”, người nào có sai lầm thì tổ chức thực
hiện kỷ luật, người nào thấy bản thân không đủ sức gánh nhiệm vụ thì tự
xin từ chức, rất đơn giản thôi.
Văn hóa từ chức, theo đó, rất tốt, là đòn bẩy rất quan trọng đối
với tính chịu trách nhiệm của người cán bộ chứ như ta hiện giờ nói về
trách nhiệm người đứng đầu vẫn không rõ lắm. Lẽ ra, bản thân người đảm
nhiệm chức vụ cảm thấy không đảm đương, không hoàn thành được nhiệm vụ
thì hãy để người ta xin từ chức thôi. Vậy thì sao lại không khuyến khích
từ chức?
Là một người có nhiều năm hoạt động, nhiều kinh nghiệm làm công tá
tổ chức cán bộ, ông có kiến giải gì về việc vấn đề từ chức chưa được
ghi nhận, đón nhận một cách tích cực trong đời sống chính trị đất nước?
Tôi về Ban Tổ chức TƯ từ năm 1956, đến khi về nghỉ hưu cũng đã là 55
năm làm công tác tổ chức cán bộ của Đảng. Trước đây, thời Bác Hồ, cán bộ
mắc sai lầm Bác xử lý rất nghiêm. Văn hóa từ chức đã thể hiện từ những
năm 1956, khi sai lầm trong cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư khi đó đã tự
xin từ chức và 2 ủy viên Bộ Chính trị cũng xin rút khỏi Bộ Chính trị.
Ngoài ra, khi đó còn một số Thứ trưởng, một số ủy viên UB Trung ương
Đảng cũng xin từ chức, xin chuyển sang làm việc khác…
Sau này đến năm 1991, vụ án Lã Thị Kim Oanh xảy ra. Nhà ông Lê Huy
Ngọ khi đó ngay cạnh nhà tôi đây. Ông Ngọ khi đó sang hỏi ý kiến tôi
“nên thế nào”, tôi nói thẳng: “Anh làm Bộ trưởng Nông nghiệp 4 năm mà để
Lã Thị Kim Oanh phạm sai lầm đến mức nhận án tử hình thì anh không thể
thoát trách nhiệm đâu. Tốt nhất anh nên xin từ chức đi. Còn nếu không từ
chức ra Quốc hội, Quốc hội bãi miễn anh thì phức tạp. Xin từ chức nghĩa
là anh còn giữ được thể diện, còn hơn để bị cách chức, bãi miễn, rất
rất không hay”.
Ông Ngọ khi đó rất băn khoăn, tôi chỉ hỏi lại một câu: “Anh về làm Bộ
trưởng 4 năm mà để Lã Thị Kim Oanh lộng hành như thế thì là khuyết điểm
hay ưu điểm”. Rõ ràng là khuyết điểm quá đi chứ.
Có ý kiến lý giải, quy định về từ chức đã thể hiện trong luật Cán
bộ công chức, không nên quy định thêm trong luật Tổ chức Chính phủ nữa.
Quan điểm của ông về vấn đề này?
Từ 2008 đến nay khi có luật Cán bộ công chức, tôi chưa thấy có ai từ
chức cả. Gần đây, những vụ án lớn xảy ra mấy năm qua như Vinashin,
Vinalines, vụ bầu Kiên… đều gây thất thoát tài sản của nhà nước rất lớn
như thế, tôi đã góp ý thẳng thắn với một đồng chí lãnh đạo là cần cách
chức một số Bộ trưởng vì không thể nói hàng nghìn tỷ đồng “đi bay” như
vậy mà không ai chịu trách nhiệm cả. Vụ Dương Chí Dũng, rất bức xúc, tôi
cũng đã phát biểu trên báo chí về việc không ai chịu trách nhiệm như
thế.
Theo tôi, đáng ra những vụ việc như sập cầu Cần Thơ thì Bộ trưởng
Giao thông cũng đã phải từ chức rồi. Hồi ông Đào Đình Bình làm Bộ trưởng
GTVT mà xảy ra vụ lật tàu ở Lăng Cô (Huế), tôi đã gửi thư cho Thủ tướng
Phan Văn Khải đề nghị đình chỉ chức vụ, đình chỉ công tác để kiểm điểm.
Sau đó thì ông Bình được Quốc hội miễn nhiệm.
Trong luật của Quốc hội chỉ ghi mấy việc “bầu”, “bãi miễn”, “miễn
nhiệm”… chứ không nói gì về từ chức. Theo tôi việc này đáng ra phải sửa
từ luật của Quốc hội chứ không phải trong luật tổ chức Chính phủ nữa.
Nhiều bình luận cho rằng, vì cơ chế hiện tại, công tác cán bộ, từ
việc quy hoạch, đề bạt, giới thiệu, bổ nhiệm… đều phải qua tổ chức nên
muốn từ chức cũng phải chờ xét. Như vậy, không cán bộ nào dại gì từ chức
cả?
Nói thế là đúng ở khía cạnh, vì chúng ta chưa sửa điều lệ Đảng nên
chưa làm được. Đã là Đảng cầm quyền mà không thống nhất quản lý cán bộ,
không nắm công tác cán bộ thì hỏng nhưng nắm mà không có cơ chế, có quy
định, điều lệ về vấn đề từ chức cũng chưa đủ hiệu lực điều hành.
Tư tưởng bám chức bám quyền, quyết không rời chức vụ, không chịu thôi
chức, đã hết tuổi rồi mà vẫn muốn ở lại là tư tưởng không tốt. Vì quyền
chức gắn với lợi lộc nên người ta cố bám, quyết bám, không muốn rời
khỏi cái ghế của mình.
Tôi cho rằng điều lệ Đảng nên có quy định về vấn đề từ chức. Hiện giờ
Điều lệ Đảng mới chỉ có 3 cơ chế: bổ nhiệm, bầu cử, thi tuyển. Vậy sao
không có thêm cơ chế từ chức. Vậy nên Đảng phải là cơ quan đưa ra quyết
định về việc này.
Nói từ chức, trong nhiều trường hợp, là “cửa thoát” khôn ngoan như
vậy nhưng thang đo giá trị bây giờ đưa ra khi người ta cân nhắc đến
việc từ chức là giá trị lợi ích chứ không phải là giá trị của lòng tự
trọng, của liêm sỉ trong hành xử, thưa ông?
Những người không muốn từ chức, không muốn có quy định từ chức mà
muốn giữ như hiện nay, có thể thấy rõ động cơ là không tốt, không văn
hóa, chỉ vì quyền lợi, địa vị của cá nhân, muốn bám lấy chức, lấy quyền,
lấy lợi. Người đó rõ ràng không muốn rời ghế của mình, trừ khi họ đã
quá tuổi, bị phát giác vì vi phạm. Còn tôi tin những người có tâm huyết
xây dựng đất nước, vì sự nghiệp phát triển của đất nước thì sẽ ủng hộ
trong công tác cán bộ phải có văn hóa từ chức.
Thường những người không muốn từ chức lại chính là cán bộ kém, chỉ
muốn bám trụ vì lợi lộc chứ còn nếu thấy đó là văn hóa, là lợi ích, là
quyền lựa chọn của mình thì sẽ thấy đây là việc cần thiết.
Nhắc nhiều đến yêu cầu tiên phong đối với Đảng, theo ông, cần thêm
những điều kiện nào để quy định từ chức thực hiện được trong thực tế?
Có 3 yếu tố để xây dựng văn hóa từ chức. Trước hết là phải sửa đổi
điều lệ Đảng, như tôi đã nói, phải đưa vào nội dung quy định Đảng viên
được giao đảm nhận chức vụ trong Đảng khi thấy mình không hoàn thành
nhiệm vụ có thể xin từ chức, kể cả những chức vụ cao nhất. Yếu tố thứ 2,
phải biến quy định của Đảng thành luật để Quốc hội thông qua. Yếu tố
thứ 3, cơ chế quản lý cán bộ phải có sự sửa đổi về chế độ trách nhiệm,
cơ chế trách nhiệm của những người đứng đầu tổ chức. Theo đó, tiêu chí
để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ lãnh đạo phải được
xây dựng cụ thể.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
P.Thảo (thực hiện)
Tôi không đọc hết bài này .phải chăng khiếm nhã .từ chức sao được .ngay từ cái ghế cỏn con ở tận cơ sở thôi :Nhận chức đã khó rồi "đừng nói đến "từ chức ".Nghe có vẻ lạ thật ra những người không muốn nhận chức vì sợ lỗi hệ thống ...>những người "không từ chức được "vì không ai thay .những người không muốn "từ chức "vì thấy "oai"còn cơ hội tranh thủ được .Tỷ dụ hãy ngẫm xem trường hợp cụ Quang Văn Thỉnh "thì thấy thế nào ? "cành sâu -rễ mọt "
Trả lờiXóaTôi luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trung thành với đảng, được đảng tín nhiệm giao nhiệm vụ, luôn thực hiện đúng nghị quyết, chủ trương đường lối của đảng...sai sót khuyết điểm là của cấp dưới, của người dân đã không thực hiện nghiêm túc đường lối chủ trương...thì tại sao tôi phải từ chức????? Hơn nữa tôi là gia đình cách mạng, anh tôi là thương binh, bản thân tôi cũng tham gia quân đội và cũng có thương tật tuy chưa được là thương binh nhưng cũng cống hiến cho tổ quốc, có công với cách mạng, tôi tha thiết được cống hiến nhiều hơn nữa, đến hơi thở cuối cùng, còn các con các cháu tôi, tôi cũng muốn chúng vào các chức vụ quan trọng để cống hiến được nhiều cho Tổ quốc cho Nhân dân...đó là mong muốn rất chân thành của tôi và rất nhiều đồng chí (một bộ phận không hề nhỏ)...
Trả lờiXóaTại sao tôi phải từ chức? Ai lên cũng phá như tôi thôi. Do vậy, tôi cứ ở đây. Đang "ngon ăn"...
XóaNhững bài nói về từ chức thì cần chi phải đọc. Tại sao? Bởi vì từ chức là nói về thái độ cư xử của một người có trách nhiệm với cương vị được giao, được bầu … được ngồi vào chỗ đó. Song ở VN làm gì có loại người đó trong hàng ngũ được bầu … Là người có trách nhiệm thì ngay khi được đề bạt, được bầu nếu thấy khả năng mình không cáng đáng nổi thì đã không nhận, hoặc chưa thử việc nên chưa hiểu thì cứ nhận thử xem. Nhưng khi thử việc thấy rõ khả năng chưa đủ đáp ứng thì xin rút lui - từ chức. Nếu là người có trách nhiệm và liêm sỉ thì xin thôi chứ không chờ đến lúc hỏng việc hay xẩy ra tai hoạ lớn. Còn ở VN mọi sự cố đều do người “vô hình” làm hỏng chứ đâu do người đảm trách. Bởi vậy làm gì có văn hoá từ chức mà bàn. Nói đến từ chức thì không cần thiết phải đưa vào Luật. Vì từ chức là lương tâm, là trách nhiệm, là liêm sỉ.
Trả lờiXóaỞ nước người ta không từ chức thì buộc phải từ chức, nếu không thì cách chức , sau đó truy cứu trách nhiệm hình sự . Cứ như hiện thời thì Dân cứ phải còng lưng trả nọ cho đến đời con cháu ! Chẳng ô. bà nào chịu nhận trách nhiệm cả nên chẳng ai từ chức . Thế thì người đứng đầu cao nhất phải chịu trách nhiệm .
Trả lờiXóaTừ chức thế nào được vì cái ghế ngồi đấy có phải tự dưng mà có đâu,nó được mua bằng tiền,chạy bằng hối lộ tình dục nên phải cố giữ cho bằng được ấy là lẽ đương nhiên
Trả lờiXóa