Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

RFA: BAN TUYÊN GIÁO TW PHỔ BIẾN TÀI LIỆU HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ


 .
Ban Tuyên giáo TW phổ biến tài liệu 
Hội nghị Thành Đô 

Gia Minh
RFA
 
Một tài liệu được nói là do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam biên soạn về Cuộc gặp cấp cao tại Thành Đô năm 1990 mà nhiều người quan tâm trong nước gọi là Thỏa thuận Thành Đô đang được lưu hành xuống cơ sở đảng. Động thái này được thực hiện sau khi có một số kêu gọi của chính những vị cao cấp trong Đảng cũng như người quan tâm phải bạch hóa thỏa thuận đó.
Những điều được Ban Tuyên giáo nêu ra trong tài liệu có đáp ứng được yêu cầu của những người từng có kiến nghị về việc này hay chưa?

Kiến nghị bạch hóa

Tân hoa xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, và tờ Hoàn Cầu ở Hoa Lục trong thời gian qua tiết lộ thông tin về Cuộc gặp cấp cao vào hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 giữa những lãnh đạo Trung Quốc và những người tương nhiệm Việt Nam. Một nội dung quan trọng được hai cơ quan thông tấn đó của Trung Quốc loan đi và những người quan tâm ở Việt Nam đọc được như sau “ Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.
 
Trước thông tin như thế, vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên phó tư lệnh- tham mưu trưởng Quân khu 2 và tư lệnh mặt trận 1979-1984 ( Hà Giang) có một thư kiến nghị gửi đến các cấp lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay. Nội dung thư nêu lên thực tế Việt Nam lâu nay và trích lại điều mà Tân Hoa Xã nêu ra để yêu cầu đảng phải công khai Thỏa hiệp Thành Đô.

 Đến ngày 4 tháng 9, 20 cựu sĩ quan cao cấp trong Lực lượng Vũ trang Quân đội Nhân Dân Việt Nam cũng có một kiến nghị gửi cho chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ trong đó có điểm tương tự là phải công khai cho người dân biết về những thỏa thuận nếu có đã ký kết giữa hai phía.

Nhóm những bloggers tại Việt Nam vừa qua khởi xướng phong trào mang tên ‘Chúng tôi muốn biết’ cho biết vào ngày 15 tháng 10 này đại diện của họ sẽ trao một văn bản ‘Yêu cầu Quốc hội Bạch Hóa Hội nghị Thành Đô’ đến Ban Dân Nguyện ở Hà Nội và Văn phòng Quốc hội 2 tại Sài Gòn.

Giải đáp của Ban Tuyên giáo

Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang được những người quan tâm phổ biến trên mạng Internet có ba đề mục. Hai đề mục đầu nói đến bối cảnh tình hình quốc tế của cuộc gặp và mục đích cuộc gặp. Mục thứ ba trình bày lại những diễn biến và kết quả cuộc gặp được nói nhằm bàn về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc.

Tài liệu của Ban Tuyên Giáo bác bỏ ý của trích dẫn từ Tân Hoa Xã mà những người quan tâm nêu ra. Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo thì không hề có cái gọi là ‘Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020…’ như trên một số trang mạng và blog.

Ban Tuyên giáo cho rằng đó là một ‘luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân’.

Đòi hỏi mới 

 Đại tá Bùi Văn Bồng, một trong 20 cựu sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị hồi ngày 4 tháng 9 có phát biểu sau khi biết tin về việc lưu hành tài liệu của Ban Tuyên Giáo Trung ương về Cuộc gặp cấp cao Việt- Trung tại Thành Đô hồi năm 1990:

Tân Hoa Xã và Hoàn Cầu đưa tin như thế thì phải đập lại ngay là không có sự việc đó. Ý đồ gì mà Trung Quốc đưa tin như thế. Theo tôi không có căn cứ gì để tin hay không tin; thế nhưng khi một tờ báo nước ngoài nói những điều bất lợi cho chủ quyền dân tộc và lại cũng bất lợi cho cả đảng cộng sản Việt Nam, nhà nước Việt Nam trong những việc lớn như thế không còn là thông tin nội bộ nữa.

Lẽ ra khi có thư ngỏ của các cựu chiến binh, nhất là khi có thư của thiếu tướng Lê Duy Mật, theo tôi thì báo Nhân dân, hoặc Quân đội Nhân dân hoặc Thông tấn xã phải có ý kiến ngay. Ở đây không làm được việc đó thì tính chiến đấu và kịp thời của báo chí chính thống là chậm, không đạt yêu cầu. 

 Sự thật đến đâu, ‘Thành Đô’ bàn những vấn đề gì, và không có bàn đến chuyện đó mà báo Trung Quốc bịa. Thế thì có gì khó đâu! Mà mình càng im lặng, cứ giải quyết nội bộ, trở thành một mô- típ rồi: chuyện gì lớn nhỏ đều cứ thích giải quyết nội bộ trước. Theo tôi chuyện này có gì mà giải quyết nội bộ, cứ công khai hóa mà phản bác lại họ. Như thế theo tôi nhân dân sẽ tin hơn và bớt dư luận phức tạp. Còn cứ lẩn quẩn nội bộ, thòi tin chỗ này, thông tin chỗ khác, rồi đưa chỗ này tí, chỗ kia tí thì chả có lợi gì về mặt dư luận mà đồng thời người ta lại cho đảng và Nhà nước không muốn minh bạch hóa. 

Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa  nhắc lại cách hành xử lâu nay của đảng và nhà cầm quyền Hà Nội; tuy nhiên trước sự phát triển của tinh thần dân chủ thì cách thức bưng bít thông tin sẽ không còn hiệu quả nữa. Ông nói:

Từ khi đảng cộng sản lãnh đạo đất nước bằng những cách theo kiểu của họ thì nhân dân có được biết gì đâu. Chính sách, chủ trương của họ hoàn toàn bí mật. Từ những năm 64-65 lúc thì ngả về Trung Quốc, lúc thì ngả về Nga. Toàn mấy ông trong Bộ Chính Trị, thậm chí mấy ông có ‘giá trị’ trong Bộ Chính Trị họ tự làm lấy đấy chứ. Quốc hội cũng chỉ là bù nhìn thôi, họ lập ra cho có gọi là quốc hội thôi chứ quốc hội cũng không biết. Tất cả nằm trong tay những người của đảng cộng sản và họ tự quyết lấy, ngay quốc hội mà không biết được nữa là nhân dân! Những hiệp ước bí mật của đảng cộng sản với Trung Quốc và Liên Xô cũng như các chính sách khác, nhân dân hoàn toàn không được biết.
 
Thời gian gần đây do phong trào dân chủ trong nước thì anh em, một số trí thức, một số quân nhân đòi hỏi nên chúng ta được biết phần nào ngọn của tảng băng thôi, còn khúc chìm chúng ta không thể biết được.

Theo tôi nghĩ, dần dần đảng cộng sản phải minh bạch hóa, và nhân dân phải có quyền được biết những chính sách.

Cũng trong tuần qua hai tác giả tại Paris, Pháp là Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm có một bài viết trình bày lại tình hình thế giới cộng sản quốc tế, Việt Nam và Trung Cộng trước khi diễn ra Hội nghị Thành Đô. Bài viết cũng phân tích thực tế về những diễn tiến đã và đang xảy ra để chứng minh cho thấy có một thỏa thuận được lãnh đạo hai phía ký kết và Việt Nam đang gánh phần thua thiệt rất lớn.

Đối với những người đang yêu cầu đảng và chính phủ bạch hóa Thỏa thuận Thành Đô thì cần phải thực hiện nguyên tắc mà Hà Nội luôn tuyên truyền là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra…” Theo họ thì trong vai trò những người dân làm chủ đất nước, họ yêu cầu các đại biểu quốc hội phải bạch hóa một cách đầy đủ và chính xác toàn bộ nội dung của Hội nghị Thành Đô.

 

4 nhận xét :

  1. Tuyên bố thắng lợi trong vụ Tầu Cộng rút GK 981, được mời và đón tiếp long trọng ở Hàn Quốc , được Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí, làm yên được làn sóng thoát Trung đang ồn ào trong nước . TBT NPT tự hào và có phần tự mãn, uy tín của đcsVN cân bằng trở lại. Bộ mặt của Đ bớt thê thảm và có phần sáng sủa . Khuôn mặt của TBT cũng hồ hởi phấn khởi hơn khi tiếp xúc cử tri Hà Nội . Vì vậy những đòi hỏi như minh bạch hóa Thỏa thuận Thành Đô chưa chắc đã được để trên bàn làm việc của TBT. Và chắc chắn là như thế . Đó chưa phải là VĐ ngay bây giờ . Nó chỉ là VĐ khi Đ bị dồn vào chân tường, không còn con đường nào khác . Nay thì Đ lại như đi trên đường cao tốc mới khánh thành, tuy có vài chỗ lún nhưng tại nền đất yếu đó thôi . Cho nên việc chuẩn bị ĐH XII xem ra cũng chẳng có gì thay đổi lớn . Các CB kế thừa chủ chốt đã được bố trí chỉ chờ ĐH thông qua. Đường xưa lối cũ vẫn êm đềm !

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố : Chúng ta đã giành được thắng lợi trên Biển Đông trong lúc Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành công việc xây dựng sân bay trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam .
    Vậy xin hỏi ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam rằng : Hoàng Sa là của Việt Nam hay của Trung Quốc . Nếu đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa là của Trung Quốc thì tuyên bố của ông tổng bí thư là ok . Nhưng nếu Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam thì tại sao ông tổng bí thư lại tuyên bố như vậy ?

    Trả lờiXóa
  3. Bác nên gỡ cái ảnh ông Đồng với ông Lai xuống vì chắc chắn đó không phải là ảnh Hội nghị Thành Đô trong bài đề cập. Ông Đồng năm 1990 đã già, tóc bạc. Ảnh trên chắc tả cảnh ông Lai sang thăm Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  4. Để hiểu 1 phần sự thực về hội nghị Thành đô (3-4/9/1990 nên tìm đọc "Hồi ức và Suy nghĩ " của 1 nhà ngoại giao chuyên nghiệp có tuổi nghề 44 năm, được tham gia làm việc tại hội nghị này. Ông đã rất thận trọng ghi ra cho hậu thế biết tránh những kẻ vô tình hay cố ý làm "rơi rụng" bẻ cong lịch sử cho được "tròn trĩnh" mà ông rất am hiểu nên đã cảnh báo trước. Và nay điều cảnh báo này hoàn toàn đã được thấy qua tài liệu vừa công bố. Xin nói thêm tại cuộc đàm phán này nguyên UVBCT Bộ trưởng bộ ngoại giao không được tham dự trong khi 1 ông chưa hề làm ngoại giao lại là nhân vật liên lạc tích cực để tạo ra cuộc họp này.
    Đọc hồi ức của ông Trần quang Cơ nhiều vấn đề được sáng tỏ cho dù văn kiện chính thức không được công bố,

    Trả lờiXóa