Luật gia Lê Hiếu Đằng:
“Một xã hội dân sự mạnh mới mong huy động được
sức mạnh của toàn thể dân tộc để chống lại bành trướng Bắc Kinh”
14-08-2013
(Trả lời phỏng vấn BVN)
Trong căn buồng chật chội ông đang nằm chống chọi với căn bệnh ác tính tại nhà riêng, Lê Hiếu Đằng (LHĐ) gượng ngồi lên tiếp chúng tôi. Xanh, gầy, hai chân hơi phù, bàn tay đưa ra mềm và không có được hơi ấm nóng, ông nói nhỏ, chầm chậm. Rõ ràng ông đang rất yếu. Nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn phỏng vấn để ông nói rõ thêm những ý tưởng của mình sau bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh ông đã gửi gắm trên BVN, mắt ông sáng hẳn lên, giọng nói bỗng khoẻ lên và ngày càng mạnh mẽ. So với ngày ông tiếp chuyện BVN lần đầu tiên cách đây gần ba năm để rồi cho ra đời hai bài viết đầu tiên của ông trên thế giới mạng “lề trái” (Dân chủ là giải pháp cho các vấn đề của đất nước,…), ý kiến của ông về con đường dân chủ hoá giờ đây thật dứt khoát, triệt để, rõ ràng. Nhưng hôm nay câu chuyện của chúng tôi có lúc trầm xuống, ông nghẹn ngào, mắt ứa lệ khi nói đến việc lý tưởng Cách mạng bị phản bội, nhân dân đau khổ triền miên. Vận nước đã đến hồi “bĩ cực”, không thể trì hoãn việc dân chủ hoá, xây dựng thể chế đa đảng để đất nước thoát khỏi hiểm nghèo.
Bauxite Việt Nam
BVN: Trong bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh mới đăng trên BVN
và đang được lan truyền rộng rãi trên mạng, ông đã nói rõ quan điểm
phải có thể chế đa đảng cho nước Việt Nam. Xin hỏi quan điểm ấy đã hình
thành như thế nào trong ý thức tư tưởng của một người đảng viên Cộng sản
trung kiên như ông?
LHĐ:
Thực ra đã lâu, từ khi tôi là giảng viên triết học Mác Lênin và chủ
nghĩa xã hội khoa học, tôi đã thấy chủ trương cấm đa nguyên đa đảng là
không phù hợp với ngay chủ thuyết Mác. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã
phải công nhận kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế, trong đó có
kinh tế tư nhân, tồn tại nhiều giai cấp với những lợi ích khác nhau,
thì cơ sở hạ tầng ấy quyết định kiến trúc thượng tầng phải có đa đảng để
bảo vệ quyền lợi của các nhóm xã hội khác nhau. Đảng Cộng sản Việt Nam
chủ trương không đa nguyên đa đảng nhưng điều này chưa hề thể chế hoá
thành văn bản pháp luật, quyền tự do lập hội vẫn được Hiến pháp thừa
nhận tuy đã bị trì hoãn mãi không thực thi. Những điều này tôi suy nghĩ
đã lâu rồi. Vấn đề là thời điểm nào thì thích hợp để nêu ra. Hiện nay,
những khuynh hướng đối lập với Đảng Cộng sản đã xuất hiện, tại sao ta
không có những chính đảng ra đời để khắp trong Nam ngoài Bắc, khi có
những ý kiến phản đối đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản thì lập
tức được đưa ra công khai? Ngay trong Đảng Cộng sản, ngày càng nhiều
đảng viên muốn ra khỏi đảng hoặc đã lẳng lặng bỏ sinh hoạt đảng. Tại sao
việc này lại không làm công khai? Tại sao ta không nghĩ đến việc lập ra
một chính đảng, vì đó là quyền công dân được Hiến pháp bảo hộ. Còn vì
sao ta nên lập một đảng xã hội dân chủ? Ta biết rằng chính “Mác già”
cũng đã bỏ chủ trương chuyên chính vô sản thay bằng con đường xã hội dân
chủ như đường lối của Đệ Nhị Quốc tế. Trên thế giới hiện nay, dân chủ
xã hội là trào lưu mạnh mẽ, là xu hướng tiến bộ nhất. Đi theo con đường
này, ta có chỗ dựa vững chắc ở bạn bè quốc tế. Ta cũng đã từng có hai
đảng Dân chủ và Xã hội, nay cũng có thể khôi phục hai đảng này, nhưng
nội dung phải hoàn toàn khác, thực chất là đối lập chứ không phải “bánh
vẽ”, hình thức, chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản như trước đây.
BVN: Cũng có ý kiến
cho rằng các đảng viên tốt không nên ra khỏi Đảng Cộng sản, mà phải ở
lại để làm cho Đảng chuyển hoá. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
LHĐ: Điều đó là hy
vọng đã lâu, nhưng đến nay thì tôi đánh giá là không còn khả năng. Bởi
vì những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã không chứng tỏ được họ vì
quyền lợi của đất nước. Chỉ một cái khẩu hiệu “còn Đảng, còn mình” của
công an là đủ cho ta biết họ vì cái gì? Có một số vị cấp tiến như Võ Văn
Kiệt muốn thay đổi, nhưng cũng bất lực và không thể thoát khỏi sự ràng
buộc của Đảng. Cho nên phải có một xã hội dân sự mạnh để kiểm soát quyền
lực nhà nước, mà đảng chính trị là hình thức cao nhất của xã hội dân
sự.
BVN: Có sự lo ngạỉ
rằng: đấu tranh có tổ chức là hình thức mà chính quyền kỵ nhất, nên việc
lập chính đảng sẽ bị trấn áp tàn khốc. Ông có sợ điều đó xảy ra?
LHĐ: Tất nhiên sẽ có
sự đàn áp, và bắt bớ là chuyện rất có khả năng xảy ra. Nhưng nếu đã là
một tập thể mạnh thì sợ gì bắt bớ. Tôi có thể bị bắt, một số người đi
đầu có thể bị bắt, nhưng những người còn lại sẽ tiếp tục đấu tranh, sẽ
có hàng trăm, hàng ngàn người tiếp tục chiến đấu, không thể bắt hết mọi
người. Thời gian vừa qua cho thấy ngày càng nhiều người dũng cảm lên
tiếng, và lên tiếng ngày càng mạnh mẽ, có nhiều người mà mình không ngờ.
Ngay trong Hội đồng Dân chủ & Pháp luật thuộc Uỷ ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, khi góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, tôi rất bất
ngờ vì có những vị trưóc đây rất “hiền lành” nhưng nay lại quyết liệt
đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp vì cho rằng nếu duy trì điều này thì không bao
giờ có được dân chủ thật sự, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân chỉ là công cụ
để hợp thức hoá sự độc quyền của Đảng Cộng sản mà thôi. Hay vụ Kiến nghị
sửa đổi Hiến pháp, văn bản 72 người ký còn nêu vấn đề một cách nhẹ
nhàng, nhưng khi bản Dự thảo sửa đổi lần 4 đưa ra trình Quốc hội, thì 40
người lên tiếng phản đối rất quyết liệt, đòi đa nguyên đa đảng rõ ràng.
Vậy thì đừng lo chuyện bắt bớ. Riêng tôi, tôi không sợ bị bắt. Mình
không thể lùi bước khi người dân đã chịu quá nhiều đau khổ [ông nghẹn
ngào một lúc rồi mới nói tiếp]…, người dân đã hy sinh quá nhiều, để rồi
có một chế độ như ngày nay so với chế độ Sài Gòn còn tệ hơn. Sự hy sinh
kéo dài của người dân hầu như vô ích, những mục tiêu của cuộc Cách mạng
là Độc lập, Tự do đã bị phản bội. Tôi không thể chấp nhận điều đó.
BVN: Còn một lập
luận nữa, cho rằng lúc này phải tăng cường đoàn kết toàn dân để chống
lại nguy cơ Bắc xâm, vậy việc ly khai Đảng Cộng sản có lợi hay có hại?
LHĐ: Phải đoàn kết,
nhưng vấn đề là đoàn kết dưới sự lãnh đạo sáng suốt của một chính đảng
lấy quyền lợi của đất nước, của dân tộc, của nhân dân là lý do tồn tại
duy nhất, chứ không phải vì quyền lực, vì lợi ích phe nhóm như hiện nay.
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta
không thể trông cậy vào ai khác ngoài sức mạnh của dân tộc. Một chính
đảng đối lập chính là kháng thể để chống những căn bệnh đã trở nên bất
trị do thể chế độc tài tạo nên cho xã hội, cho dân tộc. Chúng ta chỉ có
thể đoàn kết với sự đối thoại công bằng, sự đồng thuận về mục tiêu, lý
tưởng.
BVN: Ngoài những điều đã viết đã nói ra, ông còn những điều gì muốn chia sẻ với bạn đọc BVN?
LHĐ: Có hai việc bây
giờ ta phải làm. Một là về tư tưởng, phải kiên quyết từ bỏ chủ nghĩa
Mác-Lênin đã quá lạc hậu. Phe gọi là Cộng sản chỉ còn Việt Nam, Trung
Quốc, Cuba, chưa kể Bắc Triều Tiên với thể chế quái dị không biết ta có
ôm vào phe mình hay không, nếu có thì quá xấu hổ. Về công việc thực tế,
bây giờ phải tập trung xây dựng xã hội dân sự mạnh, trong đó có chính
đảng đối lập. Phải bắt đầu cho cuộc vận động thành lập một chính đảng
mới. Một xã hội dân sự mạnh mới có thể làm áp lực để Đảng Cộng sản cầm
quyền phải thay đổi theo hướng dân chủ. Như vậy mới mong huy động được
sức mạnh của toàn thể dân tộc để chống lại bành trướng Bắc Kinh.
BVN: Mấy ngày qua,
có nhiều thư của bạn đọc trong, ngoài nước gửi tới hưởng ứng bài viết và
lo lắng cho sức khoẻ của tác giả. Xin thay mặt tất cả bạn đọc của BVN
cầu chúc ông vượt qua được bệnh tật hiểm nghèo để tiếp tục đóng góp cho
cuộc đấu tranh dân chủ đang ở bước gian nan nhưng đường đi đã rộng mở,
chắc chắn sẽ thành công.
Nguồn: BoxitVN
Nếu có 1 đảng khác ra đời vì dân vì nước , tôi ủng hộ.
Trả lờiXóatoi cung ung ho neu co mot dang moi ra doi
Trả lờiXóaThực trạng đất nước khủng hoảng toàn diện nhiều năm nay đã tự nhiên tích tụ và thai nghén ra một ý chí chính trị mới mong đưa lại những thay đổi mới trên bàn cờ chính trị đất nước . Việc vận động hình thành nên một chính đảng mới tiến bộ hơn và dân chủ hơn , có tên là đảng dân chủ xã hội mà các ông Lê Hiếu Đằng khởi xướng là tất yếu . Một đảng sinh ra ban đầu dù có tiến bộ và trong sáng đến đâu , nhưng khi giành được quyền lực vào tay mình mà chỉ muốn độc tôn độc quyền lãnh đạo quốc gia không chấp nhận có sự đối lập , không muốn ai giám soát quyền lực của mình để mình toàn quyền tuyệt đối, mà quyền lực không bị kiểm soát nhiều chục năm nay đã thực sự tha hoá không có ngoại lệ , nay đảng đó đã tha hoá và thoái hoá toàn diện ( nên mới có nghị quyết TW4 )tạo ra quốc nạn tham nhũng vô phương cứu chữa hiện nay . Chắc chắn trong thời gian rất gần tới đây tình hình chính trị VN sẽ không còn thuận lợi cho sự toàn trị của đảng cầm quyền hiện nay . Chính họ đã tạo nên khủng hoảng mọi mặt hiện nay và cũng chính họ đã làm cho đất nước ngày càng tut hậu và lạc hậu với khu vực và quốc tế . Chính họ không chịu có những cải cách toàn diện kịp thời để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng toàn diện do họ tạo ra , thử hỏi với những hậu quả nghiêm trọng như vậy họ còn xứng đáng lãnh đạo nữa hay không ?
Trả lờiXóanhiệt liệt hoan nghênh ông lê hiếu đằng ! Toàn dân ủng hộ ông . Kính chúc ông khỏe để góp phần cùng hàng triệu người đã và đang theo ông.
Trả lờiXóaGió đã lên rồi . Nhiều người cũng hô phong hoán vũ cho gió mạnh lên . Tương lai tươi sáng đang vẫy gọi các bạn thanh niên , những thanh niên yêu nước . Đàn anh đàn chị đã bất chấp tù đầy, bất chấp cả cái chết vì một Việt Nam Độc Lập Tự Do , nay vì VN Dân Chủ , các bạn trẻ còn chờ gì ?
Trả lờiXóaChỉ có những kẻ phản bội lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc mới chủ trương duy trì quyền lực tối cao của Đảng Cộng Sản và thủ tiêu Dân chủ.
Trả lờiXóaDân thường
Rất ủng hộ ông. Chúc ông luôn đầy nghị lực và đủ sức khoẻ!
Trả lờiXóaRất mừng khi chú Đằng đã qua cơn hoạn nạn. Nhưng việc xây dựng một XH dân sự mạnh là phải làm những gì trước , điều gì sau, xin chú có ý kiến cụ thể được không ạ?
Trả lờiXóaỦng hộ đa nguyên đa đảng. Phản đối chế độ độc đảng của ĐCS VN. Kính mong luật gia Lê Hiếu Đằng mạnh khỏe để tiếp tục cùng các trí thức yêu nước đấu tranh vì một VN dân chủ !
Trả lờiXóa