Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

CUỘC THƯỞNG CA TRÊN SÔNG TRĂNG TRUNG THU 95 NĂM TRƯỚC


Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai
Nguyễn Mạnh Hồng

Nam Phong số 100, năm 1925
Phàm những khách hàn mặc, xưa nay chỉ cặm cụi vào việc kê cứu quan ma trong chốn văn phòng, thư viện, it khi được vận động đến thân thể, thư thái cho tinh thần; tuy về đường học vấn thì được bổ ích nhiều, nhưng về phép vệ inh thì lại tổn hại lắm. Cho nên cũng có lúc phải dòi bỏ vòng câu thúc mà ra tiêu dao phóng khoáng ở những chốn nước biếc non xanh, trăng trong, gió mát; hoặc là đi quan phong các miền  thôn dã, hoặc là đi ngoạn cảnh những chốn lâm toàn, cho khoan khoái tâm hồn và rộng thêm đường kiến văn, lịch lãm vậy.

Bạn đồng chí chúng tôi là ông Phạm Thượng Chi, ông Nguyễn Đông Châu, ông Nguyễn Tùng Vân và ký giả vốn là những người thích đi du lãm, nhân ông Mai Khê sẵn bụng ân cần trân trọng đón chúng tôi về chơi tận quý hương ông là làng Hữu Thanh Oai, giữa chiều hôm 14 tháng 8 ta, tức là ngày mồng 1 tháng 10 tây mới rồi, để thưởng một cuộc dã ca tự ông tổ chức nên ở con sông ấy.

Khoảng 6 giờ chiều hôm ấy, ông Mai Khê đón chúng tôi ở tỉnh lỵ Hà Đông, rồi cùng lên xe tay đi thẳng về chợ Tó. Đến đó  đỗ xe rồi xuống thuyền theo con sông Nhuệ, đổ xuôi xuống đến làng Hữu. Chiếc thuyền chở bọn chúng tôi đó, nguyên là tự ông Mai Khê đã dự bị sẵn sàng từ trước, đã giương mui, giải chiếu chỉnh tề, lại kết lá, treo đèn rực rỡ; trông cũng có cái vẻ tôn nghiêm và trang nhã lắm. Một lá thuyền lan, mấy con chèo quế, thuận buồm, xuôi gió, đủng đỉnh bơi giữa dòng sông: 

Lênh đênh một lá mui bồng,
Ngao du phong nguyệt trên dòng Nhuệ Giang
Cùng nhau kết bạn văn chương,
Chỉ trăng, thề nước, theo đường “quốc văn”. 

Vậy thì  cái thú của con nhà nho chơi đêm thu trước ngày rằm tháng tám, năm Ất Sửu trên sông Nhuệ Thủy này cũng không khác gì cái thú của ông Tô Đông Pha chơi trên sông Xích Bích sau ngày rằm tháng bảy, năm Nhâm Tuất vậy. Dẫu không bắt chước cổ nhân nâng chén, gõ thuyền mà ngâm câu: “Quế trạo hề lan tương; Kích thông minh hề tố lưu quang; diểu diểu hề dư hoài; vọng mĩ nhân hề thiên nhất phương...” “

Nghĩa là: 
... Lan quế làm rầm bánh lái,
Chèo không minh ngược lối lưu quang.
Lòng ta giằng giặc nhớ thương,
Đoái trông người đẹp một phương bên trời(1).... 

... Song, năm ba anh em đồng chí ngồi chung trong một khoang thuyền bềnh bồng trên mặt nước, đi lững thững dưới bóng trăng thu, trò chuyện cùng nhau mặn mà đằm thắm, tưởng như thế cũng chả kém gì cái thú phong tao của cổ nhân vậy.

Ôi! trong vòng trời đất này, vật gì cũng đã có chủ ví không phải là của riêng ta, thời dẫu một mảy may ta cũng chả nên lấy. Duy chỉ có cái thú hóng ngọn gió mát trên dòng sông và ngắm mảnh trăng trong bên sườn núi, là thanh, là sắc, là giòn, là xinh, mà dẫu lấy đi cũng không ai ngăn, dùng đến cũng không baohết; thật là cái kho vô tận của tạo vật dành lại cho ta, để ta chơi bời cho thỏa thích đó. Nay ta há lại không biết lợi dụng lấy hay sao?

Nhưng mà tiếc vì cái đêm hôm đi chơi ấy lại gặp phải chiều trời vân vụ, sông thì cạn, trăng thì mờ, cho nên kém mất cái mầu quang minh và cái vẻ thuần nhã của chị Hằng Nga đi, chỉ những  khi thì ẩn, khi thì hiện, khi ủ dột, lúc lại tươi cười, chợp chờn như có ý trêu ghẹo bọn khách trần gian đi chơi phiếm vậy! Rồi chúng tôi mới nói vui rằng: bọn ta đi chơi đêm nay, có dễ vô duyên với chị Hằng hay sao, mà chị không nhờ cái khuôn mặt đầy dặn ra với cõi đời, lại cứ nấp bóng cung mây mãi thế? Song, cổ nhân đi chơi đêm còn phải đốt đuốc, huống bọn mình hôm nay còn được cái bóng trăng xuông, lại sẵn có sông, có nước, có bạn, có thuyền, đủ để tiêu sầu, khiển hứng trong cái quang cảnh thu thiên; vậy thì ta đã chơi, chơi lấy kéo hoài...

Thuyền bắt đầu đi từ Chợ Tó, trở xuống qua mấy làng Hữu Từ Thượng, Hữu Từ Trủng rồi đến Hữu Từ Hạ, tức là làng Hữu Thanh Oai về bên hữu ngạn đối với làng Tả Thanh Oai (tức gọi là làng Tó) về bên tả ngạn. Đến nơi, thuyền ghé bến, khách lên bờ, rồi cùng vào nhà ông Mai Khê, lại gặp cả ông Đoàn Mai Nhạc và ông Đoàn Nhụ Thạch cũng có lại chơi đấy. Hai ông này cũng đều là người thân thuộc trong Đoàn gia.  Ông Đoàn Lư Thuật (Mai Nhạc) lại là một nhà Hán học cũng tinh thông, quốc văn cũng điêu luyện, mà sở tràng nhất về lối “từ điệu”.

Trò chuyện hàn huyên một lúc, rồi ông Mai Khê sai bày cơm tối. Trong khi ngồi hội ẩm, câu luận, câu đàm, ra tình đằm thắm; chén thù, chén tạc, tỏ ý vui vầy; thật là đồng thanh, đồng khí vậy. 

Cùng nhau ý hợp, tâm đầu,
Khi thân, lọ phải là cầu mới thân! 

Ăn uống xong, thì mây đã quang, trăng đã tỏ, trời lại vừa đổ láy táy mấy hạt mưa xuống, song bấy giờ vầng không khí cũng được tinh thanh, mà giang sơn cũng sinh cảnh sắc. Ông Mai Khê mới mời đồng nhân ra sông trông trăng và nghe hát.

Mà cuộc thưởng hát đây cũng không phải là thưởng cái thú túi thơ, bầu rượu, cùng nhau đới kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu ( ) để nghe cái tiếng ti trúc nhặt khoan, cái giọng yến oanh cao thấp đâu mà tưỏng. Đây là thưởng một lối hát cổ, xưa kia vẫn lưu hành trong chốn dân gian, tức là một lối dã ca vậy. Nhưng ông Mai Khê có nói chuyện với chúng tôi rằng ở vùng tổng Thanh Oai có lối hát cổ hay lắm, đã lâu nay không có ngưoiừ hát đến nữa. Nay ông nghĩ rằng nếu không ai thởng đến lối hát ấy nữa thì lâu ngày rồi cũng thất tích, mà để tiêu diệt mất thì cũng hoài. Vậy ông có ý muốn bảo tồn và muốn mời chúng tôi về để quan sát. Tưởng cũng là một cái ý hay, vì gần đây, phong khí biến thiên, trong những lối chơi cũng đã dần dần đổi cũ ra mới; nhưng đã chắc đâu rằng lối mới là hay mà lối cũ là dở; đã chắc đâu rằng lối mới là văn minh, mà lối cũ là hủ bại!

Ông Mai Khê bèn cố hết sức đi tìm khắp trong hàng tổng lấy mấy ngưòi, vừa nam, vừa nữ có thể hát được, rồi ông thuê mấy chiếc thuyền tụhội cả ở khúc sông ngay ngõ nhà ông ra, lấy đấy làm nơi ca tịch. Ông lại treo giải để tưởng khuyến bọn cá nhân.

Thế mới biết nghề chơi cũng lắm công phu thật! Rồi nào tân, nào chủ, nào gia quyến, nào hương nhân, ước tới trăm người, đứng quay quần cả ở trên bờ và dưới nước để nghe hát; trong rõ ra cái cảnh tượng tháibình, dân gian lạc thú! Bọn ca giả thì bên nam ngồi một thuyền, bên nữ ngồi một thuyền; khi hát thì bên nam xướng lên trước, bên nữ hoạ lại sau, hai bên hát đối nhau chầm chập. Lối hátnày, khi bắt đầu hát thì cất cao giọng lên, rồi dần dần hạ thấp xuống, giọng cũng đủ cả khi lên bổng, khi xuống trầm, khi ngân hơi, khi hãm giọng. Song, những câu hát thì phần nhiều là những câu giao tình du hí, như những câu hát đúm, hát trống quân vậy; lại thêm có những tiếng trợ ngữ ngô nghê chẳng ra ý nghĩa gì cả.

Kể cái hay thì cũng chả lấy gì làm hay, mà cái giọng hát thì cũng chả lấy đâu được réo rắt như giọng oanh ngâm bài Cung bắc; nỉ non như hơi yến đọc khúc Tì bà; giòn giã như khổ phách dịp dàng; êm đềm như cung đàn thánh thót trong xóm Bình khang. Thế nhưng mà, giữa lúc đêm thanh, cảnh tĩnh, ra đứng ngoài mũi thuyền mà trông lên vầng trăng len lói đám mây bay, nhìn xuống mặt nước nhấp nhô làn sóng gọn, và lắng tai nghe cái giọng những người điền phu, dã phụ hát đó, khi thì véo von như tiếng chim hót, khi thì ti tỉ như tiếng dế kêu; thôi, thế cũng là thắng cảnh, lương thần, mà cũng tạm cho là thưởng tâm, lạc sự vậy.

Bọn ca giả này hát vào khoảng hết trống canh hai thì hốt nhiên có một người con gái ở đâu vào dự cuộc hát, quyết tranh lèo, giật giải với bọn kia; rồi sau quả nhiên cái tài của cô việt xuất được cả bọn kia thật là vì cô có cái tiếng tốt và hát hay; lại pha được cả giọng nam, giọng bắc và giọng kinh nữa. Khởi đầu cô hát những điệu cổ, rồi sau hát đến những lối phổ thông trong xã hội bây giờ, như giọng ca, giọng xẩm,giọng hãm, giọng ru, giọng trống quân, trống quít, giọng hát gõ, hát chèo, giọng đò đưa, giọng xa lệch, giọng kể truyện, giọng ngâm thơ, giọng nào cô cũng hay, mà lối nào cô cũng thuộc. Một mình mà pha được đủ giọng, ngả được đủ trò, cô này thật là một người có biệt tài về đường ca xướng. Thế mới biết trong hạng lao động ở chốn dân gian, nhiều người có giọng tốt và hát hay, chẳng kém gì bọn con nhà nghề trong chốn ca trường, kỹ quán.

Nói đến cuộc dã ca, ký giả lại hồi tưởng đến khi còn ở trọ gần nhà mấy anh thợ làm đồ đồi mồi, họ tốt giọng lắm. Những lúc đêm khuya thanh vắng, họ cất giọng hát lên, nghe cũng êm đềm, não nuột lắm. Lại những khi ở nhà quê, những đàn bà, con trẻ họ làm nghề dệt cửi và nghề thêu đăng ten (dentelle) ở xung quanh láng giềng, đêm hôm tĩnh mịch, họ vừa làm vừa hát, mình nghe cái tiếng véo von, ánh ỏi như rót vào lỗ tai, khiến cho tâm thần cũng thấy khởi hứng. Thậm chí có khi nằm thiu thiu ngủ, mà chợt nghe thấy tiếng hát hay ở bên cạnh, cũng phải tỉnh lại mà nghe. Thật là nằm khểnh ở nhà mà cũng được nghe hát, không phải hại sức, không phải mất tiền, không phải nhìn phông (fond)(1) không phải đập trống, không phải lôi thôi chuyện phượu với các chị, không phải gạ gẫm tán xằng với các em, mà cũng đủ tiêu, sầu khiển muộn; cũng đủ di tính, dưỡng tình; như thế chả là một cách cao thượng dư? hà tất phải đi đêm, về hôm cho hao người tốn của?

Lại những khi một mình đi lững thững trên con đường cái quan hay con đường bờ ruộng, mà bóng chiều thì đã xế, dặm về thì còn xa, chợt thấy đâu ở trong ngàn dâu xanh ngắt hay trong dải lúa xanh om, nẩy lên một tiếng lanh lảnh như tiếng chuông đồng, là cái tiếng của chị chàng nào đang hái dâu hay đang vơ cỏ đó, kể một câu Kiều lẩy để ví von hờ hững rằng: 

Bóng dâu đã xế ngang dầu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi! 

Thì cái cảnh tình của chị thế nào, cứ nghe kể câu Kiều đó cũng đủ biết.

Hay là hát một câu ca dao để ve vãn bâng quơ rằng: 

Hỡi anh đi đường cái quan!
Dừng chân đứng lại, em than vài lời... 

Thì cái anh chàng đi trên đường cái quan kia, giá việc có đươc ni, ngày có còn dài, thì cũng dừng chân đứng lại, nghe xem chị than thở ra làm sao. Hay là chị than về nỗi cảnh ngộ lầm than; nhân duyên chắc trở chăng? Hay là than về nỗi nhâ tình chểnh mảng thế sự éo le chăng? Nhưng mà: 

Việc đời bận lắm ai ơi!
Có nhàn chăng nữa đã ra người phong lưu...! 

Ấy cái “ân tình” của những kẻ quê mùa thường vẫn thật thà mộc mạc, lạt lẽo, hững hờ như thế đó; chứ không như cái “ái tình” giả dối, mầu mẽ mặn nồng xoắn xuyến của hạng người lẳng lơ ở chốn thành thị!

Nghe thấy mấy câu hát đó, khiến lòng lại nghĩ dến đường vănchương, ngôn ngữ nước nhà.

Ôi! cá văn chương ngôn ngữ nươc nhà, há lại không phong phú, không cao thâm, không thanh ...., không hùng hồn hay sao? Cứ xét ngay trong một bộ truyện Kiều, và trong những câu ca dao, phương ngôn, tục ngữ thì biết bao nhiêu là cái hay, cái  khéo chứa ở đấy. Thật là một cái kho tài liệu văn chương vô tận vậy. Tiếc thay! Quốc dân mình không mấy người chịu lưu tâm, chú ý đến mà luyện tập cho nó thành một áng văn chương hoàn toàn giá trị. Chẳng những không chịu lưu tâm luyện tập, lại coi hững hờ rẻ rúng nữa. Chỉ đua nhau học tiếng ngoại quốc, lấy thế làm vinh, thậm chí có những đứa bé con hỉ mũi chưa sạch, nói ngọng chưa xong, bố mẹ cũng đã cho con bợp bẹ, bấm bẹ đôi ba vần Pháp “la vái” (lavache) “la muyn” (la mule), hay vài bốn chữ tàu: “chi, hồ, giã, giả”. Nghĩ cũng nực cười thay!

Thôi, đang nói dở chuyện cuộc hát đêm hôm ấy, giờ lại xin nói nốt. Bấy giờ đêm đã khuya, mà người cũng đã mệt, bèn nghỉ hát, rồi ai  nấy đều về cả. Khi thuyền đã quay mui trở ra về, cô ta lại cất giọng trầm ngâm một bài thơ cổ nữa, cái giọng cô bấy giờ nghe lại cùng réo rắt não nùng lắm.

Chúng tôi có ước ao rằng giá những khi trong xã hội có yến tiệc gì mà tìm được những vị giai nhân có giọng tốt, lại lành nghề ca vịnh được như cô này để cho bình văn, đọc sách, kể truyện, ngâm thơ thì hay lắm! Song, xét cho cùng, ngoài cái thú “chát-tom” với chị em trong xóm Bình khang ra, cũng chả biết  lấy cái thú gì tao nhã hơn mà tiêu khiển được. Tiếc thay trong bọn chị em bây giờ, cũng ít thấy được người tài hoa, phong nhã; chẳng qua lối nhà trò giữ dịp, giả danh con nhà ca xướng, cho tiện đường buôn phấn, bán hương để quyến ong, rủ bướm. Mà trong đám “quan viên làng chơi” bây giờ cũng ít người chơi lấy vẻ phong lưu, lấy mầu tao nhã; chẳng qua cach mượn tiếng hào hoa cho dễ bề vật chất đấy thôi.

Chao ôi! các nghề chơi tao nhã bây giờ  cũng thấy thoái bộ! mà những cách chơi dã man, thô bỉ thì nhều!

Cho hay, bề vật chất mà thịnh thì bề tinh thần phải suy. Đó cũng là cái lẽ tự nhiên vậy.

Đêm hôm ấy, chúng tôi về nghỉ cả trong nhà ông Đoàn Mai Khê. Ký giả, vì nỗi lạ nhà và quá giấc, trằn trọc thâu canh, không sao ngủ được, song lại được hưởng cái thú dạ thâm canh tĩnh trong chốn hương thôn, êm đềm, lặng lẽ biết dường nào, khiến cho trong lòng dễ sinh ra trầm tư, mặc tưởng. Rồi chốc chốc lại nghe tiếng gà reo trong làng, tiếng chó ran ngoài ngõ, tiếng tù và rúc nguyệt, tiếng mõ cầm canh, rõ ra cái biểu hiện chốn thôn cư đêm hôm khuya khoắt.

Lại còn một cái thú nữa, là lúc sáng ngày hôm sau trở dậy, mở cửa lầu ra, đã trông ngay thấy chăm cây rả rợp, dòng nước uốn qanh, thấy chim chóc nhởn nhơ, cỏ hoa mơn mởn; thấy vầng Thái dương dòm qua cửa sổ, thấy luồng không khí lọt thấu phòng sâu; cái phong cảnh lúc thanh thần đó, thật là một bức hoạ đồ thiên nhiên tuyệt bút!

Trà nước xong, ông Mai Khê, ông Mai Nhạc và ông Nhu Thạch lại đưa chúng tôi đi xem các nơi trong làng, chốn Phật đường, nơi học hiệu, và chỗ nghĩa trang của cụ Hiệp Đoàn Triển.

Chỗ nghĩa trang này trông cũng khá rộng; ở trong có sửa đường lối phẳng phiu, trong cỏ cây rậm rạp, nào bụi hồng, nào khóm trúc, nào đống đá, nào ao sen, vào cũng thấy có cái khí sắc lạnh lùng quạnh quẽ. Còn các phần mộ thì phần nhiều xây đắp theo tân chế, không thấy lắm phỗng đá nghê sành ngổn ngang, bề bộn như các lăng mộ khác. Cứ, trông cái quang cảnh chốn âm phần cũng khá biết được cái đức tính, cái sự nghiệp, cái công danh lúc sinh thời của người nằm đó.

Họ Đoàn xưa nay là một họ văn vật, mà hiển danh trong nền khoa hoạn thì có cụ Đoàn Triển.

Cụ đỗ Cử nhân,làm đến Tổng đốc hàm Hiệp tá đại học sĩ. Cụ có tính cương trực, khảng khái, trung hậu, công bằng. Cụ để lỵ đâu cũng hay hưng lợi, trừ hại cho dân; lại biết bảo tồn những điều quốc túy và biết thâu thái những sự văn minh, thực là một người có danh vọng trong chính giới vậy.

Xét làng Hữu Thanh Oai này cũng là một làng phồn thịnh. Trong dân có đủ cả các hạng sĩ, nông, công, thơng, nghề gì cũng có cái cơ phát đạt. Mới đây lại sinh ra cái nghề làm đăng ten nữa. Thật là một cái nghề dung dị tầm thường. Đàn bà con trẻ chỉ học độ vài tháng là làm được. Thành ra trong làng ai cũng có công, có việc, không ai ăn không, ngồi rồi. Mà ngẫm phàm những làng nào có nghề này, nghiệp khác, thì lại không hay có những cái hạng trai cờ lận, bạc gian, đầu trộm, đuôi cướp; gái ngồi lê, mách lẻo, làm đĩ, chơi hoang nữa.

Sau ký giả có hỏi thăm đến việc cải lương ở quí hương đây xem ra làm sao, thì nghe nói quí hương đây được trước nhất tỉnh Hà Đông, đến nay đã thấy có kết quả. Nào mở học đường, nào dựng công xưởng, nào sửa sang nền hương chính, nào xoay xỏa cách dân sinh, việc gì cũng đều là thực hành, chứ không phải là hư ứng. Có lẽ lại có cụ Hiệp Đoàn khi xưa là người đã sẵn có thế lực, lại có bụng nhiệt thành khai hóa cho dân, nên cái công cuộc cải lương ở quí hương đây mới chóng được thành hiệu như thế chăng?

Nghe nói đến chuyện cải lương ở các dân xã xứ Bắc Kỳ bây giờ thì thật là chán hơn cơm nếp nát! Hoạ chăng chỉ được vài ba làng như làng Hữu đây là còn chút thành hiệu. Còn phần nhiều làng là chỉ rặt những sự hư danh cả. Từ khi có cái phong cải lương đến giờ, trong dân làng lại sinh ra bè nọ, đảng kia, vây này, cánh khác, nay mang đơn thưa lên phủ, lên huyện, mai vác đơn kiện xuống tỉnh, xuống toà. Sự cải lương chả thấy đâu, chỉ thấy việc làng rối như canh hẹ, nát hơn tương bần, mà tiêu lắm chỉ chết tiền của dân, đi lắm chỉ nát đường cái xứ, đục nước lắm chỉ béo cò; chứ rút cục lại thì chẳng nên công trạng gì cả. Làng nào cũng chỉ thấy nhộn lên những Chánh hội, Phó hội, Thư ký, Thủ quĩ; choáng lên những hội quán, học đường, đình sở, hoa viên, mà kỳ thực là chỉ có cái hư danh với cái hình thức đó thôi, chứ chẳng thực hành được việc gì cả. Thậm chí những hạng hơi có máu mặt trong làng, cũng tranh nhau chạy chọt mất tiền trăm, bạc chục để ra làm Chánh, Phó hương hội, hay Thư ký, Thủ quỹ, rồi chiếm lấy một nơi ăn, chốn ngồi trong xó làng, góc chạ, để lên mặt kiêu hãnh với bà con. Kể cái tệ tình trong chốn hương thôn thì còn nhiều, nói ra đây cũng không sao hết được.

Ôi! sự di phong, dịch tục có phải là dễ đâu, thánh nhân cũng phải lấy làm khó; huống chi nay cái trình độ quốc dân ta hãy còn thấp lắm, trừ phi ban bố cho dân một cái phổ thông giáo dục, hay là dùng cách cưỡng bách cải lương may ra sau này mới có cơ thành hiệu được. Ấy nhân có câu chuyện cải lương, mà nói lôi thôi dài dòng văn tự đến như thế, tưởng cũng là những lời phiếm luận vậy.

Bấy giờ trời đã gần trưa, đồng nhân chúng tôi bèn từ biệt ba ông, rồi xuống thuyền trở lên tỉnh. Lúc ngồi dưới thuyền trông lên, thấy các làng ở san sát hai dải duyên giang cũng có cái vẻ phồn thịnh lắm. Trên bến, dưới thuyền, thật là tiện đường giao thông, vận tải cho những làng ở ven sông.

Khi lên  đến bến Hà Đông, ông Thượng Chi và ông Đông Châu thì trở ra Hà Nội; còn ký giả và ông Tùng Vân thì cùng nhau tản bộ đồng hành về thăm nơi cố lý.

Thôi! chả gì cũng là một cuộc phiếm du, dù xa, dù gần, dù lâu, dù chóng mặc lòng trở về cũng tạm mượn ngòi bút quê kịch góp nhặt dông dài lấy mấy trang đuểnh đoảng ra đây gọi là để làm một bài kỷ sự cỏn con, và để ghi tấm cảm tình cùng làng tri kỷ. Khéo, vụng, hay hèn, duyệt giả cũng lượng cho.

Nguồn: Nam Phong số 100, năm 1925, trang 363- 368. 

(1) Mấy câu này là trích ở trong bài phú “Xích bích” diễn quốc âm ra, các ả đào thường vẫn đọc đến.
(1) Phông, bởi tiếng Pháp là tiếng “fond” mà ra, là những bức phong cảnh trưng bày trên sân khấu, hay là bức màn treo trước sân khấu.

3 nhận xét :

  1. P. THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 15:32 8 tháng 9, 2014

    Ngồi ngắm trăng trên sống Cửu Long có lẽ cũng không kém phần thú vị và thi vị . Này nhé : nhậu toàn món cá ĐBSCL, uống rượu nếp hảo hạng . Gió mát trăng thanh, nghe đàn ca tài tử . Có tiếng đàn ghita phím lõm , có tiếng đàn cò, có câu vọng cổ vút lên cao rồi xuống tận đáy sông mò chị Hằng mà chẳng đụng được. Ngồi trên ghe bầu giữa dòng sông có hò cách mấy cũng không làm phiền ai. Không làm mấy giấc ngủ của ai . Thoải mái vô cùng . Cho đến khi say mèm lăn ra ngủ . Đó là cái thú của người dân dã sống với Mekong mà quan quyền cũng không có được .
    Cụ Phạm Quỳnh có lẽ đi thuyền trên sông Nhuệ, sông Hương chứ chưa chắc đã hưởng cái thú trên sông Mekong !
    Uống rượu trên sông Cửu Long là quên hết sự đời . Nhất định không kiện cáo ai . Không hội hè . Chẳng có ông chánh hội, phó hương hội, thư ký, thủ quĩ . Chi có thằng Dân Nam Bộ . Cũng chẳng bẩm thưa ông nào bà nào . Mọi tranh giành đều ném xuống sông mênh mông trời nước. Uống không say không lên bờ !

    Trả lờiXóa
  2. http://dulich.tuoitre.vn/tin/van-hoa/20140908/trung-bay-tu-lieu-hinh-anh-cai-cach-ruong-dat-19461957/643030.html

    Trả lờiXóa
  3. Đọc xong cứ thấy lòng man mác hoài! Lại nhớ làng Đại Áng trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Trung thu có bắn pháo bông. Cám ơn Tễu!

    Trả lờiXóa