Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

AI LÀ TÁC GIẢ CỦA LUẬN ĐỀ “HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”?



AI LÀ TÁC GIẢ THẬT SỰ CỦA LUẬN ĐỀ
“HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA”?


Nguyễn Minh Thuyết
Vừa qua, nhân được đề nghị viết một chuyên đề về chính sách phát triển nguồn nhân lực, tôi có đọc lại một số tài liệu về việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài thời xưa. Dĩ nhiên, trong các tài liệu tôi đọc có bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) do Đông Các Đại học sĩ Thân Nhân Trung (1418 – 1499) vâng lệnh vua soạn với luận đề nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia.” [1]
Cho đến nay, tất cả các tài liệu nghiên cứu đều khẳng định đây là tư tưởng độc đáo của Thân Nhân Trung, ví dụ ý kiến sau đây của Đỗ Trần Phương và Nguyễn Thành Nam trên Tạp chí Nghiên cứu văn hóa: “Có thể nói, trong lịch sử văn hoá, giáo dục trước đời Lê Thánh Tông, chưa có ai đặt vấn đề như ông. Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa hiền tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng còn coi người hiền tài là nguyên khí quốc gia thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung, một câu tổng kết chính xác cho cả một đường lối chiến lược về văn hoá, giáo dục của bất cứ một thời đại nào, một chính thể nào.” [2] Tấm bình phong dựng trước tòa nhà chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội đắp nổi luận đề nói trên cũng ghi rõ tác giả luận đề ấy là Thân Nhân Trung.
Tuy nhiên, đọc những bài ký trên một số tấm bia dựng cùng năm Giáp Thìn 1484 với tấm bia khắc bài ký của Thân Nhân Trung, tôi thấy quan niệm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” được nhắc đến không chỉ một lần.
Bài ký đề danh tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475) viết: “Hiền tài đối với quốc gia cũng như người có nguyên khí không thể một ngày không có.” [3]
Bài ký đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi (1463) do Đông Các Hiệu thư Đào Cử soạn còn nói rõ: “Đức Hoàng thượng nghĩ rằng: nhân tài là nguyên khí của đất nước, không thể không ra công bồi bổ.” [4]
Như vậy, có thể tin rằng tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là của Vua Lê Thánh Tông – người đã giao cho các nhà khoa bảng như Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử,… soạn văn bia tôn vinh việc mở mang sự học, tôn vinh các vị đại khoa. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Thánh Tông được biết đến như một vị vua anh minh, văn trị võ công hiển hách và là một nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất, chủ súy tao đàn. Có thể Nhà vua đã nêu ra luận đề này những khi hội triều, khi ban cờ biển cho các vị tân khoa, khi xướng họa với quần thần ở tao đàn hoặc khi giao việc viết văn bia cho các văn thần. Các nhà khoa bảng Thân Nhân Trung, Đào Cử, Lê Trung là những người chấp bút, thể hiện tư tưởng đó vào những bài văn bia được viết theo chỉ dụ của Vua.
Tôi ngờ rằng các nhà nghiên cứu cho Thân Nhân Trung là người đầu tiên đưa ra luận đề nói trên là vì luận đề ấy được ghi trên tấm bia đề danh tiến sĩ khoa thi sớm nhất (Nhâm Tuất 1442) trong số các khoa thi được dựng bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhưng tấm bia có khắc bài ký của Thân Nhân Trung chỉ là 1 trong 10 tấm bia Vua Lê Thánh Tông cho dựng cùng năm 1484 để vinh danh các vị đại khoa từ khoa thi năm 1442 đến khoa thi năm đó. Bài ký của Thân Nhân Trung viết về khoa thi năm 1442 nhưng là viết vào năm 1484 cùng 9 bài ký khác, trong đó có các bài ký về khoa thi năm 1463 và 1475.[5]
Mong các nhà nghiên cứu lịch sử và nghiên cứu Hán Nôm tìm hiểu thêm và đính chính cho điều này, nếu quả thực có chỗ chưa chính xác.
N.M.T



[1] Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia. Viện Nghiên cứu Hán - Nôm. Bia Văn Miếu Hà Nội. Les stèles du Văn Miếu de Hà Nội. Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, tr. 304. 
[2] Đỗ Trần Phương, Nguyễn Thành Nam. Tư tưởng trọng hiền tài thời Lê Sơ (1428 – 1527) thông qua hệ thống văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, Trường Đại học văn hóa Hà Nội, http://huc.edu.vn/vi/spct/id40... 
[3] Đỗ Trần Phương, Nguyễn Thành Nam. Tư tưởng trọng hiền tài thời Lê Sơ …, Tlđd. 
[4] Bia Văn Miếu Hà Nội.Sđd, tr. 313. 
[5] Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, Công ty Văn hóa Đông A, Hà Nội, 2010, tr. 494; Bia Văn Miếu Hà Nội.Sđd, tr. 13, 15 - 16.

25 nhận xét :

  1. Chí lý. Tôi ủng hộ phát hiện của GS Thuyết.lkk

    Trả lờiXóa
  2. Ý kiến này rất cần lưu ý. Mệnh đề “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” nếu là của bậc minh quân thì rõ ràng là quan điểm của nhà nước đối với trí thức, không phải là trí thức tự đề cao mình, sẽ có ý nghĩa lớn lao hơn. Hơn nữa, việc các văn thần chấp bút để diễn đạt tư tưởng của quân vương là chuyện thường thấy. Lâu nay người ta bỏ quên hình bóng hay vai trò của Lê Lợi trong “Quân trung từ mệnh tập” hay “Bình Ngô đại cáo” cũng là điều chưa hẳn đã đủ tình. Cũng như không hẳn tất cả những gì các bậc đế vương viết ra đều là của đế vương, mà không có đóng góp của các văn thần. Ngay hiện nay, hầu hết các bài nói, bài phát biểu của lãnh đạo, bé thì cỡ giám đốc công ty, hiệu trưởng đại học, lớn thì cỡ thứ, bộ trưởng, và cao hơn nữa, chủ yếu là do thư ký viết, còn lãnh đạo chỉ đọc biểu diễn, nên mới có chuyện thật như bịa khi vị thủ trưởng một cơ quan nọ mở đầu bài phát biểu rằng: “Kính thưa đ/c Hò Văn Tèn (Họ và tên), đ/c Đến Thì Đọc Không Đến Không Đọc…”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì tương tư như bác Bộ trưởng giáo dục nói là khi họp ông vụ trưởng đưa cho ông thứ trưởng đề án 34 tỷ thì ông thứ trưởng báo cáo thôi chứ có biết gì đâu

      Xóa
    2. Vâng đúng vậy. Tuy nhiên tình trạng này không chỉ có ở nước ta, ngay cả các nước văn minh, tiên tiến đều có hiện tượng đó. Chỉ khác là các nhà lãnh đạo của các nước tiên tiến, văn minh họ có không chỉ thực học, mà còn là những người có tư tưởng, có trí tuệ hẳn hoi, nên các thư ký, cố vấn thực sự chỉ có tính "giúp việc", còn tư tưởng hay trí tuệ họ đưa ra, trình bày về cơ bản là của họ. Còn ở ta, nói xin lỗi, nhiều anh xe ôm có thể "soạn" cho rất rất nhiều lọai người đọc, mà còn rất hay so với chính bản thân đương sự viết ra (nếu không có cố vấn hay thư ký). Cái khổ của dân mình là ... những kẻ từng được hưởng "quả thực" điều hành những kẻ "trí phú địa hào". Thế cho nên vừa rồi mới có người (BS Hồ Hải) nói là trong giới nọ có kẻ có học liền bị cho về mặt trận chỉ vì "chí sỹ giữa đám bần nông". Bao giờ mới khá lên được?lkk

      Xóa
  3. Theo tiếng Nhật thì Nguyên Khí nghĩa là sức khỏe (cũng là chữ Genki - 元気). Người Việt nói Sức khỏe thì ông Nhật nói Genkina, ông Tây nói Health. Mấy bác trí thức nhà ta hiện nay hay muốn dùng từ Hán Việt cho nó uyên thâm nên hay trích dẫn câu Hiền tài là nguyên khí... Nghe như sấm bổ chớp rung. Thông qua bài viết của bác Nguyễn Minh Thuyết ở trên ta có thể thấy câu trong văn bia Tiến sĩ năm Ất Mùi: Hiền tài của một quốc gia như nguyên khí của một con người (hay nói cách khác nó như sức khỏe của một con người) thể hiện rõ ý nghĩa của từ Nguyên Khí. Suy ra hiền tài cũng như sức khỏe của một quốc gia. Vậy sau đó mới có các mệnh đề tiếp theo như nguyên khí thịnh thì nước thịnh, nguyên khí suy thì nước suy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. theo tôi khi từ đã việt hóa thì "nguyên khí "không chỉ đơn giản là "sức khỏe " mà nó bao hàm các mặt từ đạo đức ,chí khí ,nghị lực... và đây là một khái niệm rộng hơn nhiều

      Xóa
    2. Nguyễn Minh Thuyếtlúc 14:29 18 tháng 9, 2014

      Theo tôi hiểu, nguyên khí vốn là một phạm trù triết học duy vật cổ đại Trung Hoa, xuất hiện từ đời Hán, chỉ vật chất nguyên sơ cấu thành vạn vật. Đến đời Đường, Liễu Tông Nguyên cho rằng trước khi trời đất bắt đầu thì chỉ có nguyên khí. Trong y học cổ truyền phương Đông, nguyên khí được hiểu là khí của nguyên âm và nguyên dương của thận, có tác dụng thúc đẩy hoạt động của tạng phủ, là động lực của sự sinh trưởng và chuyển hóa của cơ thể.
      Theo cách hiểu này thì câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” không nhằm nêu một nhận xét chung chung về vai trò giúp nước của hiền tài mà khẳng định “hiền tài là nhân tố đầu tiên và cơ bản để quốc gia tồn tại và phát triển” , bởi vì “Nguyên khí chính là gốc của trời đất; không có nguyên khí, trời đất không thể vận hành. Cũng giống như vậy, quốc gia không thể vận hành mà không có hiền tài.”

      Xóa
    3. Không ai sử dụng nghĩa đen và nghĩa gốc ban đầu cả. Ngôn ngữ là vậy, có sự phát triển, biến đổi, mở rộng, khái quát. Đã biết trích dẫn là "như nguyên khí của một con người" mà vẫn chẳng hiểu người ta đã dùng nghĩa khái quát của khái niệm "nguyên khí". Đúng là nó được hiểu như là "sức khỏe" vậy. Một dân tộc, một đất nước cũng chỉ là một thứ, một loại "cộng" của tình trạng sức khỏe chung của từng con người trong cộng đồng, trong đó có sức khỏe về thể trạng (một dân tộc khỏe mạnh không thể gồm những con người có thể tạng, tầm vóc yếu đuối, què quặt), về tinh thần (một dân tộc kiên cường, dũng mãnh không thể gồm những người bạc nhược, hèn kém về trí tuệ,...), v.v.... Hãy suy nghĩ thật sâu và so sánh trên cục diện toàn cầu để thấy dân tộc VN thực tế đã và đang còn rất thiếu và yếu "nguyên khí", ngay cả bây giờ, giữa thế kỷ 21. Ngẫm lại thấy tiệc cho một cơ hội rất hiếm của dân tộc này khi đã từng có một Phan Chu Trinh đã bị lũ "nguyên khí" không có hay yếu kém triệt tiêu mất, và hùa theo một đám "ám khí" để chịu sự ê chề đến ngày nay trước thế giới văn minh.lkk

      Xóa
  4. Bác Tiểu Ngôn nói nhỏ mà diện rộng ghê.Rau ngon nhờ nước chấm mầ nay thì cả hai thứ đều dở thỉ chỉ có đem đổ thôi chứ nuốt sao vô được

    Trả lờiXóa
  5. Bạn Nd 1520 nói "Không ai sử dụng nghĩa đen và nghĩa gốc ban đầu cả"? Tôi ngạc nhiên quá... Nghe lùng bùng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hàm ý không sử dụng nguyên gốc ban đầu, mà được hiểu (sử dụng) khái niệm đã mở rộng, khái quát.

      Xóa
    2. Vậy tại sao không nói: "Theo tôi, một số từ xưa nay đã được/bị sử dụng sai ý nghĩa ban đầu, và được chấp nhận. VD: "Bá đạo" vốn để chỉ chuyện mờ ám, nay được giới trẻ tôn vinh là vinh quang? (Cùng nhiều từ khác nữa bị đám tuyên truyền ngày nay đánh tráo khái niệm)".
      Với sự tôn trong chủ blog - một Tiến sĩ học thuật - và sự tôn trọng lẫn nhau, chúng ta nên nói cho càng chính xác càng tốt. Nên tham khảo tự điển.
      Trân trọng.

      Xóa
  6. Xin phép đóng góp ý kiến về nghĩa của chữ “Nguyên khí” cùng quý anh em.

    Nơi Binh thư của Khổng Minh có câu:

    “Trị thân chi đạo, vụ tại dưỡng thần.
    Trị quốc chi đạo, vụ tại cử hiền.
    Thị dĩ dưỡng thần cầu sinh, cử hiền cầu an”.

    Tạm dịch: “ Đạo trị thân, chú ý ở chỗ dưỡng cái Thần.
    “ Đạo trị quốc, chú ý ở chỗ đề cử, cất nhắc, sử dụng người hiền”.
    Nên có thể nói, nếu dưỡng thần là để cầu giữ sự sống dài lâu cho bản thân thì đề cử, cất nhắc, sử dụng người hiền chính là cách cầu lấy sự yên ổn, an lành dài lâu cho quốc gia”.

    Nhưng “dưỡng Thần” để “cầu sinh” là gì?

    Đại khái, mỗi con người là một tiểu vũ trụ nằm giữa, lẩn luôn có sự thông giao mật thiết với một đại vũ trụ bên ngoài.
    Nếu bầu trời có tam bảo, gồm: Nhật, Nguyệt, Tinh tú; mặt đất có: Thủy, Hỏa, Phong, thì nơi con người cũng có 3 phần chính, đó là Tinh, Khí và Thần.
    Vì Trời có tam bảo (Nhật, Nguyệt, Tinh tú ), từ đó có thể hóa sinh vạn vật, nuôi dưỡng muôn loài, vận chuyển mãi càn khôn; vì Đất cũng có tam bảo (Thủy, Hỏa ,Phong ), từ đó có thể làm cho mưa thuận, gió hòa, cỏ cây xanh tươi, tiết thời vần xoay bốn mùa đúng hạn.
    Cuối cùng, vì Người cũng có tam bảo (Tinh, Khí, Thần), từ đó chẳng những có thể nuôi dưỡng được thân thể khiến không bị héo khô, cứng đọng (tức là chết ), mà còn có thể liên tục hưng khởi rực rỡ sự mẫn nhuệ, thông minh, sáng láng nơi thần trí, có thể hòa nhịp khôn ngoan vào sự vận hành bất diệt cùng với đại vũ trụ vây quanh.
    Nói cụ thể hơn: Với con người, khi vừa được sinh ra, đã có sẳn bên trong cơ thể một dạng năng lượng, hay còn gọi sinh lực, sức sống, sức khỏe có chức năng duy trì, nẩy nở, thăng tiến mãi sự hiện hữu của mình trong sự tiếp thông với đại vũ trụ vây quanh. Đạo giáo gọi đó là phần “Khí tiên thiên” hay là “Nguyên khí”, gồm có “Nguyên khí dương” và “Nguyên khí âm”.
    Hằng ngày, nhiều chất lý-hóa học từ bên ngoài đại vũ trụ được chuyển vận liên tiếp vào cơ thể con người thông qua đường ẩm thực và hít thở. Từ đây, một dạng năng lượng mới được hình thành, cũng có tên gọi là “Khí” nhưng là “Khí hậu thiên”.
    Cuối cùng, thông qua sự hấp thụ, bổ trợ, chuyển hóa do phần “Nguyên khí” hay “Khí tiên thiên” nói trên phụ trách, phần “Khí hậu thiên” vừa kể tiếp tục được nâng cấp thành một dạng năng lượng tinh tế hơn, có tên gọi là “Tinh”. Tinh lãnh nhiệm vụ tráng kiện cơ thể, hưng thịnh Thần khí, bảo đảm sự sống, sự khỏe mạnh luôn được duy trì, tiếp nối…
    Như vậy, tới đây, có thể hiểu “Nguyên khí” là một loại hình năng lực tự nhiên, mang cơ chế vừa tự tồn, tự kiện bẩm sinh nằm nơi mọi sinh thể người. Nó có nhiệm vụ biến các lý-hóa chất bên ngoài thành Khí hậu thiên, rồi thành Tinh để trực tiếp nuôi dưỡng, tạo ra sự sung mãn rực rỡ, sáng láng, hưng thịnh nơi phần Thần (khu vực đại não bộ của con người).
    Nếu Nguyên khí bị khô cạn, bế tỏa, Tinh không thể hình thành từ phần Khí hậu thiên; thậm chí Tinh có hình thành đi nữa, cũng không nuôi dưỡng được Thần. Một tiến trình suy nhược, hư hỏng, u mê, hỗn loạn âm dương từ Thần sẽ mở rộng trở lại Tinh và Nguyên Khí, kéo dần sinh thể vào tình trạng bị suy kiệt, bại hoại và diệt vong.
    Từ những điều nói trên, có thể hiểu “Nguyên khí”, theo ngôn ngữ ngày nay, chính là “Sinh lực”, là “Sức khỏe”, “Sức sống” ( bao gồm bên trong sức đề kháng) có chức năng hấp thu, chế hóa các dạng lý hóa chất thô sơ từ ngoại giới, thông qua đường ăn uống và hít thở để biến thành Tinh nhằm nuôi dưỡng, kiện toàn lấy Thần để có thể duy trì, tái tục sự sống cho cơ thể, cho con người…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Khí" ở đây, theo tôi, là tinh thần và vật chất của chủ thể. Theo tự điển, "Nguyên khí" là "Khí thuở ban đầu" (của một giai đoạn).

      Xóa
    2. "Chấn dân khí" trong chủ trương của nhà yêu nước vĩ đại Phan Chu Trinh là
      có cùng ý nghĩa như trên : nguyên khí của nhân dân,của dân tộc.

      Xóa
  7. Nguyên văn Hán -Việt: "Hiền tài quốc gia chi nguyên khí". Vậy phải dịch là "Đức tài là sức sống nước nhà" hay "Đức tài là sức sống non sông" mới ổn. Mong rằng ban quản lý di tích Văn Miếu-Quốc tử giám thay đổi dòng chữ ở cửa di tích.

    Trả lờiXóa
  8. Tóm lại, hiện nay "Nguyên khí không còn như xưa..."!

    Trả lờiXóa
  9. Là một câu văn ghi ở bia Tiến sĩ, mục đích để tôn vinh những con người hiền tài có học, nên nghĩa của câu này rất rõ ràng và cụ thể: “Người hiền tài là sức mạnh của quốc gia”.

    Nhận định này chỉ có thể có được của những minh quân, những chính quyền giỏi và có học, biết và dám tôn vinh người hiền tài trong quản trị đất nước, biết và dám tạo nên sức mạnh của quốc gia. Vì thế thời đại Lê Thánh Tông là một trong những thời đại hào sảng bậc nhất trong lịch sử dân tộc.

    Lịch sử lật sang trang đen tối, thê thảm lập tức ngay sau đó là bởi chính quyền rơi vào tay lũ Vua Quỷ Lê Uy Mục, Vua Lợn Lê Tương Dực… Chính quyền hôn ám của những hôn quân mọi thời đại chỉ có khả năng duy nhất là làm bạc nhược, đớn hèn, kiệt quệ quốc gia, bởi chúng chủ trương tiêu diệt “nguyên khí của quốc gia”, bởi chúng coi trí thức chỉ “là cục cứt”, cần phải “đào tận gốc, trốc tận rễ”.

    Trả lờiXóa
  10. Xin đóng góp ý kiến xoay quanh câu “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

    Theo sách xưa, những ai tài giỏi về một lĩnh vực nào đó, đều được gọi là "kẻ sĩ". Chính vì đều này mà nơi chữ Hán, loại chữ ký nghĩa, đã dùng chữ "Thập" đặt bên trên, và chữ "Nhất" gạch ngang bên dưới để diễn tả chữ "Sĩ", mang nghĩa "10 người thường mới bằng 1 người này", hay "1 người này luôn hơn hẳn 10 người thường".
    Nhưng, dù vậy, sách xưa cũng nói rõ, “Sĩ” cũng có 2 hạng , nằm về 2 cực đối chọi nhau.
    Một bên vừa giỏi về một lĩnh vực chuyên môn nào đó, lại vừa ngay thật tốt lành về mặt phẩm chất con người, nên luôn hữu ích, xứng đáng được cộng đồng xã hội tin dùng, trân trọng, trả giá cao, vì những an lành, thịnh vượng, tốt đẹp mà nó có thể cống hiến, mang lại (thường được gọi thêm bằng các từ “Hiền sĩ”, “Hiền tài”); một bên cũng giỏi về một lĩnh vực chuyên môn nào đó nhưng lại không ngay thật, tốt lành về mặt phẩm chất, thậm chí cái sự giỏi kia cũng do dối trá, lừa phỉnh, gian tà, lừa lọc mà được nên luôn cần phải vứt đi, trừ bỏ đi, vì chỉ là thứ độc hại cho sự an lành, hữu ích, thịnh vượng của cộng đồng xã hội.
    Tại Binh thư của Khương Tử Nha và Khổng Minh đều có nhắc tới loại “Sĩ” này và đều được gọi là “Uổng sĩ”.
    Tại Binh thư Khương Tử Nha, nó nằm trong câu: "Uổng sĩ vô chính hữu” (Kẻ giỏi giang về điều cong tà và xấu xa thì không bao giờ có được bạn bè thật thà, ngay thẳng, tốt đẹp).
    Tại Binh thư của Khổng Minh, nó nằm trong câu: “Trụ tế tắc hại, phụ nhược tắc khuynh. Cố trị quốc chi đạo, CỬ TRỰC THỐ UỔNG, kỳ quốc nãi an” (Tạm dịch: Cột bằng loại cây mềm, nhà sẽ gặp tai hại bị sập; chọn người khí chất hèn nhược, cong vẹo, bất chính, gian tà, lươn lẹo, quốc gia sẽ gặp họa nghiêng đổ. Do những điều trên, phép trị quốc phải luôn cất nhắc, sử dụng người giỏi giang, lại có phẩm chất thành tâm, ngay thẳng, trung thực, cứng cỏi ; phế bỏ, loại trừ những kẻ cong vạy, gian tà, lươn lẹo, bất chính, lừa lọc, gian dối, xấu xa. Có vậy đất nước mới yên ổn)
    Từ đây, liên hệ tới câu nói của Thân Nhân Trung, sống vào thời Hậu Lê ở Việt Nam: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”, và thấy rằng, khi viết ra câu trên, chắc Ngài không bao giờ có ý xếp hạng “Uổng sĩ” vào khái niệm “Hiền tài”, “Hiền sĩ” hay "Trực sĩ", rồi xem đó cũng là “Nguyên khí”, là sinh lực tiên thiên, là sức sống, sức sáng tạo nẩy nở, sức nuôi dưỡng bồi đắp, sức đề kháng vươn lên không ngừng nơi mọi sinh thể quốc gia, tức càng “thịnh”, càng nhiều “Uổng sĩ” bao nhiêu thì quốc gia càng mau hưng vượng, hùng mạnh bấy nhiêu…
    Rõ ràng, tuy cũng được gọi là "Sĩ", nhưng "Uổng sĩ" chỉ là "độc hại chất", không thể, cùng không nên xem đó là "Nguyên khí", là "bổ dưỡng chất", “tráng kiện chất”, “hưng thịnh chất” , “sinh lực chất”, “phát triển chất” cho mọi sinh thể quốc gia hay cộng đồng nào đó (Mà những “chất” này chỉ có thể có từ những “hiền tài”, “hiền sĩ”, hay “trực sĩ” trong nước mà thôi) …
    Tóm lại, theo người xưa, nếu có ai đó rất tài, rất giỏi, đều được gọi là “Sĩ”về mặt ngôn từ; nhưng nếu vừa giỏi mà lại vừa có bản chất, xu hướng gian tà, bất chính, lọc lừa, dối trá, thậm chí do nhờ vào con đường dối trá, lọc lừa, bất chính, gian tà mà được người đời lầm lẫn, cho là bậc “Sĩ” trong một lĩnh vực nào đó thì thứ “Sĩ” này không thể gọi là “Hiền sĩ”, “Hiền tài” hay “Trực sĩ”, mà chỉ “được” gọi là “Uổng sĩ”, và về mặt giá trị, chỉ đáng vứt đi, trừ bỏ đi, vì những nguy hại to lớn, sâu xa mà nó có thể mang lại cho người khác, mở rộng ra là cả cộng đồng xã hội đang chứa đựng nó ở bên trong…

    Trả lờiXóa
  11. Nếu theo tự điển Khai Trí: "Nguyên khí" Cái 'khí' ban đầu; ta có thể hiểu "Hiền tài là gốc của đất nước" - VIệt Nam hôm nay người hiền tài bị triệt hạ, coi như gốc đã mục ruỗng... Than ôi!...

    Trả lờiXóa
  12. Tôi không biết chữ Hán-Việt, khi đọc câu này thì tôi có cảm nghĩ như vầy: Người xưa nói chữ 'nguyên khí quốc gia' đi chung với 'hiền tài'. Có lẽ ý nói người nào có 'tâm đức' và 'tài năng' thì là tài sản vật chất và trí tuệ của đất nước, là gốc là nguồn sống của quốc gia. Còn người không 'hiền' và không 'tài' thì không phải là nguyên khí, mà là cái ngược lại. Đọc lịch sử VN tôi chú ý đến những việc đốt sách đập chùa miếu tiêu diệt văn hóa Việt Nam của giặc Tàu qua hàng ngàn năm đô hộ, chúng làm vậy vì chúng đặt quan trọng nhất là việc tiêu diệt nguyên khí của dân tộc. Người 'hiền tài' nếu không khuất phục thì chúng giết. Chúng cai trị nước ta qua bọn thái thú bán nước và dùng bọn này để tiêu diệt hiền tài, đưa đến nguyên khí dân tộc không còn. Từ đó việc tóm thu một dân tộc là nô lệ trở thành dễ dàng. Chính sách là gốc mọi chính sách của Tàu áp dụng cho Việt Nam cho đến nay càng lộ rõ hơn.

    Trả lờiXóa
  13. Tựu trung mọi người đều hiểu: hiền tài là nguyên khí quốc gia là thê nào rồi, tuy khác nhau ở phần rộng hay hẹp; nghĩa đen hay nghĩa bóng... Điều cần bàn là: cụ thể ai là hiền tài; như thế nào thì được coi là hiền tài; trong một xã hội VN đầy tính đố kỵ và thiếu sự phục thiện như hiện nay? Cảm giác chủ quan(chứ không có bằng chứng) của tôi là: có người lên làm lãnh đạo (dù chức nhỏ) thì đã tự cho mình là hiền tài; có người khi có bằng Tiến sỹ thì tự cho mình là hiền tài; một số người thấy hơn người khác một chút tự cho là hiền tài... Điều đó dẫn đến VN nhiều "hiền tài" quá nhưng không bảo được nhau. Vậy xin bổ sung một tiêu chuẩn nữa: biết phục thiện (cái hay, cái đúng của người khác), biết và tuân theo "lẽ trời" (universal values)thì mới là hiền tài. Mong các còm sỹ chỉ giáo!

    Trả lờiXóa
  14. Tôi cho rằng ý kiến của GS Thuyết đúng, ở đây nho thần Thân Nhân Trung chỉ phụng mệnh vua Lê Thánh Tông mà viết bia ký. Nhưng vấn đề không chỉ là ai nói, mà là nói cái gì. Tôi cho rằng các bác bàn về "nguyên khí" là đúng. Tựu trung, đất nước muốn cường thịnh thì phải có "nguyên khí", mà nguyên khí của đất nước là các bậc hiền tài, là giới tinh hoa, là giới trí thức, phải trọng dụng họ và không được mạo danh họ. Chính quyền phải trọng dụng trí thức thì đất nước mới cường thịnh. Nếu chính quyền chỉ trọng dụng công an, quân đội, phòng thuế, kiểm lâm, nhà buôn... thì đất nước không thể cường thịnh được. Có thể giàu xổi nhưng chỉ là trọc phú. Có thể to lớn nhưng chỉ là phì nộn, bị đao. Vậy đấy. Vua Lê Thánh Tông muốn nói thế, mong các nhà lãnh đạo đất nước bây giờ rửa sạch tai mà nghe vua dạy, chứ đừng chăm chăm chia chác quyền lợi, xắp xếp chỗ ngồi, rồi chẳng thấy trí thức đâu, chỉ thấy toàn công an, lính tráng, nhà buôn, con ông cháu cha quản trị đất nước thì đần độn, đao, lú là chuyện đã thấy. Tuy nhiên, chúng ta bàn ở đây cho vui, nói cho nhau nghe và tự sướng tí ti, còn chỉ là "đàn gảy tai trâu" đối với chính quyền. Những dự án đào tạo nhân tài mà GS Thuyết và các vị trí thức có lần mò cũng sẽ chỉ bị vứt vào sọt rác, vì trâu không thích nghe đàn, trâu chỉ thích nghe tiếng ực ực...thôi!

    Trả lờiXóa
  15. Bài viết của NMT dường như muốn định danh lại cho công bằng ai mới đích thực là tác giả của tư tưởng "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia" và có chủ ý gán nó cho Lê thánh tông. Xem qua thì tác giả có lý nhưng có lẽ không nên làm thế. Trong số 10 văn bia soạn năm 84 có vài bài liên quan đến tư tưởng này. Cho dù tất cả đều soạn theo chỉ dụ của nhà vua và có thể vua có khẩu dụ cho họ thể hiện ý tưởng này nhưng rõ ràng không có tài liệu chứng thực trong khi bia đá chỉ rõ là của những người thực hiện, trong đó có Thân Nhân Trung. Nếu NMT chính là GS Thuyết, nguyên địa biểu quốc hội tiếng tăm, thì chắc ông cũng rõ phải gán danh cho người nào viết ra trước chứ không phải cho người nào nói ra truwơcs mà không lưu lại vết tích tin cậy về sự nói ra của mình. Rất tiếc là GS không nói rõ trong số 10 văn bia soạn năm 84 có bao nhiêu tấm đề cập đến luận đề này.Một điều rõ ràng là Thân Nhân Trung là tác giả nói rõ nhất, trực diện nhất nên được nhiều người nhắc đến. Hơn nữa ông được phân công soạn bia cho khoa thi sớm hơn cả nên được lầm tưởng là soạn trước. Do vậy, tôi đề nghị cứ để thế, không phai phân định lại làm gì. Còn nếu phân định lại cũng không nên gán cho vua Lê Thánh tông làm gì mà nên chia đều cho tất cả hoặc gán cho Hội tao đàn mà Nhà vua là chủ soái là thích hợp.

    Trả lờiXóa
  16. Túm lại:Hiền tài là nguyên khí quốc gia(ngày xưa),còn tiền tài là nguyên khí của nhà quan(ngày nay),tranh luận chi cho mỏi miệng đau đầu.Hiền tài hết quốc gia vong,tiền tài hết quan nha biến.Hết!

    Trả lờiXóa