Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

VỊ ĐẠI SỨ 3 LẦN LÀM CỨNG HỌNG BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC


Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ  Việt Nam tại Trung Quốc.
.
Vị đại sứ 99 tuổi và 3 lần làm cứng họng
Bộ Ngoại giao Trung Quốc


Tuấn Nam
Trí Thức Trẻ
26/02/2014 07:30 

(Soha.vn) - Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nói: "Cảng TP. Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng đâu phải là cái ao nhà của Trung Quốc mà họ tự ý quyết định đưa tàu vào được”. 

LTS: Là một vị tướng quân đội nhưng ông đã có “cú tạt ngang” sang ngành ngoại giao cực kỳ ấn tượng khi đã có 13 năm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Trung Quốc trong những khoảng thời gian đặc biệt căng thẳng giữa hai nước (giai đoạn 1974 – 1987). Đã có lần, khi gặp người tiền nhiệm của mình là ông Ngô Thuyền, ông đã nói rằng: “Anh thì sang Trung Quốc uống rượu, tôi thì sang cãi nhau!”. Quả thật với những gì đã thể hiện tại Trung Quốc trong thời kỳ mối quan hệ giữa hai nước có những trục trặc thì lời nói đùa đó quả không ngoa. Chính phần thắng của những lần cãi nhau đó luôn thuộc về phía Đại sứ Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc giữ trọn Quốc thể của Việt Nam tại Trung Quốc. Ông chính là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng đoàn ngoại giao tại Trung Quốc - nhân vật chính trong câu đối: Làm cố vấn miền Tây, nhớ lời Bác, không làm “lão Toàn quyền”, luôn nhớ chữ “chủ quyền của Bạn”/ Đi đại sứ nước Tàu, theo ý Đảng, chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”.


Chúng tôi tìm đến nhà Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (SN 1916) vào một ngày giữa tháng 2 rét buốt. Năm nay đã 99 tuổi nhưng ông vẫn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn. Khi biết về ý định của chúng tôi muốn khai thác những câu chuyện về cách ứng xử của Đại sứ Việt Nam trước cách ứng xử của phía Trung Quốc trong thời kỳ quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc không còn được nồng ấm như dưới thời Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1974 – 1987), ông cười và nói ông rất sẵn lòng.

“Số là, đầu năm 1974, tôi kết thúc nhiệm kỳ làm trưởng đoàn cố vấn giúp nước bạn Lào, tôi trở về nước. Trong khi thấy tôi chưa nhận nhiệm vụ nào mới, trong khi đồng chí Ngô Thuyền vốn là Đại sứ của Việt Nam bên Trung Quốc đau ốm xin về nên Trung ương Đảng quyết định cử tôi sang làm Đại sứ bên Trung Quốc”, ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một sự giải thích như thế.

Trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, việc cử một ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng sang làm Đại sứ ở một nước khác là một điều khá đặc biệt. Vị “lão” Đại sứ giải thích về sự đặc biệt đó: Hồi đó, Việt Nam coi trọng Liên Xô là anh cả và Trung Quốc là anh hai nên Trung ương Đảng cử một Ủy viên Trung ương Đảng sang Liên Xô và cử một ủy viên dự khuyết (cấp thấp hơn) sang “anh hai”.

Ông có biết tiếng Trung khi bắt đầu sang làm Đại sứ bên Trung Quốc không ,thưa Thiếu tướng?”. “Không, tôi không biết”. “Vậy, hẳn là ông sẽ có cảm thấy bối rối, lo lắng khi nhận nhiệm vụ như thế?”. “Không, tôi chẳng có gì phải bối rối cả. Sang bên đó, thời gian đầu có nhờ phiên dịch. Sau đó, tôi tự học và bây giờ cũng chỉ nói được chứ chưa thành thạo lắm”. Trước khi kể lại quãng thời gian là Đại sứ bên Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sang làm Đại sứ bên Trung Quốc được một thời gian, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc có những dấu hiệu “lạnh đi”. Và những người ở Đại sứ quán Việt Nam cũng có thể cảm nhận được những thay đổi đó qua cách đối xử của nước bạn đối với mình. Và chính trong hoàn cảnh đó, qua câu chuyện với vị “lão” Đại sứ ở tuổi 99, chúng tôi có thể cảm nhận được niềm vui của ông sau các cuộc đấu lý với phía nước bạn.

Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh nhớ lại: “Khi tôi cho trưng bày hình ảnh Pol – Pot đánh phá biên giới Tây Nam nước ta ở bảng thông tin của Sứ quán (đặt ngoài hàng rào) thì phía Trung Quốc đã mời tôi lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc để gặp Thứ trưởng Hàn Niệm Long. Tại đây, ông ta lên tiếng phản đối, đòi ta phải dỡ bỏ những hình ảnh và những lời tố cáo đó.

Khi đó, tôi đã đáp lại rằng: “Những việc mà tôi trưng bày ra, đó đều là sự thật. Chẳng lẽ Trung Quốc lại sợ sự thật? Hơn nữa, cái bảng thông tin mà chúng tôi treo ảnh trên hàng rào Sứ quán đó là nằm trong phạm vi chủ quyền của nước tôi, tôi không dỡ bỏ”. Ông ta nói: “Trung Quốc không cho phép nước nào nói xấu nước thứ 3 trong lãnh thổ nước Công hòa nhân dân Trung Hoa”.

Nghe thấy vậy, tôi liền đáp lại: “Đồng chí nói sai rồi, cách đây 3 hôm, tôi thấy đồng chí còn giúp cho Đại sứ của Pol – Pot họp báo nói xấu Việt Nam chúng tôi và cuộc họp báo đó có nhiều cán bộ Trung Quốc làm phiên dịch cho họ”.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho hay: “Nói xong tôi ra về mà phía Trung Quốc không nói thêm được một lời nào”.

Một trong những vấn đề được Trung Quốc đưa ra để làm cái cớ khiêu khích ta là vấn đề về Hoa kiều. Họ luôn cho rằng chúng ta “bức hại Hoa Kiều” nhưng sự thực thì không có chuyện đó.

Ông Vĩnh nhớ lại: “Trong năm 1976, Trung Quốc mời tôi lên rồi tranh cãi về vấn đề Hoa kiều và người Hoa. Hai bên đều nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình, không bên nào chịu bên nào. Sau khi đấu khẩu như vậy, Trọng Hi Đông – thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (nguyên là tướng trong quân đội) nói: “Sống hòa bình với nhau thì tốt hơn, chiến tranh thì phức tạp đấy” với hàm ý đe dọa. Nhưng tôi cũng nói lại rằng: “Tôi cũng đã là tướng, tôi cũng biết thế nào là chiến tranh. Và chúng tôi đã thắng Pháp và thắng Mỹ”. Vậy là ông ta im lặng, không nói được gì nữa”.

Có lẽ, bởi ông xuất thân là một vị tướng nên những đối đáp của ông vừa có sự mềm mỏng của một nhà ngoại giao nhưng cũng rất quyết liệt của một vị tướng. Điều đó cũng được thể hiện trong cách ứng xử của ông khi ở vào một tình thế khác.

“Một lần khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại mời tôi lên gặp một Thứ trưởng Ngoại giao. Ông ta nhờ tôi gửi công hàm về cho Chính phủ ta, đồng thời thông báo: “Do Chính phủ Việt Nam bức hại Hoa kiều nên Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã quyết định đưa hai tàu Trường Lực và Minh Hoa vào cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn để đón nạn kiều của chúng tôi”. Tôi nói: “Tôi sẽ chuyển công hàm về cho Chính phủ. Nhưng trước hết tôi nói ở Việt Nam không có nạn kiều. Và Chính phủ chúng tôi còn xem xét, tàu Trường Lực và Minh Hoa có được phép vào Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh hay không đã, vì hai cảng đó thuộc chủ quyền của Việt Nam, không ai được tự tiện vào”.

Khi tôi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra về, các phóng viên báo chí quốc tế xúm lại hỏi tôi, tôi nói lại sự việc vừa rồi và nói thêm: “Cảng TP. Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng đâu phải là cái ao nhà của Trung Quốc mà họ tự ý quyết định đưa tàu vào được”. Sau đó các phóng viên đã đưa tin ra thế giới và tỏ ý thú vị với cách ông Đại sứ nói “cảng Việt Nam không phải là cái ao nhà của Trung Quốc””, ông Vĩnh kể .

Nguồn: Soha.

14 nhận xét :

  1. Đi sứ từ xưa nay có rất nhiều chuyện thú vị . Nhưng thú vị thật thì ít mà chua cay, căng thẳng thì nhiều , nhất là các nước nhỏ với các nước lớn , các nước nghèo với nước giàu . Riêng lịch sử bang giao giữa VN với Tầu là nhiều pho sách . Ngày xưa sứ thần không ở thường trực mà chỉ khi nào cần mới cử sứ thần đi, nhất là những dịp xin phong vương, triều cống hàng năm . Sứ thần nước ta sang Tầu ngày xưa đều là các vị trạng nguyên đang đảm nhiệm những nhiệm vụ trọng yếu tại Triều như Thượng Thư Bộ Lễ, hay Cần chánh điện đại học sĩ . Và lịch sử cũng không kẻ trường hơp nào sứ thần nước ta chịu lép vế ở nước người . Hầu hết các vị sứ thần đều được kính nể. Không những hoàng đế Trung Hoa và các nước khác cũng phải khâm ohục sứ thần VN . Với truyền thống vẻ vang đó, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tuy là một võ quan nhưng đã chứng tỏ tài ngoại giao chẳng kém các trạng nguyên xưa . Thật đáng tự hào, hãnh diện. Hoan Hô cụ Nguyễn Trọng Vĩnh . Cụ luôn là bậc tiền bối khả kính , là tấm gương sáng cho các thế hệ sau, là niềm tự hào của dân tộc . Chúc Cụ sống lâu trăm tuổi .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đúng là niềm tư hào dân tộc.

      Xóa
    2. Thưa cụ, bây giờ loại Trần Ích Tắc không chỉ một tên mà lên đến "hàng trăm tên" rồi đấy ạ. Tất nhiên là khi cuồng phong nổi lên thì loại bán nước đó sẽ bị cuốn phăng ra biển.

      Xóa
  2. đọc cụ Vĩnh mình thấy khoái "tuổi cao chí khí càng cao..."quả không ngoa !

    Trả lờiXóa
  3. Thật tự hào về chí khí của lớp cha anh! Mong Cụ Vĩnh trường thọ để con cháu chúng con có điểm tựa tinh thần to lớn.

    Trả lờiXóa
  4. Con cầu mong trời đất,tiên tổ phù hộ Cụ được mạnh khỏe dài lâu để làm ngọn đèn dẫn đường cho những lớp con cháu tiếp bước.Vận nước đang suy vong do nhà cầm quyền hèn nhát đang rất mong những người như Cụ nhiều lắm Cụ ơi

    Trả lờiXóa
  5. Tự hào về Cụ - thế hệ đại diện cho hào khí và chí khí Việt.
    Nhưng cũng thương cho Cụ, đáng lý tuổi này về vui thú điền viên bên con bên cháu sau khi Đất nước thống nhất, ... ấy thế mà Cụ vẫn đau đáu vì vận nước, đau đau vì tham nhũng, đau đáu vì khắp nơi, kể cả các vị trí chiến lược, TQ đều hiện diện và cóp thể đấy là những đội quân (tinh nhuệ) giả danh công nhân, ... ém sẳn, khi có cơ hội là thực thi sứ mệnh thôn tính VN.
    Tình báo Hoa Nam biết đâu đấy đã hiện diện, hoặc chi phối khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp các vị trí quan trọng, ...
    Người thường cũng vô cùng đau huống hồ gì Cụ.
    Thương Cụ lắm, sao Đất nước này cứ bất hạnh đến vậy?!

    Trả lờiXóa
  6. Hiện nay làm sao tìm ra vị tướng như tướng Vĩnh!

    Trả lờiXóa
  7. Tướng quân đội VN bây giờ không thấy ai có khẩu khí cương cường như lão Tướng Vĩnh. Buồn thay, tiếc thay!!

    Trả lờiXóa
  8. Lớp trẻ chúng tôi vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ cụ Nguyễn Trọng Vĩnh , những ý kiến sáng suốt của cụ giúp chúng tôi tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của dân tộc .
    Cầu mong Cụ mạnh khoẻ , sống lâu hơn nữa làm tấm gương sáng về lòng tận trung với đất nước cho chúng tôi noi theo và giữ vững niềm tin.

    Trả lờiXóa
  9. https://www.tienphong.vn/kinh-te/thu-truong-gtvt-da-dau-tu-bot-thi-phai-thu-phi-de-hoan-von-1329455.tpo
    Thứ trưởng GTVT: Đã đầu tư BOT thì phải thu phí để hoàn vốn.

    Thế là bằng mọi giá, MỌI THỦ ĐOẠN phải bắt người dân è lưng đóng GIÁ PHÍ.

    Trả lờiXóa
  10. Chúc cụ Vĩnh mạnh khỏe , sống lâu muôn tuổi làm rường cột cho lớp trẻ chúng con bảo vệ và phát triển quốc gia này!

    Trả lờiXóa
  11. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh xứng danh con Rồng cháu Tiên

    Trả lờiXóa
  12. Cụ Ngô Thuyền, Cụ Trọng Vĩnh đều là người Thanh Hóa, cốt cách Thanh hóa. Thật tự hào.

    Trả lờiXóa