Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

NHỮNG ĐỨA CON CỦA RỒNG


9 con của rồng

TTCT - Trong truyền thuyết dân gian phương Đông, rồng có chín con với hình dáng và sở thích hoàn toàn khác nhau. Các con của rồng được dân gian sử dụng làm linh vật trang trí ở những vị trí, những vật dụng với những ngụ ý đặc biệt khác nhau. 

1-Bị hí
(Tên khác là bá hạ, bát phúc, thạch long qui) là con trưởng của rồng - linh vật có hình dáng thân rùa, đầu rồng. Bị hí có sức mạnh vượt bậc, chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các bệ đá, cột đá, bia đá...

2- Li vẫn
(Còn gọi là si vẫn) - con thứ hai của rồng, là linh vật có đầu rồng, miệng rộng, thân ngắn. Tương truyền li vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài... ngụ ý cầu trấn hỏa, bảo vệ bình yên cho công trình.

3- Bồ lao
Con thứ ba của rồng, là linh vật thích âm thanh lớn, thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý muốn.

4- Bệ ngạn
(Còn gọi là bệ lao, hiến chương) là con thứ tư của rồng, có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn. Theo truyền thuyết, bệ ngạn rất thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công, nhờ vậy bệ ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.

5- Thao thiết
Con thứ năm của rồng, là linh vật có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ. Thao thiết tham ăn vô độ, được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống như ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng háo ăn mà trở nên bất lịch sự.
6-Công phúc

Con thứ sáu của rồng, là linh vật thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè... với mong muốn công phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ muôn dân.
7-Nhai xế
Con thứ bảy của rồng - là linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh, thường được chạm khắc trên các vũ khí như đao, búa, kiếm, xà... ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.
8-Toan nghê
(Còn gọi là kim nghê) - con thứ tám của rồng - linh vật có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút. Toan nghê được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát.

9-Tiêu đồ
(Còn gọi là phô thủ) - con thứ chín của rồng - là linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình. Tiêu đồ được khắc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.

* Ngoài chín con nói trên, gia đình rồng còn có một số linh vật khác như: Tù Ngưu - linh vật giỏi về âm nhạc; Trào Phong - linh vật được gắn trên nóc nhà ngụ ý chống cháy và thị uy kẻ xấu (giống li vẫn); Phụ Hí - linh vật bảo vệ bia mộ. 
Tù ngưu


Trào phong


Phụ hí

Th.S NGUYỄN NGỌC THƠ (Đại học KHXH&NV)
Nguồn: Tuổi Trẻ

5 nhận xét :

  1. Có vẻ của Tàu hơn của Đong Nam Á?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tên gọi của các con của Rồng có vẻ toàn là tiếng Nôm mình chứ bác, hoặc ít nhất không phải là chữ Hán?

      Xóa
    2. Cần phân biệt tiếng Nôm tức tiếng Việt ngày nay, với chữ Nôm, chữ viết của ta, trước chữ ABC, còn gọi, không được chính xác, là chữ Quốc Ngữ.

      Trong hơn 4 ngàn năm người Tàu đô hộ quê hương ta, tội ác của chúng kể sao cho xiết, trong đó có tội rất lớn là tiêu diệt chữ viết của ta, buộc dân ta học chữ Hán, nói tiếng Hán. Một lối đồng hoá của Tàu từ ngàn xưa, ngày nay hình như chúng lặp lại hoài bão nầy, với một phương cách mới, nguy hại hơn trước nhiều (các bạn trẻ đã thấy và biết ...).

      Trước kia ngưòi Hán không thành công áp đặt dân ta học chữ Hán. Tổ tiên ta không đọc chữ Hán theo Tàu, mà đọc theo ta, gọi là tiếng Hán-Việt, một số khá lớn tiếng Hán-Việt được mượn dùng làm tiếng hay chữ Nôm, người Tàu không học nói tiếng Việt và không học chữ Nôm thì không hiểu được. Tôi viết thử một lá thư bằng chữ Nôm đưa cho một lão sư Tàu, vị nầy đọc được lỏm bỏm, nhưng khônh hiểu ý tứ, nội dung lá thư.

      Như 4 câu, với 28 chữ thuần Hán, làm thành câu Nôm, sau đây, Tàu đọc không hiểu hết ý.

      固才麻忌之才 Có tài mà cậy chi tài,
      字才連貝字災没韻 Chữ tài liền với chữ tai một vần.

      善根扵在弄些 Thiện căn ở tại lòng ta,
      字心箕買平巴字才 Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.


      Đó là chữ vay mượn, còn chữ thuần Nôm mới là kiệt tác của Tổ Tiên ta. Các bạn trẻ nên học chữ Nôm để biết Tổ Tiên ta, dù bị trị, đã vượt khỏi Văn Học Tàu như thế nào.

      Xin lỗi TS Diện vì đã đi lạc đề. Mong TS bõ lỗi và cho "nhận xét" hiển hiện ở đây. Xin cám ơn trước.

      Chừng có hứng thú, sẽ nói về sông Mekong, khi ra biển Đông, phân làm tám cửa, dân ta quen gọi là sông Cửu Long.

      vanhocchunom

      Xóa
  2. thì đây là văn hóa Tàu mà!.

    Trả lờiXóa
  3. Rồng chẳng bao giờ là đại diện cho quảng đại quần chúng
    Do đó tôi không bao giờ bàn nó trong sự việc đời thường

    TH

    Trả lờiXóa