Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

GẠC MA, HỒN TỬ SĨ - thơ Lão Nông


Cụ Hoàng Nhỏ, 88 tuổi ở làng biển Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình là cha của liệt sĩ Gạc Ma, Hoàng Văn Túy hy sinh ngày 14.3.1988 đang làm lễ giỗ cho 64 liệt sĩ hy sinh ở trận thảm sát do quân Trung Quốc gây ra với chiến sĩ hải quân Việt Nam năm 1988. Năm nào cụ cũng làm lễ giỗ cho 64 liệt sĩ. 64 cái bát. 64 đôi đũa. 64 bộ áo binh. Ảnh và tin: Phong Dương.


 GẠC MA, HỒN TỬ SĨ
Lão Nông
 
Họ từ đi vào nơi trắc trở
Chặng hải hành nằm nhớ quê xa…
Đèn dầu khêu bấc mẹ già
Đêm dài trở giấc ngồi ra têm trầu…

Những người vợ mắt màu ly biệt
Nàng lại chàng bên chiếc nôi đay
Bàn tay ấm, ấm bàn tay
Bàn tay con ấm, ấm tay tay nàng…

Bạn xóm làng, em trai, chị gái
Câu biệt ly, chúc vội lên đường
Người thương gọi tiễn người thương
Lời lên bến, tiếng xuống thuyền, vang vang…
. . .
Tàu neo lại, đèn vàng ảm đạm
Ngày Mười Tư, 88, Tháng Ba
Sinh Tồn, Bãi Đá Gạc Ma
Xuồng hạ mặt nước, người ra tay chèo

Buổi sớm ấy thủy triều đảo ngập
Biển mênh mông, gió bấc heo may
Ngâm mình, tay nắm chặt tay
Vòng người, chính giữa tung bay quốc kỳ!

Giặc nhác thấy Việt kỳ phấp phới
Mấy bóng xuồng chấp chới đằng đông
Xa hơn, Hán hạm tàu đồng
Gầm gừ, dọa, dứ nhìn không rõ người

Ba …, năm …, bảy …, rồi mười phút tiếp
Sắc Hán ngồi mấy chiếc xuồng nhôm
Nhăm nhe, lượn lượn, gờm gờm
Chĩa lê lạnh thép, cảnh nom hãi hùng

Bỗng súng nổ đùng đùng xối xả
Vòng tròn người chao, ngả, rùng rùng
Đạn găm đầu thiếu úy Phương
Cây bia sống, giữa chiến trường? tay không!

Nào ai có mình đồng da sắt
Khắp người anh, đầu, mặt, bàn tay
Máu phun đỏ nước kinh thay
Phương gục đổ, vẫn cầm tay, cán cờ!

Giặc lội xuống cướp cờ hỗn chiến
Máu đỏ loang nước biển chuyển hồng
Vòng tay cảm tử thành đồng
Lê xuyên mặn buốt, quyết không mất cờ!

Độ nửa giờ đôi co giằng giật
Giặc lên xuồng lùi bật xa xa
Thế rồi sấm chớp chói lòa
Tàu đồng nã pháo Gạc Ma sóng dồn

Những cột trắng cao hơn chục thước
Xác dập dềnh mặt nước như phao
Không gươm súng, chẳng giáp bào
Sống: làm bia sống! thác? trao sóng hồn

Kể từ ấy, chập chờn khói sóng
Biển tím bầm ai ngóng chiều buông
Khói trùng dương, ánh tà dương
Hồn âm dõi bóng người dương một mình

Hồn tử sỹ hiện linh giọng uất
Chốn sa trường còn mất lẽ thường
Hận điều ám ảnh còn vương
Ai …,
trao quân lệnh …,
chẳng trao thương, chiến bào?

Biển rì rào, lao xao sóng gợn
Gió thì thầm rờn rợn bầu không
Nặng lòng quả phụ sầu đong
Sinh Tồn tử khí, mây bông tím bầm

Nỗi phu phụ dương âm cách trở.
Lý vô thường đất lở sông bồi,
Phù du bèo dạt mây trôi.
Niềm tây cô phụ trọn đời khôn ngoai!

04:47 AM 14-Mar-2013,
LN.

8 nhận xét :

  1. anhbasamvn.wordpress.com.Lại bị hack rồi hay sao ấy Bác Diện ơi?.Bác có thông tin gì thì hãy thông báo cho bà con biết với nhé !.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, "anhbasamvn" lại bị hack bác ạ. Theo tôi, các bác ở trong nước có vào đó coi thì nên cẩn thận đừng còm gì vào đó. Tốt nhất là trước khi vào đó, các bác nên thoát ra khỏi tất cả những trang mà mình đã login, như hộp thư hay blog riêng của mình.

      Xin phép bác Tễu cho tôi chuyển các thông báo mới nhất của BTV trang BS (từ Facebook):

      THÔNG BÁO 1:
      "Hiện blog anhbasamvn.wordpress.com đã bị hack. Chúng đưa một số hình ảnh và thông tin lên mạng nhằm bôi nhọ chúng tôi. Nhiều thông tin chúng bịa đặt có chủ đích, nhiều thông tin hình ảnh không đúng sự thật. Mong độc giả cảnh giác."

      THÔNG BÁO 2:
      "Thông báo tiếp về tình hình blog Ba Sàm bị tin tặc cướp phá: Sáng nay, trang anhbasamnew.wordpress.com trở lại hoạt động bình thường. Song chúng tôi vẫn chưa chắc chắn tình hình đã được kiểm soát.

      Do phải nhanh chóng đưa lên những thông tin quan trọng của ngày hôm nay, đặc biệt là những hoạt động tưởng niệm 64 Liệt sĩ Trường Sa, nên chúng tôi chưa thể mở một blog mới an toàn hơn, trong khi không chắc blog này không bị tin tặc kiểm soát.

      http://anhbasamnew.wordpress.com/2013/03/14/dem-13-3-chung-toi-tha-hoa-dang-tuong-vong-anh-linh-liet-si-gac-ma/"

      Xóa
  2. Sáng nay VTV1 cho phát chương trình nói về sự kiện cách đây 25 năm và tôn vinh 64 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam đó là đảo Gạc Ma. Một sự kiện hiếm thấy trong nhiều năm qua, phải chăng đây là cái nhìn mới của chính quyền đối với Trung Cộng. Trước đó BBC cho đăng tin Công ty quốc phòng Nga vào Nha Trang

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác về hai thông tin trên. Đầu giờ chiều ngày 14/3, báo Thanh niên điện tử cũng đăng hai bài "quá đã" về Gạc Ma, (bài đầu lời lẽ rất mạnh):

      Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?
      http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130314/tai-sao-trung-quoc-danh-chiem-cac-dao-cua-viet-nam-vao-thang-3-1988.aspx

      Khúc tráng ca bất tử Gạc Ma
      http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130314/khuc-trang-ca-bat-tu-gac-ma.aspx

      Xóa
  3. Vòng người, chính gữa tung bay quốc kỳ!
    -------------
    Bác sửa lại chữ "gữa" nhé!

    Trả lờiXóa
  4. trưa nay tôi coi VTV4, lão thượng tá (có lẽ là người cùng trong chuyến ấy) hắn nói là tàu nước ngoài, cả cái phóng sự ấy hắn t ko chỉ một mực là tàu nưứơc ngoài chứ ko có chữ nào trung quốc cả. nhục qúa !

    Trả lờiXóa
  5. Bài thơ của bác Lão Nông gây cho tôi xúc động kỳ lạ. Tôi cảm thấy như được sống lại thời niên thiếu của lớp tuổi tôi, khi chúng tôi còn ngồi ghế nhà trường, học những bài học vừa hùng tráng vừa bi tráng về lịch sử nước nhà.

    Tôi như thấy lại trước mắt mình những đứa bạn cùng lớp đang tròn mắt và há hốc miệng, lắng nghe như nuốt từng lời giảng "đầy lửa" của thầy cô. Mà dường như không phải chỉ thầy cô đang giảng. Dường như ngọn lửa của lòng yêu nước thiết tha từ bao nhiêu thế hệ tiên tổ đang tuôn về cho chúng tôi, qua lời lẽ của cô thầy! Chúng tôi ngồi yên bất động nhưng trong lòng thì hừng hực bầu máu nóng!

    Cảm xúc đó được sống lại, có lẽ trước hết nhờ những câu chữ cổ kính và vần thơ song thất lục bát mà chúng tôi từng học ngày xưa, nay được thấy bác Lão Nông sử dụng lại một cách rất tài tình.

    Thứ nhì nữa, câu chuyện Gạc Ma chỉ mới xảy ra cách đây 25 năm thôi, và hơn 20 năm qua đã bị che giấu đến độ nhiều bạn trẻ hôm nay không hề biết, thế mà bài thơ của bác Lão Nông thuật lại từng diễn tiến, từng chi tiết, sống động không khác chi một bài học lịch sử mẫu mực ở nhà trường. Chứng tỏ bác nghiền ngẫm kỹ trong tim bác ký ức lịch sử còn nóng hổi này! Tôi nghĩ bài thơ này rất xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa, tiếp nối những bài thơ hào hùng kể về những cuộc chiến đấu giữ nước thời Đinh-Lê-Lý-Trần, kể về các nghĩa quân liều mình chống thực dân Pháp...

    Và thứ ba, rất tuyệt, 'rất Việt Nam', khi bác mở đầu và kết thúc bài thơ bằng hình ảnh mẹ già nhớ con không ngủ được, lặng lẽ thức ngồi têm trầu; hình ảnh đứa con bé bỏng còn nằm nôi mà chỉ cần đặc tả một nét thôi - "bàn tay ấm" - cũng đã quá đủ nói lên nỗi lòng của người cha lên đường ra trận (mấy chữ "tay" và "ấm" cứ lập đi lập lại, thực là khổ thơ đẹp cả hình thức lẫn nội dung!); và rồi hình ảnh người cô phụ để kết bài... "Niềm tây cô phụ một đời khôn ngoai"! Nước Việt này "đã được bồng trên đôi tay" của biết bao thế hệ cô phụ khóc chồng như thế, suốt hàng ngàn năm qua!

    Xin cúi đầu bái phục bác Lão Nông! Xin bác tiếp tục gìn giữ cho dân tộc mình cái hồn Việt Nam thật đẹp trong những lời thơ của bác, bác nhé!



    Trả lờiXóa
  6. Các chiến sĩ hải quân QĐNDVN cắm cờ Tổ Quốc trên đảo Gạc Ma là Cờ Đỏ Sao Vàng 5 cánh chứ không phải cờ đỏ búa liềm đâu đấy nhá . Bởi vậy nói QĐNDVN là của Đảng là tội cho các anh em chiến sĩ lắm . Đó là các chiến sĩ của Tổ Quốc VN , của Nhân Dân Việt Nam anh hùng . Có ai còn dám nói các chiến sĩ hy sinh ở trường Sa là chiên sĩ của Đảng không ?

    Trả lờiXóa