Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

TOÀN VĂN KIẾN NGHỊ 72 ĐÃ ĐƯỢC GỬI ĐẾN TỪNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI


THÔNG BÁO CỦA NHÓM SOẠN THẢO VÀ KÝ KIẾN NGHỊ 72 VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP


Dưới đây là thư của nhóm soạn thảo và ký Kiến nghị ngày 19-1-2013 về sửa đổi Hiến pháp (thường gọi tắt là Kiến nghị 72) đã gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ riêng của từng đại biểu Quốc hội khóa 13 từ ngày 16 tháng 4 năm 2013. Chúng tôi xin đề nghị quý vị đã đồng tình và hưởng ứng Kiến nghị 72, với tư cách cử tri, hãy yêu cầu các đại biểu Quốc hội mà mình đã bầu quan tâm đến những vấn đề cấp thiêt được đề cập trong Kiến nghị 72 và trong thư nói trên, để góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng một Hiến pháp phù hợp với ý chí của nhân dân.

                                                       Hà Nội ngày 16 tháng 4 năm 2013

Kính gửi các vị Đại biểu Quốc hội khoá XIII 

Chúng tôi thay mặt những người đã ký Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xin gửi tới quý vị, các thành viên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta, lời chào trân trọng với niềm tin rằng những ý kiến dưới đây của chúng tôi sẽ được quý vị lưu tâm.

1. Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có chữ ký trực tiếp của 72 người (dưới đây gọi tắt là KN72, xin gửi kèm thư này như một phụ lục), được công bố ngày 19 tháng 1 năm 2013 và chính thức trao trực tiếp cho Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vào ngày 4 tháng 2 năm 2013. KN 72 đã đề cập thẳng thắn một số vấn đề cốt lõi về đổi mới thể chế chính trị cần được thảo luận rộng rãi, công khai và dân chủ, để góp phần tạo đồng thuận xã hội và đoàn kết dân tộc về một bản Hiến pháp khả dĩ đáp ứng nhu cầu phát triển và bảo vệ đất nước, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Như vậy, KN 72 hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội về việc Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó nêu rõ: “Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.” 

Bản KN72 được nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội nhiệt tình hưởng ứng, trong đó có hơn 14 nghìn người tính đến nay đã đăng ký ghi tên tán thành. Tuy nhiên, KN72 đã không được Uỷ ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp công bố sau khi tiếp nhận, cũng không được các phương tiện truyền thông của Nhà nước phổ biến để mọi người có thể tham khảo và tham gia thảo luận. Trong khi không đăng tải nội dung cụ thể của kiến nghị, một số đài báo lại đưa ra những bình luận mang tính quy chụp, không đúng với tinh thần góp ý xây dựng của KN72. Không chỉ kiến nghị của chúng tôi, mà nhiều ý kiến đóng góp khác của nhân dân không phù hợp với Dự thảo do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố cũng bị cư xử tương tự. Điều đó trái với Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, trong đó quy định rõ: Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân. 

Ngoài việc đưa tin và bình luận một chiều, thiếu minh bạch, cách tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về sửa đổi Hiến pháp đang được tiến hành mang nặng tính hình thức, áp đặt thiếu dân chủ và quá tốn kém khiến cho dư luận xã hội tiến bộ bất bình, hoài nghi chính quyền về thái độ tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân và về sự nghiêm túc trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì vậy, chúng tôi đề nghị quý Đại biểu can thiệp một cách có hiệu quả và đề xuất Quốc hội triển khai những biện pháp thiết thực, kịp thời để chấn chỉnh tình trạng hình thức, mất dân chủ, thiếu trung thực… trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân.

Về phần mình, chúng tôi sẵn sàng đối thoại công khai trên mọi diễn đàn trong cả nước, cùng nhau tìm ra phương án tối ưu cho một bản Hiến pháp mới, thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của đất nước. 

2. Quyền lập hiến nhất quyết phải là của toàn dân. Vì vậy, một lần nữa chúng tôi kiến nghị Hiến pháp cần quy định: “Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu ý dân được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới”. Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân không thể thay thế cho việc trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân là để nhân dân được lựa chọn và quyết định bằng phiếu kín những điều dân muốn. Còn lấy ý kiến đóng góp của dân như cách làm hiện nay thì kết quả bị phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tổ chức đứng ra lấy ý kiến.

Trong cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp lần này, những vấn đề cốt lõi còn có ý kiến khác nhau, như một số vấn đề đã được nêu trong KN72, cần được đưa ra để nhân dân lựa chọn bằng phiếu kín, tương tự như trong các cuộc bỏ phiếu phổ thông được tổ chức theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu quý Đại biểu và toàn thể Quốc hội sớm quyết định việc sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp để có thời gian chuẩn bị công việc hệ trọng này lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Điều đó sẽ tỏ rõ ý chí của Quốc hội trong việc thực hiện quyền làm chủ của dân, động viên được đồng bào trong và ngoài nước tham gia tích cực và thiết thực hơn vào việc xây dựng Hiến pháp của nước ta.

Xin trân trọng cám ơn. 

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI KÝ TÊN   
(Gồm 15 người đã đến trao KN72 trực tiếp cho UBDTSĐHP1992  ngày 4 tháng 2 năm 2013)
  1. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  2. Phan Hồng Giang, TSKH, nhà nghiên cứu văn hóa, Hà Nội
  3. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn TNCS HCM, TP HCM
  4. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên thành viên Viện IDS, Giám đốc NXB Tri thức, Hà Nội
  5. Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  6. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
  7. Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  8. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó chủ tịch  LH các Hội KH&KT Việt Nam, Hà Nội
  9. Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội
  10. Huỳnh Tấn Mẫm, BS, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, TP HCM
  11. Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An
  12. Hoàng Xuân Phú, GS, Viện Toán học, Hà Nội
  13. Nguyễn Minh Thuyết, GSTS, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hà Nội
  14. Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  15. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế

 Nguồn: Ba Sàm.

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo), chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, xin trình bày với Quốc hội và Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một số kiến nghị, đồng thời mong mỏi toàn thể đồng bào trong và ngoài nước thẳng thắn nói lên ý kiến để nhân dân ta có một Hiến pháp bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Hiến pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành phần đa dạng trong xã hội. Dự thảo chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực. Kiểm soát bên trong giữa các nhánh quyền lực nhà nước bằng các cơ chế đối trọng kiềm chế lẫn nhau, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp không thể vượt quá giới hạn được ấn định. Kiểm soát từ bên ngoài đối với công quyền được thực hiện bởi nhân dân với vai trò quan trọng của xã hội dân sự mà tiền đề là các quyền tự do về ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình,...
Hiến pháp phải mang tính chính đáng được đo bằng nhiều tiêu chí. Thứ nhất, hiến pháp phải có mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, kiến tạo tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc; đồng thời đoàn kết toàn dân, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng đến sự phát triển bền vững của dân tộc. Thứ hai, hiến pháp phải thể hiện ý chí chung của nhân dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để lập ra các cơ quan nhà nước. Thứ ba, hiến pháp phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ biến của thế giới văn minh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Theo tinh thần đó, trước mắt chúng tôi kiến nghị 7 điểm như sau.
Kiến nghị thứ nhất về Lời nói đầu và về Chương I
Lời nói đầu của Dự thảo không làm rõ mục tiêu của hiến pháp và chủ thể quy định hiến pháp. Hiến pháp cần xác định mục tiêu trước hết là để bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Một bản hiến pháp tốt phải hạn chế sự lạm quyền của những người cầm quyền, tạo dựng khuôn khổ cho các sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá diễn ra một cách an bình và hiệu quả. Hiến pháp cũng phải hướng đến hạnh phúc của các thế hệ tương lai.
Quyền lập hiến (xây dựng, ban hành hay sửa đổi hiến pháp) là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Lời nói đầu cần xác định rõ chủ thể quyết định, ban hành hiến pháp là nhân dân.
Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Lời nói đầu của Dự thảo không đáp ứng được các yêu cầu trên nên chúng tôi đề nghị bỏ và thay bằng:
Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân,  vì một xã hội dân chủ, công bằng và pháp quyền, vì tự do và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai, chúng tôi, nhân dân Việt Nam, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này.
Trong Chương I, cần nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền nhân dân đòi hỏi phải tôn trọng ý của dân tộc. Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền. 
Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân.
Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận.
Kiến nghị thứ hai về quyền con người
Một mục đích của việc thành lập Nhà nước là để bảo vệ các quyền đương nhiên của con người. 
Dự thảo đã điều chỉnh thứ tự để đề cao các quyền này so với Hiến pháp hiện hành, nhưng lại có nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người; như các quy định trong Dự thảo về giới hạn quyền (Điều 15), “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân” (Điều 16), “quyền không tách rời nghĩa vụ (Điều 20). Dự thảo còn quy định quá nhiều nghĩa vụ một cách tùy tiện (Điều 41, Điều 42, Điều 49,…). Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”, ... nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm qua ở nước ta.
Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Nếu các quyền này được ghi trong Hiến pháp mà không được thực thi nghiêm túc như hiện nay, thì việc quy định các quyền ấy cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Hiến pháp quy định thành lập một Ủy ban Quốc gia về Quyền Con người hoạt động độc lập.
Kiến nghị thứ ba về sở hữu đất đai
Chế độ sở hữu tư nhân về đất đai đã tồn tại từ lâu trên đất nước ta. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam 1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội. Điều 57 Dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” là duy trì quy định sai trái, bỏ qua những vấn đề ngày càng trầm trọng do quy định này gây ra mà hàng triệu khiếu nại, khiếu kiện về đất đai trong những năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hết sức nguy hiểm.
Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân. 
Dự thảo còn “hợp hiến hóa” việc thu hồi đất, trong đó lại mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đây là một sự thụt lùi so với Hiến pháp 1992 và có thể gây bùng nổ bất ổn xã hội. 
Vì thế chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 57 của Dự thảo, trở lại như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Có thể quy định như sau: “Sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và các tài nguyên, nguồn lợi khác ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư.”
Thay thế quy định thu hồi đất bằng trưng mua đất và không áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội như nêu trong Điều 58 của Dự thảo.
Kiến nghị thứ tư về tổ chức Nhà nước
Tổ chức bộ máy Nhà nước phải phân biệt rạch ròi các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các cơ quan hiến định khác. Tất cả các cơ quan nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và luật. Các nhánh quyền lực ràng buộc, chế ước lẫn nhau nhưng không thể bị chi phối bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân duy nhất nào, nghiêm cấm mọi sự độc quyền quyền lực. Đặc biệt, hệ thống tư pháp phải được bảo đảm trên thực tế quyền xét xử độc lập, chỉ dựa vào Hiến pháp và luật. Tòa án Hiến pháp phải được thành lập, có chức năng phán quyết, chứ không phải là tư vấn, kiến nghị như chức năng của Hội đồng Hiến pháp được quy định trong Dự thảo.
Kiến nghị thứ năm về lực lượng vũ trang
Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kiến nghị thứ sáu về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp
Quyền lập hiến là quyền của toàn dân, phải phân biệt với quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy phải có trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp. Chúng tôi đề xuất quy định trong Hiến pháp: “Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu dân ý được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới.
Kiến nghị thứ bảy về thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp
Việc lấy ý kiến đóng góp của toàn dân về sửa đổi Hiến pháp là một việc hệ trọng đến vận mệnh quốc gia, phải được tiến hành một cách nghiêm chỉnh, không thể tắc trách, lấy lệ. Vì vậy, thời hạn lấy ý kiến của nhân dân chỉ trong vòng ba tháng là quá ngắn, dễ dẫn đến tình trạng làm một cách hình thức cho qua chuyện. Vì vậy chúng tôi kiến nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm 2013, đồng thời khuyến khích đề xuất các dự thảo khác để Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng toàn thể đồng bào tham khảo, so sánh, thảo luận nhằm xây dựng một bản hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia.
Sửa Hiến pháp theo tinh thần của các kiến nghị nêu trên sẽ phát huy dân chủ và hoà hợp dân tộc – những đòi hỏi hết sức bức xúc của nhân dân trong giai đoạn trước mắt, cũng như cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước.
Chúng tôi tha thiết mong mỏi đồng bào trong và ngoài nước hưởng ứng bản Kiến nghị này bằng cách đăng ký tham gia ký tên theo địa chỉ thư điện tử:
kiennghisuadoihienphap2013@gmail.com
Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2013 
* Chú thích: Theo tinh thần đó, một số chuyên gia luật ở trong nước đã soạn một dự thảo hiến pháp được gửi kèm Kiến nghị này như một tài liệu để tham khảo và thảo luận.
DANH SÁCH NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992
  1. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  2. Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu, Hà Nội
  3. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, TP HCM
  4. Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, TP HCM
  5. Nguyễn Huệ Chi, GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội
  6. Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động, TP HCM
  7. Phạm Vĩnh Cư, nhà nghiên cứu, Hà Nội
  8. Nguyễn Xuân Diện, TS, Hà Nội
  9. Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  10. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
  11. Nguyễn Văn Dũng, nhà văn, võ sư, Huế
  12. Hồ Ngọc Đại, GS TS, nhà giáo, Hà Nội
  13. Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa 4, 5, TP HCM
  14. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM
  15. Lê Hiền Đức, Giải thưởng Liêm chính 2007, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Hà Nội
  16. Phan Hồng Giang, TSKH, Hà Nội
  17. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist), TP HCM
  18. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  19. Nguyễn Gia Hảo, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Hà Nội
  20. Đặng Thị Hảo, TS, Hà Nội
  21. Võ Thị Hảo, nhà văn, Hà Nội
  22. Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  23. Hồ Hiếu, cựu tù Côn Đảo, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Mặt trận, Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, TP HCM
  24. Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế
  25. Nguyễn Văn Hồng (tức Cung Văn), nguyên Tổng Thư ký Ban chấp hành Sinh viên đoàn Đại học Văn khoa Sài Gòn 1964-1965, Đà Nẵng
  26. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
  27. Nguyễn Thế Hùng, GS TS, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, Đà Nẵng
  28. Trần Ngọc Kha, nhà báo, Hà Nội
  29. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
  30. Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Phó Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  31. Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, TP HCM
  32. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
  33. Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội
  34. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, Hà Nội
  35. Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
  36. Huỳnh Công Minh, linh mục Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  37. Phạm Gia Minh, TS, Hà Nội
  38. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
  39. Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An
  40. Hạ Đình Nguyên, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
  41. Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  42. Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn, Hà Nội
  43. Phạm Đức Nguyên, PGS TS, giảng viên cao cấp Đại học, Hà Nội
  44. Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc chính trị nhật báo Tin sáng, TP HCM
  45. Nguyễn Hữu Châu Phan, nhà nghiên cứu, Huế
  46. Hoàng Xuân Phú, GS Viện Toán học, Hà Nội
  47. Trần Việt Phương, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  48. Nguyễn Đăng Quang, nguyên Đại tá Công an, Hà Nội
  49. Đào Xuân Sâm, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  50. Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
  51. Trần Đình Sử, GS TS, Hà Nội
  52. Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn, Hà Nội
  53. Lê Văn Tâm, TS, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản
  54. Trần Công Thạch, hưu trí, TP HCM
  55. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM
  56. Trần Thị Băng Thanh, PGS TS, Hà Nội
  57. Lê Quốc Thăng, linh mục Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  58. Đào Tiến Thi, thạc sĩ, Hà Nội
  59. Nguyễn Minh Thuyết, GS TS, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hà Nội
  60. Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội
  61. Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM
  62. Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  63. Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  64. Hoàng Tụy, GS, Viện Toán học, nguyên Chủ tịch Viện IDS, Hà Nội
  65. Lưu Trọng Văn, nhà báo, TP HCM
  66. Trần Thanh Vân, kiến trúc sư, Hà Nội
  67. Nguyễn Viện, nhà văn, TP HCM
  68. Nguyễn Hữu Vinh, doanh nhân, Hà Nội
  69. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế
  70. Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn, Huế
  71. Nguyễn Đông Yên, GS TS, Viện Toán học, Hà Nội
  72. Nguyễn Phú Yên, nhạc sĩ, TP HCM

 

30 nhận xét :

  1. Thật là những con người tâm huyết với đất nước

    Trả lờiXóa
  2. Ủng hộ "THÔNG BÁO CỦA NHÓM SOẠN THẢO VÀ KÝ KIẾN NGHỊ 72 VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP".
    Cảm ơn các bác.

    Trả lờiXóa
  3. Đây là tâm huyết và tấm lòng yêu nước của các nhân sỹ trí thức. Đề nghị các đại biểu quốc hội khi nhận được thông tin cần trân trọng, nghiên cứu kỹ và có phản hồi đầy trách nhiệm và càng minh bạch cho toàn dân hiểu rõ thì càng được quý trọng!

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Văn Nhậtlúc 11:46 17 tháng 4, 2013

    Thưa quý vị,rất khâm phục ý chí xây dựng đất nước của Quý vị nhưng quý vị gửi thư này cho các đại biểu Quốc Hội thì ích gì vì quốc hội ta là quốc hội gật mà, họ chỉ cần ta khi ứng cử mà thôi "mà thật ra họ cũng chẳng cần đến ta thì họ cũng đắc cử" Khi dân gặp nạn thì có bao giờ thấy một vị đại biểu nào lên tiếng bênh vực nhân dân đâu. Điển hình như vụ án của Anh hùng Đoàn Văn Vươn, có một đại biểu nào lên tiếng bênh vực đâu. Thật là xót xa cho thân phận người dân Việt

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác góp ý rất đúng , tuy nhiên theo thiển ý của tôi thì đây (THÔNG BÁO CỦA NHÓM SOẠN THẢO VÀ KÝ KIẾN NGHỊ 72 VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP ) là một quyết định thông minh và đầy trí tuệ bởi các lý do sau :

      - Gửi thông báo tới toàn thể các đại biểu quốc hội , bởi chắc gì ( trong số hàng trăm đại biểu ) đã tiếp cận , đọc và nghiên cứu về kiến nghị 72 , trong khi chính họ ( các đại biểu quốc hội ) lại là người có quyền phúc quyết sau cùng về mọi sự điều chỉnh hay thay đổi nếu có . Còn kiến nghị chính thức thì đã gửi cho ban soạn thảo rồi ( ngày 4 tháng 2 năm 2013 )
      - Đúng trọng tâm và đúng đối tượng ( các đại biểu ) bởi ở nước ta khái niệm về : ĐẢNG - NHÀ NƯỚC - QUỐC HỘI , đôi khi chỉ là một
      - Đây là một thông báo để ngỏ vì sau này có thể còn có tiếp các thông báo 3, 4 ,5,,,v.....v

      Xóa
    2. Bạn nói như suy nghĩ của tôi

      Xóa
  5. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 14:23 17 tháng 4, 2013

    Đàn của các bác kí KN 72 lần này có gảy tai trâu không quí vị ?

    Trả lờiXóa
  6. Tôi thường xuyên vào mạng, nên tôi đọc được KN 72, bản HP 2013, các thông báo, các góp ý, các bài viết v.v... của nhiều quý vị đã ký tên trong KN 72, tôi thật sự cảm động và khâm phục các quý vị bởi các quý vị không những là những người học cao biết rộng mà còn là những người, hết lòng với nước, hết lòng với dân, lúc ăn cũng lúc ngủ trong lòng cũng đau đáu một nỗi lo của dân của nước, Các quý vị cũng là những người trung thực, thẳng thắn, bất chấp hiểm nguy để mong đưa tiếng nói máu thịt của mình cho đảng cho dân. Vậy mà sao đảng không nghe? Đảng vì đảng hay vì dân? Tôi mong các đại biểu QH hãy tỉnh táo, hãy sống thật, hãy vì dân vì nước mà làm tròn trọng trách của mình. Tôi biết các ĐB là đảng viên, nhưng trước khi là đảng viên các quý vị hãy là một con dân của nước Việt. Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  7. hãy cổ vũ ủng hộ các bác .

    Trả lờiXóa
  8. Với phong thái đĩnh đạc , tấm lòng nhân hậu và trái tim dũng cảm, hình ảnh 72 Nhân Sỹ và trí thúc đang khắc sâu vào tâm trí hàng triệu , triệu người dân VIỆT NAM . các vị đã không chọn cách để lưu danh nhưng chính lịch sử và nhân dân đang gọi tên các vị như những người con vinh quang .Hỡi các vị đại biểu Quốc Hội , mong các vị hãy sáng suốt lựa chọn con đường để đất nước đi lên như nhân dân đã sáng suốt khi lụa chọn các vị .
    Xin gửi tới Bác NGUYỄN ĐÌNH LỘC , cùng 72 vị Nhân sỹ và trí thức , cũng như hàng vạn đồng bào đã tham gia ký kiến nghị 72 lời chúc tốt đẹp và kính trọng nhất của tôi .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
  9. Thật cảm động-Xin chúc sức khỏe và thành công!

    Trả lờiXóa
  10. Thời gian khoảng 2 tháng qua, VTV, báo QĐND, ND,… ra sức xuyên tạc vu cáo những người ký Kiến nghị 72. Đó là việc làm trái pháp luật, trái Nghị quyết 38/2012/QH13 của Quốc hội về việc Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nghị quyết đã viết:
    “Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”
    Những người ký KN 72 chí ít cũng là “nhân dân”, tại sao khi nêu ý kiến khác với ý muốn của các vị, các vị đã giãy nảy lên, chụp ngay cho họ cái mũ “thế lực thù địch” ?
    Đặc biệt là các vị đã làm cái việc rất là phi văn hoá. Một mặt thì sử dụng tràn lan phương tiện của nhà nước (tức là tiền của nhân dân) để cả vú lấp miệng em, tuyên truyền theo kiểu “Tăng Sâm giết người”; mặt khác, đánh sập các trang mạng “lề dân” để các trí thức mất phương tiện phản biện. Nội dung các bài viết, phát biểu thì dùng lý sự cùn hoặc không cần một chút lý luận gì, cứ việc kết tội thoải mái đối phương. Lại còn mượn lời “quân chúng tự phát” để họ nói theo bài soạn sẵn…
    Phải nói: Đó toàn là những việc làm đáng xấu hổ. Vô cùng xấu hổ. Không thể tưởng tượng được, những việc trên lại diễn ra trong một nhà nước pháp quyền, trong một thể chế “dân chủ gấp vạn lần các thể chế dân chủ khác” như lời bà PCT nước Nguyễn Thị Doan nói.
    Không có chính nghĩa mọi thủ đoạn đều không có tác dụng. Thậm chí, những cách làm trên chỉ đem kết quả ngược lại mà thôi.

    Dù sao thì tôi vẫn hy vọng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ vẫn còn có nhiều người có lương tri, chỉ có điều còn nhiều e ngại và bị câu thúc. Xin các vị, nhất là Chủ tịch nước, bằng quyền lực của mình, tới đây ra lệnh cho các cơ quan chức năng chấm dứt việc làm đáng xấu hổ trên.
    Đào Tiến Thi

    Trả lờiXóa
  11. Hàng chục nghìn tiến sỹ mà chỉ có 72 trí thức thôi sao?

    Trả lờiXóa
  12. Việc làm của các vị rất khôn ngoan : Gửi thư ngỏ cho tất cả ĐBQH chứ không chỉ gửi cho mấy ông ở UB soạn thảo khiến họ hết đường bưng bít , đồng thời cũng đặt lên vai những đại biểu của dân một thử thách rất lớn : " trả lời hay im lặng " . Qua đó để thấy QH có thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất ? Riêng tôi cho rằng, chúng ta nên đấu tranh để bàu ra một QH đúng nghĩa , tức không để QH thành Tổ chức riêng, làm tay trong cho Đảng, thực chất là của một số người có chức quyền . QH cần độc lập vớii mọi đảng phải chính trị và phải thực sự có quyền lực cao nhất quyết những v/đ quan trọng nhất theo ý chí nguyênj vọng toàn dân thông qua trưng cầu dân ý. Trong đó, phải dành lấy quyền lựa chọn , giám sát, bãi miễn mọi thành viên chính phủ, không có sự can thiệp của Bân tổ chức TW. Trong hoàn cảnh chưa thể có đa đảng ( đúng đắn ) thì phát huy vai trò của QH có thể là một lựa chọn tối ưu.

    Trả lờiXóa
  13. Hoan nghênh các nhà tri thức yêu nước, làm đến cùng, làm bằng mọi cách, sáng tạo nhất, có hiệu quả nhất ,để thức tỉnh lương tri của mọi người. Nhân dân Việt nam yêu nước luôn bên cạch các vị, giới trí thức, người Việt yêu nước tự hào về các vị. Hồn thiêng sông núi, các anh linh liệt sĩ phù hộ cho các vị, phù hộ cho đất nước của tổ tiên sớm tai qua nạn khỏi

    Trả lờiXóa
  14. Bản kiến nghị này mong rằng các ĐBQH tiếp thu một cách nghiêm túc. Hãy gạt bỏ những mặc cảm, định kiến cùng nhau xây dựng HP hợp lòng Dân, chắc chắn xã hội sẽ văn minh hơn. 72 Nhân sĩ Trí thức là những người hết sức có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc Việt Nam. Chính họ là tinh hoa của dân tộc này, trong số đó có những vị là bậc cha chú, bậc thầy đối với tất cả giới chức lãnh đạo hiện nay và toàn thể nhân dân VN đang tồn tại trên mảnh dất hình chữ S này. Chúng ta phải biết cám ơn va luôn luôn biết ơn họ. Hãy cùng nắm chặt tay nhau. Hãy tôn trọng những ý kiến trái chiều nếu nó là đúng, là chân lý

    Trả lờiXóa
  15. Tôi ghi lại bức ảnh này để nói về thời khó khăn nhất về KT thời kì cuối của CS

    Trả lờiXóa
  16. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 10:27 20 tháng 5, 2013

    Gửi KN 72 cho từng ĐBQH là quí vị nhân sĩ trí thức bầy tỏ sự kính trọng và tin tưởng nơi quí vị ĐBQH và quí vị nhân sĩ trí thức cũng nhìn thấy vị ĐBQH nào sẽ đọc , sẽ quan tâm và có thể đưa vào nghị trình , vị nào sẽ chỉ đọc qua cho biết vì gần đây đã nghe nhiều nói đến KN này , vị nào sẽ liếc qua rồi bỏ qua một bên , vị nào chẳng thèm liếc qua và cũng chẳng thèm hỏi tới nó . Tác dụng của bản KN đến từng vị ĐBQH do đó cũng tuỳ theo mức độ khác nhau . Trong QH không phải chỉ có các vị gọi là nghị gật ( thành phần này có lẽ ngày một ít đi ) mà thành phần lưng chừng có lẽ nhiều ( các vị này có lẽ là thành phần kiêm nhiệm nhiều quá, bên hành pháp hay bên tư pháp và đoàn thể ), còn lại thành phần chuyên trách có khả năng đặt vấn đề và tranh luận , như thường thấy trong các lần họp QH vừa qua . Cái điều mà các vị nhân sĩ trí thức KN 72 và những người cùng kí ủng hộ KN mong đợi là KN này làm cho các ĐB nhân ra rằng những điểm nêu ra trong KN là thiết thực, là cần thiết và phải đưa vào bản đúc kết SĐHP lần này . Điều này tôi nghĩ sẽ do các ĐB thực sự quan tâm và tranh luận.
    Còn cứ như luận điểm của các báo đài NN và những bài phản biện của các DLV của Đảng gần đây thì quả thực làm cho nhiều người tâm huyết thất vọng. Nay bản KN 72 được gửi cho từng vị ĐBQH thì hy vọng nó sẽ có tiếng vang trong kì họp QH lần này lại loé lên .

    Trả lờiXóa
  17. Trân trọng vô cùng nghĩa cử vì dân của các nhân sĩ...!

    Trả lờiXóa
  18. Khi thảo HP 1946 Hồ Chủ Tịch cũng mời một nhóm nhân sỹ trí thức soạn thảo - HP 1946 ngày nay vẫn là Bản Hiến Pháp tiến bộ nhất so với các bản HP khác như; HP 1959, HP 1980, HP1992 & cả dự thảo sửa đổi HP 1992.

    Với nỗi lòng tâm huyết, đau đáu với vận mạng đất nước 72 nhân sỹ trí thức đã đề xuất Kiến nghị 72 khẳng định quyền của người Dân Nước Việt.

    Rất mong các vị Đại Biểu Quốc Hội mạnh dạn có phương pháp để bản Kiến nghị 72 được góp vào dự thảo HP nước nhà. Tốt nhất can thiệp để có cuộc trao đổi về kiến nghị 72 một cách công khai. Hơn nữa phải cử những người đại diện của nhân sỹ trí thức vào Ban soạn thảo để thực sự có một bản Hiến Pháp đảm bảo phát triển đất nước một cách bền vững trước mắt cũng như lâu dài và cuộc sống của người Dân được Hạnh Phúc.

    Trả lờiXóa
  19. Vô cùng khâm phục những sáng kiến của các vị. chúng tôi nguyện đi theo ủng hộ các vị nhân sĩ và kiến nghị 72 tới cùng và còn mong rằng các vị sẽ gủi thông báo đến nhiều nơi khác nữa , để nhân rộng cho nhiều tầng lớp trong XH được biết đến ,kiến nghị 72 .Và dần dần phá vỡ cái cơ chế bưng bít thông tin của đảng cộng sản . sau cùng tôi xin chúc các vị nhân sĩ và toàn thể những người đã kí kiến nghị 72 một sức khỏe rồi rào

    Trả lờiXóa
  20. Cảm ơn các bác đã thư và " Bản kiến nghị 72" cho các vị đại biểu quốc hội.Chúng tôi lại tiếp tục hy vọng.

    Trả lờiXóa
  21. Đây là một phép thử cho các Đại biểu QH.
    Trước đây, QH thường bỏ phiếu theo ý của BCT nhưng nay tình hình đã khác. Càng ngày, càng có nhiều ĐB QH có tư duy độc lập và thể hiện chính kiến của mình.
    Do không có cạnh tranh và không có dân chủ ngay trong Đảng cho nên Đảng ngày càng trở nên ngheo nàn đến thảm hại về trí tuệ.
    Chính sự nghèo nàn đó đã làm ngay cả các UVTƯ cũng cảm thấy chán ngay chính Đảng của mình.
    Các ĐB QH lại càng như vậy. Trong số các ĐB QH chắc chắn cũng có nhiều người giỏi giang. Họ không thể không nhìn ra sự đàng hoàng và đúng đắn của "Kiến Nghị 72" cũng như thấy rõ sự tăm tối của tay GSTS kia.
    Lần này các nhóm "Kiến Nghị 72" gửi trực tiếp cho các ĐB QH đã chứng tỏ họ còn tin vào nhận thức của các ĐB QH và cũng chứng tỏ một điều nữa là uy tín của GSTS nọ đã bằng Zero, không đáng được gửi nữa.

    Trả lờiXóa
  22. Vẫn thấy hình và tên ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thương quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong hoàn cảnh của VN hiện tại, Việc Ông Nguyễn Đình Lộc tham gia ký bản "Kiến Nghị 72" và sau đó vẫn không rút chữ ký là vô cùng đáng khâm phục. Dù thế nào, Ông vẫn là cựu bộ trưởng duy nhất tham gia ký bản kiến nghị này. Có ai ở vị trí tương tự như ông mà làm được như vậy không. Tôi muốn nói riêng với Ông Nguyễn Đình Lộc: Tôi khâm phục và ngưỡng mộ Ông. Cầu mong Đức Phật và Đức Chúa Trời phù hộ cho ông và gia đình.

      Xóa
  23. MỘT QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT VÀ CẦN THIẾT CỦA CÁC VỊ TRÍ THỨC. THẬT KHÔNG HỀ HỐI HẬN KHI THAM GIA KÍ KIẾN NGHỊ 72.
    ỦNG HỘ! ỦNG HỘ! ỦNG HỘ!

    Trả lờiXóa
  24. Mọi người hãy thể hiện lòng yêu nước của mình nhé, hãy ký tên vào danh sách ủng hộ "kiến nghị 72 " trên trang Bauxite Việt Nam , chúng ta hãy vì 1 Việt Nam tốt đẹp hơn.

    Trả lờiXóa
  25. Đất nước này cần những nhân sỹ, trí thức góp ý đưa đất nước thoát ra khỏi tình hình tồi tệ như hiện nay. Đất nước này không cần những anh phó tiến sỹ chuyên ngành "xây dựng đảng CS" như anh Trọng !

    Trả lờiXóa
  26. Tôi thật sự cảm phục nghĩa khí và tấm lòng vì nước, vì dân của các Bác trong KH 72. Đất nước sẽ mãi mãi ghi tạc các Bác. Tôi hy vọng điều đó chắc chắn sẽ được lịch sử dân tộc sau này khắc ghi. Chúc các Bác mạnh khoẻ, tiếp tục có đóng góp lớn hơn nữa vì Đất nước và giống nòi Việt Nam ta.

    Trả lờiXóa
  27. VIÊC LÀM NÀY LÀ RẤT HAY HỢP LÒNG DÂN TỔ QUỐC TA NHÂN DÂN TA LẠI CÓ HY VỌNG ĐƯỢC ĐỎI MỚI

    Trả lờiXóa