Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

NGƯỜI VIỆT KHẮP NƠI BÀY TỎ NIỀM TIẾC THƯƠNG TS. NISHIMURA MASANARI


Người Việt tiếc thương nhà khảo cổ Nhật Bản

Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người bày tỏ lòng thương tiếc tiến sĩ Nishimura Masanari, người có công lớn với ngành khảo cổ Việt Nam và vừa tử nạn hôm qua.  

Sự ra đi của tiến sĩ người Nhật Bản Masanari, người có 20 năm gắn bó với nền khảo cổ Việt Nam. khiến nhiều người cảm thấy xót xa nuối tiếc. Những lời tri ân và thương tiếc xuất hiện trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, với những lời chia sẻ của mọi người Việt Nam, nhất là những người từng được gặp và làm việc cùng ông. 

Nickname minhtamphamdht viết: "Vĩnh biệt anh, người bạn lớn của gia đình chúng tôi, kỷ niệm và sự ân tình của gia đình anh với chúng tôi sẽ không bao giờ quên. Xin chia buồn cùng chị Noriko và các cháu về nỗi đau này".

Trên trang xuandienhannom.blogspot.com, Ngô Hoài Chung, người từng cộng tác với Masanari nhớ như in những lần gặp tiến sĩ người Nhật. "Tôi từng gặp tiến sĩ trong quá trình tổ chức khai quật tại làng cổ Đông Sơn, Thanh Hoá năm 2008".

Sau đó, năm 2009, anh cùng tiến sĩ Nguyễn Giang Hải đi công tác tại Nhật Bản, và anh đã đến thăm tiến sĩ Masanari tại nhà riêng. "Ông và vợ ông là tiến sĩ Noriko cùng hai con trai đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam. Ông luôn coi Việt nam như là quê hương thứ hai".

"Trong tâm trí tôi, ông là người có một tâm hồn bình dị và luôn luôn yêu đời. Mỗi khi vui vẻ ông cười rất to, rất vô tư. Ông rất giỏi tiếng Việt và yêu văn hoá Việt, ông thích và sành ẩm thực Việt như một người Việt Nam chính hiệu".

"Tôi thực sự bị sốc khi ông mất đột ngột ở độ tuổi này. Theo tôi, ông ra đi không chỉ là sự đau đớn cho gia đình ông, cho bạn bè ông mà còn là tổn thất cho ngành khảo cổ Việt Nam", Ngô Hoài Chung viết.

Một người khác kể: "Tôi từng có 5 buổi trình bày với ông về văn hóa Việt Nam, lúc đó tóc ông chưa bạc như bây giờ. Trẻ trung, ăn mặc rất ngầu (kiểu phóng viên chiến trường), đi con xe máy Nga rất hầm hố và lượn khắp nơi để làm khoa học".

"Ông từng là đồng nghiệp của bố tôi", một thành viên diễn đàn trên kể. "Masanari khóc rất nhiều trong đám tang bố tôi - cũng mất vì tai nan giao thông trên đường đi khảo cổ ở Nam Định năm 2000. Giờ đây tôi lại khóc vì sự ra đi của ông. Thương tiếc vĩnh biệt tiến sĩ!".    

Không chỉ là người từng gặp và làm việc với tiến sĩ Masanari, trên các diễn đàn có hàng trăm comment tỏ lòng kính trọng với nhà khoa học người Nhật. 

"Là dân thường, song tôi vô cùng kính trọng người con của Nhật Bản, một dân tộc mà chúng tôi luôn học tập. Xin chia buồn cùng gia đình ông và đất nước. Tôi mong sao con người và đất nước tôi học được điều gì đó ở ông và con người ông", thành viên của xuandienhannom viết.

Đồng cảm xúc, Muathuhanoi xin thành tâm gửi đến gia đình tiến sĩ Masanari lời chia buồn sâu sắc, lòng tiếc thương vô hạn và lời tri ân chân thành nhất về những tình cảm quý báu, những đóng góp to lớn của tiến sĩ Nishimura Masanari dành cho Việt Nam.

"Xin được cảm ơn gia đình yêu quý của ông về những tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam. Sự ra đi của ông là nỗi đau của tất cả chúng ta", Muathuhanoi viết.

Một thành viên khác viết: "Thật đau buồn và đáng tiếc. Ông mới 48 tuổi, độ tuổi hoạt động khoa học sung mãn nhất. Người Việt Nam nói chung và ngành khảo cổ học nói riêng hãy đừng để cái chết của ông thành vô nghĩa. Chúng ta hẳn phải rút ra được điều gì đó từ tai nạn cũng như tấm gương hoạt động khoa học của ông".


Độc giả VnExpress chia buồn với gia đình tiến sĩ
Độc giả VnExpress chia buồn với gia đình tiến sĩ Nishimura Masanari.

Nhiều độc giả khác của VnExpress cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình tiến sĩ Nishimura Masanari. "Đất nước Việt Nam và con người Việt Nam luôn biết ơn ông và mang một món nợ với ông", độc giả lấy tên là namkaokts chia sẻ.

Độc giả Nguyễn Thị xin được chia buồn đến gia đình anh Nishimura. "Người dân Bắc Ninh biết ơn anh nhiều lắm. Sự nghiệp khoa học anh dành cho quê hương Bắc Ninh là rất lớn. Vô cùng thương tiếc anh".

Nickname khác là drthanhnguyentienn cho rằng, sự ra đi của nhà khảo cổ Nhật Bản đồng nghĩa với việc Việt Nam mất đi một người bạn lớn, một người đầy tài năng. "Không biết trách ai nữa, vì quá nhiều người để trách", độc giả này viết.

"Cảm ơn đóng góp của vợ chồng cô chú với nền khảo cổ học Việt Nam. Cảm ơn những gì ông đã làm cho Việt Nam", độc giả Viet viết.

"Xin trân trọng cảm ơn những công lao và tình cảm của tiến sĩ dành cho quê hương tôi. Cầu chúc ông ra đi thanh thản và sớm siêu thoát. Tai nạn giao thông Việt Nam, bao giờ giảm đây?"", Hoa Lê viết.

Độc giả phqthanh viết: "Nishimura Masanari, bạn sống với chúng tôi, bạn ra đi mãi mãi vì chúng tôi . Xin gửi lời xin lỗi và chia buồn của chúng tôi đến gia đình".

"Vô cùng tiếc thương Tiến sỹ Masanari, một nhà khoa học Nhật Bản có tấm lòng yêu Việt Nam. Xin gửi lời chia buồn tới gia đình ông và cầu chúc linh hồn ông được bình yên nơi . Mong sao đất nước, con người Việt Nam phát triển", độc giả Phạm Khiêm viết.

Thông tin về sự ra đi của nhà khoa học người Nhật cũng nhận được sự chia sẻ từ cộng đồng Facebook. "Mong bác an nghỉ và siêu thoát, mình có cảm giác đây là người đã đi cùng mình trên một chuyến xe về quê cách đây không lâu. Lúc đó, em trai mình còn nhỏ bị say nên một bác người Nhật đã gọi mình lại cho khăn ướt, bác ấy cũng nói tiếng Việt rất giỏi và có vẻ rất giống người tôi nhìn trong ảnh", theo nickname Tôm Chí Đông. 

Ngoài sự thương tiếc, các thành viên mạng còn kêu gọi cộng đồng làm gì đó để giảm bớt tai nạn giao thông, lái xe có ý thức hơn để không vô tình thành kẻ giết người.

Máy ngày nay chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp trên các quốc lộ làm nhiều người, trong đó có trẻ em, thiệt mạng. Theo tổng hợp của Cục Cảnh sát giao thông, tuần đầu tiên của tháng 6, có 339 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước, làm 151 người chết, 232 người bị thương. 

Hương Thu
Nguồn: VNE

TS. Trần Đức Anh Sơn:
Bàng hoàng và thương tiếc anh Nishimura Masanari
6/10/2013 9:59:23 AM

Cách đây một tuần, tôi gửi email cho TS. Nishimura Masanari để nhờ anh giới thiệu cho tôi một số học giả Nhật Bản chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam để tôi và đoàn làm phim về chủ quyền biển đảo Việt Nam (của Đài truyền hình TPHCM) xin phép phỏng vấn. Đồng thời, cũng nhờ anh Nishimura giới thiệu một số bảo tàng và thư viện có nhiều hiện vật và tư liệu liên quan đến văn hóa biển và quan hệ hải thương giữa Nhật Bản với Việt Nam để đoàn đến quay phim. Chiều ngày 6/6/2013, anh Nishimura gửi email cho tôi, giới thiệu 4 học giả và 6 bảo tàng ở Nhật Bản cho chúng tôi. Anh viết: mình có quen biết với những học giả này và với các bảo tàng này nên sẵn sàng giúp đỡ anh Sơn và đoàn làm phim hoàn thành bộ phim. Do bận tham dự một hội thảo ở Nha Trang nên tôi chưa trả lời anh được. Sáng ngày 9/6/2013, sau khi trình bày tham luận tại hội thảo, tôi tranh thủ check mail và dự định trả lời mail cho anh Nishimura. Vừa mở email, chưa kịp viết thì thấy điện thoại của Nishimura gọi tới, tôi nghĩ là anh thấy tôi chưa trả lời email của anh nên gọi điện hỏi tôi đã nhận được email của anh chưa, nhưng người gọi cho tôi là một phụ nữ. Chị ấy hỏi: Anh có biết chủ nhân số điện thoại này không? Tôi nói : Đó là số của anh Nishimura, người Nhật, bạn của tôi. Chị ấy nói: vậy thì anh đến ngay đường 5, anh ấy bị tai nạn ô tô, rất nguy kịch. Tôi sững sờ khi nghe tin này, không biết xử trí như thế nào. Phải mấy phút sau tôi mới có thể gọi điện cho những người bạn ở Đại học KHXH và NV Hà Nội để nhờ họ đến hiện trường xem xét vụ việc và gọi cho anh Nakamura Masami, bạn chung của tôi và Nishimura để báo tin và nhờ anh ấy liên hệ với Đại sứ quán Nhật Bản để giải quyết vụ việc. Tôi cầu mong anh ấy sẽ qua khỏi nhưng đến 10g thì anh Nakamura báo tin là anh Nishimura đã không còn nữa. Đau đớn quá. Tôi chưa kịp trả lời email của anh, chưa kịp hẹn gặp anh ở Nhật thì anh đã ra đi.

Nishimura là người đã khai mở cho tôi nhiều vấn đề về khảo cổ học xứ Huế dù tôi là người Huế. Anh cũng là người đã mang tôi tới Okinawa để nghiên cứu những di chỉ có đồ gốm Việt Nam ở quần đảo này, là người gợi ý cho tôi nghiên cứu đề tài về quan hệ giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18, là người luôn tư vấn cho tôi những vấn đề nghiên cứu về gốm sứ Việt Nam ở Nhật. Tôi mang ơn anh rất nhiều. Vì thế, sự ra đi của anh làm tôi đau đớn biết chừng nào.

Trần Đức Anh Sơn
(Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng)
Nguồn: Tuổi Trẻ


4 nhận xét :

  1. Lại một người tử tế nữa ra đi. Thành kính chia buồn với Mishimura-Masanari và gia quyến .Ôi Việt Nam ! Đất nước, con người. Xin ghi thêm 1 vết son cho BT. Đinh La Thăng.

    Trả lờiXóa
  2. Xin chia buồn với Mishimura-Masanari và gia quyến lời chia buồn sâu sắc, lòng tiếc thương. Sự cống hiến hy sinh những đóng góp của Ông với VN. Thật đáng quí...

    Trả lờiXóa
  3. Ôi ! Giang Sơn gấm vóc . Người nước ngoài càng tìm hiểu hiểu càng mê . Thế mà lắm kẻ lại đem cấm cố cho ngoại bang để kiếm chút vinh hoa phú quí nhất thời .
    Thành thực chia buồn cùng tang quyến và thành kinh nghiêng mình trước anh linh một con người cao cả vì VN mà hi sinh !

    Trả lờiXóa
  4. Tôi không là người trong lĩnh vực khảo cổ nên trước giờ phút này chưa biết gì về ông và gia quyến. Nay đọc trên blog Xuân Diện biết tin tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng ông khi đi xe máy, thật lòng tôi rất thương tiếc và xúc động lớn về đau thương này của gia đình và bạn bè ông. Tôi đã có dịp đến Nhật bản và rất khâm phục tính cách của người Nhật như thật thà, nói nhỏ không oang oang trên bất kì ở đâu, mong người Việt ta cũng cần học tập những nét văn minh của họ. Đặc biệt ngành giao thông nên có các giải pháp hữu hiệu hơn giảm thiểu tai nạn giao thông.
    Tiện đây tôi cũng xin có 1 lời khuyên nhắn nhủ ngành giao thông Hà nội nên học tập cách phân luồng đường đi cho ô tô và xe máy xe đạp như TP Hồ chí Minh và Vũng tàu mà tôi chứng kiến.Mặt đường cần phẳng phiu không lởm khởm rất dể gây tai nạn.

    Trả lờiXóa