Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

KIẾN NGHỊ VỀ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992 (KIẾN NGHỊ 72)


KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo), chúng tôi, những người Việt Nam ký tên dưới đây, xin trình bày với Quốc hội và Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một số kiến nghị, đồng thời mong mỏi toàn thể đồng bào trong và ngoài nước thẳng thắn nói lên ý kiến để nhân dân ta có một Hiến pháp bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và sự phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Hiến pháp của một quốc gia do dân làm chủ bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân và được hình thành từ sự thỏa thuận giữa các thành phần đa dạng trong xã hội. Dự thảo chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ, chưa thể hiện sự tin cậy, tín nhiệm của nhân dân với chính quyền theo tinh thần thỏa thuận kiến tạo một môi trường có sự kiểm soát bên trong và bên ngoài đối với quyền lực. Kiểm soát bên trong giữa các nhánh quyền lực nhà nước bằng các cơ chế đối trọng kiềm chế lẫn nhau, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp không thể vượt quá giới hạn được ấn định. Kiểm soát từ bên ngoài đối với công quyền được thực hiện bởi nhân dân với vai trò quan trọng của xã hội dân sự mà tiền đề là các quyền tự do về ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình,...
Hiến pháp phải mang tính chính đáng được đo bằng nhiều tiêu chí. Thứ nhất, hiến pháp phải có mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, kiến tạo tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc; đồng thời đoàn kết toàn dân, loại bỏ mọi sự chia rẽ hay áp bức, hướng đến sự phát triển bền vững của dân tộc. Thứ hai, hiến pháp phải thể hiện ý chí chung của nhân dân, thể hiện sự đồng thuận của nhân dân để lập ra các cơ quan nhà nước. Thứ ba, hiến pháp phải được xây dựng theo các nguyên tắc pháp luật phổ biến của thế giới văn minh, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Theo tinh thần đó, trước mắt chúng tôi kiến nghị 7 điểm như sau.
Kiến nghị thứ nhất về Lời nói đầu và về Chương I
Lời nói đầu của Dự thảo không làm rõ mục tiêu của hiến pháp và chủ thể quy định hiến pháp. Hiến pháp cần xác định mục tiêu trước hết là để bảo đảm sự an toàn, tự do và hạnh phúc của mọi người dân. Một bản hiến pháp tốt phải hạn chế sự lạm quyền của những người cầm quyền, tạo dựng khuôn khổ cho các sinh hoạt chính trị, kinh tế và văn hoá diễn ra một cách an bình và hiệu quả. Hiến pháp cũng phải hướng đến hạnh phúc của các thế hệ tương lai.
Quyền lập hiến (xây dựng, ban hành hay sửa đổi hiến pháp) là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Lời nói đầu cần xác định rõ chủ thể quyết định, ban hành hiến pháp là nhân dân.
Lời nói đầu không phải là chỗ để tuyên dương công trạng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Lời nói đầu của Dự thảo không đáp ứng được các yêu cầu trên nên chúng tôi đề nghị bỏ và thay bằng:
Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân,  vì một xã hội dân chủ, công bằng và pháp quyền, vì tự do và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai, chúng tôi, nhân dân Việt Nam, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này.

Trong Chương I, cần nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền nhân dân đòi hỏi phải tôn trọng ý của dân tộc. Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền. 

Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân.

Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.

Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận.

Kiến nghị thứ hai về quyền con người

Một mục đích của việc thành lập Nhà nước là để bảo vệ các quyền đương nhiên của con người. 

Dự thảo đã điều chỉnh thứ tự để đề cao các quyền này so với Hiến pháp hiện hành, nhưng lại có nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định và chuẩn mực quốc tế về quyền con người; như các quy định trong Dự thảo về giới hạn quyền (Điều 15), “không lợi dụng quyền con người, quyền công dân” (Điều 16), “quyền không tách rời nghĩa vụ (Điều 20). Dự thảo còn quy định quá nhiều nghĩa vụ một cách tùy tiện (Điều 41, Điều 42, Điều 49,…). Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”, ... nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do như đã diễn ra trong thực tế những năm qua ở nước ta.

Chúng tôi yêu cầu sửa Dự thảo theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn về Quyền Con người năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Nếu các quyền này được ghi trong Hiến pháp mà không được thực thi nghiêm túc như hiện nay, thì việc quy định các quyền ấy cũng trở nên vô nghĩa. Vì vậy chúng tôi yêu cầu Hiến pháp quy định thành lập một Ủy ban Quốc gia về Quyền Con người hoạt động độc lập.

Kiến nghị thứ ba về sở hữu đất đai

Chế độ sở hữu tư nhân về đất đai đã tồn tại từ lâu trên đất nước ta. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân kể từ Hiến pháp Việt Nam 1980 là sự sao chép Hiến pháp Liên Xô, một điều hoàn toàn xa lạ với nhân dân Việt Nam và đã gây ra rất nhiều bất ổn xã hội. Điều 57 Dự thảo tiếp tục khẳng định đất đai “thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” là duy trì quy định sai trái, bỏ qua những vấn đề ngày càng trầm trọng do quy định này gây ra mà hàng triệu khiếu nại, khiếu kiện về đất đai trong những năm qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm hết sức nguy hiểm.

Không thừa nhận sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng về đất đai cùng tồn tại với sở hữu nhà nước là tước đoạt một quyền tài sản quan trọng bậc nhất của người dân. Đánh đồng sở hữu nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai là tạo điều kiện cho quan chức các cấp chính quyền tham nhũng, lộng quyền, bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp cùng trục lợi, gây thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt là nông dân. 

Dự thảo còn “hợp hiến hóa” việc thu hồi đất, trong đó lại mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội; đây là một sự thụt lùi so với Hiến pháp 1992 và có thể gây bùng nổ bất ổn xã hội. 

Vì thế chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 57 của Dự thảo, trở lại như Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Có thể quy định như sau: “Sở hữu tư nhân, tập thể, cộng đồng và nhà nước về đất đai được tôn trọng. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và các tài nguyên, nguồn lợi khác ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư.”

Thay thế quy định thu hồi đất bằng trưng mua đất và không áp dụng cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội như nêu trong Điều 58 của Dự thảo.

Kiến nghị thứ tư về tổ chức Nhà nước

Tổ chức bộ máy Nhà nước phải phân biệt rạch ròi các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các cơ quan hiến định khác. Tất cả các cơ quan nhà nước phải tuân thủ Hiến pháp và luật. Các nhánh quyền lực ràng buộc, chế ước lẫn nhau nhưng không thể bị chi phối bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân duy nhất nào, nghiêm cấm mọi sự độc quyền quyền lực. Đặc biệt, hệ thống tư pháp phải được bảo đảm trên thực tế quyền xét xử độc lập, chỉ dựa vào Hiến pháp và luật. Tòa án Hiến pháp phải được thành lập, có chức năng phán quyết, chứ không phải là tư vấn, kiến nghị như chức năng của Hội đồng Hiến pháp được quy định trong Dự thảo.

Kiến nghị thứ năm về lực lượng vũ trang

Hiến pháp đặt lợi ích của toàn dân lên trên lợi ích của bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào. Mọi hoạt động của các lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân. Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào, như quy định tại Điều 70 của Dự thảo. Chúng tôi yêu cầu bỏ quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kiến nghị thứ sáu về trưng cầu dân ý đối với Hiến pháp

Quyền lập hiến là quyền của toàn dân, phải phân biệt với quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy phải có trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp. Chúng tôi đề xuất quy định trong Hiến pháp: “Bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân đối với Hiến pháp, thông qua trưng cầu dân ý được tổ chức thật sự minh bạch và dân chủ với sự giám sát của người dân và báo giới.

Kiến nghị thứ bảy về thời hạn góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Việc lấy ý kiến đóng góp của toàn dân về sửa đổi Hiến pháp là một việc hệ trọng đến vận mệnh quốc gia, phải được tiến hành một cách nghiêm chỉnh, không thể tắc trách, lấy lệ. Vì vậy, thời hạn lấy ý kiến của nhân dân chỉ trong vòng ba tháng là quá ngắn, dễ dẫn đến tình trạng làm một cách hình thức cho qua chuyện. Vì vậy chúng tôi kiến nghị gia hạn thời gian lấy ý kiến của nhân dân đến hết năm 2013, đồng thời khuyến khích đề xuất các dự thảo khác để Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cùng toàn thể đồng bào tham khảo, so sánh, thảo luận nhằm xây dựng một bản hiến pháp phù hợp nhất cho quốc gia.*

Sửa Hiến pháp theo tinh thần của các kiến nghị nêu trên sẽ phát huy dân chủ và hoà hợp dân tộc – những đòi hỏi hết sức bức xúc của nhân dân trong giai đoạn trước mắt, cũng như cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước.

Chúng tôi tha thiết mong mỏi đồng bào trong và ngoài nước hưởng ứng bản Kiến nghị này bằng cách đăng ký tham gia ký tên theo địa chỉ thư điện tử:
kiennghisuadoihienphap2013@gmail.com

Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2013 
* Chú thích: Theo tinh thần đó, một số chuyên gia luật ở trong nước đã soạn một dự thảo hiến pháp được gửi kèm Kiến nghị này như một tài liệu để tham khảo và thảo luận.

DANH SÁCH NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992
  1. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  2. Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu, Hà Nội
  3. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, TP HCM
  4. Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, TP HCM
  5. Nguyễn Huệ Chi, GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội
  6. Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động, TP HCM
  7. Phạm Vĩnh Cư, nhà nghiên cứu, Hà Nội
  8. Nguyễn Xuân Diện, TS, Hà Nội
  9. Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  10. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
  11. Nguyễn Văn Dũng, nhà văn, võ sư, Huế
  12. Hồ Ngọc Đại, GS TS, nhà giáo, Hà Nội
  13. Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa 4, 5, TP HCM
  14. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM
  15. Lê Hiền Đức, Giải thưởng Liêm chính 2007, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Hà Nội
  16. Phan Hồng Giang, TSKH, Hà Nội
  17. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist), TP HCM
  18. Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  19. Nguyễn Gia Hảo, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Hà Nội
  20. Đặng Thị Hảo, TS, Hà Nội
  21. Võ Thị Hảo, nhà văn, Hà Nội
  22. Phạm Duy Hiển, GS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  23. Hồ Hiếu, cựu tù Côn Đảo, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Mặt trận, Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, TP HCM
  24. Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế
  25. Nguyễn Văn Hồng (tức Cung Văn), nguyên Tổng Thư ký Ban chấp hành Sinh viên đoàn Đại học Văn khoa Sài Gòn 1964-1965, Đà Nẵng
  26. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
  27. Nguyễn Thế Hùng, GS TS, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, Đà Nẵng
  28. Trần Ngọc Kha, nhà báo, Hà Nội
  29. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
  30. Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Phó Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  31. Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, TP HCM
  32. Hồ Uy Liêm, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội
  33. Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Nội
  34. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, Hà Nội
  35. Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
  36. Huỳnh Công Minh, linh mục Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  37. Phạm Gia Minh, TS, Hà Nội
  38. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
  39. Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An
  40. Hạ Đình Nguyên, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
  41. Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  42. Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn, Hà Nội
  43. Phạm Đức Nguyên, PGS TS, giảng viên cao cấp Đại học, Hà Nội
  44. Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc chính trị nhật báo Tin sáng, TP HCM
  45. Nguyễn Hữu Châu Phan, nhà nghiên cứu, Huế
  46. Hoàng Xuân Phú, GS Viện Toán học, Hà Nội
  47. Trần Việt Phương, nguyên trợ lý Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  48. Nguyễn Đăng Quang, nguyên Đại tá Công an, Hà Nội
  49. Đào Xuân Sâm, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  50. Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
  51. Trần Đình Sử, GS TS, Hà Nội
  52. Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn, Hà Nội
  53. Lê Văn Tâm, TS, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản
  54. Trần Công Thạch, hưu trí, TP HCM
  55. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM
  56. Trần Thị Băng Thanh, PGS TS, Hà Nội
  57. Lê Quốc Thăng, linh mục Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  58. Đào Tiến Thi, thạc sĩ, Hà Nội
  59. Nguyễn Minh Thuyết, GS TS, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hà Nội
  60. Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội
  61. Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM
  62. Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  63. Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  64. Hoàng Tụy, GS, Viện Toán học, nguyên Chủ tịch Viện IDS, Hà Nội
  65. Lưu Trọng Văn, nhà báo, TP HCM
  66. Trần Thanh Vân, kiến trúc sư, Hà Nội
  67. Nguyễn Viện, nhà văn, TP HCM
  68. Nguyễn Hữu Vinh, doanh nhân, Hà Nội
  69. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế
  70. Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn, Huế
  71. Nguyễn Đông Yên, GS TS, Viện Toán học, Hà Nội
  72. Nguyễn Phú Yên, nhạc sĩ, TP HCM
    _____________________________________________________________ 

    Tài liệu để tham khảo, thảo luận:

    DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013

     

    LỜI NÓI ĐẦU


    Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì tự do và độc lập của dân tộc,
    vì một xã hội công bằng, dân chủ và tôn trọng pháp quyền, vì mục tiêu hạnh phúc và tự do của các thế hệ hiện tại và tương lai,
    chúng tôi, nhân dân Việt Nam, thông qua các đại diện của mình, xây dựng bản Hiến pháp này.

     

    CHƯƠNG I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG


    Điều 1. Chủ quyền quốc gia
    Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
    Điều 2. Chủ quyền nhân dân
    Chủ quyền Việt Nam thuộc về nhân dân và tất cả các quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân. Quyền lập hiến là một quyền không thể bị tước đoạt của nhân dân.
    Điều 3. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam
    1. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
    2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
    3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, có quyền phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
    4. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hội nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
    Điều 4. Công dân
    1. Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Quốc tịch Việt Nam được luật quy định.
    2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác.
    3. Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
    4. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
    5. Người gốc Việt Nam có quốc tịch nước khác hoặc chưa có quốc tịch nước nào có quyền có quốc tịch Việt Nam.
    6. Địa vị của người nước ngoài được đảm bảo theo quy định của luật pháp quốc tế và điều ước quốc tế.
    Điều 5. Các điều ước quốc tế
    1. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thừa nhận, kế thừa và tôn trọng các điều ước quốc tế đã được các chính quyền Việt Nam trước đây ký kết và ban hành không trái với các hiến pháp tương ứng và các quy tắc chung được luật pháp quốc tế công nhận vào thời điểm đó.
    2. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thừa nhận bất cứ điều ước, thỏa thuận hay tuyên bố nào mà các chính quyền Việt Nam trước đây đã ký kết hoặc đưa ra một cách bí mật, không đúng thẩm quyền hoặc không đúng theo các thủ tục pháp luật vào thời điểm đó.
    3. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thừa nhận bất cứ điều ước, thỏa thuận hay tuyên bố do bất cứ đảng phái chính trị, tổ chức phi nhà nước hay cá nhân nào đã ký kết hoặc đưa ra, một cách bí mật hay công khai, liên quan đến chủ quyền hay lãnh thổ Việt Nam.
    Điều 6. Tôn trọng hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân
    1. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nỗ lực duy trì hòa bình quốc tế và từ bỏ chiến tranh xâm lược.
    2. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và giữ gìn an ninh quốc gia là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
    3. Các lực lượng vũ trang được trao sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.
    4. Các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
    Điều 7. Tính chất dân sự của lực lượng cảnh sát
    Lực lượng cảnh sát có sứ mệnh thực thi luật pháp và giữ gìn trật tự. Cảnh sát thuộc lĩnh vực dân sự, không thuộc về các lực lượng vũ trang.
    Điều 8. Trách nhiệm của công chức
    1. Công chức là công bộc của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
    2. Địa vị và tính trung lập chính trị của công chức được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
    Điều 9. Đảng phái chính trị
    1. Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ. Quyền đối lập chính trị được tôn trọng.
    2. Pháp luật bảo đảm sự bình đẳng giữa các đảng phái chính trị.
    Điều 10. Nền kinh tế quốc dân
    1. Nền kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựa trên sự tôn trọng tự do và sáng kiến của các doanh nghiệp và cá nhân trong đời sống kinh tế.
    2. Nhà nước có thể quy định và điều phối các hoạt động kinh tế nhằm duy trì sự tăng trưởng cân bằng, bền vững và ổn định, nhằm phân phối thu nhập, ngăn chặn sự thống lĩnh thị trường và lạm quyền kinh tế.
    3. Nhà nước có nghĩa vụ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế để có nền kinh tế quốc gia cân đối. Nhà nước thúc đẩy kinh tế bằng việc phát triển khoa học, công nghệ, thông tin, nguồn nhân lực và khuyến khích sáng tạo.
    Điều 11. Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, quốc khánh và thủ đô
    1. Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
    2. Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
    3. Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca.”
    4. Ngày Quốc khánh là Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.
    5. Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hà Nội.

     

    CHƯƠNG II. QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN


    Điều 12. Nguyên tắc tôn trọng các quyền con người
    1. Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các quyền con người, được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (1948) và các điều ước quốc tế về quyền con người khác mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo vệ.
    2. Các cơ quan nhà nước, công chức và viên chức có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
    Điều 13. Quyền bình đẳng
    1. Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa vào giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các yếu tố khác.
    2. Các nhóm thiểu số được ưu tiên bảo vệ.
    Điều 14. Quyền sống, tự do và an toàn cá nhân
    Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân. Quyền sống trong một môi trường trong lành của mọi người phải được tôn trọng và bảo vệ.
    Điều 15. Tự do không bị làm nô lệ
    Không ai bị bắt làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ. Mọi hình thức nô lệ và buôn bán người đều bị cấm.
    Điều 16. Quyền không bị tra tấn và các quyền trong lĩnh vực tư pháp hình sự
    1. Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.
    2. Không ai bị bắt, giữ hay giam giữ một cách tuỳ tiện. Trong vòng 24 giờ kể từ khi bị bắt, người bị bắt phải được đưa ra trước một tòa án để xem xét phê chuẩn hoặc hủy bỏ việc bắt giữ.
    3. Mọi người, nếu bị cáo buộc về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên toà xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình.
    4. Không ai bị cáo buộc là phạm tội vì bất cứ hành vi nào không cấu thành một tội phạm hình sự theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện hành vi đó. Cũng không ai bị tuyên phạt nặng hơn mức hình phạt được quy định vào thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện.
    Điều 17. Quyền được tòa án bảo vệ và quyền được xét xử công bằng
    1. Mọi người đều có quyền được các toà án có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ đã được hiến pháp hay luật pháp quy định.
    2. Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng, công khai bởi một toà án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ.
    Điều 18. Bảo vệ danh dự, uy tín và quyền riêng tư
    1. Danh dự và uy tín cá nhân của mọi người được tôn trọng.
    2. Cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở và thư tín của mọi người được tôn trọng.
    Điều 19. Quyền tự do đi lại và tự do cư trú
    1. Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia.
    2. Mọi người đều có quyền rời khỏi và quyền trở về Việt Nam.
    Điều 20. Quyền kết hôn
    1. Mọi người khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hay giới tính.
    2. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai.
    Điều 21. Quyền sở hữu
    1. Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản tư nhân hoặc sở hữu chung với người khác. Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tuỳ tiện.
    2. Đất đai có thể thuộc sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng hoặc sở hữu nhà nước.
    Điều 22. Tư do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo
    Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo.
    Điều 23. Tự do ngôn luận, biểu tình, hội họp và lập hội
    1. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến bằng mọi hình thức. Tư nhân có quyền ra báo, xuất bản.
    2. Mọi người đều có quyền tự do biểu tình, hội họp một cách ôn hoà.
    3. Mọi người đều có quyền tự do lập hội. Không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ tổ chức nào.
    Điều 24. Quyền tham gia chính trị
    Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý đất nước, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu mà họ tự do lựa chọn trong các cuộc bầu cử.
    Điều 25. Quyền hưởng an sinh xã hội
    Mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội.
    Điều 26. Quyền lao động và nghiệp đoàn
    1. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp.
    2. Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
    3. Mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm.
    4. Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình.
    5. Quyền đình công của người lao động được bảo đảm bằng luật.
    Điều 27. Quyền có mức sống thích đáng
    1. Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, góa bụa, già hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ.
    2. Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Mọi trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú, đều phải được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau.
    Điều 28. Quyền học tập
    Mọi người đều có quyền học tập. Giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí.
    Điều 29. Quyền về văn hóa
    1. Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học.
    2. Mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả.
    Điều 30. Bảo vệ người tiêu dùng
    Nhà nước phải có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
    Điều 31. Nguyên tắc chung của nghĩa vụ
    Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
    Điều 31. Nghĩa vụ nộp thuế
    Mọi công dân có nghĩa vụ nộp thuế theo các điều kiện luật định.
    Điều 32. Bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người có công
    1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng. Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
    2. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tôn vinh công lao của tất cả những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, ghi nhận và tôn vinh công lao của các thương binh, các cựu chiến binh bất luận họ đã phục vụ trong chính thể nào trong quá khứ và có chính sách hỗ trợ họ trong giáo dục, đào tạo nghề và trong mưu sinh.
    Điều 33. Nghĩa vụ quân sự
    Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia lực lượng vũ trang dự bị theo luật định.

     

    CHƯƠNG III. LẬP PHÁP


    Điều 34. Quốc hội
    1. Quyền lập pháp được nhân dân ủy quyền cho Quốc hội. Quốc hội bao gồm Hạ viện và Thượng viện.
    2. Thành viên của Quốc hội là các nghị sĩ, gồm Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ. Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ do nhân dân bầu ra thông qua bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
    3. Không ai có thể đồng thời là Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ.
    4. Quốc hội có quyền lập pháp, phê chuẩn việc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan hành pháp, bổ nhiệm các thẩm phán, lãnh đạo các cơ quan hiến định độc lập theo quy định của Hiến pháp và luật.
    Điều 35. Hạ nghị sĩ
    1. Các Hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 3 năm và có thể được bầu lại.
    2. Mỗi đơn vị bầu cử được bầu 1 (một) Hạ Nghị sĩ.
    3. Đơn vị bầu cử Hạ Nghị sĩ gồm các đơn vị hành chính cơ sở (cấp xã) nằm trong một vùng sao cho các đơn vị có dân số xấp xỉ ngang nhau.
    4. Số đơn vị bầu cử của một đơn vị hành chính cấp tỉnh được tính bằng số nguyên làm tròn của con số được tính bằng dân số của đơn vị cấp tỉnh đó (theo tổng điều tra dân số gần nhất) nhân với 250 rồi chia cho dân số toàn quốc. Một đơn vị hành chính cấp tỉnh có ít nhất một đơn vị bầu cử.
    5. Mọi công dân đủ 25 tuổi trước ngày bầu cử có thể là ứng cử viên Hạ nghị sĩ tại một đơn vị bầu cử nếu: (a) có được chữ ký của 10 ngàn cử tri ủng hộ, hoặc (b) đã từng là Nghị sĩ, hoặc (c) được một đảng chính trị đề cử.
    6. Tuy các Hạ nghị sĩ được bầu theo từng đơn vị bầu cử, họ đại diện không chỉ cho người dân của đơn vị bầu cử ấy mà cho người dân cả nước.
    Điều 36. Thượng nghị sĩ
    1. Các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm và có thể được bầu lại.
    2. Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) là một đơn vị bầu cử Thượng Nghị sĩ.
    3. Mọi công dân đủ 30 tuổi trước ngày bầu cử có thể là ứng cử viên Thượng nghị sĩ tại một đơn vị bầu cử Thượng Nghị sĩ nếu: (a) có được chữ ký của 10 ngàn cử tri ủng hộ, hoặc (b) đã từng là Nghị sĩ, hoặc (c) được một đảng chính trị đề cử.
    4. Số Thượng nghị sĩ mà mỗi đơn vị được bầu cử là 2. Đối với những tỉnh có người dân tộc thiểu số quá 20 % dân số tỉnh đó, thì bắt buộc phải có 1 Thượng nghị sĩ là người dân tộc thiểu số.
    5. Trong lần bầu Thượng nghị sĩ đầu tiên, mỗi đơn vị bầu cử, bằng bốc thăm, chọn ra 1 Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 3 năm và 1 Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm, sao cho cứ 3 năm sẽ tiến hành bầu lại một nửa số Thượng nghị sĩ của Thượng viện.
    6. Tuy các Thượng nghị sĩ được bầu theo từng đơn vị bầu cử, họ đại diện không chỉ cho người dân của đơn vị bầu cử ấy mà cho người dân cả nước.
    Điều 37. Bầu cử Thượng viện và Hạ viện
    1. Việc bầu cử toàn bộ các Hạ nghị sĩ và các Thượng nghị sĩ lần đầu tiên theo Hiến Pháp này được tiến hành trong vòng 100 ngày kể từ ngày bản Hiến pháp có hiệu lực.
    2. Nghị sĩ hết nhiệm kỳ vào ngày tính đúng 36 tháng đối với các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ được bầu lần đầu có nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức; vào ngày tính đúng 72 tháng đối với các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức.
    3. Trong vòng 100 ngày trước khi các Nghị sĩ hết nhiệm kỳ, phải tổ chức bầu cử các Nghị sĩ mới cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu đơn vị bầu cử không hội đủ số người đắc cử theo quy định thì phải tổ chức bầu lại từ các ứng viên thất cử của đợt bầu trước đó trong vòng 15 ngày sau khi cuộc bầu cử trước kết thúc. (Các) đợt bầu cử lại này được tiến hành cho đến khi chọn đủ số người đắc cử theo quy định và trong mọi trường hợp phải kết thúc trước ngày các Nghị sĩ đương nhiệm hết nhiệm kỳ 15 ngày.
    4. Nếu khuyết Nghị sĩ vì bất cứ lý do gì, thì (a) nếu thời gian nhiệm kỳ còn lại dưới 1 năm sẽ không có bầu cử bổ sung; hoặc (b) nếu thời gian nhiệm kỳ còn lại bằng hay trên 1 năm phải tổ chức bầu bổ sung tại đơn vị bầu cử đó cho đủ số bị khuyết trong vòng 60 ngày kể từ khi các Viện xác nhận sự khuyết. Nhiệm kỳ của người được bầu bổ sung sẽ chấm dứt cùng với nhiệm kỳ của các Nghị sĩ đương nhiệm.
    5. Thủ tục ứng cử, tranh cử, bầu cử được quy định chi tiết trong luật bầu cử.
    Điều 38. Sự chuyên trách, tuyên thệ và quyền miễn trừ của Nghị sĩ
    1. Trong khi đương nhiệm các Nghị sĩ không được đồng thời giữ bất kỳ chức vụ nào khác tại bất kỳ cơ quan, tổ chức công hay tư, trong các lực lượng vũ trang hay cảnh sát. Nếu đã giữ các chức vụ như vậy trước khi được bầu làm Nghị sĩ thì phải chính thức từ nhiệm các chức vụ đó trước khi thực hiện nhiệm vụ Nghị sĩ và việc từ chối từ nhiệm sẽ được coi là từ bỏ nhiệm vụ Nghị sĩ.
    2. Các Nghị sĩ được trả lương từ Ngân khố quốc gia.
    3. Các Nghị sĩ, trước khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, sẽ phải tuyên thệ trước mỗi Viện: “Tôi long trọng tuyên thệ thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách mẫn cán và tận tâm, để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích của nhân dân và đất nước; làm mọi việc trong thẩm quyền của mình vì sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Việc từ chối tuyên thệ sẽ được coi là từ bỏ nhiệm vụ Nghị sĩ.
    4. Nghị sĩ sẽ không phải chịu trách nhiệm bên ngoài nghị viện về ý kiến chính thức đã nêu hoặc về việc bỏ phiếu của mình tại Nghị viện.
    5. Không Nghị sĩ nào có thể bị bắt hoặc giam giữ mà không được sự đồng ý của với đa số 2/3 của các Nghị sĩ của Nghị Viện mà Nghị sĩ đó là thành viên, ngoại trừ trường hợp phạm tội quả tang.
    Điều 39. Tính liêm chính và tránh xung đột lợi ích của Nghị sĩ
    1. Nghị sĩ có nghĩa vụ duy trì chuẩn mực cao về liêm chính, phải ưu tiên lợi ích quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ của mình phù hợp với lương tâm.
    2. Nghị sĩ không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình, không được đòi hỏi các lợi ích về tài sản hay địa vị, hoặc giúp người khác thu lợi, thông qua thông đồng hay sự sắp xếp của nhà nước, các tổ chức công quyền hay các ngành công nghiệp.
    3. Nghị sĩ phải khai báo tài sản của mình theo luật định.
    4. Nghị sĩ, vợ hay chồng của Nghị sĩ, cũng như các doanh nghiệp do họ sở hữu hay chiếm quyền chi phối, không thể tham dự các cuộc đấu thầu hay ký hợp đồng với các cơ quan công quyền và các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hay chiếm quyền chi phối.
    Điều 40. Tổ chức Hạ viện
    1. Mỗi Hạ nghị sĩ có một lá phiếu khi biểu quyết tại Hạ viện.
    2. Mọi quyết định của Hạ viện được coi là được thông qua nếu được đa số phiếu, trừ các quyết định đặc biệt nêu trong Hiến pháp này đòi hỏi đa số 2/3 số phiếu.
    3. Hạ viện bầu ra một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch.
    4. Nếu vì bất cứ lý do gì mà Chủ tịch Hạ viện bị khuyết, thì Phó Chủ tịch tạm thời làm quyền Chủ tịch cho đến khi Hạ viện bầu ra Chủ tịch mới trong vòng 60 ngày.
    5. Hạ viện quyết định về tổ chức nội bộ của mình, có thể thể lập ra Văn phòng Hạ viện, các ủy ban thường trực hay lâm thời.
    Điều 41. Tổ chức Thượng viện
    1. Mỗi Thượng nghị sĩ có một lá phiếu khi biểu quyết tại Thượng Nghị Viện.
    2. Mọi quyết định của Thượng viện sẽ coi là được thông qua nếu được đa số phiếu tán thành, trừ các quyết định đặc biệt nêu trong Hiến pháp này đòi hỏi đa số 2/3 số phiếu.
    3. Thượng Nghị Viện bầu ra một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch.
    4. Nếu vì bất cứ lý do gì mà Chủ tịch Thượng Nghị Viện bị khuyết, thì Phó Chủ tịch tạm thời làm quyền Chủ tịch cho đến khi Thượng Nghị Viện bầu ra Chủ tịch mới trong vòng 60 ngày.
    5. Thượng Nghị Viện quyết định về tổ chức nội bộ của mình, có thể thể lập ra Văn phòng Thượng viện, các ủy ban thường trực hay lâm thời.
    Điều 42. Họp Hạ viện, Thượng viện và Quốc hội
    1. Trừ trường hợp Hiến pháp hay luật quy định khác, cuộc họp của Hạ viện (hay Thượng viện) là hợp lệ nếu có mặt của đa số trong tổng số Hạ nghị sĩ (hay Thượng nghị sĩ), quyết định hợp lệ được thông qua với đa số phiếu hiện diện.
    2. Họp Quốc hội là phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện do Chủ tịch Hạ viện chủ tọa hay Chủ tịch Thượng viện chủ tọa khi Chủ tịch Hạ viện vắng mặt. Quốc hội ban hành quy chế về thủ tục, thể thức họp Quốc hội. Các quyết định của Quốc hội là các quyết định được đưa ra tại các phiên họp chung này.
    3. Các cuộc họp của Hạ viện, Thượng viện, Quốc hội được mở công khai cho công chúng, trừ khi đa số thành viên có mặt quyết định, hoặc khi Chủ tịch xét thấy cần thiết vì lợi ích an ninh quốc gia thì công chúng không thể tham dự.
    4. Việc công bố công khai các thủ tục của kỳ họp kín sẽ được luật quy định.
    5. Biên bản cuộc họp phải đầy đủ, chi tiết, ghi rõ ý kiến và số phiếu biểu quyết của từng Nghị sĩ. Có thể đồng thời ghi âm, ghi hình cuộc họp để lưu trữ. Mọi công dân đều có quyền tiếp cận biên bản của các cuộc họp mở công khai, theo thủ tục do luật định.
    Điều 43. Quyền trình dự án luật
    1. Các Nghị sĩ, cơ quan hành pháp có thể đệ trình dự án luật.
    2. Một nhóm ít nhất 30.000 cử tri có quyền trình dự án luật. Thủ tục về việc này do luật quy định.
    3. Dự án luật phải được nộp cho Văn phòng Hạ viện
    4. Người, hay nhóm công dân bảo trợ dự án luật, khi đệ trình dự án luật cho Hạ viện, có trách nhiệm giải trình rõ các hệ quả về tài chính của việc thực thi dự án luật.
    5. Người, nhóm người hay cơ quan trình dự án luật có thể rút lại dự án luật trong quá trình thẩm định và xem xét thông qua.
    Điều 44. Thẩm định, thảo luận, thông qua dự luật
    1. Dự án luật, dự thảo luật đã được đệ trình lên Hạ viện được gọi chung là dự luật. Dự luật phải trải qua các khâu thẩm định theo quy định của luật.
    2. Hạ viện thảo luận, xem xét dự luật và biểu quyết thông qua với đa số phiếu hiện diện hay bác bỏ. Trong mọi trường hợp nghị quyết thông qua hay bác bỏ, trong vòng 3 ngày dự luật cùng hồ sơ bác bỏ hay thông qua đều phải chuyển sang Văn phòng Thượng viện.
    3. Nếu Hạ viện đã thông qua dự luật thì dự luật được Thượng viện xem xét và dự luật được Thượng viện thông qua nếu đạt đa số phiếu hiện diện chấp thuận. Trong trường hợp đó dự luật đã được Quốc hội (cả 2 viện) thông qua.
    4. Nếu Thượng viện bác bỏ thì trong vòng 3 ngày dự luật phải được chuyển lại cho Hạ viện cùng với nghị quyết nêu rõ lý do bác bỏ. Hạ viện sẽ xem xét lại và nếu dự luật được Hạ viện thông qua lần nữa với đa số 2/3 của các Hạ nghị sĩ thì dự luật được coi là đã được Quốc hội thông qua, nếu không đạt đa số 2/3 thì vẫn phải chuyển qua Thượng viện xem xét.
    5. Trong trường hợp đặc biệt, nếu xét thấy cần, Hạ viện có thể yêu cầu Thượng viện xem xét và biểu quyết trước một dự luật, sau đó Hạ viện mới xem xét và biểu quyết. Khi đó vai trò của mỗi Viện thay thế cho nhau trong quy trình nêu trên.
    6. Thời gian xem xét và biểu quyết dự luật tại Thượng viện không được quá một nửa (1/2) thời gian xem xét và biểu quyết tại Hạ viện. Thời gian xem xét và biểu quyết dự luật tại Hạ viện không được quá hai lần thời gian xem xét và biểu quyết tại Thượng viện.
    7. Dự án luật không thể bị loại bỏ vì không được thông qua trong kỳ họp mà nó được trình ra, ngoại trừ trong trường hợp nhiệm kỳ của các Nghị sĩ đã hết.
    Điều 45. Dự luật trở thành luật
    1. Dự luật đã được Quốc hội thông qua phải được gửi đến Tổng thống trong vòng 7 ngày.
    2. Sau khi nhận được dự luật đã được Quốc hội thông qua, Tổng thống có thể chuyển dự luật cho Tòa án Hiến pháp để xét xem có phù hợp với Hiến pháp hay không. Trong trường hợp Tòa án Hiến Pháp xác minh dự luật phù hợp với Hiến pháp, nó trở thành luật. Trong trường hợp dự luật có các điều khoản cụ thể được Tòa án Hiến pháp cho là không hợp hiến và Tòa án Hiến pháp không xác định các điều khoản đó là không thể tách rời toàn bộ dự luật, thì Tổng Thống có thể loại bỏ các điều khoản được cho là vi hiến đó sau khi đã tham vấn ý kiến của Chủ tịch Hạ viện và dự luật trở thành luật với sự loại bỏ đó.
    3. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được dự luật từ Quốc hội, nếu Tổng thống chấp thuận thì dự luật trở thành luật.
    4. Nếu Tổng thống phản đối dự luật, thì trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được từ Quốc hội, Tổng thống phải gửi trả lại Quốc hội xem xét lại dự luật với giải thích bằng văn bản sự phản đối, nhưng không được yêu cầu Quốc hội xem xét lại từng phần của dự luật hay đưa ra đề xuất sửa đổi.
    5. Nếu Tổng thống phản đối dự luật, nhưng quá thời hạn 15 ngày kể trên mà Tổng thống không trả lại dự luật cho Quốc hội, thì dự luật tự động trở thành luật.
    6. Trong trường hợp Tổng thống trả dự luật lại cho Quốc hội, Quốc hội phải xem xét lại dự luật, sau đó: (a) sửa đổi theo trình tự thông thường, hoặc (b) thông qua văn bản gốc của dự luật với đa số 2/3 của các đại biểu có mặt, trường hợp này thì dự luật trở thành luật.
    Điều 46. Công bố luật
    1. Khi dự luật đã trở thành luật, Tổng thống phải công bố luật không chậm trễ.
    2. Trong trường hợp dự luật tự động trở thành luật (theo Khoản 5 Điều 45) hay trở thành luật theo (b) Khoản 6 Điều 45, thì Tổng Thống cũng phải ký công bố không chậm trễ; nếu Tổng Thống vẫn không công bố thì Chủ tịch Hạ viện ký công bố và hành vi này của Tổng Thống có thể trở thành căn cứ cho việc luận tội vi phạm Hiến pháp.
    3. Luật được công bố trên Công báo và có hiệu lực vào ngày do luật định hoặc 30 ngày sau ngày ký công bố nếu luật không định rõ ngày có hiệu lực.
    Điều 47. Ngân sách
    1. Không một khoản tiền nào từ ngân sách nhà nước được chi, cho dù Cơ quan Hành pháp có yêu cầu, nếu chưa được Quốc hội thông qua.
    2. Hành pháp sẽ soạn thảo dự luật ngân sách cho mỗi năm tài chính và đệ trình Hạ viện ít nhất 90 ngày trước ngày khởi đầu của năm tài chính mới.
    3. Quốc hội không tăng số tiền của bất kỳ khoản chi nào, không tạo ra bất kỳ mục chi mới nào trong dự luật ngân sách nếu không có sự đồng ý của Cơ quan Hành pháp.
    4. Hạ viện quyết định về dự luật ngân sách trong vòng 45 ngày kể từ ngày dự luật ngân sách được đệ trình và chuyển cho Thượng viện.
    5. Thượng viện quyết định về dự luật ngân sách đã được Hạ viện chuyển qua trong vòng 20 ngày.
    6. Nếu dự luật ngân sách không được thông qua trước khi bắt đầu năm tài chính mới, Cơ quan Hành pháp có thể giải ngân, theo cách phù hợp với ngân sách của năm tài chính trước, cho các mục đích sau đây cho đến khi dự luật ngân sách được Quốc hội thông qua: (a) cho việc duy trì hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Hiến pháp hay luật; (b) cho việc thực hiện các khoản chi bắt buộc theo quy định của pháp luật; và (c) cho việc tiếp tục các dự án trước đó đã được phê duyệt trong ngân sách.
    7. Hạ viện và Thượng viện có thể có phiên họp chung để xem xét và quyết định về ngân sách khi thấy cần thiết.
    Điều 48. Kiểm toán thu chi ngân sách
    Báo cáo tài chính cuối cùng về thu chi ngân sách quốc gia sẽ được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hàng năm và trình cho Quốc hội.
    Điều 49. Thuế
    Các loại và mức thuế được xác định bằng luật.
    Điều 50. Nợ
    Mọi kế hoạch của Cơ quan Hành pháp về phát hành trái phiếu quốc gia và ký kết hợp đồng mà có thể phát sinh nghĩa vụ tài chính ngoài ngân sách của Nhà nước đều phải được Hạ viện phê chuẩn.
    Điều 51. Chất vấn
    1. Hạ nghị sĩ có quyền chất vấn các Bộ trưởng bằng văn bản hoặc bằng các câu hỏi trực tiếp tại các phiên họp của Hạ viện.
    2. Chất vấn bằng văn bản phải được trả lời bằng văn bản trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được chất vấn.
    3. Các Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời các câu hỏi được nêu ra trong mỗi phiên họp của Hạ viện.
    Điều 52. Điều trần
    1. Để phục vụ cho hoạt động lập pháp, các ủy ban của Hạ viện và Thượng viện có thể tổ chức các cuộc điều trần để nghe những người có liên quan giải thích, làm rõ những vấn đề nhất định nhằm tạo cơ sở cho các quyết định lập pháp và giám sát của Quốc hội.
    2. Những người được mời điều trần trước các ủy ban có thể là các Nghị sĩ, các quan chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức dân sự, công đoàn, các doanh nhân, chuyên gia, học giả, nhà khoa học…
    3. Để chọn ra các quan chức có chất lượng, tất cả các ứng viên tiềm năng vào các chức Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch hay lãnh đạo của các cơ quan hiến định đều phải điều trần trước khi được bổ nhiệm và phê chuẩn
    4. Thủ tục mời và tiến hành điều trần do luật định.
    5. Biên bản các cuộc điều trần được công bố công khai, trừ các cuộc điều trần liên quan đến an ninh quốc gia, và được lưu trữ theo luật định.
    Điều 53. Trưng cầu dân ý toàn quốc
    1. Cuộc trưng cầu dân ý cấp quốc gia có thể được tổ chức về những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nhân dân và quốc gia.
    2. Hạ viện có thể quyết định tổ chức trưng cầu dân ý cấp quốc gia. Tổng thống với sự chấp thuận của Thượng viện có quyền quyết định tổ chức trưng cầu dân ý cấp quốc gia. Khi có yêu cầu của trên 500 ngàn cử tri thì phải tổ chức trưng cầu dân ý.
    3. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cấp quốc gia có tính bắt buộc nếu có hơn ½ số người có quyền bầu cử tham gia cuộc trưng cầu dân ý.
    4. Các nguyên tắc và thủ tục tổ chức cuộc trưng cầu dân ý do luật định.
    Điều 54. Giám sát, điều tra và bãi nhiệm
    1. Hạ viện có thể giám sát công việc của nhà nước hoặc điều tra những vấn đề cụ thể của công vụ nhà nước, có quyền yêu cầu đệ trình các tài liệu trực tiếp liên quan đến các vấn đề đó, yêu cầu nhân chứng cung cấp lời khai hoặc báo cáo.
    2. Dựa trên kết quả giám sát, điều tra, chất vấn và điều trần, Quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng.
    3. Các thủ tục và các vấn đề liên quan đến giám sát và điều tra hành chính nhà nước được luật quy định.
    Điều 55. Phế truất Tổng thống
    1. Quyết định truy tố Tổng thống về việc vi phạm Hiến pháp hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải được Hạ viện thông qua bằng nghị quyết với ít nhất đa số 2/3 tổng số thành viên Hạ viện, trên cơ sở đề nghị của ít nhất 60 Hạ nghị sĩ.
    2. Quyết định truy tố Tổng thống được xét xử bởi Thượng viện.
    3. Từ ngày có quyết định truy tố, Tổng thống bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện tạm thời đảm nhiệm chức vụ quyền Tổng thống. Nếu Thượng viện phán quyết Tổng thống vô tội thì việc tạm đình chỉ nhiệm vụ Tổng thống chấm dứt. Nếu Thượng viện phán quyết Tổng thống có tội thì Tổng thống bị phế truất.
    Điều 56. Phê chuẩn điều ước quốc tế
    1. Quốc hội có quyền đồng ý ký kết và phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến an ninh; các điều ước quốc tế liên quan đến các tổ chức quốc tế quan trọng; các điều ước hữu nghị, thương mại và hàng hải; các điều ước quốc tế liên quan đến bất kỳ hạn chế nào về chủ quyền; các điều ước hòa bình; các điều ước quốc tế phát sinh nghĩa vụ tài chính quan trọng đối với Nhà nước hoặc nhân dân; và các điều ước quốc tế liên quan đến lập pháp.
    2. Đại diện có thẩm quyền và được ủy quyền để ký các điều ước quốc tế chỉ được ký điều ước sau khi đã được sự đồng ý của Quốc hội.
    3. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Tổng thống ký công bố điều ước quốc tế và điều ước có hiệu lực.
    Điều 57. Tuyên bố tình trạng chiến tranh
    1. Quốc hội có quyền nhân danh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố tình trạng chiến tranh và ký kết hiệp ước hòa bình.
    2. Quốc hội chỉ có thể thông qua nghị quyết về tình trạng chiến tranh trong trường hợp có sự xâm lược quân sự đối với lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian Quốc hội không họp, Tổng thống có thể tuyên bố tình trạng chiến tranh.

     

    CHƯƠNG IV. HÀNH PHÁP


    Điều 58. Quyền hành pháp
    1. Quyền hành pháp được nhân dân ủy quyền cho Tổng thống.
    2. Tổng thống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nguyên thủ quốc gia và bảo đảm cho sự liên tục của cơ quan nhà nước.
    3. Tổng thống có trách nhiệm bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như sự bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
    4. Tổng thống thực hiện nhiệm vụ của mình trong phạm vi và theo các nguyên tắc do Hiến pháp và luật quy định.
    Điều 59. Bầu Tổng thống và Phó Tổng thống
    1. Tổng thống và Phó Tổng thống cùng đứng chung một liên danh, do cử tri bầu ra trong cuộc bầu cử phổ thông, bình đẳng và trực tiếp bằng phiếu kín.
    2. Công dân Việt Nam đủ 35 tuổi, tính đến ngày bầu cử, và có quyền bầu cử Quốc hội, có thể là ứng cử viên Tổng thống và ứng cử viên Phó Tổng thống. Ứng cử viên Tổng thống và ứng cử viên Phó Tổng thống, với tư cách một liên danh chung, phải có được chữ ký ủng hộ của ít nhất 100 ngàn công dân có quyền bầu cử Quốc hội.
    3. Liên danh nhận được hơn 1/2 tổng số phiếu bầu hợp lệ sẽ trúng cử chức vụ Tổng thống và Phó Tổng thống.
    4. Nếu không liên danh nào nhận được đa số phiếu, thì sẽ tổ chức lại việc bỏ phiếu giữa 2 liên danh đạt số phiếu cao nhất vào ngày thứ 14 sau ngày bỏ phiếu lần thứ nhất.
    5. Nếu một trong hai liên danh tham gia vòng bầu thứ hai đồng ý rút khỏi danh sách, một trong hai người trong liên danh mất quyền bầu cử hoặc chết, thì liên danh đạt phiếu cao kế tiếp trong lần bầu thứ nhất sẽ thay thế liên danh đó. Trong trường hợp này, ngày bỏ phiếu sẽ được gia hạn thêm 14 ngày.
    6. Liên danh nhận được số phiếu bầu cao hơn trong lần bỏ phiếu lần thứ hai sẽ là những người được bầu làm Tổng thống và Phó Tổng thống.
    7. Các nguyên tắc và thủ tục đề cử ứng cử viên Tổng thống, Phó Tổng thống cách thức tiến hành bầu cử cũng như những yêu cầu về tính hợp lệ của cuộc bầu cử Tổng thống sẽ do luật quy định.
    8. Chủ Tịch Hạ viện ra quyết định tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống không trước 120 ngày và không sau 100 ngày tính đến ngày hết nhiệm kỳ Tổng thống; trong trường hợp khuyết Tổng thống, không muộn hơn 14 ngày kể từ thời điểm bị khuyết. Quyết định tổ chức bầu cử phải quy định rõ ngày bầu cử sẽ là một ngày nghỉ trong khoảng thời gian giữa 60 đến 67 ngày kể từ ngày ra quyết định.
    Điều 60. Tuyên thệ nhậm chức và nhiệm kỳ Tổng thống
    1. Tại lễ nhậm chức trước Quốc hội, Tổng thống sẽ tuyên thệ như sau: “Tôi trịnh trọng tuyên thệ trước nhân dân rằng sẽ trung thành thực thi các nghĩa vụ của Tổng thống bằng việc tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ quốc gia, thúc đẩy tự do và thịnh vượng của nhân dân, nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc”.
    2. Tổng thống và Phó Tổng thống có nhiệm kỳ 5 năm tính từ ngày nhậm chức. Một người không thể làm Tổng thống quá hai nhiệm kỳ.
    Điều 61. Tổng thống chấm dứt nhiệm vụ trước thời hạn
    1. Nhiệm vụ của Tổng thống có thể chấm dứt trước kỳ hạn trong những trường hợp sau: (a) Tổng thống chết; (b) Tổng thống từ chức; (c) Tổng thống bị truất quyền; và (d) do bị bệnh tật trầm trọng và kéo dài, Tổng thống không còn năng lực để làm tròn nhiệm vụ. Sự mất năng lực, trong trường hợp (d), phải được Quốc hội xác nhận với đa số 3/4 tổng số Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ, sau các cuộc giám định y khoa.
    2. Trong trường hợp Tổng thống chấm dứt nhiệm vụ, Phó Tổng thống sẽ đảm nhận chức Tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
    3. Trong trường hợp khuyết Phó Tổng thống, Thượng viện bầu Phó Tổng thống mới theo đề nghị của Tổng thống.
    4. Trường hợp đồng thời khuyết cả Tổng thống và Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện tạm thời làm quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống mới, theo phương thức đa số, cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
    Điều 62. Thẩm quyền của Tổng thống
    Tổng thống có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
    1. Hoạch định chính sách quốc gia;
    2. Ký ban hành các đạo luật;
    3. Ký các điều ước quốc tế, sau khi được Quốc hội phê chuẩn ký ban hành các điều ước quốc tế;
    4. Bổ nhiệm các đại sứ với sự phê chuẩn của Thượng viện;
    5. Tiếp nhận quốc thư, đón nhận các phái đoàn ngoại giao;
    6. Tổ chức các cơ quan hành pháp theo quy định của luật;
    7. Chỉ đạo hoạt động của các cơ quan hành pháp;
    8. Bổ nhiệm các Bộ trưởng với sự chấp thuận của Quốc hội;
    9. Bãi nhiệm các Bộ Trưởng;
    10. Tổ chức các Hội đồng tư vấn;
    11. Quyết định các vấn đề được luật quy định về đặc xá, giảm án, phục hồi các quyền và đại xá;
    12. Trao các tước vị và danh hiệu theo các điều kiện luật định;
    13. Trao quốc tịch Việt Nam;
    14. Các quyền khác theo luật định.
    Điều 63. Thống lĩnh tối cao các lực lượng vũ trang
    1. Tổng thống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Thống lĩnh tối cao của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
    2. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thống phong cấp bậc quân hàm quân đội theo quy định của luật.
    3. Thẩm quyền của Tổng thống về quyền thống lĩnh tối cao đối với các lực lượng vũ trang sẽ được quy định cụ thể trong luật.
    Điều 64. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ
    1. Thủ tướng và các Bộ trưởng là các thành viên Chính phủ, được Tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn.
    2. Thủ tướng có trách nhiệm hỗ trợ Tổng thống và điều hành các Bộ theo chỉ đạo của Tổng thống.
    3. Không ai trong quân đội có thể được bổ nhiệm làm Thủ tướng trừ khi đã giải nhiệm.
    4. Cơ quan công tố thuộc Bộ Tư pháp.

     

    CHƯƠNG V. TƯ PHÁP


    Điều 65. Hoạt động tư pháp
    1. Quyền lực tư pháp được trao cho các tòa án, gồm các thẩm phán có trình độ chuyên môn theo luật định.
    2. Các tòa án gồm: Tòa án Tối cao, tòa án các cấp khác và Tòa án Hiến pháp.
    Điều 66. Tổ chức Tòa án Tối cao
    1. Trong Tòa án Tối cao có Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao.
    2. Trong Tòa án Tối cao có thể thành lập các tòa chuyên trách.
    3. Việc tổ chức Tòa án Tối cao, các tòa án chuyên trách và các tòa án khác theo luật định.
    Điều 67. Thẩm phán Toà án Tối cao
    1. Chánh án Tòa án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội.
    2. Các Thẩm phán Tòa án Tối cao do Tổng thống bổ nhiệm theo đề xuất của Chánh án Tòa án Tối cao và với sự đồng ý của Quốc hội.
    3. Các thẩm phán khác do Chánh án Tòa án Tối cao bổ nhiệm với sự đồng ý của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao.
    Điều 68. Nhiệm kỳ thẩm phán Toà án Tối cao
    1. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án Tối cao là 6 năm và không thể được tái bổ nhiệm.
    2. Nhiệm kỳ của thẩm phán của Tòa án Tối cao là 6 năm và họ có thể được tái bổ nhiệm theo quy định của luật.
    3. Nhiệm kỳ của các thẩm phán ngoài Chánh án và Thẩm phán của Tòa án Tối cao là 10 năm, họ có thể được tái bổ nhiệm theo các điều kiện luật định.
    4. Tuổi về hưu của các thẩm phán được luật quy định.
    Điều 69. Tòa án Hiến pháp
    Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền xét xử đối với các vấn đề sau đây:
    1. Sự phù hợp của luật và điều ước quốc tế với Hiến pháp;
    2. Sự phù hợp của các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành với Hiến pháp;
    3. Sự phù hợp của mục tiêu, hoạt động của các đảng chính trị với Hiến pháp;
    4. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương và giữa các chính quyền địa phương;
    5. Khiếu nại của những người cho rằng các quyền hiến định của họ đã bị xâm phạm bởi một đạo luật hay văn bản pháp luật khác trái với Hiến pháp.
    Điều 70. Tổ chức Tòa án Hiến pháp
    1. Tòa án Hiến pháp gồm 15 thẩm phán được Quốc hội bầu chọn trong số những người có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp có nhiệm kỳ 9 năm và không thể được bầu chọn nhiều hơn một nhiệm kỳ.
    2. Chánh án và Phó Chánh án Tòa án Hiến pháp do Tổng thống bổ nhiệm trong số các ứng cử viên do Hội đồng thẩm phán Tòa án Hiến pháp giới thiệu
    3. Tổ chức và hoạt động của Tòa án Hiến pháp được quy định trong một đạo luật.
    Điều 71. Nguyên tắc độc lập
    Thẩm phán các tòa án phải xét xử độc lập theo lương tâm, chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Thẩm phán không được tham gia các đảng chính trị.

     

    CHƯƠNG VI. CÁC CƠ QUAN HIẾN ĐỊNH ĐỘC LẬP


    Điều 72. Các cơ quan hiến định độc lập
    Các cơ quan hiến định độc lập, không phải là các cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp, bao gồm Ngân hàng Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban Bầu cử, Ủy ban Nhân quyền và Hội đồng Hoà giải Dân tộc.
    Điều 73. Ngân hàng Trung ương
    1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ngân hàng Trung ương của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa
    2. Tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quy định bởi một đạo luật.
    Điều 74. Kiểm toán Nhà nước
    1. Kiểm toán Nhà nước hoạt động theo các nguyên tắc nghề nghiệp.
    2. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các pháp nhân và tổ chức nhà nước về tính hợp pháp, tính kinh tế, hiệu quả và sự mẫn cán.
    3. Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Hạ viện và có trách nhiệm trình Hạ viện: các báo cáo phân tích việc thực hiện ngân sách và các mục tiêu của chính sách tiền tệ; ý kiến liên quan đến việc chấp thuận quyết toán ngân sách; thông tin về kết quả kiểm toán, kết luận kiểm toán và kiến nghị theo quy định của luật.
    4. Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước không được tham gia đảng chính trị hay bất cứ hoạt động công vụ nào khác không phù hợp với chức trách của mình.
    5. Tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước được quy định bằng một đạo luật.
    Điều 75. Ủy Ban Bầu cử
    1. Các Ủy ban Bầu cử được thiết lập với mục đích điều hành công bằng các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý toàn quốc, xử lý các vấn đề hành chính liên quan đến các chính đảng.
    2. Ủy ban Bầu cử Trung ương gồm 3 thành viên do Tổng thống bổ nhiệm, 3 thành viên do Quốc hội lựa chọn và 3 thành viên do Chánh án Tòa án Tối cao lựa chọn. Các thành viên của Ủy ban thành viên bầu ra một Chủ tịch.
    3. Nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban là 6 năm.
    4. Các thành viên Ủy ban không thể tham gia các đảng chính trị hoặc các hoạt động chính trị.
    5. Các chiến dịch tranh cử được thực hiện dưới sự điều hành của Ủy ban Bầu cử mỗi cấp trong phạm vi luật định với nguyên tắc bảo đảm cơ hội bình đẳng cho các ứng cử viên.
    6. Tổ chức, chức năng và các vấn đề quan trọng khác của Ủy ban Bầu cử Trung ương và Ủy ban Bầu cử các cấp sẽ do luật quy định.
    Điều 76. Ủy ban Nhân quyền
    1. Ủy ban Nhân quyền là một cơ quan độc lập, có vai trò thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người được ghi nhận tại Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948 và trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy ban Nhân quyền do Hạ viện thành lập với sự đồng thuận của Thượng viện, gồm 9 thành viên, có sự tham gia của đại diện nhiều thành phần xã hội.
    2. Ủy ban Nhân quyền có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
    a. Giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng, công chức và viên chức về quyền con người;
    b. Tư vấn cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến quyền con người;
    c. Nghiên cứu, đề xuất việc gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người;
    d. Nhận các khiếu nại về các vi phạm các quyền được quy định tại tại Hiến pháp này hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
    3. Thành viên Ủy ban Nhân quyền không giữ bất kỳ chức vụ nào khác, trừ chức vụ giảng viên đại học, cũng không thực hiện bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào khác. Các thành viên cũng không được tham gia đảng chính trị nào, không thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với chức trách của mình.
    4. Phương thức tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân quyền sẽ được quy định bởi một đạo luật.
    Điều 77. Hội đồng Hoà giải Dân tộc
    1. Hội đồng Hoà giải Dân tộc thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hận, hướng đến việc khắc phục các sai lầm trong quá khứ, nhằm mang lại công bằng, đoàn kết dân tộc, phát huy các năng lực của người Việt Nam trên toàn thế giới.
    2. Hội đồng Hoà giải Dân tộc gồm 19 thành viên do Hạ viện bổ nhiệm với sự đồng thuận của Thượng viện. Năm (5) thành viên đến từ mỗi khu vực miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam và bốn (4) thành viên thuộc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
    3. Hội đồng Hoà giải Dân tộc có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
    a. Nghiên cứu, xác định lại giá trị pháp lý của các luật, điều ước quốc tế đã được các chính quyền Việt Nam trong quá khứ ban hành, ký kết trái thẩm quyền hoặc gây hại nghiêm trọng cho quốc dân. Đề xuất với Quốc hội các giải pháp khắc phục các sai lầm quá khứ.
    b. Tập hợp thông tin, đề nghị trả tự do, tổ chức việc đối thoại, xin lỗi, bồi thường cho những người đã từng bị xử phạt, điều tra, truy tố, xét xử oan, chỉ vì lý do họ đã có những hành động nhằm thúc đẩy dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội, nhằm bảo vệ các quyền con người, hoặc chỉ để thực thi các quyền tự do của mình.
    c. Nghiên cứu, trình Quốc hội các chính sách, dự án luật có thể khắc phục những sai lầm khác của các chế độ trong quá khứ nhằm hoà giải và hòa hợp dân tộc.
    4. Hội đồng Hoà giải Dân tộc sẽ được Hạ viện giải tán sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ.

     

    CHƯƠNG VII. TỰ QUẢN ĐỊA PHƯƠNG


    Điều 78. Chính quyền địa phương
    1. Chính quyền địa phương thực hiện các công vụ địa phương, tức là các công vụ không được quy định trong Hiến pháp và trong các đạo luật về các cơ quan khác của Nhà nước. Các công vụ địa phương do nhân dân của địa phương đó tự đề ra. Chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề hành chính liên quan đến an sinh của dân cư địa phương, quản lý tài sản và có thể đề ra các quy định liên quan đến tự chủ địa phương trong phạm vi luật định.
    2. Chính quyền địa phương ở mỗi cấp có thể có một hội đồng và bộ máy hành chính nhà nước cấp địa phương.
    3. Hội đồng địa phương do dân địa phương bầu và có quyền quy định về các công vụ địa phương.
    4. Trong địa phương mình, bộ máy hành chính thực thi các công vụ được quy định trong Hiến pháp, luật và các công vụ địa phương. Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương do nhân dân địa phương đó trực tiếp bầu ra.
    5. Xã là đơn vị cơ sở của chính quyền địa phương, nơi dân chủ trực tiếp được thực hiện ở mức cao nhất trong các cấp chính quyền.
    6. Chính quyền đô thị được luật quy định.
    7. Các loại chính quyền địa phương do luật định.
    Điều 79. Tổ chức Chính quyền địa phương
    Việc tổ chức và thẩm quyền của chính quyền địa phương, thủ tục bầu các thành viên hội đồng (nếu có) và người đứng đầu chính quyền địa phương và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương sẽ do luật định theo nguyên tắc chính quyền cấp càng thấp thì việc áp dụng dân chủ trực tiếp càng cao.

     

    CHƯƠNG VIII. SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP


    Điều 80. Thủ tục sửa đổi Hiến pháp
    1. Một dự luật sửa đổi Hiến pháp có thể được trình bởi các chủ thể sau: ít nhất 1/5 số Hạ nghị sĩ theo luật định, Thượng nghị viện, hoặc Tổng thống.
    2. Nếu Tổng thống trình dự luật sửa đổi Hiến pháp thì dự luật không được thay đổi các điều khoản liên quan đến Tổng thống trong Hiến pháp hiện hành
    3. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được thực hiện bởi một đạo luật được Hạ viện thông qua và sau đó được Thượng viện thông qua với cùng nội dung trong thời hạn 60 ngày.
    4. Dự luật sửa đổi Hiến pháp được Hạ viện thông qua nếu được ít nhất 2/3 số phiếu có mặt của ít nhất 2/3 tổng số Hạ nghị sĩ theo luật định; Dự luật sửa đổi Hiến pháp được Thượng Nghị Viện thông qua nếu được ít nhất 2/3 số phiếu có mặt của ít nhất 2/3 tổng số Thượng nghị sĩ theo luật định.
    5. Trong vòng 60 ngày kể từ khi Dự luật sửa đổi Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua phải tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân phúc quyết.

     

    CHƯƠNG IX. ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN ĐỔI


    Điều 81. Hiệu lực Hiến pháp và quy định chuyển đổi
    1. Hiến pháp này có hiệu lực sau 100 ngày kể từ ngày được nhân dân phúc quyết thông qua.
    2. Trong vòng 100 ngày sau khi Hiến pháp có hiệu lực, Quốc hội hiện hành (đã thông qua Hiến pháp) phải căn cứ vào đó ban hành các luật mới về bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống. Các cuộc bầu cử Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống đầu tiên được tổ chức theo quy định của các luật đó trong vòng 180 ngày từ khi luật có hiệu lực.
    3. Chính phủ, trong vòng 2 năm sau khi Hiến pháp này có hiệu lực, phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, đệ trình để Quốc hội sửa đổi các quy định trái với Hiến pháp và ban hành các luật mới nhằm thực thi Hiến pháp.
    4. Trong vòng 2 năm sau khi Hiến pháp này có hiệu lực, pháp luật đang có hiệu lực vào thời điểm Hiến pháp được Quốc hội thông qua vẫn còn giá trị. Sau thời hạn 2 năm này, tất cả các quy định trái với Hiến pháp này đều trở nên vô hiệu, các quy định khác vẫn còn giá trị.
     .

77 nhận xét :

  1. Hoan hô các nhà trí thức Việt nam đã dũng cảm kiến nghị sữa đổi Hiến phap phù hợp với văn minh tiến bộ của thế giới và đáp ứng với nguyện vọng của tuyêt đại đa số đồng bào.

    Trả lờiXóa
  2. Cần phải có ít nhất 3 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để tham khảo và lựa chọn. Sau đó phải trả lại quyền phúc quyết đích thực (chứ không phải hình thức) cho người Dân.
    Bản Dự thảo trên đây đáng để tham khảo.

    Trả lờiXóa
  3. Hoan hô Bản Kiến Nghị vô cùng quan trọng này!
    Xin cám ơn các vị đã khởi xướng.

    Trả lờiXóa
  4. Góp thêm vài ý :
    Nên có một Viện Gíám Sát hay Viện Đô Sát để chống tham nhũng .
    Quốc Hiệu, Quốc Kỳ, Quóc Ca, Quốc Huy đem ra QHLH thảo luận .
    Các đơn vị hành chánh QG cơ bản là Xã, rồi Huyện , Tỉnh , Thành Phố trực thuộc Trung Ương . Qui định chức danh người đứng đầu các đơn vị này là Xã Trưởng, Huyện Trưởng, Tỉnh Trưởng, Thị Trưởng , Đứng đầu Thủ Đô gọi là Đô Trưởng .

    Trả lờiXóa
  5. Xin chân thành cám ơn những người đã khởi xướng! Em mong mỏi một kiến nghị như thế này từ lâu rồi, em sẽ ký!

    Trả lờiXóa
  6. Hà Tĩnh quê choalúc 15:28 22 tháng 1, 2013

    Một bản kiến nghị hết sức cần thiết, hoan hô trí thức!

    Trả lờiXóa
  7. Nói chung thì tôi ủng hộ những kiến nghị này. Nhưng vẫn nghĩ: phải làm sao mà có được những định chế không thể tùy tiện vi hiến được , CQ nào giám sát việc thực hiện và ra luật đúng-sai so với HP? Những liên kết chặt chẽ nào giữa HP và các bộ luật khác để không bị thiếu và cũng không chồng chéo?

    Trả lờiXóa
  8. Trước đây , chúng tôi thấy quá khó để tham góp ý kiến khi chỉ có một bản dự thảo do một ban dự thảo sửa đổi viết ra.

    Nay có bản dự thảo của các bác để tham khảo. Tuyệt vời!

    Mong có thêm một bản dự thảo nữa thì rất hay. Tuyệt hay!

    Phải cạnh tranh chứ.

    Chúng tôi sẽ đóng góp ý kiến tích cực. Đảng và Nhà nước đang kêu gọi mọi người góp ý dù bất kỳ lĩnh vực gì cũng không cấm kỵ mà.

    Chế độ XHCN dân chủ chứ có phải chế độ Vua Chúa đâu mà cấm phạm húy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem ra chỉ có những ý kiến có lợi cho Đảng mới được tiếp thu còn ý bất lợi bị cắt xén ( như Trường hơp ý kiến của Gs Đàm Thanh Sơn ) . Các báo đài chính thống tập trung hướng dẫn dư luận theo chỉ đạo có lợi cho Đảng !

      Xóa
  9. Góp ý cho HP tham khảolúc 20:56 22 tháng 1, 2013

    Bản dự thảo HP 2013 để tham khảo và thảo luận. Rất hay.

    Tôi góp ý:
    Đều 6. Tôn trọng hòa bình , bảo vệ Tổ quốc và nhân dân
    1. VNDCCH........và phản đối và không bao giờ tiến hành chiến tranh xâm lược thay vì chứ "từ bỏ"

    3. Các lực lượng vũ trang được "nhân dân" trao sứ mệnh....bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn.......quốc gia

    4. Các lực lượng vũ trang....., phải đặt lợi ích của nhân dân và Tổ quốc lên trên hết và có nghĩa vụ trung thành tuyệt đối với Hiến pháp và pháp luật.

    Điều 10. Nền kinh tế quốc dân

    1. Nền kinh tế ........và sáng kiến của toàn thể nhân dân VN và các doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế quốc gia.

    Điều 11. Quốc kỳ, quốc huy....
    1. Quốc kỳ của ..........ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh và xung quanh là hình tròn gồm có 54 ngôi sao nhỏ (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sống trên đất nước ta).

    Điều 12. Nguyên tắc tôn trọng các quyền con người
    1. Ở nước VNDCCH..........., được tôn trọng, thực hiện và bảo vệ.

    Điều 23. Tự do ngôn luận......lập hội
    1. Mọi người ........bằng mọi hình thức hòa bình và bất bạo động.
    2. Mọi người..........ôn hòa và bất bạo động
    3...
    4. Nước VNDCCH nghiêm cấm mọi hành vi, âm mưu và bất kỳ hành động nào mang tính chất bạo động. Nếu cá nhân, tổ chức, đảng phái vi phạm điều này sẽ bị xử tội phản quốc.

    (Tôi sẽ góp ý tiếp)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quốc kỳ nên lấy màu vàng sao 14 cánh màu đỏ(Trống đồng) và 54 sao 5 cánh có lý hơn hoăc sao màu xanh cho nó có tính Kinh Việt ( Kinh dịch)

      Xóa
    2. hay qua chung toi hoan toan uong ho ban hien phap nay

      Xóa
  10. Muốn kí ủng hộ kiến nghị này thì ký ở đau vậy mọi người

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ký ở
      kiennghisuadoihienphap2013@gmail.com

      Xóa
  11. bản dự thảo ngắn gọn rõ ràng tôi đồng ý

    Trả lờiXóa
  12. Bác Diện coi lại điều 77 số 2, xem là 19 hay là 9. Tôi cộng 5 với 4 chỉ có 9 thôi.

    Trả lờiXóa
  13. Bản dự thảo hiến pháp 2013 này rõ ràng là một cuộc cách mạng đúng nghĩa . Vậy thì ngay ở điều 1 cần phải xác lập tên mới của nước ta mà theo thiển ý của tôi đơn giản là nước VIỆT NAM , không cần kèm theo thể chế DÂN CHỦ CỘNG HÒA làm gì vì trong tim mỗi người chỉ vang lên 2 tiếng Việt nam mà thôi , còn thể chế nào thì mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp , không phải là tên nước !
    Một việc rất quan trọng nữa là có 3 tổ chức lập pháp trong bản dự thảo này : Quốc hội , Hạ viện , Thượng viện . Vậy thì có cần hay không một điều để xác lập chức năng , nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi tổ chức , vì tuyệt đại nhân dân hiện nay chưa có hiểu biết cụ thể về các tổ chức này một cách rõ ràng .
    Tôi tán thành viêc xác định Công an không phải là Lực lượng vũ trang mà chỉ là một tổ chức dân sự có chức năng bảo đảm trật tự , an toàn xã hội ,
    Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm để bổ sung hoàn thiện văn bản ! Xin cảm ơn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rằng có ba tổ chức lập pháp. Kỳ thực không phải như vậy đâu!Cơ quan lập pháp chỉ có Quốc hội, Quốc hội lưỡng viện (Thượng viện và Hạ việ). Quy trình làm luật theo cơ chế lưỡng viện là mỗi đạo luật phải thông qua hai lần (ở 2 viện). Mục đích của việc này là để giảm thiểu sai sót. Khi chính trị được tự do hóa, thành phần Quốc hội sẽ có thành viên thuộc về nhiều đảng phái chính trị khác nhau. Đặc biệt là hạ viện (thành viên có tuổi đời trẻ, kinh nghiệm ít, nhiệm kỳ ngắn...) gần dân chúng hơn bị sức ép từ cử tri nhiều hơn nên họ sẽ sốt sắng làm luật ngay để thỏa lòng bức xức của cử tri. Như vậy, nóng vội rất dễ mắc sai lầm. Thượng viện sẽ có chức năng làm giảm sự nhiệt tình đó xuống (bằng hiểu biết và kinh nghiệm nhiều hơn) giống như "hậu vệ thòng". Còn quyền phủ quyết của Tổng thống thì giống như "thủ môn". Dự luật được QH thông qua mới chỉ là luật trên giấy, muốn nó đi vào cuộc sống thì phải được Cq hành pháp thi hành. Tổng thống sẽ chưa cho thi hành nếu việc thi hành đó là không có lợi cho quốc kế dân sinh (có những việc chỉ người thi hành mới hiểu rõ hơn ai hết). Sử dụng quyền phủ quyết, Tổng thống phải giải trình được lý do. Nếu QH vẫn nhất quyết thông qua thì Tổng thống vẫn phải công bố, thi hành. Cái này gọi là phục tùng tập thể (đại diện dân cử của dân), tức là chiều theo ý nhân dân.

      Xóa
  14. Bản dự thảo Hiến pháp 2013 này rõ ràng là một cuộc cách mạng đúng nghĩa ! Do vậy cần xác định tên nước ở ngay điều 1 , theo thiển ý của tôi thì nên là nước VIỆT NAM không cần kèm theo danh xưng về thể chế , vì trong tim mỗi người dân chỉ vang lên hai tiếng " Việt nam " mà thôi . Thể chế - Chế độ chính trị của mọi quốc gia đều thay đổi phù hợp với từng giai đoạn lịch sử .
    Một vấn đề quan trọng nữa là trong bản dự thảo có 3 cơ quan lập pháp : Quốc hội , Hạ viện , Thượng viện . Vậy nên chăng cần có một điều để xác lập chức năng , nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan này vì tuyệt đại nhân dân hiện nay không được hiểu một cách đầy đủ !
    Mong muốn Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu , chỉnh lý hoàn thiện bản dự thảo này , Xin cảm ơn !

    Trả lờiXóa
  15. Nhờ TS Nguyễn Xuân Diện đăng ký tôi ký tên vào DANH SÁCH NGƯỜI KÝ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992 cho mình với nha
    TS.BS. Hồ Thị Hồng Nhung
    Viện Pasteur tp. Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa
  16. Nếu Hiến pháp của Việt Nam được cơ bản như vậy thì quá tốt.
    Tôi nghĩ,tất cả những ai mong muốn đất nước phát triển,tất cả vì lợi ích chung của xã hội,không có tâm địa đặc quyền,đặc lợi,sẽ rất mong muốn có một Hiến pháp thật cụ thể,thật dân chủ và bao chùm tất cả mọi vấn đề đều vì cuộc sống an sinh cho nhân dân,vì chủ quyền của đất nước và sự tiến bộ cho xã hội.
    Muốn được như vậy,lẽ đương nhiên các vị đương kim lãnh đạo nhà nước phải có sự phân tích, lắng nghe những ý kiến phản biện,có thể là gay gắt và dám rũ bỏ những đặc quyền,đặc lợi của cá nhân hay của một bộ phận những người nắm quyền.Nói thì nói vậy ,với những gì đã được chứng kiến trong thời gian qua của nhiều nhà lãnh đạo,thì việc biết lắng nghe ,tiếp thu những ý kiến trái chiều cũng như dám rũ bỏ những đặc quyền,đặc lợi của bản thân và của những nhà cầm quyền trong lúc này không phải là chuyện đơn giản.
    Tôi hoàn toàn nhất trí với bản kiến nghị dự thảo Hiến pháp này.và rất trân trọng sự nhiệt huyết của những người đã soạn thảo.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  17. Tôi chỉ mơ đến 1 ngày hiến pháp sẽ được sửa đổi như kiến nghị sữa đổi Hiến Pháp của các nhà trí thức Việt nam. Cứ như hiện tại xã hội bây giờ buồn và mệt mỏi chờ đợi thay đổi theo hướng cải cách tiến bộ thực sự. Không ai tự chặt tay mình nên phải có người khác chặt hộ!!!

    Trả lờiXóa
  18. Tôi góp ý :
    *lấy ngày giỗ tổ Hùng Vương làm ngày quốc khánh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy . Tôi ủng hộ ý kiến này !

      Xóa
  19. Đề nghị cách làmlúc 12:39 24 tháng 1, 2013

    Theo tôi thì rất nhiều người dân , nhất là ở nông thôn hay anh chị em làm công nhân lao động bình thường ở mọi nơi , không thích đọc và không thể hiểu hết được ngôn ngữ, nội dung và ý nghĩa của HP sửa đổi vì có nhiều khái niệm, nội dung liên quan rất rộng đến luật, quyền con người, kinh tế, chính trị, thể chế, luật quốc tế vv...rất phức tạp và đối với họ là quá khó hiểu.

    Do vậy, điều quan trọng bậc nhất là Nhà nước ta và tầng lớp trí thức của đất nước hãy tìm những cách đơn giản nhất để làm sao cho họ hiểu và tham gia càng nhiều càng tốt.

    Tôi tự hỏi mình:
    Hơn 70% dân số là nông dân và sống ở nông thôn, họ chẳng mấy khi đọc báo nữa là tham gia góp ý cho HP sửa đối với các nội dung vô cùng rộng, phức tạp, khó hiểu đối với họ?

    Vậy làm sao để họ hiểu và tham gia tích cực?

    Có lẽ hầu hết sự góp ý sẽ là của các nhân sỹ, trí thức, người thành phố và một bộ phận không nhiều lắm ở nông thôn.

    Đề nghị Nhà nước nên tổ chức các cuộc họp ở các cấp từ thôn, tổ dân phố trở lên để phổ biến cho nhân dân biết và hướng dẫn họ tham gia thảo luận, góp ý kiến.

    Tôi ngĩ làm được thế thì sẽ có rất đông người tham gia và nhân dịp này cũng là một cơ hôi vô cùng quí giá để nhân dân hiểu biết và sau này chấp hành HP và pháp luật nghiêm minh. Đồng thời họ cũng sẽ đấu tranh chống lại những ai làm trái HP và pháp luật.

    Trả lờiXóa
  20. Bổ sung vào điều 23 : Mọi người đều có quyền lập hội, lập đảng phái chính trị.

    Trả lờiXóa
  21. Hiện nay, các trường Công An Nhân Dân, trong đó có Học viện An Ninh Nhân Dân đang tiếp tục thực hiện đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng là góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

    Về Chương I – Chế độ chính trị: Điều 2 cần thêm cụm từ “do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, quy định như vậy có tác dụng đối với công tác bảo vệ ANQG trong bảo vệ an ninh nhà nước, chống lại các hoạt động xâm phạm an ninh nhà nước, chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam, gây chia rẽ nhân dân với Đảng ta...

    Về chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, Điều 20 cần bổ sung nguyên tắc sau: “Không ai được lợi dụng quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều 26, đề nghị bổ sung thêm quy định “Không ai được lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

    Tham khảo thêm tại Công An Nhân Dân Online:

    http://www.cand.com.vn/vi-VN/thoisu/2013/1/190405.cand

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các ngành khác cũng học tập theo kiểu CAND / Toàn Đảng, toàn quân chắc cũng thế ?

      Xóa
    2. Thế chính sách của Nhà nước và chính phủ sai thì cũng dân cũng không ai được nói, viết và phê bình hả bác Công An?

      CTN, TT đều kêu gọi mọi người tham gia ý kiến, tố cáo tham nhũng, góp ý cho Nhà nước và Chính phủ một cách thawnhr thắn và chân thành để phát triển đất nước VN.

      Ví dụ như sai lầm rất lớn khi coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo và hậu quả là mọi người đã thấy rất rõ rồi.

      Nay HP sửa đổi đã phải bỏ tư duy này đi đấy. Nếu Nhà nước và Chính phủ biết lắng nghe thì đâu nên nỗi này.

      Chả có đất nước nào trên thế giới này mà Nhà nước làm sai dân cũng không được nói, viết và phê bình.

      Bác Công An cực đoan quá.

      Xóa
    3. làm như đảng là thánh vậy, ban gì ra cũng đúng hết. Phải có dân chúng ủng hộ, chứ không phải là làm theo lợi ích của 1 số ít

      Xóa
  22. Muốn giàu mạnh thì phải dân chủ(đúng nghĩa),muốn dân chủ thì phải đa đảng,đảng cộng sản cũng chỉ là một thành viên trong cộng đồng dân tộc mà thôi-Đồng ý bản dự thảo ghi trên.

    Trả lờiXóa
  23. Hãy vì dân tộc VN,vì đất nước VN-XIN HÃY ĐỪNG VÌ LỢI ÍCH CÁ NHÂN MÌNH,HÃY ĐỪNG VÌ ĐẢNG PHÁI MÌNH MÀ LÀM CHO TỔ QUỐC LỤN BẠI,NGHÈO ĐÓI!

    Trả lờiXóa
  24. Quan trọng là ý thức con người và thái độ thực thi hiến pháp, pháp luật. Nói cho nhiều, nói thật hay nhưng không thực hiện hoặc thực hiện một cách méo mó như toà án ở Văn Giang thì cũng chẳng đem lại lợi ích thiết thực gì cho đất nước.

    Trả lờiXóa
  25. Cháu cảm ơn các Bác rất nhiều và kính gửi các Bác lời chúc sức khỏe và hạnh phúc cho năm mới sắp đến. Mong một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước Việt Nam mình, với một bản Hiến Pháp tiến bộ hơn, ít nhất được như bản dự thảo mà các Bác đưa ra tham khảo và cháu ủng hộ.

    Làm sao để mỗi công dân Việt Nam có ý thức về Hiến pháp? Rất nhiều người là công dân Việt Nam thậm chí không biết đến sự tồn tại của cái gọi là Hiến Pháp ở đất nước mình và mình chịu sự chi phối của nó. Cháu đã từng như vậy cho đến mới gần đây thôi. Thật thảm thương cho những thế hệ người dân Việt nghèo nàn về ý thức công dân vì không được giáo dục đầy đủ.

    Trả lờiXóa
  26. Một Giáo sư vật lý gốc Việt làm việc tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ, phản ánh trên mạng việc ông bị 'cắt xén' ý kiến khi ông đáp ứng lời kêu gọi gần đây của chính quyền và quốc hội Việt Nam, góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

    Trong một thông điệp đưa ra trên trang blog "Hiến pháp", Giáo sư Đàm Thanh Sơn cho hay ông đã gửi một 'thư' góp ý tới Văn phòng Quốc hội vào hôm thứ Ba tuần trước, nhưng khi được công bố, trang mạng chính thức về dự thảo hiến pháp của Quốc hội và chính quyền đã "cắt bỏ" ý kiến của ông và không hồi đáp để giải thích lý do, mặc dù ông đã "nhiều lần" liên lạc chất vấn.

    Phần đóng góp liên quan điều 70 (sửa đổi, bổ sung điều 45), Giáo sư Sơn đề nghị và nhấn mạnh:

    “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ dân chủ, cùng toàn dân xây dựng đất nước”.

    Mọi người có thể xem chi tiết vụ việc trên trang mạng của BBC:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130130_damthanhson_constitution.shtml

    Trả lờiXóa
  27. Nhật Bản, Thái Lan không có cách mạng trong nước để thay đổi thể chế nhưng vì sự tồn vong và hưng thịnh của quốc gia, nhà Vua đã tự nguyện nhượng bộ để lập ra chính thể quân chủ lập hiến, đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập. Nghĩa là triều đình đã tự chặt tay của mình, nhưng đến nay nhà Vua rất được dân chúng tôn trọng và nhớ ơn, đất nước phát triển phồn vinh. Nhưng đó là nhân cách của những ông vua. Còn những người thân phận bình thường mà leo cao được nhờ cơ hội, thời thế... thì tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ dám tự chặt tay của mình đâu

    Trả lờiXóa
  28. * Tôi xin góp ý sửa đổi hiến pháp để chuyển lịch sử dân tộc Việt Nam sang giai đoạn mới bằng bài thơ của tôi sáng tác:

    QUYẾT TIẾN

    Việt Nam ơi
    Quê hương tôi
    Bao lớp người
    Đã ra đi
    Không nề chi
    Quyết chiến đấu
    Dù hy sinh
    Vì hòa bình
    Vì độc lập
    Vì tự do!

    Trong cam go
    Bừng bừng sáng
    Giống Tiên Rồng
    Bốn ngàn năm
    Qua âm vang
    Bạch Đằng Giang
    Sông hùng dũng
    Đến Đống Đa
    Càng vang xa
    Chí anh hùng…

    Việt Nam ơi
    Quê hương Tôi
    Biết bao Người
    Đã ra đi
    Dù lâm nguy
    Cùng quyết tiến
    Giờ đã đến
    Vì bình quyền
    Vì dân chủ
    Vì tự do!

    Trong chung lo
    Nào quên được
    Người dân Việt
    Quyết tiến bước
    Với năm châu
    Xây nhịp cầu
    Tình nhân loại
    Tươi thắm mãi
    Cho hôm nay
    Và mai sau…

    T.T.

    Trả lờiXóa
  29. Anh Xuân Diện ạ, tôi cũng không hiểu tác giả Đông La chuyên làm bồi bút "đâm thuê, chém mướn" để bôi nhọ trí thức như thế này. Loại này cũng chỉ vì tiền mà tiếp tay cho TQ và bọn tham nhũng dày xéo quê hương thôi. Đông la có bao giờ mủi lòng trong thời kỳ đổi mới mà quê hương đất nước tan nát, kiệt quệ về kinh tế như hôm nay không? Hay Đông La là kẻ tâm thần không nhận ra. Sự chửi rủa mắng nhiếc trí thức thì không thể chấp nhận được, đó là kẻ phản bội tố quốc:
    Anh Xuân Diện đọc thử bài viết này của Đông La nằm trong chiến dịch bôi nhọ giới trí thức:
    CHÂN RUNG NHỮNG NHÀ LẬT PHÁP (Về "Kiến Nghị" thay Hiến pháp Phần III)

    Trả lờiXóa
  30. tôi đồng ý và ky tên vao ban kien nghi 7 dieu sua doi HIEN PHAP NAM 1992

    Trả lờiXóa
  31. Tôi đề nghị. Để dễ cho Đảng hay Quốc hội hay cơ quan có thẩm quyền nào đó. Sau khi hết thời hạn góp ý, nên tổ chức ngay một cuộc trưng cầu dân ý về bản đề nghị của nhân sĩ, trí thức đã đệ nộp vừa qua cùng với bàn của Quốc hội (nếu có) để đươc hãn hữu. Xem như một cuộc bình bầu.

    Trả lờiXóa
  32. Đọc qua bản dự thảo, tôi thật sự cảm kích những trí thức đã dày công soạn thảo. Dự thảo thật sự là 1 bản HP dân chủ mà nếu VN có được sẽ là 1 cuộc cách mạng lớn, đất nước ta tôi tin là sẽ phát triển rất nhanh.

    Tuy nhiên, thật sự là tôi không thể tin là Đảng CS có thể để cho bản dự thảo này được phổ biến, chứ đừng nói là thông qua.

    Dù vậy thì tôi cũng đã tham gia kí tên ủng hộ. Không thể thay đổi trong hôm nay, nhưng 10, 20 năm nữa thì biết đâu được. Nhưng rõ ràng là nếu không nêu lên ý kiến, thì chắc chắn 100 năm nữa VN vẫn không thể vươn lên dưới sự chuyên chính của Đảng CS.

    Trả lờiXóa
  33. Đọc qua bản dự thảo, tôi thật sự cảm kích trước tâm huyết của các trí thức đã soạn thảo. Nếu bản dự thảo này trở thành HP của VN, đây sẽ là 1 cuộc cách mạng lớn và tôi tin đất nước sẽ tiến rất nhanh.
    Tuy nhiên, tôi không tin là Đảng CS có thể để cho bản dự thảo này được công bố, chứ đừng nói đến chuyện đưa ra phúc quyết.
    Dù vậy tôi cũng đã kí tên ủng hộ. Không thể thay đổi được ngay trong hôm nay, nhưng 10 năm, 20 năm nữa thì không ai biết trước được. Còn hơn là không làm gì, thì 100 năm nữa VN vẫn ì ạch dưới sự dẫn dắt chuyên chính của Đảng CS.

    Trả lờiXóa
  34. Sinh viên ra trường không có việc làm, đời sống khó khăn. cứ thảo luận mãi Hiến pháp tốn tiền. Dân chúng tôi muốn cơm áo, gạo tiền. Hãy trả cho chúng tôi cái đó. Quyền tài sản, trong đó có quyền tư hữu đất nông nghiệp là quan trọng. Bầu cử thế nào mặc kệ. Cái gì của dân thì chính quyền đừng sờ tới.

    Trả lờiXóa
  35. Đồng ý với bản dự thảo hiến pháp. Phải có sự thay đổi là cơ hội đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ chậm phát triển.

    Trả lờiXóa
  36. Tôi hoàn toàn đồng ý với bản dự thảo hiến pháp mới này. Tôi ở nước ngoài làm thế nào để ký đồng ý.

    Trả lờiXóa

  37. Tôi có ý kiến thế này: Điều 4 hiến pháp mới nên qui định chỉ có 3 Đảng như thời Bác Hồ, các Đảng bình đẳng như nhau, Đảng CS, Đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội. ai tham gia đảng nào là tuỳ ý. Chỉ cần thế, có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các Đảng thì mọi vấn đề rắc rối sẽ nhanh chóng được giải quyết, và sự phát triển sẽ theo đúng qui luật.
    Thể chế chính trị đất nước ta chỉ cần ĐCS duy nhất hay đa đảng nên chưng cầu dân ý.
    Tôi không muốn DT chúng ta phải trả giá đắt như I răc, Libi, Syri....thì ND ta mới có được nền dân chủ. Nếu điều này xẩy ra thì tội là do đảng CS cầm quyền của chúng ta.
    Tôi không muốn nền dân chủ đa đảng kiểu như CHLB Nga trước đây mà ai thành lập cùng được, miễn đủ chữ ký, để rồi Công An, Quân đội, như cướp ngày, Quan chức thì cùng ma phi a thao túng xã hội.
    Trước khi thực hiện tiến trình dân chủ và đa đảng, để tỏ lòng cầu thị chúng ta mời các nước tiến tiến như Nhật, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nga, ÚC..... tham gia tư vấn, để tiến trình dân chủ của chúng ta được phát triển vững chắc. Với tấm lòng cầu thị, sự khiêm tốn của chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt của các nước tiến tiến. mà mô hình này chưa nước nào làm được.
    Làm được điều này, Lịch sử DT ta sẽ ghi nhận công lao to lớn của đảng ta, một đảng đã lãng đạo DT ta chiến thắng 2 đế quốc Pháp và Mỹ lớn nhất. thống nhất đất nước, một đảng quyết tâm dám sửa chữa những sai lầm để tiến hành dân chủ hoá thực sự cho DT
    Làm được điều này chắc chắn DT ta sẽ phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng sánh vai các cường quốc năm châu.
    Nhân dân ta thật tuyệt vời, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ Tổ quốc khi có lâm nguy, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo khi có hoạn nạn, Nhưng chúng ta những người CS cầm cờ lãnh đạo DT, đã để ND ta nghèo đói, văn hoá xuống cấp trầm trọng... mà điển hình là văn hoá PHONG BÌ (văn hoá tội phạm) trong mọi mối quan hệ XH. ai trong chúng ta ngồi đây là tôi phạm? Trong 63 tỉnh thành từ giám đốc sở đến lãnh đạo TW có ai nghèo không? trong khi người CN không có đủ tiền mua vé về thăm gđ, nhiều vùng nông thôn còn khốn khổ không có tiền cho con ăn học. Làm người lãnh đạo mà để ND như vậy chúng ta có sấu hổ không?
    Chúng ta bảo vệ Tổ quốc trước hoạ xâm lăng không chỉ bằng mua sắm nhiều vũ khí như máy bay SU30, SU35, tầu ngầm, hay hệ thống phòng không S300, S400,.... mà chính bằng lòng tin, của nhân dân với nhà nước, với người lãnh đạo, đó mới là sức mạnh của DT ta, lịch sử đã chứng minh điều đó. Nhưng sự độc tôn lãnh đạo của Đảng CS chúng ta không còn phù hợp nữa, Chính sự độc tôn duy ý chí này đã làm tha hoá của hầu hết cán bộ đảng viên của chúng ta, Bản chất của độc quyền thường đi đôi với tham nhũng, mâu thuẫn giữa quan chức và ND mỗi ngày một lớn hơn, và chính nó đã giết chết lòng tin của ND, vậy thì lấy đâu sức mạnh từ ND nữa, và chúng ta làm sao thắng được kẻ thù khi bị xâm năng.
    Một lần nữa tôi muốn nói rằng, khi quyền lực của Đảng ta còn tuyệt, nhưng vì tổ quốc VN thân yêu, vì nhân dân, Đảng ta đã biết chia sẻ quyền lực để cùng nhau xd và phát triển đất nước, làm được điều này quí hơn cả triệu tấn vàng các đồng chí ạ.
    Chính sự độc quyền lãnh đạo của chúng ta đã không trọn được những người có tâm, có tầm để phục vụ đất nước, DT ta không thiếu nhân tài khi đất nước ta có nền dân chủ thực sự, mọi người trong nước cũng như ngoài nước sẽ công hiến hết sức mình cho sự phát triển của DT. đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc chúng ta được ngẩng cao đầu với thế giới.
    Ngày 17-2 vừa qua không có một vòng hoa nào được đặt lên các nghĩa trang liệt sỹ chống TQ xâm lược, một lần nữa khăn tang của những bà mẹ mất con, của những người vợ mất chồng, của những người con mất cha trong những ngày chống TQ xâ lược lại ướt nhòa nước mắt bởi chính sự hèn hạ ô nhục của chúng ta. Muốn không ô nhục chúng ta phải dứt bỏ sự độc quyền, để cúng DT tiến lên
    Myanma là một điển hình các đồng chí tham khảo.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không có nước nào mà kẻ cầm quyền trắng trợn và ngang ngược đòi phải ghi vào hiến pháp của quốc gia rằng: quân đội phải trung thành với đảng cầm quyền theo kiểu như HP92 của VN.
      Nếu nước đó mà đa đảng thì sẽ có loạn đa sứ quân vì nhiều đảng sẽ có nhiều đội quân.
      Điều vô lý nhất mà đứa trẻ con cũng nhận thấy và trả lời được là:
      1-quân đội sinh ra để làm gì? có nghĩa là: nhiệm vụ bảo vệ ai thì phải trung thành với người đó
      2-quân đội do ai nuôi?, lấy tiền của của ai đóng góp ? ai góp tiền của nuôi, thì phải trung thành với người đó.
      3-Đảng lớn hơn nhân dân? hay nhân dân lớn hơn đảng?
      Nhân dân nằm trong đảng hay đảng nằm trong nhân dân?-nếu đảng nằm trong nhân dân thì quân đội phải trung thành với nhân dân là hợp đạo lý- điều này không ai có thể bác bỏ được.
      Nếu nhân dân nằm trong đảng thì hóa ra đảng đứng trên nhân dân, đảng đẻ ra dân à-láo quá, thế ra toàn dân là đảng viên hết à?
      Đảng không phải là toàn thể nhân dân, nên không thể trung thành với riêng đảng- để đem quân đội đi đàn áp dân cho đảng tồn tại được: câu chuyện cưỡng chế Ecopak là một minh chứng cho quân đội chỉ trung thành với đảng cầm quyền-trở thành một tên lính đánh thuê ngu dốt, mới thật là một công cụ rô-bốt: ăn cơm dân, tiêu tiền dân nhưng lại đánh dân để bảo vệ kẻ cầm quyền.
      Ngược lại, đã là quân đội “nhân dân” thì phải trung thành với nhân dân, không đàn áp dân -vụ tỉnh ủy Thái bình đòi đem quân đội đi trấn áp dân chống tham nhũng trước đây bị tỉnh đội trưỏng Thái Bình thẳng thắn bác bỏ là hoàn toàn đúng lý lẽ và đạo đức: quân đội sinh ra là để bảo vệ độc lập chủ quyền của tổ quốc, chứ không phải để đàn áp nhân dân, chống lại nhân dân

      Xóa
  38. Ủng hộ bản hiến pháp này. ửng hộ các nhà trí thức.

    Trả lờiXóa
  39. Ngày hôm nay đất nước ta đang trên đà tụt hậu , nghèo đói vẫn phổ biến khắp nơi , mặc dầu đã thống nhất gần 40 năm rồi . Đây là công hay là tội của đảng cầm quyền ? Nếu cứ để đất nước này tiếp tục lạc hậu nghèo đói , đi lạc đường , lạc lỏng trong thế giới thì tội lỗi đó ngày càng chống chất lịch sử sẽ ghi đủ . Đứng trước thực trạng này các nhân sỹ trí thức và một bộ phận lớn nhân dân đã chỉ ra và kêu gọi thay đổi hiến pháp làm nền tảng mà vẫn còn bị quy chụp và cho là suy thoái tư tưởng thì không còn gì để nói nữa . Khi đã bị thực tiễn dồn đến chân tường , khi mà đất nước đã tan hoang thì sẽ hối không kịp thì tội lỗi đó trở thành tội ác với dân tộc này với nhân dân VN .

    Trả lờiXóa
  40. Tôi đồng ý và ủng hộ với bản dự thảo hiến pháp mới này.

    Trả lờiXóa
  41. Tôi cũng ủng hộ và đồng ý ký tên vào bảng kiến nghị sửa đổi hiến pháp này

    Trả lờiXóa
  42. 72 người, 81 điều: 7+2=8+1=9 số cao nhất trong các số nguyên tố!OK

    Trả lờiXóa
  43. Tôi đã ký và có đóng góp ý kiến vào bản Dự Thảo Hiến Pháp là Phải lấy Tình Thương Con Người Làm Nền Tảng, nếu không thì sự Hoà Hợp, Hoà Giải và Tha Thứ sẽ khó thực hiện được, và người VN sẽ có nhiều cơ hội chửi rủa nhau hơn, hung hăn hiếu chiến hơn, gây rối loạn xã hội nhiều hơn. Nên Hiến Pháp phải lấy Tình Thương Con Người Làm Nền Tảng!

    Trên Nền Tảng ấy, chúng ta sẽ xây dựng một thể chế đa đảng, dân chủ, nhân quyền, tam quyền phân lập, v.v…

    Nếu không có một điều trong Hiến Pháp về Nền Tảng Tình Thương Con Người ấy, sẽ có nhiều sự trả thù, căm thù, hiếu chiến giữa các phe phái và con người Việt Nam sẽ phát triển không biết cảm thông với nhau hơn, chỉ biết dùng quyền lợi của mình làm mục đích, khích động, gây rối xã hội, lòng người ly tán, xã hội càng chán chường với những kẻ dùng lời nói dung tục, chửi bới, và hạ nhục nhân phẩm người khác thì nhân quyền chẳng được tôn trọng gì trong một xã hội mới này.

    Vì thế BẮT BUỘC PHẢI CÓ ĐIỀU: TÌNH THƯƠNG CON NGƯỜI LÀM NỀN TẢNG trong Hiến Pháp này!

    Trả lờiXóa
  44. Có sửa đổi hiến pháp hiến phung gì đi nữa thì cũng phải nhớ là phải để cho đảng SCVN có quyền cao nhất trên mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, bất chấp tất cả lý lẽ- tình cảm, hiến pháp hiến phung...lãnh đạo VN cứ làm bất cứ điều gì, ban hành bất cứ quy định gì, luật lệ gì...có lợi cho cá nhân- tập thể đảng viên đảng CSVN là duyệt. Không nên nghe theo ý kiến của nhân dân bởi họ tuy có đông thật, nhiều thật nhưng không hiểu biết gì, không có học thức trình độ nên nói không đúng đâu. Do vậy, không nên sửa đổi hiến pháp gì cả vì hiến pháp đang xài là đạt yêu cầu trên rồi

    Trả lờiXóa
  45. nếu bản hiến pháp tham khảo này được chấp nhận với những bổ sung cho thật hoàn chỉnh thì cả dân tộc Việt Nam sẽ có một sức sống mới,vực dậy hào khí quật cường, tinh thần cầu tiến của tiền nhân.

    Trả lờiXóa
  46. tôi ung hô bang du thao sua đôi hien phap cua 72 nhan si tri thuc hoang hô cac nhan si tri thuc VN

    Trả lờiXóa
  47. Hoan nghênh những hành động dũng cảm!Hởi tất cả những người dân bình thường hãy bỏ qua nỗi sợ mà nói lên điều công chính!

    Trả lờiXóa
  48. Mong rằng Hiến Pháp trên sớm được thực thi.

    Trả lờiXóa
  49. Toi muon ky ten thi lam the nao, thua qy vi.

    Trả lờiXóa
  50. Xong rồi các bác ạ : http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/112560/tiep-thu-dieu-gi-sau-2-thang-gop-y-hien-phap-.html

    Trả lờiXóa
  51. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  52. Đây nữa nè các bác http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/112712/-phi-chinh-tri-hoa--quan-doi-thanh-doi-quan-robot-.html

    Trả lờiXóa
  53. Tôi đồng ý với bản HP này. Sẽ làm đất nước ta mỗi đi lên và phát triển toàn diện..

    Trả lờiXóa
  54. Hóa ra từ trước đến nay nước ta có hiến phấp à? Có ai nhắc đến đâu nhỉ? Giờ đem ra sửa, mới hay ta có Hiến pháp!

    Trả lờiXóa
  55. Hiện nay ngoài việc nhà nước trực tiếp y/c đưa góp ý HP xuống từng hộ gia đình thì hôm nay ở công ty tôi đang làm việc mà tôi thấy đây là một trong những cách gian lận:
    - Bộ phận NS trực tiếp ghi tên & ký khống vào bản góp ý HP của nhà nước, trong đó họ tự tiện ghi đồng ý & ký tên thay cho toàn bộ công nhân viên (Cty tôi có trên 2000 CNV).
    - Như vậy, mỗi người sẽ phải ký tên 2 lần: 1 lần ở địa phương, 1 lần ở công ty

    Trả lờiXóa
  56. Tễu ơi có cái này hay lắm Tễu. http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2617
    Tễu phổ biến cho mọi người cùng tham gia nhé.

    Trả lờiXóa
  57. ban hien phap nay rat dan chuqua tot dep
    toi hoan toan ung ho

    Trả lờiXóa
  58. Nuớc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòalúc 15:48 27 tháng 4, 2013

    http://dantri.com.vn/307/880/binh-chon.htm

    http://dantri.com.vn/dien-dan/tro-lai-nguyen-ly-cach-mang-giai-phong-dan-toc-khong-the-la-buoc-lui-723478.htm

    Nên giữ tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 12478 (23%)
    Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 41157 (77%)

    Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa đưa ra hai phương án về tên nước.
    Như ông phân tích, phương án đề xuất này dường như rất… sáng.
    Vậy có thể nói gì về những “cái được” khi trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
    Lấy lại tên đó là trở về một nền tảng bền vững, có học thuyết vững chắc, tiếp thu được thành tựu của nhân loại, từ đó đi lên. Vậy thì đó là sự hợp lý, là cái được lớn nhất. Trở lại như thế không phải chỉ là trở về với một thể chế mà còn là trở về phong khí quốc gia, trở lại sức mạnh đã tạo dựng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
    Thực ra tên gọi cũng chỉ là Quốc hiệu.
    Nhiều nước đã từng lấy tên là XHCN, sau đó lại bỏ.
    Còn từ nền tảng dân chủ cộng hòa để xây dựng CNXH vẫn… thuận.

    Nhưng nếu mang danh là Cộng hòa XHCN Việt Nam như hiện nay thì rõ ràng có sự chênh lệch giữa thượng tầng kiến trúc với hạ tầng kinh tế như đã nói.

    ĐBQH Dương Trung Quốc:
    "Lấy lại tên nước không chỉ là trở về một thể chế mà là trở về phong khí quốc gia".

    Trả lờiXóa
  59. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mãolúc 16:07 27 tháng 4, 2013

    Tốn kém nhất thời, lợi ích lâu dài

    http://dantri.com.vn/dien-dan/de-xuat-doi-ten-nuoc-dang-la-nghien-cuu-sinh-khong-the-xung-danh-tien-si-722820.htm

    Phản hồi về bài phỏng vấn Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão (Bài “Tên nước VNDCCH sẽ tạo thế đi lên”), độc giả Đinh Văn Long đồng tình với những kiến giải của ông Mão, cho rằng việc đổi tên đất nước là hợp lý, mang tư tưởng mới cho đất nước đang vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ…

    “Theo tôi, nên thay đổi vì khi đó, Việt nam ta sẻ được lợi nhiều mặt như chính trị, kinh tế... về lâu về dài từ trong nước cho đến quốc tế. Còn việc nghĩ rằng thay đổi tên gọi sẽ tốn kém chi phí thay đổi cái này cái kia chỉ là nTương quan các ý kiến tán thành và không tán thành của độc giả gửi đến rất phù hợp với tỷ lệ kết quả bình chọn trên Dân trí. Cụ thể, đến thời điểm này,

    đã có gần 26.000 bạn đọc “bỏ phiếu thuận” cho phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chiếm tỷ lệ 77% ,

    trong khi quan điểm nên giữ tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hơn 7600 “phiếu” (tương đương 23%).


    Trả lờiXóa
  60. Nuoc CH nhân dân Trung Hoalúc 16:11 27 tháng 4, 2013

    nguyên Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão:
    Tôi hiểu được nguyện vọng của bà con.
    Tôi tin rằng việc đổi lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ được bà con hoan nghênh. Như thế, càng có lợi cho sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc.

    Năm là, các nước cùng thể chế chính trị như nước ta thì hầu như không nước nào đổi tên để có cụm từ xã hội chủ nghĩa như nước ta.
    Trung Quốc từ năm 1949 đến nay vẫn giữ nguyên gọi là nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa...

    http://dantri.com.vn/chinh-tri/ten-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-se-tao-the-di-len-719930.htm

    Trả lờiXóa
  61. nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòalúc 16:28 27 tháng 4, 2013

    Loại ý kiến thứ 2 đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì tên này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên, được long trọng công bố qua Bản tuyên ngôn độc lập của Bác, được thể hiện qua 2 bản Hiến pháp (1946 và 1980).

    Tên gọi này cũng được cho là phản ánh đúng trình độ phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với tính chất của nền kinh tế định hướng XHCN. Tên gọi này có khả năng lôi cuốn, tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận chung trong xã hội, đồng thời thuận lợi hơn trong quan hệ hợp tác với các nước khác trên thế giới…

    Việc lựa chọn tên nước theo phương án này, UB dự thảo nhận định, không làm ảnh hưởng đến việc tiếp tục phát triển đất nước theo định hướng XHCN bởi chủ trương, đường lối, pháp luật của nhà nước cũng như bản thân các quy định của Hiến pháp vẫn đang khẳng định mục tiêu này. Thực tế, trong giai đoạn từ 1954 đến 1976, với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước vẫn khẳng định và thực hiện công cuộc xây dựng CNXH.

    Từ những lập luận đó, UB Dự thảo thể hiện lại Điều 1 để làm rõ hơn hình thức chính thể và chủ quyền của Nhà nước, đồng thời đề xuất phương án quy định tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    http://dantri.com.vn/xa-hoi/de-xuat-phuong-an-moi-ve-ten-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-718809.htm

    Lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “lược” quy định về bản chất, nền tưởng tư tưởng của Đảng, đặt yêu cầu lực lượng vũ trang tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân lên trước Đảng… Đó là những phương án mới về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

    Trả lờiXóa
  62. GS Nguyễn Minh Thuyếtlúc 19:00 27 tháng 4, 2013

    GS Thuyết: “Nên đổi tên nước thành Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”

    Trở lại với tên gọi đầu tiên, giống như nhiều nền dân chủ khác trên thế giới, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự đồng tình, thiện cảm của bạn bè quốc tế hơn. Những ai muốn đến với Việt Nam nhưng cảm thấy xa lạ vì cái tên thì nay sẽ không e dè nữa.

    Đối với đông đảo kiều bào nước ngoài, kể cả những người đã ra đi trước năm 1945 thì cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là một tên gọi quen thuộc, gần gũi. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để nhiều kiều bào xích lại gần hơn với đất nước.

    http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/GS-Thuyet-Nen-doi-ten-nuoc-thanh-Cong-hoa-Dan-chu-Viet-Nam/291004.gd

    http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/04/doi-lai-ten-nuoc-la-tro-ve-dung-ban-chat-che-do/

    Trả lờiXóa
  63. Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nộilúc 19:05 27 tháng 4, 2013

    Giáo sư Dung cho rằng đổi tính từ trong quốc hiệu trở lại 'Dân chủ, Cộng hòa' có thể là một phương án có nhiều tiềm năng, phù hợp, đồng thời theo ông sẽ không có vấn đề gì sau khi đổi quốc hiệu về cơ bản nói chung cũng như về mặt thừa kế, tiếp tục, xử lý các hệ lụy về pháp lý hay giao dịch quốc tế nói riêng.

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/04/130423_nguyendangdung_statename.shtml

    Trao đổi với Quốc Phương của BBC hôm 23/4/2013 từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng việc để tính từ đi kèm tên nước như hiện nay là 'Xã hội chủ nghĩa' có thể không phù hợp vì nó chỉ thể hiện một ước muốn còn ở xa trong tương lai.

    Trả lờiXóa
  64. Bản dự thảo HP 2013 là một bản HP tốt nhất dân chủ nhất trong lịch sử 4000 năm của dân tộc ta. Tôi thành thật cảm phục tấm lòng của những trí thức chân chính yêu nước thương dân. Các quý vị là những anh hùng đích thực đã dũng cảm bất chấp hiểm nguy để biến tiếng nói máu thịt của mình thành một bản hiến pháp của dân của nước.
    Nếu bản HP 2013 được thông qua tôi tin chắc rằng dân ta sẽ được quyền làm người, đất nước ta sẽ phát triển hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu và thoát khỏi hiểm hoạ ngàn năm nô lệ giặc Tàu.
    Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: Tại sao nó lại không được thông qua ? Tại sao không được công bố cho toàn dân được biết ? Và hãy kiên quyết đấu tranh cho đến khi bản HP 2013 được thông qua.

    Trả lờiXóa
  65. Các nhân sĩ trí thức chân chính yêu nước thương dân đã làm một việc rất quan trọng có tâm và có tầm. Đây chính là con đường không đổ máu, nhưng đưa dân tộc ta tới dân chủ tự do, hùng cường và thoát khỏi hiểm họa xâm lược của giặc Bắc Kinh. Nhưng thực tế qua thảo luận ở QH chúng ta thấy con đường cải tổ đã vấp phải thế lực bảo thủ, sự khống chế của nhóm lợi ích, nhóm a dua và kết quả là đang đi vào ngõ cụt, cực kỳ nguy hiểm.
    Thời gian qua KN72 đã được các nhân sĩ trí thức phổ biến trên mạng đã gửi cho các đại biểu QH và đưa thẳng tới ban soạn thảo HP, nhưng do không được phổ biến trên các phương tiện thông tin nhà nước, lại bị đảng và nhà nước quy cho là thế lực suy thoái đạo đức, phản động ... nên kết quả là rất ít người biết. Mà đã ít người biết thì không thể tạo thành một phong trào được.
    Vì vậy tôi kính đề nghị các nhân sĩ trí thức yêu nước nên tổ chức một cuộc phổ biến KN72 và bản dự thảo HP 2003, có sự chuẩn bị công phu về mặt tổ chức, thuyết giảng, phản biện v.v... những người được chọn thuyết giảng phải là những người có kiến thức uyên bác, có uy tín, có khả năng hùng biện, tranh luận ( Cần rút kinh nghiệm ở các cuộc hội thảo về biển đông ở trong nước cũng như ngoài nước, các đại diện của Việt Nam không hiểu do chỉ đạo hay do kiến thức mà trình bày không thuyết phục ).
    - Địa điểm thì nên chọn Hà Nội, Huế, Sài Gòn ( tại một hội trường rộng của trường ĐH ).
    - Thành phần: 72 nhân sĩ trí thức đã ký KN, các đại biểu QH ở 3 thành phố, toàn bộ BCHTW, lãnh đạo các trường đại học chính, các GS-TS nổi tiếng ( phải tranh thủ sự ủng hộ của GS Ngô Bảo Châu ) các sinh viên thuộc 3 thành phố nói trên.
    - Kinh phí do các thành phần hảo tâm đóng góp.
    Việc phổ biến KN72 và dự thảo HP 2003 là quyền tự do chính kiến, tự do ngôn luận còn việc nghe theo, ủng hộ hay không là quyền của mọi người, cho nên các nhân sĩ nếu cảm thấy cần thiết thì cứ làm, không việc gì phải sợ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi ủng hộ sáng kiến này và nếu được tôi xin góp một phần kinh phí. Tôi cũng xin góp ý là:
      1/ Tại cuộc hội thảo nên phổ biến những điểm khác biệt quan trọng của bản dự thảo HP do ban soạn thảo công bố với bản dự thảo HP do các nhân sĩ trí thức kiến nghị.
      2/ Các nhân sĩ trí thức nên dự trù kinh phí và kêu gọi ủng hộ. Tôi tin là sẽ có rất nhiều người tham gia.
      3/ Các nhân sĩ trí thức cũng nên xem lại bản dự thảo HP của mình có cần chỉnh sửa gì không.
      Xin cảm ơn.

      Xóa