Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

LẠI ĐẾN TRUNG THU, LẠI ĐỌC BÀI VỊNH TIẾN SĨ GIẤY


Rằm trung thu, đọc lại "Vịnh tiến sỹ giấy"
 
Vũ Hữu Sự

Vênh váo, kiêu ngạo là cách hành xử của những kẻ dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả. Dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả nên sinh tự ti. Càng tự ti bao nhiêu càng lu loa, càng “cũng” với người đời bấy nhiêu. Nói khác đi, tự ti và tự kiêu chính là hai mặt của những kẻ dốt nát, giả dối.

Thời trước, “ông” tiến sỹ bằng giấy là một trong những món đồ chơi ưa thích nhất của trẻ con ngày rằm tháng tám (trung thu) hàng năm.

Trong ngày tết của trẻ con ấy, người ta làm những “ông” tiến sỹ bằng giấy cho chúng chơi, với hàm ý mong sau này lớn lên chúng cũng học hành, cũng đỗ ông cử ông nghè, được vua ban cờ biển, rồi hoạn lộ thênh thang, trở thành “cha mẹ dân” (phụ mẫu chi dân), một đời sang giầu phú quý...

Viết đến đây tôi chợt giật mình: Thì ra cái bệnh sính khoa danh, trọng bằng cấp không chỉ bây giờ mới có, mà đã ăn vào máu của dân ta từ lâu lắm rồi, ngày nay chỉ là giai đoạn trầm kha nhất, là “đỉnh cao” nhất của căn bệnh đó mà thôi.

Lấy cảm hứng từ những “ông” tiến sỹ giấy này, cụ Tam nguyên làng Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) đã sáng tác nên bài thơ nổi tiếng ấy. Bài thơ bằng chữ Nôm, có hai khổ. Cả hai đều hay (thơ của cụ Tam nguyên thì bài nào chả hay?), nhưng trang báo có hạn, nên tôi chỉ xin được hầu bạn đọc đôi điều về khổ hai, vì nó được phổ biến rộng rãi hơn (được đưa vào sách giáo khoa phổ thông). Nguyên văn khổ thơ như sau:

“Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè, có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo, sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh, ấy mới hời
Ghế chéo, lọng xanh, ngồi bảnh choẹ
Nghĩ rằng đồ thật, hoá đồ chơi”.

Một người như cụ Tam nguyên, làm thơ về đồ chơi chắc chắn không phải chỉ để nói về đồ chơi. Đúng vậy, xin hãy chú ý đến 4 chữ “cũng” ở hai câu đầu. Đọc hai câu ấy, có lẽ ai cũng hình dung ra một anh chàng đang vênh mặt, đang vỗ ngực bành bạch, đang gân cổ rằng ta cũng có cái này, cũng có cái kia, cũng được người đời gọi là ông này, ông kia chứ “có kém ai” đâu? 

Nhưng chính những cái “cũng” liên tiếp, xưng xưng ấy lại tố cáo rằng những thứ anh ta có, cái danh anh ta được gọi đó có cái gì không bình thường. Người học thật, có tài thật, đỗ thật thường thâm trầm, khiêm tốn, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng “học hải vô nhai” (biển học không có bờ).

Giàu chữ nghĩa đến như cụ Tam nguyên, mà đến tận cuối đời vẫn “Cúi xuống hổ đất, ngửa lên thẹn trời” (di chúc) nữa là. Vả lại, những thứ họ có là của thật. Học thật, đỗ thật thì cờ, biển vua ban, và cái danh ông nghè là điều đương nhiên, việc gì phải “cũng”?

Vênh váo, kiêu ngạo là cách hành xử của những kẻ dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả. Dốt nát, học giả, bằng giả, danh giả nên sinh tự ti. Càng tự ti bao nhiêu càng lu loa, càng “cũng” với người đời bấy nhiêu. Nói khác đi, tự ti và tự kiêu chính là hai mặt của những kẻ dốt nát, giả dối.

Những “ông” tiến sỹ giấy, tất nhiên là làm bằng... giấy, mặt “ông” được các chú hoa man (người làm đồ hàng mã) vẽ bằng bút son. Ngày xưa, sau thi Hội là thi Đình. Bài thi Đình thường do vua trực tiếp chấm, phê bằng bút son (châu phê). Hoặc nếu là giám khảo (do vua cử) chấm thì sau khi chấm, những bài được chấm đỗ dứt khoát phải dâng lên để nhà vua ngự lãm, phê duyệt lại lần cuối cùng. 

Những người đỗ Đình thí được đề tên vào tờ giấy màu vàng có nền rồng, giấy ấy dán vào cái bảng cũng màu vàng, có chạm hình rồng, rồi treo lên. Ngày treo bảng bao giờ cũng là ngày được sỹ tử chờ đợi với niềm khát khao nhất, hồi hộp nhất. Một dòng tên trên tờ giấy dán vào bảng vàng, thế là một anh khoá vô danh trở thành một “văn khôi”, tiếng tăm lừng lẫy cả nước, là từ đó cuộc đời ngoặt hẳn sang một hướng khác.

Ý nghĩa của câu 3 và câu 4 trong bài thơ là thế (Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng/ Nét son điểm rõ mặt văn khôi). Hai câu 5 và 6 tuyệt hay, vừa hay vừa thâm trầm, sâu sắc “Tấm thân xiêm áo, sao mà nhẹ/ Cái giá khoa danh, ấy mới hời”. Nhẹ thật đấy chứ! Nhẹ đến mức đứa trẻ con nào cũng nắm thắt lưng các “ông” đưa đi tùng dinh tùng dinh khắp làng được. Hời thật đấy chứ!

Các bậc cao niên kể, thời trước, giá một “ông” tiến sỹ giấy chỉ vài chinh Bảo Đại (đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, có thể mua được một cái kẹo bột hay một bát nước chè xanh ở quán nước làng). Còn ngày nay? 

Chị Nguyễn Thị Tuyến, chủ một “lò chuyên đào tạo (tức là sản xuất)” tiến sỹ giấy ở Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội), cũng là người duy nhất trong làng còn cố giữ cái nghề của một làng ngày trước chuyên sản xuất tiến sỹ giấy, cho biết, sau vài chục công đoạn từ chẻ nan, đan cốt, phết hồ, cắt giấy dán giấy, làm mũ, làm cờ làm lọng cho đến dùng nét son “điểm rõ mặt văn khôi”... giá thành một “ông” tiến sỹ giấy xấp xỉ hai chục ngàn, bán cho người đời được một bát phở bình dân (25.000 đồng), “nhà lò đào tạo tiến sỹ” lãi mỗi “ông” năm, sáu ngàn.


“Lò đào tạo tiến sỹ” của chị Nguyễn Thị Tuyến ở Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội

Vài chinh Bảo Đại một ông tiến sỹ, hai mươi lăm ngàn một ông tiến sỹ, đúng như hai câu 3 và 4 trong khổ thơ đầu bài thơ của cụ Tam nguyên (Mày râu mặt ấy chừng bao tuổi/ Giấy má nhà bay đáng mấy xu). Đó là nghĩa đen, nhưng ngoài nghĩa đen, bài thơ của cụ Tam nguyên câu nào cũng mang nghĩa bóng, cũng “ý tại ngôn ngoại (ý ở ngoài lời)” .

Đọc hai câu 5 và 6 của khổ thơ thứ hai, tôi cứ ngỡ như cụ Tam nguyên nói về thời bây giờ. Một trường đại học ở tận... nước Mỹ, dù đã đóng cửa cả chục năm trước nhưng giờ vẫn cứ bán bằng tiến sỹ với giá 17.000 USD. Tất nhiên là những tấm bằng ấy chẳng có một tý giá trị nào, nó chỉ đơn thuần là một tờ giấy, y như tờ giấy mà những chú hoa man ngày xưa hay chị Tuyến ngày nay dùng để làm những “ông” tiến sỹ giấy vậy.

17.000 USD là món tiền to, rất to. Với số tiền ấy, có thể ăn phở bình dân cả đời. Nhưng với nhiều ông “quan” ngày nay, thì một bát phở bình dân các ông cũng không mất tiền túi mà vẫn có được tấm bằng ấy. Đơn giản, vì các ông (hay cấp trên cho phép các ông) lấy 17.000 USD tiền thuế của dân ra để mua. 

Hai khổ thơ chỉ có 16 câu, 112 chữ, mà càng đọc càng thấy ra nhiều điều. Quả là thơ của một người đã từng “cưỡi đầu rồng kể đã ba phen”.
Vậy nên một ông Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch của một tỉnh, một ông Phó Bí thư của một tỉnh (và còn nhiều ông khác nữa chưa bị lộ), chỉ có tấm bằng cử nhân tại chức, một từ tiếng Anh không biết, có xuất ngoại thì cũng chỉ là đi du hí bằng tiền thuế của dân chứ không phải để học, nhưng vẫn có được tấm bằng ấy.

Một ông ở ngành kinh tế cũng có bằng ấy, khi bị nhà báo truy riết, thì lại “bật mí” rằng mình “học tiến sỹ... từ xa”. Nghĩa là ông nghĩ làm một luận án tiến sỹ cũng như làm một bài thi ở bậc đại học, mà học đại học “từ xa” là một “đặc sản” của nền giáo dục chỉ có ở Việt Nam.

Một ngày không học, một xu không mất mà vẫn thành tiến sỹ. So với những chú hoa man ngày xưa hay với chị Tuyến ngày nay, phải bỏ ra hai mươi ngàn, phải đổ mồ hôi hì hục chẻ nan, đan cốt, cắt giấy phết hồ... thì “hời” quá đi chứ. 

Nhưng với những ông “quan” trên, thì cái “hời” thực sự còn lớn hơn rất nhiều, cái “hời” mà những người như chị Tuyến có nghĩ cả đời cũng không ra, đó là: Cái tấm bằng tiến sỹ mua bằng tiền thuế của dân ấy, đích thực chỉ là thứ đồ chơi. Nhưng khổ thay, với những người là cấp trên của các ông, thì nó lại là đồ thật. Và chính nhờ có thứ đồ chơi được lộn sòng thành đồ thật ấy, mà các ông có cơ hội thăng tiến lên cao hơn nữa, hưởng lương, hưởng “lậu” và nhất là hưởng bổng lộc còn nhiều hơn nữa...

20 nhận xét :

  1. Kính gửi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
    Tôi rất quí trọng tiến sĩ và rất cảm ơn tiến sĩ đã duy trì blog để chúng tôi biết được nhiều hiện tượng đang xảy ra trong xã hội có tác động đến đời sống của mọi người cũng như của tôi.Nhờ đó nhận thức của tôi về thế giới chuẩn xác hơn,tôi sống thoải mái hơn,vượt được nhiều khó khăn hơn.Thiết nghĩ bằng tiến sĩ của Ts.Nguyễn Xuân Diện nhất định là bằng thật rồi!
    Chúc tiến sĩ sẽ duy trì lâu dài blog của mình để nâng cao dân trí và quang trí cho dân tộc Việt Nam.Để có nhiều tiến sĩ Việt Nam như tiến sĩ Diện.Đặc biệt,như ông già Ôzôn,người mà tôi được biết thêm qua blog của tiến sĩ Diện.Tận mắt hàng ngày tôi thấy rất nhiều trẻ em và người nhà đến xin Anolyt của ông để chữa bệnh lở loét do bội nhiễm.Tất cả đều khỏi với chi phí rất thấp,cách chữa rất đơn giản.Riêng tôi cũng có lần bị ngứa,xin ông già Ozon nước Anolyt nên đã khỏi ngứa.Đây là một bằng chứng xác thực rằng blog Nguyễn Xuân Diện rất có lợi cho đời.
    Chúc các tiến sĩ Diện,Khải,...giúp cho dân Việt giàu hơn,đất Việt mạnh hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thay mặt Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, xin cảm ơn bác! Chúc bác và gia đình hạnh phúc!

      Trân trọng,

      TỄU

      Xóa
  2. Cũng vì câu nói mà bạn em bỏ nghề đấy bác Diện ơi! Hắn làm nghề giống thầy của tiến sĩ Nguyễn T Tuyến. Lần hắn xuống HN gặp em cafe than thở ko kiếm ăn đc bằng nghề truyền thống. Em đùa vu vơ là đất nước này quá nhiều TS giấy rồi,mày đào tạo nữa ko ế mới là lạ. Vậy mà hôm trước nó gọi cho em bảo đi làm của hoa cửa sắt hơn tháng nay đúng thời gian sau hôm cafe với em về bác ạ,thiện tai!

    Trả lờiXóa
  3. Đây đâu phải "tiến sĩ giấy":"Đến nước này, dư luận xã hội, chỉ mong các nhà khoa học, nhà chuyên môn như bà Ngô Thị Lư, ông Lưu Thế Biểu, ông Trần Văn Hải, và cả những ai ai nữa, khẳng định đầy tự tin vào sự an toàn của ST 2, nên đưa cả gia đình vào khu vực thủy điện chung sống, "chia sẻ" sự... hiểu biết cho người dân Bắc Trà My vốn kém hiểu biết.? (kỳ diueen _tuần VNweek.net)

    Trả lờiXóa
  4. Đất nươc CHXHCNVN, đất nước của các ông bà tiến sĩ giấy đẹp như tranh vẽ, lộng lẫy như hàng mã . Lãnh đạo là tiến sĩ giấy thì dân ăn bánh vẽ là phải rồi. Dân chẳng dám nói . Nói là ở tù. Thôi thì cứ như con trâu kéo cầy rồi năm thở phì phì nhai cỏ. Nhưng nhiều kẻ lộng hành, chẳng làm kiếp trâu. Nó thấy các quan ông quan bà tiến sĩ giấy giàu sang qua, nó bèn nghĩ mưu ăn cướp. Nó tưởng ai giầu cũng xuất thân tiến sĩ giấy cả , nên trộm cướp cả dân lương thiện , làm ăn chân chính. Quan ông quan bà bèn xuống tay đánh tứ tung, dân nghèo chẳng phải đầu cũng phải tai.
    Cứ đổi vài cuộc tình Úc-Việt lấy đồng tiền polymer, các quan ông quan bà tiến sĩ giấy cứ xài tiền đô còn dân nghèo xài tiền polymer vậy .

    Trả lờiXóa
  5. Chân Không cư sỹlúc 17:14 30 tháng 9, 2012

    Nói cho công bằng,
    "tiến sỹ giấy" dẫu "tưởng là đồ thật hóa đồ chơi".
    Nhưng vị "tiến sỹ" này, dẫu vô dụng nhưng cũng không làm hại ai, không nói liều,
    không chửi bậy là dân ngu, cũng không kêu gọi dân nghèo hy sinh quyền sống, hy sinh tính mạng của cả một dòng họ, một làng xã, cho nhóm lợi ích giầu có nào đó.
    Là đồ chơi nhưng là nơi người ta gửi gắm ước mơ một sự học hành thành đạt, thành đạt thật sự với thực học thực tài.
    "Tiến sỹ giấy" khác với "tiến sỹ giả - tiến sỹ dởm".

    Trả lờiXóa
  6. Cụ Trạng Trình coi thời thế mà đoán được việc 500 năm sau . Cụ Nguyễn Du ngẫm chuyện Kiều mà mô tả thế sự , ngẫm cuộc đời mình mà viết ra cho hậu thế những lời thơ tuyệt vời. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến nhìn việc con nít chơi đèn mà đoán chuyện cả trăm năm sau .
    Thật là tài tình , thật là sâu sắc . Các cụ đó đúng là những bậc chính nhân đáng kính đáng trọng !

    Trả lờiXóa
  7. Xin TS N.X. Diện cho hỏi nên nói/viết là "dân chi phụ mẫu" hay "phụ mẫu chi dân" vậy. Nếu mình cũng viết sai thì liệu có nên vội chê người khác không vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các bạn còn nhớ báo Phong Hóa ngày xưa đã chế giễu một cách chua cay một ông cử thi Tri huyện mà dùng lầm bốn tiếng “Phụ mẫu chi dân” để chỉ các quan lớn nhỏ, nghĩa là chỉ hạng “Dân chi phụ mẫu”.
      Tức là, dùng “Dân chi phụ mẫu” mới đúng.
      Theo lý tưởng cũ của Á Đông, quan lại là “dân chi phụ mẫu”, nghĩa là quan đối với dân có cái oai quyền, có cái trách nhiệm, có cái bụng thương yêu chăm chút, dạy bảo ân cần, như cha mẹ đối với con cái vậy. Lý tưởng ấy là một lý tưởng gốc của xã hội cổ nước Tàu và nước ta theo “Chế độ gia trưởng”.

      Xóa
  8. Chỉ có ở chế độ này mới xài tiến sĩ giả hơn tiến sĩ thật!

    Trả lờiXóa
  9. Nguyễn Nguyệt Huếlúc 06:51 15 tháng 9, 2016

    Tiến sĩ giấy ngày trước là để cho trẻ con chơi. Tiến sĩ giấy ngày nay là để cho trẻ trâu sai khiến.

    Trả lờiXóa
  10. Tiến sĩ giấy ngày trước chỉ là đèn giấy cho các em trong ngày trung thu.
    Tiến sĩ giấy ngày nay nắm nhiều chức vụ.
    Đừng tưởng tiến sĩ giấy không có quyền lực! Nhầm to đấy!

    Trả lờiXóa
  11. Đã là Giấy rồi thi chửi làm gì... "như vịt nghe sấm" mà..

    Trả lờiXóa
  12. Ngày xưa chỉ có Dịp Trung Thu mới có tiến sĩ giấy . Ngày nay thì tiến sĩ giấy mội lúc mọi nơi !

    Trả lờiXóa
  13. Chắc công ty của chị Tuyến là sân sau của ngài Võ Khánh Vinh đây.

    Trả lờiXóa
  14. phó thường dân nam bộlúc 07:21 26 tháng 9, 2017

    Cứ tưởng tiến sĩ giấy chỉ là đồ chơi mà ngày nay lại có thiệt ! lại có cả lò đạo tạo trong và ngoài nước . Dân Việt từ xưa chỉ trọng các tiến sĩ thiệt và cũng chỉ coi các tiến sĩ giấy là đồ chơi của trẻ con trong mùa Trung Thu . Hết mùa trung thu là xé bỏ, các nhà sản xuất tạm gác chờ đến trung thu sau . Việc đào tạo tiến sĩ ngày xưa là của Vua, của trường quốc tử giám . Ngày nay loạn cào cào . Các tiến sĩ như các sản phẩm sản sinh vô tính . ND chả biết đồ chơi hay đồ thiệt !

    Trả lờiXóa
  15. Không hiểu là khi liên Xô tan rã thì các bằng cấp của Liên Xô cấp ngày trước còn giá trị không nhỉ? Nhất là liên Xô nó tan rã không phải vì chiến tranh mà do nó tạo dựng một nhà nước quản lý tồi về mọi mặt nên nó tan rã! Nếu công nhận các tấm bằng của nó mà quản lý xã hội ta thì cũng sắp nát rồi! Còn bằng cấp của tàu thì khám bệnh, cho toa toàn thuốc lụi! Hàng gian hàng giả là từ tầu mà ra cả!

    Trả lờiXóa
  16. Ngoài TIẾN SĨ GIẤY như ngày xưa, hiện tại lại còn có cả GIÁO SƯ GIẤY nữa ....

    Cái nạn TIẾN SĨ GIẤY này, muốn xóa bỏ cũng không khó, quan trọng là có muốn xóa hay không mà thôi.

    Bây giờ thời đại kỹ thuật số rồi, chỉ cần đưa lên mạng các luận văn Tiến sĩ, danh sách hội đồng chấm luận văn tiến sĩ là đủ.

    Những cái luận văn dỏm, luận văn cóp -pát là dư luận biết ngay. Lúc đó những TIẾN SĨ GIẤY, GIÁO SƯ GIẤY không có lỗ nẻ để mà chui xuống đất.
    Với cách đưa lên mạng như vậy, tôi nghĩ, trong vòng 10 năm là hết nạn TIẾN SĨ GIẤY.

    Trả lờiXóa
  17. Bài viết hay. Chỉ nhắc bác viết sai một chữ "cưỡi đầu NGƯỜI kể đã 3 phen", chứ không phải "cưỡi đầu RỒNG kể đã 3 phen" (câu trong bài Di chúc của Nguyễn Khuyến)

    Trả lờiXóa
  18. Tiến sỹ giấy, nhưng là đồ thật. Được làm ra từ một dạng vật chất, sờ thấy cầm và mang đi được, sử dụng làm đồ chơi trẻ em.
    Tiến sỹ bây giờ toàn là đồ dổm, chẳng sử dụng vào việc gì được, không những không đem lại lợi ích cho đời mà còn gậy hại...

    Trả lờiXóa