Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Chung Lê: BỐ CHỒNG TÔI

BỐ CHỒNG TÔI
Chung Lê

Khi mình về làm dâu thì “hai cụ” đã nghỉ hưu. Cách đây gần ba chục năm thì những người ở độ tuổi U60 đã tự xếp mình vào diện “cổ lai hy”. Bây giờ mình nhìn ra bạn bè xung quanh, mọi người còn “sung” lắm. Mình gần bằng tuổi bà nội lũ trẻ lúc bây giờ, thế mà còn chém gió trên FB đến… bong cả gân.

Nhà chồng mình có 4 chị em. Chồng mình là con trai “mỗi”. Ông chú em ruột cụ ông lại đẻ ra toàn “đực rựa”, nhưng bố chồng mình là Trưởng họ nên việc có một thằng chống gậy là “ước nguyện chính đáng” từ ‘trung ương tới địa phương’. Bà chị cả của anh xã sinh được hai ả tố nga. Bà chị thứ hai cũng “ruộng sâu trâu nái không bằng hai gái đầu lòng”. Nghe bà nội bọn trẻ giục các bà chị chồng phá luật sinh đẻ để có đứa nối dõi tông đường cho bên thông gia mà mình run như rẽ. Hồi vác bầu cu nhớn, mình phải nằm treo chân trong bệnh viện hết 3 tháng đầu. Có lúc chán nản, tuyệt vọng đã từng thỏ thẻ với chồng: “Nếu em không sinh nở được, hoặc không sinh được cho ông bà một thằng đít nhôm, thì chúng mình sẽ ly hôn. Anh lấy vợ khác để đẻ con trai nhé”. Lúc ấy còn đang là mùa con ong làm mật nên anh xã gạt phăng đi. Nhưng mình tuổi trâu, sinh ở cung “bò tót” (Taurus) nên cứng đầu cứng cổ. Mình đã sẵn sàng cho cái lúc mang ra khỏi nhà chồng mỗi chiếc bàn chải đánh răng. Đội ơn Giời Phật, mình bắn một phát trúng đích luôn. Cu dzai nhà mình vừa chào đời lập tức trở thành “trung tâm vũ trụ”. Thời kỳ khó khăn, giỗ chạp may ra mới mua được con gà về cúng các cụ. Ở nhà chồng mình đã có “luật bất thành văn”, hai chiếc đùi gà dứt khoát phải phần cho hai cháu nội (dù bà chị thứ hai sau này cũng có thêm một thằng Liều).

Bố chồng mình đi bộ đội đến tận tuổi nghỉ hưu thì xuất ngũ. Tính ông vui vẻ, cởi mở. Giúp được ai là giúp hết lòng. Cô em út của anh xã mình kể, hồi nhỏ đi sơ tán chuyên bị bọn trẻ con ở quê bắt nạt. Ông về nghỉ phép, nghe nó kể tội bọn trẻ trong làng liền bảo: “Khi đánh nhau, mình cứ xông lên thì nhất định bọn kia phải bỏ chạy”. Từ đấy không đứa nào dám chặn đường nó đi học nữa.

Nghỉ hưu, ông tham gia công tác ở phường. Có một thời gian mấy năm liền, ông làm chủ nhiệm hợp tác xã mua bán. Tưởng các cụ chỉ làm ăn “cò con” cho vui, hóa ra HTX của ông doanh thu rất được. Thỉnh thoảng, “trúng quả”, “có màu” (từ ngữ lúc bấy giờ), ông lại giúi vào tay con dâu ít tiền, dặn: “Chiều con qua chợ mua thêm chút gì ăn tươi. Ba chiêu đãi”.

Hồi mình “lơ thơ mới về”, ông xuống bếp chỉ bảo từng việc rồi “bỏ nhỏ”: “Mẹ bây khó tính, có việc gì lỡ, con cứ đổ vạ cho ba là xong”. Nhà mình ở tầng hai, bốn bề không có nhà liền kề nên nắng đốt như lò bánh mỳ. Chưa kể trần bê tông không có mái che cách nhiệt. Mùa hè, nền nhà nóng như chảo rang trên bếp. Chiều nào đi làm về, bố chồng mình cũng xách nước lên lau nhà và đổ thẳng ra sàn. Đến giờ ngủ, rải chiếu xuống đất mà vẫn thấy lưng nóng giãy.

Cu nhớn nhà mình được ông chăm cho từng ly từng tí. Nửa đêm, nghe thằng cháu kêu khát, ông trèo từ gác lửng xuống, mang ca nước vào tận giường. Ngày hè, ông chạy theo cháu hết cả đoạn vỉa hè trước cửa intershop để dỗ cho nó ăn hết bát cháo. Khi hai đứa nhà mình đến tuổi đi mẫu giáo, khoảng bốn giờ, ông bỏ hết mọi việc để đi đón. Bọn trẻ hôm nào đi học cũng mếu máo: “Ông ơi, chiều ông đón cháu nhé”. Ông nội đi đón thích hơn mẹ vì ông sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu. Hai ông cháu còn “thỏa thuận” với nhau không nói cho mẹ biết.

Bố chồng mình là con trưởng, ở quê chuyên lo giỗ chạp nên nấu ăn “thần sầu”. Thời bao cấp, thực phẩm hiếm hoi. Thế mà mâm cỗ của ông vẫn đầy đủ tinh tươm. Những lát thịt thái mỏng như tờ poluya xếp lợp ngói một vòng quanh đĩa trông rất bắt mắt. Con gà cúng còi cọc đến mấy ông cũng xếp được đủ 4 mâm cho bà bày ở các ban. Mình là con út, nhà có tám anh chị em. Đến tận lúc lấy chồng mới được ông dạy cuốn nem. Giỗ chạp, ông lên thực đơn, mình đi chợ. Ông làm bếp trưởng, mình chạy lăng xăng, đánh chó đuổi mèo. Chiều ba mươi, ông đồ xôi, nấu chè, luộc gà đủ cho từng nhà. Các chị về ăn tất niên, ai nấy mang phần về cúng sang canh ở nhà. Mình tiếng là dâu trưởng, nhưng chẳng phải gánh vác trách nhiệm gì. Ông bảo, lúc khỏe, ông giúp được đến đâu, sẽ giúp. Khi nào ông nằm xuống mới “bàn giao” chính thức.

Một dạo, ông thấy mình với anh xã “mặt giăng mặt giời”. Nhân lúc con dzai không có nhà, ông hỏi con dâu ngọn nguồn rồi bảo: “Nếu nó không nên không phải với con thì ba sẽ từ nó”.

Minh thi trúng vào Quỹ Dân số LHQ và mang hai đứa đi Hà Nội. Ông thẫn thờ, ngẩn ngơ mất nhiều ngày. Mỗi dịp mình đi công tác, ông luôn xung phong lên ở cùng các cháu. Tết và nghỉ hè, mình cho các con về chơi, ngày nào ông cũng hỏi hai đứa muốn ăn gi để ông đi chợ. Cu lớn nhà mình có hai món khoái khẩu là chả lá lốt và thịt gà kho do ông nấu.

Tám mươi tuổi, ông vẫn đảm trách việc chợ búa, nấu ăn cho bà và anh xã mình. (Còn mình đã chuồn đi rất xa rồi). Nhà có 3 người, ăn hai kiểu. Bà kiêng đủ thứ, chỉ ăn thịt nạc rim và canh rau ngót, canh bí. Con dzai ăn đậu phụ, nhiều thịt, nhiều rau, nước mắm cay, ớt thái chỉ bỏ hạt. Bữa nào trên mâm cũng có bát mắm mới và đĩa ớt tươi rói (không có một hạt nào). Anh trai mình xuống chơi, thấy ông lui cui nấu bếp than tổ ong, bảo: “Sao ông không nghỉ ngơi đi để cho chồng cái Chung nó làm?” Ông cười móm mém (có răng giả nhưng ngại đeo): “Nó bận học. Học giỏi lắm, lại ngoan nữa. Thôi, ông làm cố một tý cũng xong”.

Tháng 6 năm 2010, ông ốm liệt giường, không nói được nữa. Thấy mình về, ông rất mừng. Ông ra hiệu lấy bảng đến cho ông viết. Chữ ông vốn rất đẹp, chuyên viết giấy khen cho đơn vị bộ đội và ở phường. Lúc ấy, cố gắng lắm, ông mới viết xong câu này: “… Hiện giờ ba quá yếu. Con là vợ chính thức. Con lo lắng cho H, ba có chết cũng an lòng con nhé”.

Bố chồng mình là thế. Đến phút cuối vẫn lo lắng cho con cháu. Những người như ông không bao giờ chết. Bởi ông sẽ sống mãi trong tim của những người ở lại.

Nguồn: FB Chung Lê.

10 nhận xét :

  1. thật cảm động!

    Trả lờiXóa
  2. P. THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 15:39 21 tháng 7, 2013

    Kể chuyện làm dâu mà chẳng kể ông xã làm rể thế nào ? Có bất công chăng ?

    Trả lờiXóa
  3. Thật là có phúc ..chị ạ

    Trả lờiXóa
  4. Chị thật có phúc khi có người cha chồng như vậy , ông cụ là người cha tốt quá.

    Trả lờiXóa
  5. Chị thật có phúc khi có được người cha chồng như ông cụ.

    Trả lờiXóa
  6. Ông cụ thật nhân hậu!

    Trả lờiXóa
  7. Cảm động quá chị Chung ạ! Mừng cho chị. Dù lấy bút danh Chung Lê nhưng mình cứ thấy văn phong giống Thanh Chung (Chung NY) quá trời.

    Trả lờiXóa
  8. Chung Lê có người bố chồng tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  9. Chung Lê có một người bố chồng rất tốt của một thế hệ rất tốt

    Trả lờiXóa
  10. Bà Chung Lê nầy, có lẽ đã tu 9 kiếp , nên mới có được người bố chồng như thế ! Phải không ạ ?

    Trả lờiXóa