Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

NO CHINA SHOP - NƠI KHÔNG BÁN HÀNG TÀU

No China Shop - Nơi không bán hàng Trung Quốc



Trong khi hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, một doanh nhân trẻ đã nghĩ đến việc xây dựng phong trào bán và sử dụng các hàng hóa tiêu dùng không xuất xứ từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Nguyễn Hồ Nhật Thành, 27 tuổi, chìa cho tôi một chiếc phong bì lì xì in bản đồ Việt Nam kèm theo câu “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”. Tết vừa rồi, Thành đã in khoảng 10.000 chiếc phong bì như vậy để bán và “bán chạy đến không ngờ, khách hàng đặt in thêm 3.000 cái nữa mà không kịp thời gian” - Thành kể.

Không chỉ in phong bì, Thành còn in 100 chiếc áo thun với hình ảnh và khẩu hiệu “Việt Nam khẳng định chủ quyền” vừa để kinh doanh, vừa để cổ vũ cho chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo. Những ngày này, Thành đang đi từ TPHCM ra Hà Nội bằng đường bộ, vừa kết hợp đi “bán rong” vừa cổ động cho phong trào kinh doanh hàng không xuất xứ từ Trung Quốc.

Các sản phẩm của No China Shop đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận trong dịp tết vừa qua.

“Tất cả áo thun tôi đều mua từ các nhà sản xuất trong nước, chỉ trong một tháng trước tết, cứ nghĩ làm chơi mà thu về hơn 50 triệu đồng”. Thành - người luôn tỏ ra bức xúc với những hành động xâm lược của Trung Quốc - kể: “Hiện nay tôi đang tìm các nguồn cung cấp thực phẩm, hàng may mặc, tiêu dùng từ những nguồn trong nước hoặc các nước không phải Trung Quốc để cung cấp cho thị trường. Phân khúc thị trường của những người không muốn sử dụng hàng Trung Quốc đang ngày càng lớn, nhưng các doanh nghiệp trong nước lại bỏ quên vì không để ý, hoặc vì không tìm được nguồn hàng”.

 

Mọi chuyện bắt đầu từ giữa tháng 12.2012, khi doanh nhân trẻ này lập một trang facebook với tên gọi No China Shop để giới thiệu thông tin về những mặt hàng không xuất xứ từ Trung Quốc cho người tiêu dùng. Sự hưởng ứng mạnh mẽ từ những người sử dụng Internet khiến Thành quyết định biến tinh thần yêu nước thành một mục tiêu kinh doanh. Hằng đêm, Thành biến cửa hàng bán đồ nội thất của mình trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) trở thành một sạp hàng bán các sản phẩm không xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu là quần áo cho trẻ em và nam giới. Tuy vậy, trong những ngày khai trương, cửa hàng của Thành không phải “luôn nhận được cái nhìn thiện cảm từ mọi người”, như lời doanh nhân này kể.
 

“Tôi đang muốn nhắm đến các mặt hàng thực phẩm, trái cây sạch và quần áo, vì đó là những mặt hàng tiêu dùng có thể dễ dàng thay thế bằng hàng Việt Nam và được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi.” - Thành nói - “Từ ý tưởng No China Shop, tôi nhận thấy có rất nhiều ngành hàng có thể phát triển vì nhu cầu người tiêu dùng đối với mặt hàng này rất cao, nhưng sức một mình tôi không thể làm nổi. Do đó, tôi rất muốn dùng tên gọi No China Shop để liên kết các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước lại, nhằm chống sự khuynh loát thị trường của hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng thêm những lựa chọn tiêu dùng an toàn”.
 

Giờ đây, doanh nhân trẻ này không chỉ muốn No China Shop là tên gọi của một cửa hàng kinh doanh như ý định ban đầu của anh mà còn hy vọng No China Shop được phát triển thành một nơi để các cửa hàng, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phổ biến thông tin về sản phẩm và dịch vụ.
 

No China Shop chỉ là đơn vị trung gian để giới thiệu hàng Việt Nam, chúng tôi không lấy bất kỳ chi phí nào. Nếu có, thì phần trích đó sẽ được đưa vào để giảm giá cho người tiêu dùng, khi họ tìm đến với hàng Việt” – Thành quả quyết.
 

Theo kế hoạch, No China Shop sẽ cung cấp cho khách hàng thẻ thành viên, khi khách hàng mua hàng tại các đơn vị có liên kết sẽ được giảm giá. Cách làm này, theo Nguyễn Hồ Nhật Thành, vừa giảm được chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp vừa tạo ra được một mạng lưới kinh doanh hàng không xuất xứ từ Trung Quốc, đồng thời giúp người tiêu dùng có lợi hơn khi họ tìm đến với những mặt hàng sản xuất trong nước.
 

Theo doanh nhân Nhật Thành, “Chỉ cần tạo được một mạng lưới khách hàng thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ mạnh dạn thay đổi thói quen kinh doanh, nguồn hàng”. “Cứ mỗi khi nhìn vào con số nhập siêu 10 tỉ USD hằng năm từ Trung Quốc và hàng hóa kém chất lượng của nước này khuynh loát thị trường Việt Nam, cùng với những động thái xâm lăng mọi mặt với Việt Nam tôi lại thấy tức giận vô cùng. Đã đến lúc biến lòng yêu nước từ những lời nói thành hành động” –Nguyễn Hồ Nhật Thành khẳng định.

Nguồn: Lao Động.
 

5 nhận xét :

  1. Người Việt Namlúc 13:35 9 tháng 3, 2013

    Tôi xin có ý kiến:

    Thực tế ai cũng nghĩ như bài viết trên. Bản thân tôi và gia đình cũng đã và đang tầy chay hàng China.
    Tuy nhiên có 1 thực tế: các nguyên liệu, vật liệu thô, máy móc, hóa chất cho sản xuất tại VN lại hầu hết nhập từ China. Vì thế có thể là hàng SX tại Vietnam nhưng tỷ trọng China trong đó có thể lên tới 70-80% rồi. Đây là điều đáng buồn.
    Như được biết, để giết chết nền kinh tế VN, CP China đã và đang có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp China cung cấp các loại sản phẩm cho VN. Ngoià chính sách về giá còn có thêm chính sách về chất lượng và "độ độc hại".
    Ở gần 1 thằng hàng xóm lớn và khốn nạn thật là đau buồn.
    Làm cách nào đây để thoát được ảnh hưởng này?

    Tôi nghĩ, thật sâu xa chỉ có cách duy nhất và cửa duy nhất còn lại với dân Việt chúng ta là "Bản Hiến Pháp".

    Người Việt

    Trả lờiXóa
  2. Thế thì ghi vào HP:"Trung Quốc là kẻ thù không đội trời chung truyền kiếp với Tổ quốc và nhân dân Việt nam"

    Trả lờiXóa
  3. Bản thân tôi cũng đã từ lâu tự thực hiện nguyên tắc: Không dùng hàng Tàu, không xem phim Tàu và không . . . sống theo kiểu Tàu!!!

    Trả lờiXóa
  4. http://www.anninhthudo.vn/ky-la/danh-lua-canh-sat-bang-mau-ao-phong-cuc-doc-cua-trung-quoc/489196.antd

    Tôi ko hiểu dụng ý của báo an ninh, bác nào giải thích giùm

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết nói về NO CHINA SHOP (của bạn Nguyễn Hồ Nhật Thành) trên báo Lao Động đã bị gỡ bỏ. Thay thế vào đó là bài viết nói về xe ô tô Subaru.

    Quý vị hãy vào lại đường link cũ sẽ không còn thấy bài viết NO CHINA SHOP nữa:

    http://laodong.com.vn/Kinh-doanh/No-China-Shop-Noi-khong-ban-hang-Trung-Quoc/105171.bld

    Có thể sợ Trung Quốc giận hay sao mà báo Lao Động gỡ bỏ bài viết này nhỉ ?

    Trả lờiXóa