Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

TRUNG QUỐC SẼ BỊ CÔ LẬP NẾU BẤT HỢP TÁC VỀ BIỂN ĐÔNG

'Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu bất hợp tác về Biển Đông'

Dù Trung Quốc có tìm cách 'chia để trị', Việt Nam vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên ASEAN, và chính Trung Quốc sẽ phải tăng hợp tác ngoại giao nếu không muốn bị cô lập, chuyên gia về Biển Đông Carl Thayer trao đổi với VnExpress.

Giáo sư Carlyle Thayer giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Quốc phòng Australia. Ông là một trong những chuyên gia uy tín nhất thế giới về Đông Nam Á. 

- Ý nghĩa chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tới ba nước thành viên ASEAN, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, là gì?

- Chuyến đi của Ngoại trưởng Trung Quốc về mặt cơ bản là việc sửa chữa, nhằm xóa đi những nghi ngờ rằng Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình với Campuchia để ngăn chặn việc ra thông cáo chung tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) vừa rồi. Bộ trưởng Dương mạnh mẽ ủng hộ cho Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), chứ không phải cho một bộ quy tắc (COC). 

- Các điểm dừng chân của ông Dương trong chuyến đi này không có Hà Nội và Manila. Liệu đây có phải là cách chia tách Việt Nam và Philippines khỏi quan điểm chung của Hiệp hội?

- Vấn đề thực hiện DOC liên quan đến toàn bộ 10 thành viên của ASEAN và Trung Quốc. Cho dù có bất đồng như thế nào ở AMM tại Phnom Penh, các nước ASEAN đều mong muốn có tiến triển trong việc thực thi DOC. Tuy nhiên cho đến nay thì các bên đều mới chỉ nói đến các hoạt động hợp tác mà chưa có sự thực hiện dự án nào trên thực tế cả. 

Tại hội nghị ở Campuchia, Việt Nam và Philippines nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Indonesia, Malaysia và Singapore. Trung Quốc sẽ phải tính đến điều này. 

- Chỉ trong chưa đầy hai tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hai lần lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông, thông điệp mà Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc là gì?

- Mỹ rõ ràng đã nhận thấy Trung Quốc quyết theo đuổi chính sách cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông. Vai trò của Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) trong việc ra quyết định thành lập khu đồn trú quân sự Tam Sa chính là một chỉ dấu. Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lãnh đạo. Rõ ràng là ông Hồ Cẩm Đào sẽ chuyển chức vụ lãnh đạo đảng và nhà nước. Tuy nhiên ông ấy muốn duy trì chức vụ chủ tịch của CMC. Ông Tập Cận Bình sẽ tiếp nhận các vị trí mà ông Hồ để lại, và cũng mong đợi chức chủ tịch CMC. Điều này có thể lý giải vì sao Trung Quốc đang thể hiện quan điểm cứng rắn hơn. 

Việc Mỹ phản đối hai lần sát nhau như vậy trong một thời gian ngắn là điều không bình thường. Mỹ muốn ngăn chặn để Trung Quốc không có những hành động gây hấn hơn nữa, và Mỹ muốn gây ảnh hưởng đến cách tư duy của thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Thông điệp mà Mỹ muốn đưa đến các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc khi họ đang chuẩn bị nhậm chức là: nếu hợp tác với Mỹ, sẽ được lợi nhiều; ngược lại, các hành động quyết liệt trên Biển Đông sẽ khiến tình hình thêm phức tạp. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói Mỹ phản đối cách mà Trung Quốc chia rẽ và thống trị đối với các nước có tranh chấp ở Biển Đông. Trước đó, Bộ này ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc lập đồn trú quân sự ở Hoàng Sa. Ảnh: AFP

- Sau các tuyên bố phản đối này, thì cái thuận lợi và cái bất lợi của Việt Nam, cũng như Philippines, là gì?
 
- Tất cả các tuyên bố nhằm phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông đều có tác dụng răn đe, ngăn cản nhằm làm Trung Quốc kiềm chế trong hành động. Điều này có lợi cho Việt Nam bởi điều Việt Nam mong muốn là một môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. 

Mặt khác, các tuyên bố như trên của Mỹ sẽ củng cố quan điểm từ phía Trung Quốc, cho rằng Mỹ khuyến khích Việt Nam và Philippines chống Trung Quốc. Trung Quốc rất lo ngại bị ngăn chặn và bao vây, và họ có thể coi các tuyên bố của Mỹ là minh chứng cho quan điểm bao vây đó. 

- Bản tuyên bố 6 điểm về Biển Đông chưa hàn gắn hết được các khác biệt trong quan điểm của các thành viên ASEAN. Vậy ông dự đoán thế nào về triển vọng đạt được COC vào cuối năm nay, như kế hoạch mà Hiệp hội đã đề ra trước đó?

- Ở đây có ba vấn đề. Một là, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí về những thành tố cơ bản cho COC vào ngày 9/7. Thứ hai, việc không ra được tuyên bố chung diễn ra sau đó. Sự bất đồng không phải là về các vấn đề cơ bản, mà là do việc có đề cập hay không đề cập tranh chấp ở bãi cạn Scarborough và việc Trung Quốc mời thầu dầu khí ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thứ ba, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã can thiệp và làm việc mà Campuchia với tư cách chủ tịch đáng lẽ phải làm, và đạt được sự đồng thuận. Nguyên tắc 6 điểm tái khẳng định những gì đã được quyết định. Nó khôi phục cái vẻ đoàn kết của ASEAN đối với các thành viên, đối với Trung Quốc và với các bên đối thoại của hiệp hội.

Thất bại trong việc ra thông cáo chung AMM đặt danh tiếng của Indonesia vào thế nguy và Trung Quốc đã tính đến điều này. ASEAN nay đang cố gắng thiết lập một nhóm công tác hỗn hợp ASEAN- Trung Quốc về COC, để nối lại các cuộc thảo luận ở cấp chính thức. Đây sẽ là cơ hội để ASEAN đặt lên bàn những thành tố cơ bản mà hiệp hội đạt được, để Trung Quốc nghiên cứu. 

Carl Thayer là chuyên gia nổi tiếng và có nhiều bình luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông trong nhiều năm qua. Ông hiện là giáo sư khoa học xã hội và nhân văn, Học viện Quốc phòng Australia.
Theo quan điểm của tôi, sức ép giờ đây sẽ đặt lên vai Trung Quốc, để họ phải tỏ ra hòa giải và tích cực trong ngoại giao với các thành viên ASEAN. Trung Quốc sẽ tặng cho Campuchia một món quà nếu như thỏa thuận về COC được ký kết tại Campuchia tháng 11 năm nay.

Điều quan trọng hơn là, nếu Trung Quốc không chơi ván cờ ngoại giao, họ sẽ bị các bên đối thoại khác chất vấn trong kỳ họp tháng 11, đặc biệt là trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Nếu Trung Quốc chậm chạp trong vấn đề COC, các nước thành viên ASEAN có thể tự nhất trí với nhau về một bộ quy tắc, rồi công khai nó ra cho các bên đối thoại. Điều này sẽ cô lập Trung Quốc. Chúng ta nên lưu ý rằng khi Ngoại trưởng Dương Khiết Trì ở Malaysia, ngoại trưởng Malaysia đã kêu gọi các thành viên ASEAN giải quyết tranh chấp chủ quyền nội khối trước. 

Trung Quốc càng chậm trễ hợp tác trong vấn đề COC, thì các bên có tranh chấp với Trung Quốc càng đoàn kết. 

Thanh Mai
Nguồn: VNE.


1 nhận xét :

  1. TQ càng ngang ngược hiếu chiến thì càng lộ rõ bộ mặt thật của kẻ bành trướng trước thế giới.

    Trả lờiXóa