Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

THU VÀNG XỨ HUẾ - tùy bút của Trần Đức Anh Sơn

Thu vàng Xứ Huế
Trần Đức Anh Sơn 

Vậy là lá của những cây ngô đồng trong Đại Nội đã bắt đầu chuyển vàng. Thi thoảng, vài chiếc thảng thốt lìa cành, nhẹ nhàng đáp xuống bãi cỏ xanh bên điện Thái Hòa. Nhìn lá ngô đồng rơi, chợt nhớ đến hai câu thơ của thi hào Đỗ Phủ: Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri thu (Ngô đồng rơi một lá. Thiên hạ biết thu sang). Trời hanh hao, nắng thì như đang dát mật lên mái ngói hoàng lưu ly của những tòa cung điện khiến sắc vàng cố hữu của những viên ngói hơn trăm năm tuổi ấy bỗng trở nên rực rỡ lạ thường. Thu đang về. 
Hơn hai chục năm trước, khi chưa có cơ hội chứng kiến sắc thu vàng óng ả đậu trên những tán lá ngô đồng nơi Đại Nội, tôi đã được chiêm ngưỡng một sắc thu huyền ảo, diệu vợi qua những câu thơ trác tuyệt của Bích Khê: Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng. Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông, từng được Hoài Thanh xưng tụng trong Thi nhân Việt Nam là “những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”. Tôi đâu ngờ có ngày được duỗi mình trên thảm cỏ mượt như nhung, bên cạnh tòa cung điện lớn nhất Hoàng Thành Huế, dõi mắt nhìn lên tán lá ngô đồng đang chuyển từ sắc xanh sang lốm đốm vàng vào những chiều cuối hạ. Để rồi, chỉ đôi ba bữa thôi, một sắc lá vàng ươm sẽ thay thế cho tán cây xanh rì hôm nào. Ấy là lúc thu đang độ chín.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, vua Minh Mạng là người đầu tiên cho mang giống cây ngô đồng từ Trung Quốc về trồng trong Hoàng Thành Huế. Ngô đồng được trồng ở phía sau điện Thái Hòa và phía trước điện Cần Chánh. Tích xưa cho hay, ngô đồng là nơi dung thân của chim phượng hoàng. Loài chim được coi là biểu trưng của các vị hoàng hậu này chỉ chọn mỗi ngô đồng làm nơi dừng cánh. Có lẽ vì thế nên trong hoàng cung nhà Nguyễn mới có nhiều cây ngô đồng? Không ai hay những bóng ngô đồng hiên ngang trong Đại Nội có phải là tác nhân để các hoàng hậu, những phượng hoàng của triều Nguyễn, tìm về gửi thân nơi cung cấm này? Chỉ biết rằng, mùa xuân trong Hoàng Thành Huế sẽ không nguyên vẹn nếu vắng sắc màu tím nhạt của những chùm hoa ngô đồng, như những nét chấm phá mà thiên nhiên điểm xuyết lên nền trời trong xanh của cố đô. Và thi nhân xứ Huế sẽ thôi thương, thôi nhớ mùa thu khi những chiếc lá ngô đồng thôi vẽ những vệt vàng óng ả trên thảm cỏ xanh, sau khi sẽ sàng rơi ngang vạt áo nàng tôn nữ. 
Sau rằm tháng Bảy, tôi đi viếng chùa Thiên Mụ, trước là lễ Phật, sau là thăm chư vị hòa thượng, đại đức vừa trải qua một mùa an cư kiết hạ. Sau tuần hương lễ Phật nơi điện Đại Hùng, lúc trở ra, bỗng nhiên gặp lại bài thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt” nơi cổ diêm tòa bảo điện: 
Xuân du phương thảo địa.
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm hoàng hoa tửu.
Đông ngâm bạch tuyết thi 

Việt dịch: 

Mùa xuân dạo miền cỏ thơm.
Mùa hạ ngắm hồ sen biếc.
Mùa thu uống rượu hoa vàng.
Mùa đông ngâm thơ tuyết trắng.
 


Bài thơ ý đẹp tựa tranh ấy tôi đã hàng trăm lần mỗi khi có dịp ghé thăm chùa Thiên Mụ. Vậy mà mỗi lần đọc lại, lòng tôi vẫn không ngưng tự vấn: “Sao các bậc cao tăng trong chùa không chọn những bài kinh, câu kệ của đạo Phật để minh họa cho các Phật tích trang trí nơi này, mà lại chọn bài Hán thi đẫm chất Lão đề lên Phật điện”. Rồi lại băn khoăn: “Trong ‘ngũ giới’ của nhà Phật có ‘giới tửu’. Sư không uống rượu, sao biết cái cảm giác khinh khoái của ‘thu ẩm hoàng hoa tửu’ mà tán dương?”. Thắc mắc là vậy nhưng không dám hỏi ai vì sợ làm rộn chốn tu hành, đành tự nhủ: “Phật tại tâm và sư cũng là người. Du xuân, thưởng hoa, ẩm tửu, ngâm thi… cũng là lạc pháp. Băn khoăn mà chi!”. Còn bây giờ, trong buổi sáng chớm thu này, lòng tôi lại thắc thỏm: “Chẳng hay trong thư phòng của các sư tăng đã sẵn hoàng hoa tửu chưa nhỉ?”. 

Người xưa đặt tên các tháng trong năm theo tên của 12 loài thảo mộc: tháng Giêng là mai nguyệt, tháng Hai là đào nguyệt… tháng Chín là cúc nguyệt… Tôi có quen một người. Chị họ Hồ, tên là Hoàng Hoa. Chị bảo chị sinh vào tháng Chín nên ông nội mới đặt tên chị là Hoàng Hoa. Tháng Chín - cúc nguyệt - hoàng hoa. Hoa cúc vàng chính là biểu tượng của tháng Chín, của mùa thu. Đến đây, thì trong đầu lại bật ra câu hỏi: “Vậy thì phải chăng ‘hoàng hoa tửu’ chính là rượu ngâm hoa cúc, thứ rượu của mùa thu mà các sư, tăng ở chùa Thiên Mụ mong được đối ẩm như trong tứ thơ viết trên cổ diêm Đại Hùng bảo điện?”. Có lẽ thế!
Ở Huế, mùa thu cũng là mùa của lễ hội. Trong hơn 100 lễ hội cung đình và hàng chục lễ hội dân gian ở xứ Huế, có rất nhiều lễ hội tổ chức vào mùa thu. Nơi cung đình có: tế đàn Xã Tắc, tế Văn Miếu, tế đền Khải Thánh, tế đền khai quốc công thần, tế đền hiền lương; tế đền trung nghĩa, tế đàn âm hồn, tế đàn ân tự, tế đàn sơn xuyên… Trong dân gian thì làng nào cũng cúng đình, cúng miếu vào lúc này, mà người dân gọi giản dị là thu tế: thu tế làng An Truyền, thu tế làng Dạ Lê, thu tế làng Phò Trạch… Ấy là lúc những cánh đồng lúa vàng ươm đã được thu hoạch. Lúa đã vào bồ, đồng làng chỉ còn trơ gốc rạ, còn đường làng thì rơm vàng ngập lối đi. Khắp làng quê, mùi khói đốt đồng ngai ngái hòa trong tiết trời chiều như phả vào tận sâu thẳm hồn người mùi vị của quê hương. Ấy cũng là lúc người người, nhà nhà ở Huế chuẩn bị lễ vật cúng đất. 

Cúng đất là lễ cúng mà những lưu dân gốc gác từ miền Thanh - Nghệ và châu thổ sông Hồng, theo bước chân Nam tiến vào ngụ cư nơi miền đất sông Hương - núi Ngự, bày tỏ lòng biết ơn với thổ thần, đất đai bản địa đã cưu mang, dung dưỡng họ trong hàng trăm năm qua. Nhìn vào lễ vật hào soạn để cúng đất, lại nhìn thấy sự hiện diện của thu vàng qua những khúc sắn, củ khoai; nơi những múi mít, lát thơm; hay con gà trống luộc, chén chè xanh đánh… Tất thảy đều hiển hiện sắc vàng. Giữa những lễ vật dâng cúng thần linh ấy còn có tờ sớ ghi bài văn tế, cũng làm từ thứ giấy màu vàng, với những dấu triện màu đỏ…

Và, chỉ ít phút nữa thôi, vị chủ tế sẽ ngân nga bài văn tế trong ánh tà dương vàng rực của một ngày thu xứ Huế… 

T.Đ.A.S. 

Chú thích ảnh: 
Ảnh 1 và ảnh 2: Hoa ngô đồng trong Đại Nội Huế. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Ảnh 3. Sau vụ mùa vàng. Ảnh: Đào Hoa Nữ
Ảnh 4 và ảnh 5. Thu tế làng An Truyền. Ảnh: Cảnh Tăng.

1 nhận xét :

  1. Huế, Em vẫn đẹp và trầm mặc.
    Em không kiêu xa như Hà Nội,
    Em cũng là đất Thần Kinh,
    Em vẫn mặc vẻ huy hoàng .

    Trải bao thăng trầm các thời đại,
    Em vẫn soi bóng Hương Giang,
    Những lâu đài, dinh thự,
    Tiếng chuông chùa ngân vang.

    Những tà áo trắng nữ sinh,
    Phất phơ trong gió qua cầu Trường Tiền,
    Những con thuyền lướt nhẹ trên dòng sông ,
    Khách bốn phương Trời xa lạ !

    Huế. Em không như Saigon,
    Ồn ào và náo nhiệt.
    Saigon chẳng có sông Hương Núi Ngự
    Saigon cũng chẳng có chùa Linh Mụ.

    Huế. Em mang trong mình ,
    Dấu vết thời gian.
    Nay không còn vua chúa,
    Nhưng vẫn còn lăng tẩm .

    Mùa Thu Em có nhớ,
    Cây ngô đồng vẫn còn đó,
    Dấu xưa xe cộ hồn thu thảo,
    Nền cũ lâu đài bóng nghiêng nghiêng .

    Huế ! Chào Em !
    Em vẫn là niềm tự hào,
    Em vẫn là nỗi nhớ,
    Em vẫn là Mùa Thu với cây ngô đồng !



    Trả lờiXóa