Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

"KHAI TỬ" CẢM XÚC NGÀY KHAI TRƯỜNG

'Khai tử' cảm xúc ngày khai trường 


VNN - Có lẽ hơn mười năm trở lại đây, không học sinh nào là không biết tập dượt khai giảng. Hoạt động này thậm chí đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Niềm vui trong ngày khai giảng. (Ảnh có tính chất minh họa). Văn Chung

Ngày 8/8/2012, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học không được yêu cầu học sinh tập dượt khai giảng quá nhiều trước ngày khai giảng.

Thế nào là tập quá nhiều? Tập bao nhiêu thì đủ? Đủ so với cái gì?

Trả lời câu hỏi "Ai khai sinh ra nó và để nó tồn tại"? thì công văn gần như đã gián tiếp trả lời: Không phải Sở. Nhưng thấy các trường yêu cầu các học sinh tập dượt đến bở hơi tai, đến chán chường cái chuyện đứng ngay hàng, nghiêm nghỉ,…mới có cái công văn trên yêu cầu các trường bớt lại. Cũng không phải là cấm.

Vậy tập dượt để làm gì mà các ban giám hiệu ở các trường hăng hái đến vậy? Có lẽ vì thói quen trong nếp nghĩ muốn thấy một buổi lễ khai giảng chỉn chu, nghiêm túc, đàng hoàng. Nhất là trong buổi lễ quan chức cấp trên về dự nữa.

Cũng chẳng có gì đáng nói nếu muốn làm tốt một việc gì đó. Song với việc tổ chức tập dượt đã thành quen lệ nhiều năm, những người làm giáo dục có lẽ đã bỏ quên một phần quan trọng trong sự nghiệp giáo dục của nhà trường, đó là cảm xúc của học trò.

Cảm xúc gì ở đây, khi lễ khai giảng chỉ là buổi diễn lại? Đánh trống khai trường cái gì đây khi mà trường đã học hơn nửa tháng rồi?

Nói về cảm xúc ngày khai giảng, không ai là không nhớ tác phẩm: "Tôi đi học" của nhà thơ, nhà văn Thanh Tịnh. Những cảm xúc rưng rưng mà ai đã đọc một lần gần như không thể quên được trong cả cuộc đời.

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.”

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Vẫn biết cái cảm xúc lần đầu tiên đi học, là một cảm xúc mãnh liệt, hơn hẳn cái cảm xúc lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên 10, hay là cảm xúc 10 lên 11 chẳng hạn. Song cảm xúc là cảm xúc, làm sao con người không có được. Nghe lời bài hát “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sỹ Thanh Sơn, ai bảo rẳng 3 tháng hè chẳng có gì để nói?

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!”
“Giã biệt bạn lòng ơi! Thôi nay xa cách rồi
Kỷ niệm mình xin nhớ mãi,
Buồn riêng một mình ai
Chờ mong từng đêm gối chiếc
Mối u hoài này ai có hay”

Cứ cho đây là cái cảm xúc của trai gái chớm yêu nhau. Nhưng hoạt động tình cảm, tâm lý của học sinh trong 3 tháng hè đâu phải có chừng đó là hết. Còn bạn bè, ông bà, quê hương…chỉ có điều chưa có ai nói giùm ra mà thôi.

Việc tập dượt khai giảng, quả thực đã giết chết những cảm xúc đầu đời đáng yêu này một cách... tưởng chừng như vô hại mà nguy hai. Chẳng có cảm xúc gì nữa. Khai giảng là trách nhiệm đúng giờ, đứng ngay hàng, im lặng… Mà đúng ra là trách nhiệm của người lớn, chứ chẳng phải của học trò.

Nếu Thanh Tịnh ngày xưa cũng tập dượt khai giảng như bây giờ, thì liệu ông có viết lên nổi áng văn bất hủ đó? Người ta muốn thấy một lứa học trò hàng lối xộc xệch, nhưng đầy cảm xúc đáng yêu, hay người ta muốn thấy một lớp học trò hàng lối ngay ngắn thẳng tắp, nhưng đầu óc không cằn như một con rô-bốt?

Liệu có nói quá không, khi cho rằng đây là một biểu hiện của bệnh thành tích? 

Đào Văn (Phú Yên)

Nguồn: VietNamnet.

5 nhận xét :

  1. Quá đúng! Rất đồng ý với tác giả Đào Văn.

    Sáng nay bắt đầu niên học mới ở bang tôi đang ở, mà có lẽ toàn nước Mỹ cũng khai giảng ngày này. Tôi đưa con bé út đến trường. Đây là trường Tiểu học, từ lớp Mẫu giáo đến lớp Năm. Ngày khai trường gì mà... "lộn xộn" và vui như đi hội chợ vậy. Chả có xếp hàng chào cờ hay lễ lạc nghiêm nghị gì ráo. Người lớn và con nít đầy sân trường. Bầu khí hết sức thân thiện. Phụ huynh cũng theo con "ùa" cả vào lớp và bắt tay chào hỏi giáo viên, chào hỏi nhau búa xua. Bà con giơ điện thoại hay máy chụp hình lên chụp thoải mái. Rồi đám nhóc túm tụm quay tròn quanh cô giáo, lưng vẫn còn đeo cặp. Rồi cô giáo nói: "Nào, các con quay lại nhìn cha mẹ đi. Nói theo cô nhé: 'Bye! Hẹn gặp lại buổi chiều nhé!' Bọn nhóc đồng loạt vẫy tay chào tạm biệt, mặt mày tươi rói, háo hức cứ như lần đầu rời cha mẹ mà tham dự vào một cuộc du lịch xa nhà thú vị... Thực là khác hẳn ở Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  2. Đúng,tôi đồng ý với ĐÀO VĂN,đất nước chúng ta ngày nay chỉ NÓI,HÌNH THỨC,DÁNG VẺ BÊN NGOÀI,nói nhưng không làm,nếu có làm thì làm tồi tệ,hình thức thì rất đẹp nhưng nội dung chẳng ra sao,dáng vẻ ngoài thì oai vệ nhưng bên trong thì hèn nhát.!!!

    Trả lờiXóa
  3. Ông Đào Văn này sâu sắc. Sâu sắc thật. Là giáo viên trong ngành tôi cũng đã nhìn thấy các nhà sư phạm đã bắt các em thành như các diễn viên chuyên nghiệp. Đó là điều rất nhiều học trò không muốn. Tuổi thơ học trò đã bị các vị bóp chết ngay từ khi còn ở tiểu học. Đọc bài này của ông làm tôi nhớ lại cái tuổi thơ cắp sách đến trường của mình trong cái thời bom lửa sao nó hồn nhiên, tự nhiên đến thế. Ngày khai giảng, đúng là ngày đầu tiên tựu trường sau 3 tháng hè xa nhau, còn bây giờ nên gọi là ngày hậu khai trường mới đúng với việc học tràn lan. Học thêm đã trở thành hành vi như bắt buộc không thể thiếu trong đời học sinh kể cả khi đã được nghỉ hè, mà việc học này, động lực chủ yếu của nó là các ông bà 2 môn văn, toán và lãnh đạo nhà trường bòn rút, bóc lột đồng tiền của các phụ huynh là chính chứ không phải là chất lượng của các em.
    Dĩ nhiên mỗi thời đều khác, khó có thể có được cái cảm xúc êm đềm, da diết của tuổi học trò ngày nay như cái ngày trước đây. Nhưng theo tôi ngày khai trường nhất thiết phải là ngày đầu tiên của năm học, còn nếu không từ điển VN phải thay đổi nội dung của từ này

    Trả lờiXóa
  4. Một thầy giáolúc 19:03 6 tháng 9, 2012

    Phát hiện hay quá. Ba năm lại đây bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo "mở" cho các tỉnh thời điểm chính thức học (thường trong tháng 8), khai giảng 5/9. Đến khi khai giảng, cảm xúc náo nức, háo hức của học trò đã qua rồi, lại thêm diễn tập nữa thì chỉ còn DIỄN KỊCH.
    Tôi đề nghị bộ GD & ĐT từ năm học 2013-2014 cho khai giảng trước khi chính thức học.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi chưa bao giờ thấy đi học là hạnh phúc. Tôi chỉ thấy đó là cực hình, đầy sợ hãi vào đối phó.

    Trả lờiXóa