Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

CẢM THU TIỄN THU - Thơ Tản Đà. Quách Thị Hồ ngâm

"Tiết tháng bảy thu về khơi hứng cho đại thi hào Nguyễn Du viết tác phẩm bất hủ Văn tế thập loại chúng sinh. Hơn hai trăm năm sau cũng nguồn thu cảm ấy, thi sỹ Tản Đà đã nhỏ nước mắt khóc thương những kiếp đời oan trái, tài tử đa cùng, hồng nha đa truân..."(Nguyễn Đăng Mạnh)


Cảm thu tiễn thu
Thơ: Tản Đà

Từ vào thu đến nay:
Gió thu hiu hắt,
Sương thu lạnh
Giăng thu bạch,
Khói thu xây thành.

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.
Nhạn về én lại bay đi,
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm.
Lá sen tàn tạ trong đầm,
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Sắc đâu nhuộm ố quan hà
Cỏ vàng, cây đỏ, bóng tà tà dương
Nào người cố lý tha hương
Cảm thu, ai có tư lường hỡi ai?

Nào những ai
Bảy thước thân nam tử
Bốn bể chí tang bồng
Đường mây chưa bổng cánh hồng
Tiêu ma tuế nguyệt, ngại ngùng tu my

Nào những ai
Sinh trưởng nơi khuê các
Khuya sớm phận nữ nhi
Song the ngày tháng thoi đi
Vương tơ ngắm nhện nhỡ thì thương hoa

Nào những ai
Tha phương khách thổ
Hải giác thiên nha
Ruột tầm héo, tóc sương pha
Gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn

Nào những ai
Cù lao báo đức
Sinh dưỡng đền ơn
Kinh sương nghĩ nỗi mền đơn
Giầu sang bất nghĩa mà hơn nghèo hèn!

Nào những ai
Tóc xanh mây cuốn
Má đỏ huê ghen
Làng chơi duyên đã hết duyên
Khúc sông giăng rãi con thuyền chơi vơi

Nào những ai
Dọc ngang giời rộng
Vùng vẫy bể khơi
Đội giời đạp đất ở đời
Sa cơ thất thế quê người chiếc thân

Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi

Thôi nghĩ cho
Thu tự giời
Cảm tự người
Người đời ai cảm ta không biết
Ta cảm thay ai, viết mấy lời

Thôi thời
Cùng thu tạm biệt
Thu hãy tạm lui
Chi để khách đa tình đa cảm
Một mình thay cảm những ai ai!

Tháng chín năm Canh Thân 1920
Nguồn: Tản Đà, Khối tình con thứ ba, Tản Đà thư cục tùng thư, 1932

Cảm thu tiễn thu
Thơ: Tản Đà. Trình bày: Quách Thị Hồ

9 nhận xét :

  1. Đây là bài thơ mình rất thích. Không những vì nó hay mà nó cũng nói thay cảnh ngộ của mình. Thực ra thì mình chẳng có "giấc kê vàng" nào và cũng chẳng chờ lúc tóc bạc mới thương thân, nhưng cái nỗi lòng "hải giác thiên nha, ruột tằm héo tóc sương pha, gốc phần chạnh tưởng quê nhà đòi cơn" thì thỉnh thoảng cũng làm mình tự thương thân mình. Chỉ có điều mình cảm thấy mình không có quê hương, hay nói chính xác: tha hương trên chính quê hương của mình.
    Mấy năm nay vì thương đất nước nhiều nên mình quên đi thân phận cá nhân, ruột tằm héo tóc sương pha thì cũng không thành vấn đề gì đáng bi luỵ. Nhưng đọc bài thơ vẫn đầy xúc cảm. Mình ghi lại đây mấy câu giới thiệu "Cảm thu tiễn thu của GS. Nguyễn Đăng Mạnh in trong một tuyển tập thơ đầu thế kỷ XX:
    "Tiết tháng bảy thu về khơi hứng cho đại thi hào Nguyễn Du viết tác phẩm bất hủ Văn tế thập loại chúng sinh. Hơn hai trăm năm sau cũng nguồn thu cảm ấy, thi sỹ Tản Đà đã nhỏ nước mắt khóc thương những kiếp đời oan trái, tài tử đa cùng, hồng nha đa truân..."

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác Đào Tiến Thi giúp em hiểu thêm bài thơ trên. Chẳng hạn "hải giác thiên nha" nghĩa là gì thì em chịu. Hồi nhỏ, em chưa học đến Tản Đà thì... năm 1975 đến. Chương trình Văn cấp III mà em tiếp tục học thì hình như không có Tản Đà (nếu có thì em cũng chẳng nhớ nữa. Đó là 3 năm cuối Trung học mà rất ít điều trong chương trình còn đọng lại trong trí em). Giai đoạn khai sinh phong trào Thơ Mới là lỗ hổng kiến thức trầm trọng của em.

    Tối qua em bận quá, quyết định chỉ đọc lướt qua bài thơ một lần để lắng nghe tiếng ngâm của cụ Quách Thị Hồ. Thú thực là dù rất phục kỹ thuật điêu luyện của giọng cụ, nhưng em phải kiên nhẫn hết sức mình mới nghe được tới hết bài. Bỗng nhớ lại ba em, đi "học tập" về, xem phim Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười, ông bảo rằng phim thì hay, nhưng dù ông cố gắng hết sức vẫn chưa cảm được cái hay của những đoạn hát chèo trong đó. Em thì xem cuốn phim đó đến 4 lần, và sở dĩ em rung động trước những đoạn hát chèo, có lẽ là vì đạo diễn đã rất khéo lồng chúng vào không-thời gian của nghệ thuật điện ảnh. Có lẽ nghệ thuật ngâm thơ cũng vậy, muốn thế hệ trẻ của thời đại tốc độ ngày nay rung cảm, có lẽ cần chuẩn bị sẵn một bầu khí, một khung cảnh thuận tiện nào đó chăng?

    Sáng nay đọc đi đọc lại vài lần bài thơ, mới cảm được phần nào cái tuyệt của thơ Tản Đà!

    Trả lờiXóa
  3. " Bảy thước thân nam tử". Có vị nào chỉ giáo giúp : Một thước ta bằng bao nhiêu thước tây ạ ? Hậu bối xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi tìm thử thì thấy trên wikipedia có tài liệu này về hệ đo lường cổ của Việt Nam bác ạ:
      http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_%C4%91o_l%C6%B0%E1%BB%9Dng_c%E1%BB%95_c%E1%BB%A7a_Vi%E1%BB%87t_Nam
      Khá rắc rối, vì khái niệm "thước" thời xưa ở ta còn phân biệt thước đo đất, thước đo vải, thước mộc... với độ dài thực tế khác nhau.

      Thôi thì theo tôi, cứ lấy tầm trung bình của nam giới Việt ngày xưa (tạm cho là khoảng 1,6m) chia cho 7 thì ra độ dài của "thước ta". Chắc là khoảng hơn 2 tấc, các bác nhỉ?

      Xóa
  4. Câu "Hải giác thiên nha" e rằng ai đó sao chép nhầm chữ "nha", bởi cụ Tản Đà rất thành thạo Hán văn. Nguyên chữ gốc Hán là "Hải giác thiên nhai". dịch sát là "góc biển, bến trời".

    Giang Nam lãng tử
    Long Xuyên ngày 29/10/2012

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hải giác thiên nhai ( góc bể chân trời ) . Hải giác thiên nha ( góc bể răng trời ) !

      Xóa
  5. Một thước ta là bao nhiêu so với thước tây ?- thực là khó giải đáp.
    Theo câu thơ "bảy thước thân nam nhi" mà có thể "Dọc ngang giời rộng/
    Vùng vẫy bể khơi/Đội giời đạp đất ở đời" thì hẳn là người cao lớn, trên trung bình so với nam giới. Lời thơ nhiều khi không cần tả thực, "bảy thước" chỉ là ẩn dụ. Cũng như Nguyễn Du miêu tả Từ Hải "Đội trời đạp đất ở đời/ Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" khiến bạn đọc không biết thước Tàu hay thước ta, đơn vị này qui ước vào thời điểm nào nữa. Có điều chắc chắn bạn đọc hiểu đó là thân hình cao lớn khác thường.

    Cẩn bút: Giang Nam lãng tử
    Long Xuyên 29/10/2012

    Trả lờiXóa
  6. "Từ vào thu đến nay:
    Gió thu hiu hắt,
    Sương thu lạnh
    Giăng thu bạch,
    Khói thu xây thành".

    Phần mở đầu của Tản Đà khiến tôi nhớ đến bài Thu tứ của Lý Bạch:
    "Gió thu thanh
    Trăng thu minh
    Lá rụng tụ rồi tán
    Quạ đậu lạnh giật mình
    Nhớ nhau biết đến ngày nào gặp
    Giờ này đêm ấy biết bao tình"
    (Trần Trọng Kim dịch)

    Nhìn chung bài thơ thực hay, tuy có những câu văn xuôi quá, chẳng hạn "Từ vào thu đến nay" (có lẽ cụ Quách thêm vào cho hợp với ca trù ?)

    Giang Nam lãng tử
    Long Xuyên 29/10/2012

    Trả lờiXóa
  7. Tiết trời năm 2016 đã qua thu..! Tiến sỹ NXD cho đọc bài thơ " Cảm tiễn thu " của Tản Đà viết từ năm 1920, Lại có lời dẫn của Nguyễn Đăng Mạnh nhắc đến Nguyễn Du.
    Tiết thu năm nay, quê hương của cụ Nguyễn Du "lộc" trời ngập lụt và "lộc" của FORMOSA
    cụ Nguyễn Du đã từng " Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."
    Khoảng 200 năm sau cụ ND Tản Đà Viết về thu:
    "Từ vào thu đến nay:
    Gió thu hiu hắt,
    Sương thu lạnh
    Giăng thu bạch,
    Khói thu xây thành."...
    Vào thời điểm này ngồi đọc bài thơ mà "ngẫm hay muôn sự tại trời..!"
    tôi chỉ biết ngậm ngùi cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện. Chúc TS mạnh khỏe vaF hạnh phúc.

    Trả lờiXóa