Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

QUAN TRÍ CŨNG PHẢI ĐƯỢC CHẤN HƯNG CÙNG DÂN TRÍ!

Chấn hưng dân trí: 
Quan trí cũng phải được chấn hưng cùng Dân trí
 
Vũ Cao Đàm 
BVN
.

Tôi thật ấn tượng với bốn câu đề tựa cho Tập thơ Cửa mở ra mắt công chúng rồi bị thu hồi và lại được tái bản từ thập niên 1960 của Việt Phương:

“Ơi vì sao sáng trên trời
Sao long lanh thế? Vì đời cần sao
Mai này ta đủ tầm cao
Sao cần ta đó, nên sao sáng ngời” 

Một lần ngồi với Việt Phương, tôi hỏi anh, có phải đó là những lời nhắn nhủ cho Đảng phải không?

Việt Phương cười rất hóm và không trả lời.

Mấy năm sau gặp lại Việt Phương, tôi lại đặt cho anh câu hỏi đó.

Anh lại tủm tỉm cười, nhưng lần này anh bảo, là anh cảm tác theo những ý tứ nào đấy trong một bài thơ của Majakovsky.

Tôi ngẫm nghĩ, cái đám nhà thơ họ khôn thật.

Nhưng thôi, thóc mách làm gì mãi. Thơ là ý tại ngôn ngoại. Nhà thơ họ có quyền mà. Thơ anh Việt Phương hàm xúc nhiều triết lý, làm ta suy nghĩ đến nhiều chuyện trên đời.

*
Bây giờ chúng ta bàn Chấn hưng Dân trí. 

Vậy thì cứ chấn hưng mãi cái Trí của Dân, thì Trí của cái đám “Dân chi phụ mẫu” đứng mãi vậy sao?
Dân trí đã được chấn hưng, thì Dân lại đòi Quan trí cũng phải “Sáng ngời” cùng với ánh sáng lan tỏa từ Dân trí.

Đúng, Dân có lý, những lời thơ của Việt Phương đã thay dân nhắn nhủ:

Mai này (Dân trí) ta đủ tầm cao
Sao cần ta đó nên sao (Quan trí) sáng ngời

Dân nào cũng muốn được sống yên ổn làm ăn, không Dân nào muốn gây chuyện với Quan, càng không muốn lật đổ Quan làm gì. Dân chỉ muốn Quan trí ngày càng sáng láng để Dân được nhờ cậy, để Quan xứng đáng là “Dân chi phụ mẫu”.

Chưa nói đến một việc khác, trong quan niệm của phương Đông, bên cạnh quan niệm Quan là “Dân chi phụ mẫu” còn có quan niệm khác, rất thú vị: Quan là “Dân chi công bộc”. Nếu đúng là “Dân chi công bộc”, thì Dân có quyền nói, có quyền mắng mỏ quát tháo, hơn nữa Dân có quyền nọc bọn quan ra phết mấy roi vào đít để Quan chừa thói quát nạt-hăm dọa-nhũng nhiễu Dân, thậm chí đuổi cổ cái bọn công bộc, nếu chúng tỏ ra không còn xứng đáng với lòng mong mỏi của Dân.

Nhưng thôi, con đường từ “Dân chi phụ mẫu” tiến đến “Dân chi công bộc” còn xa thăm thẳm, còn cao vời vợi. Xứ ta còn nặng phong kiến. Trước ngày Quan đi hết con đường “Tiến vi phụ mẫu” đến con đường “Thoái vi công bộc”, thì Dân chúng ta mong “Phụ mẫu chi Trí tuệ” phải được mở mang để sớm tiến đến ngày các đấng “Dân chi phụ mẫu” dứt áo phụ mẫu để đóng vai trò xứng đáng của bầy “Dân chi công bộc”.

V.C.Đ

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét