Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

NHÀ BÁO VÀ CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG

Nguyễn Xuân Diện

Hiện nay, ta đang hô hào chống tham nhũng. Xin hỏi, những kẻ tham nhũng là ai? Nó là những kẻ có chức có quyền, vì phải có chức có quyền thì mới tham được, mới nhũng được. Chức nào cũng có thể tham nhũng, từ chức nhỏ nhất đến chức to nhất. Mà muốn có chức có quyền, tức là muốn được cất nhắc thì phải vào Đảng, phải gia nhập Đảng.

Dân có tham nhũng được không? Xin thưa là Không. Dân chỉ Gian thôi, không tham được. Chỉ Quan mới tham được. Những Đảng viên thường, không có tý chức quyền gì thì cũng không thể tham và nhũng được. Và họ chính là những Đảng viên mà sự trong sạch được đảm bảo nhất.

Những kẻ tham nhũng đều là những kẻ có chức có quyền. Chúng lại có đường dây của nó, rất tinh vi, rất chằng chịt, vì đây là liên minh liên kết chỉ xuất phát và phục vụ cho 2 điều: Giữ ghếKiếm Chác ngày một nhiều hơn. Chính vì vậy, đánh tham nhũng vô cùng khó khăn, vì nó len lỏi và bao che cho nhau. Muốn oánh Tham nhũng phải có quyết tâm thật cao, phải không ngại mất đoàn kết, không ngại hy sinh (kể cả mất chức, mất ghế). Vì sao? Vì oánh tham nhũng là động đến Ghế và Tiền của người ta, mà Ghế là Tiền, Tiền là Ghế. Các cái Ghế lại đã trót nhận tiền của nhau rồi nên rất bảo vệ, bảo kê cho nhau, động đến quyền lợi của một cái Ghế là động đến cả một hệ thống Ghế. Vì thế, người ta hô hào chống tham nhũng rất ghê, cuối cùng thì rất chi là đầu voi đuôi chuột. Ở đâu đó đã thấy sự buông xuôi, đã thấy sự mỏi mệt, đã thấy sự chùn bước, đã thấy sự thoả hiệp.
Chống tham nhũng là đụng chạm đến các Đảng Viên, đến uy tín của Đảng. Rất mong báo chí được tạo điều kiện tốt nhất và được bảo vệ để chống tham nhũng.
Vậy ai là người chống tham nhũng? Xin thưa rằng chỉ có 3 đại diện chống tham nhũng thôi:

Thứ nhất là Các cơ quan chống Tham nhũng do chính phủ lập ra, theo hệ thống từ TW đến địa phương. Tham nhũng rất ít khi đuợc phát hiện ở đây, và chỉ phát hiện được vụ lặt vặt, động đến các Ghế thấp.

Thứ Nhì: Dân. Dân thì đông, nhưng dân trí nước ta thấp. người dân còn thiếu thông tin. Vì thế, khó phát hiện được tham nhũng đã đành, mà khi đã phát hiện có tham nhũng thì cũng rất khó để tìm ra ngọn ngành của nó, mà cũng khó lôi nó ra ánh sáng (do không có nghiệp vụ để truy tìm, không có diễn đàn để công bố, không có chi phí và công cụ để thực hiện). Thế là Dân không đánh được tham nhũng, các vụ tham nhũng đuợc Dân phát hiện và đánh cũng rất nhỏ, lẻ, chủ yếu ở các địa phương. Mà Dân ta vì dân trí thấp ít thông tin nên việc chống tham nhũng trong Dân rất lẻ tẻ, yếu ớt, không chuyên nghiệp và manh động, không đủ kết thành sức mạnh.

Thứ Ba: Nhà báo. Nhà báo là lực lượng chống tham nhũng thiện chiến nhất hiện nay. Vì nhà báo được học hành rất kỹ về nghiệp vụ điều tra. Nhiều nhà báo đã được học một chuyên ngành nào đó trước khi học nghiệp vụ báo chí, hoặc ngược lại, họ đã học báo chí rồi lại tiếp tục học chuyên ngành, lĩnh vực mà mình gắn bó. Nhà báo có nghiệp vụ điều tra, có diễn đàn là tờ báo của mình, có kinh phí do toà soạn trả, và đặc biệt nhất là họ luôn luôn có dũng khí của một kẻ trượng nghĩa, biểt chở che cho dân lành và những người yếu đuối trong xã hội.

Ngoảnh nhìn lại, các vụ đánh lớn đều do báo chí phát hiện, phanh phui và đánh sập. Kẻ tham nhũng dẫu tinh vi đến đâu, ghế dẫu cao thế nào và mối liên hệ chằng chịt thế nào báo chí cũng làm cho ra khiến kẻ tham nhũng phải phơi bụng và lật ghế trước bàn dân thiên hạ.

Nhà báo là đội quân chống tham nhũng thiện chiến như vậy. Vì thế, một chính phủ trong sạch thật sự muốn chống tham nhũng thì phải dựa vào đội ngũ các nhà báo, phải bảo vệ được các nhà báo bằng những cơ chế và văn bản rõ ràng minh bạch. Nếu chính phủ bảo vệ được các nhà báo, các tờ báo chân chính thì không có lo gì không chống được tham nhũng. Chính phủ ấy sẽ làm cho xã hội trong sạch, nhân dân tin yêu. Chính phủ đó nhờ vậy được thọ cùng trời đất. Nhìn vào đội ngũ nhà báo, mở những tờ báo hàng ngày (báo in, báo mạng, báo nói, báo hình,... và tất nhiên cả "báo nói có hình" nữa) là chúng ta biết quyết tâm chống tham nhũng đến đâu!

Việc bảo vệ các nhà báo không những thể hiện ở chỗ có những văn bản bênh vực nhà báo trong khuôn khổ của pháp luật, mà còn ở chỗ tránh cho các nhà báo trước những cám dỗ của bọn tham nhũng. Chúng bảo vệ Ghế và Tiền, tất nhiên chúng sẽ mua các nhà báo bằng tiền, bằng các chuyến du lịch nước ngoài, bằng thiết bị máy móc như máy ghi âm máy quay phim hiện đại, bằng gái, bằng cổ phiếu, v.v…Cũng đã có không ít nhà báo sa bẫy, hoặc đã có một chân sập bẫy của chúng, rồi lại khéo léo mà rút ra được.

Để kết thúc cái bài suy nghĩ này, xin khẳng định rằng nước ta mạnh hay yếu, tham nhũng có bị diệt hay không, dân trí nước nhà có được nâng cao hay ngày một lùn đi, là phụ thuộc vào sức chiến đấu của nhà báo rất nhiều. Nghề báo là một nghề cao quý. Nghề báo cũng là một nghề nguy hiểm. Nhà báo chỉ có một con đường là đi cùng nhân dân. Nhà báo cũng chỉ đi vào lề đường nào mà Nhân Dân Lao Động (không chức quyền) đang đi.
21.6.2010. 
N.X.D


20 nhận xét :

  1. "...nhưng dân trí nước ta thấp". TS nói câu này là thể hiện sự đồng tình với ông nghị Hoàng Hữu Phước rồi!

    Trả lờiXóa
  2. Kg : NXD không nên viết (dân trí thấp) nên viết là (người dân thiếu thông tin).Đảng chưa quan tâm ,chưa cung cấp các điều kiện để người dân tham gia chống tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  3. Chết! Cháu xin sửa lại ngay, các bác đừng ném đá cháu nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Còn chổ này nữa "Mà Dân ta vì dân trí thấp..."

    Trả lờiXóa
  5. Hoan hô NXD đã có những phân tích rất chí lý. Tuy nhiên, anh quá đề cao đội ngũ báo chí đấy. Vì, nên nhớ rằng, không phải tất cả anh em báo chí đều là những chiến sỹ trên mặt trận này. Bởi vì, cũng có không ít kẻ mang danh nhà báo đã và đang lạm dụng quyền lực báo chí, truyền thông để tham và nhũng, ví dụ như Hà Phan ở Báo Tiền Phong đã bị bắt quả tang và còn nhiều kẻ khác ( cũng làm với Hà Phan)chưa bị bắt thôi...Xí xóa việc lỡ lời về việc dùng vài từ như ông nghị Phước nhưng đã xóa rồi.

    Trả lờiXóa
  6. Nhà báo mà chống tham nhũng ư? Chỉ đụng đến những "con sâu" be bé thôi, còn những "con sâu lớn" khi chúng tự chống lẫn nhau và sử dụng nhà báo như là một công cụ.
    Không ảo tưởng, nhưng vai trò của nhà báo chân chính+dũng cảm+thông minh+có nghiệp vụ bao giờ cũng được phát huy.

    Trả lờiXóa
  7. Bài Viết ra hay, báo chí ít khi đề cập mạnh dạn như vậy, cảm ơn Bác Xuân Diện

    Trả lờiXóa
  8. Tôi tán thành bài viết của TS.

    Tuy nhiên cũng muốn góp thêm một lực lương quan trọng nữa là Tòa án
    Tại sao ? Vì Tòa án là nơi minh xét tội của bọn tham nhũng và cũng là nơi tuyên án bọn tham nhũng...
    Nhưng phải là Tư Pháp độc lập với Hành Pháp, chiếu theo Luật, thiết diên vô tư mà xử...

    Ngoài ra lực lượng dân chúng đông đảo chính là nơi phát hiện nhanh nhất, chỉ ra đúng hang ổ của bọn tham nhũng cho...Nhà báo,Chính quyền (thật tâm muốn chống tham nhũng)

    TH

    Trả lờiXóa
  9. Những kẻ có nhiều cơ hội tham nhũng nhất hầu hết là những đảng viên có chức,có quyền.
    Từ cấp xã,phường cho đến cấp trung ương.Các công ty cho đến tổng công ty,rồi tập đoàn kinh tế nhà nước, đều do các đảng viên nắm giữ những vai trò chủ chốt.Bao năm nay nhà nước ta đã bắt tay vào để chỉnh đốn đảng,học tập tư tưởng Hồ Chí Minh,tốn không ít thời gian và tiền bạc.Nhưng sao nạn tham nhũng vẫn càng ngày càng phát triển?Như vậy thì việc chỉnh đốn đảng, và việc học tập tư tưởng HCM có tác dụng không?hay vẫn chỉ ở hình thức hô khẩu hiệu?
    Tham nhũng ví như một dòng suối lớn,không chặn từ đầu nguồn bằng những con đập vững chắc,mà cứ bỏ công sức ra để tát nước cuối nguồn thì muôn đời không bao giờ cạn được.
    Tham những bắt nguồn từ đâu?phải chăng do việc quản lý xã hội quá yếu kém,tham nhũng có bè, có cánh gắn chặt, bao che nhau nên khó phá.Việc quản lý kinh tế từ cấp cao xuống cấp cơ sở quá lỏng lẻo,hệ thống xã hội cũng như hệ thống quản lý thì nhiều tầng,nhiều lớp cồng kềnh,nhiêu khê,phức tạp khó điều hành,ai quyết định và ai là người chịu trách nhiệm chưa rõ ràng.Như vậy không khác nào"cha chung không ai khóc"nên dễ sảy ra tham nhũng.
    Một vấn đề dễ nảy sinh tham nhũng nữa là sự độc đoán,chuyên quyền,sự tham lam từ những người có quyền,nắm quyền trước nhất.
    Tôi nhất trí như ý của bài viết"Nhà báo là lực lượng chống tham nhũng thiện chiến nhất hiện nay".Nhưng dù thiện chiến, mà không có những vị lãnh đạo có tâm từ cấp cao cùng thiện chí thì khó mà đánh được,vì muốn diệt được tham nhũng thì phải diệt từ cấp cao trở xuống,đấy mới là đầu não chính của tập đoàn quân tham nhũng.
    Ai xẽ là tướng dám cầm quân đánh thẳng vào cứ điểm vững chắc này?ai dám xung trận để bắt tướng tham nhũng?đó còn là một vấn đề không đơn giản,vì chắc mọi người vẫn nhớ việc của tướng Quắc và hai nhà báo trong vụ PMU 18.

    Trả lờiXóa
  10. Tôi một mặt rất ủng hộ việc tập trung kiên quyết đấu tranh chống lại tệ nạn tham nhũng (Quốc nạn) trong cơ quan chính quyền vì nó ngày càng gây bức xúc lớn trong nhân dân, và tất nhiên người dân do không có chức quyền nên tội tham nhũng người dân không thể mắc phải được (nếu người dân mắc chỉ có thể mắc tội hối lộ! giúp đỡ phạm tội ...) - tuy nhiên ta cũng không nên quên cuộc đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt ở đây là các tội về kinh tế mà qua lòng tham của bản thân gây nên thì mỗi người dân bình thường đều có thể mắc, như trốn thuế, làm hàng giả, độc hại bất chấp nguy hiểm cho xã hội, trốn tránh các nghĩa vụ để qua đó kiếm chác lợi nhuận, trộm cắp ...

    MT

    Trả lờiXóa
  11. -NHUNG VIEC CAN LAM NGAY :
    - QUAN THAM !
    - DAN GIAN !

    Trả lờiXóa
  12. Xin thêm một đề nghị nhỏ nữa với TS: cần phải tách báo chí ra khỏi hệ thống Đảng.

    Chúng ta thấy rõ tổng biên tập có thể bị Đảng cách chức, phóng viên bị công an ra lệnh (gián tiếp) thu bằng hành nghề.

    Chừng nào sự lệ thuộc này còn, thì nhà báo vẫn không thể làm đúng thiên chức của họ. Và đất nước sẽ sớm cạn kiệt nhân tài trong ngành này, khi các nhà báo giỏi liên tiếp bị trù dập.

    Hãy tưởng tượng Hoàng Khương mà sống ở Mỹ, chắc anh sẽ được giải Pulitzer cũng nên! Than ôi!

    Trả lờiXóa
  13. Đúng đấy, truyền thông ta lúc nào cũng ra rả là "người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, sáng tạo" thế nên nếu anh Diện nói là "dân trí thấp" sẽ bị phản bác ngay. Có điều chúng ta lại không phát triển bằng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Malaysia nên chắc là người Việt Nam mặc dù thông minh nhưng vẫn không bằng các nước kia. Vì thế dùng cụm từ "dân trí chưa phát triển" hoặc "dân thiếu thông tin" như bác nào nói là OK.

    Trả lờiXóa
  14. NHÀ BÁO NÀO CHỐNG THAM NHŨNG LÀ BỊ DIỆT NGAY .BỌN
    THAM NHŨNG CÓ LỰC LƯỢNG NỔI,LỰC LƯỢNG NGẦM ,ĐỪNG XUÔI DẠI MÀ ĐƯA ANH CHỊ EM VÀO CHỔ CHẾT.

    Trả lờiXóa
  15. Nói người dân thiếu thông tin là thiếu về những con số cụ thể thôi chứ thật ra người dân rất sáng suốt , rất tinh mắt và rất thính tai đấy . Trước 1975 , khi có dịp xuống các làng quê ở miền Bắc , có thể nghe từ các bác nông dân bình thường những câu nói như : " Thằng còng làm cho thằng ngay ăn " , " Mỗi người làm việc bằng hai để cho cán bộ mua đài sắm xe " , " Mỗi người làm việc bằng ba để cho cán bộ xây nhà , xây sân " , v.v... Chính tôi đã chứng kiến điều này .

    Trả lờiXóa
  16. Báo Vietnamnet hôm nay đã đăng bài về việc Tổng thống Đức đã phải xin lỗi trước công luận về "tin nhắn khá tức giận và ông Wulff đe dọa sẽ có “hậu quả” nếu tờ báo tung ra bài viết về khoản vay của ông.".
    http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/55791/tong-thong-duc-xin-loi-tong-bien-tap-bao-bild.html

    Trả lờiXóa
  17. Huỳnh Tấn Mãnlúc 00:04 6 tháng 1, 2012

    Bác Diện kính mến,

    Những suy tư và chia sẻ của Bác rất chính xác vì vậy nên tôi hoàn toàn đồng tình với Bác. Và tôi hy vọng là những người lảnh đạo sẽ ghi nhận và thực thi những điều Bác đã nêu trên. Chúc bác luôn an bình.

    Trả lờiXóa
  18. Đảng muốn chống tham nhũng và những tệ nạn khác, việc đầu tiên là phải tự do ngôn luận. Khi đó dân chúng, lãnh đạo, quan chức sẽ có thông tin nhiều chiều, và thông tin sẽ tạo ra dư luận xã hội. Chính dư luận xã hội trên các diễn đàn công khai, trong đó có báo chí, mạng, các hội thảo, các cuộc biểu tình, mít tinh...sẽ là đối thủ nặng ký nhất của tham nhũng. Một mình đảng không thể vừa đá bóng vừa thổi còi để chống tham nhũng được dù cho tổng bí thư có quyết tâm cỡ nào. Chưa cần đa đảng, chỉ cần tự do ngôn luận, bầu không khí chính trị sẽ khở sắc.

    Trả lờiXóa
  19. Đảng muốn chống tham nhũng, muốn trong sạch vững mạnh, thì phải dựa vào dân, phải thực sự cầu thị và hơn hết phải để dân được tự do ngôn luận. Sức mạnh của ngôn luận sẽ giúp đảng bài trừ tham nhũng và các tệ nạn khác nhằm chấn hưng đất nược và cứu vãn chế độ.

    Trả lờiXóa
  20. Thưa bác TS Diện, thưa các bác, người dân ta thường quen với câu : "mèo lớn bắt chuột lớn, mèo nhỏ bắt chuột nhỏ", vậy mèo nào mà chẳng ăn chuột. Với cơ chế lương bổng hiện nay vừa thấp vừa mất cân đối ở các ngành nghề vùng miền thì một gia đình thật sự sống được bằng lương thì cũng rất chật vật. Bên cạnh đó còn phải tích lũy để lo cho con cái, lo khám chữa bệnh,.v.v..nói chung là trăm thứ phải lo. Vậy thì trong một môi trường làm việc ở bất kì cơ quan ban ngành nào, ở bất kì cấp chính quyền nào, ở bất kì cơ quan xí nghiệp kể cả quốc doanh lẫn tư nhân thì người ta đều có tư tưởng nghĩ đến cái tham và cái nhũng để thu lợi cho mình, để có tiền biếu xen xếp này xếp nọ, thầy này quan kia, rồi lại mua quan bán chức, chung chi càng nhiều thì đương nhiên càng được đánh giá là "giỏi" và dễ "lên chức", là "cánh tay đắc lực kiếm tiền cho xếp", vân vân và vân vân... Nói chung tiền là tiên là phật như bài đồng dao người ta hay đọc. Không tin các bác cứ thử tự liên hệ chính hoàn cảnh sống của mình xem sao sẽ ứng nghiệm ngay. Vậy thì cả xã hội ta đều có tính tham và nhũng hóa cuộc sống thành một hệ thống không dễ gì mà xóa bỏ được.

    Vậy thì theo tôi chỉ còn công cụ "LUẬT" được rõ ràng, minh bạch, được nghiêm chỉnh chấp hành và có các quy định rõ người được thưởng công và kẻ bị hình phạt rõ ràng khi tham nhũng thì xã hội sẽ dần dần mới nghiêm lên được, tham nhũng mới dần được triệt tiêu trong xã hội. Nhà nước pháp quyền cần được xây dựng vững mạnh là như thế, không ai có thể sống ngoài vòng pháp luật hoặc sống trên pháp luật, không thể sống mà muốn "uốn éo" luật thế nào cũng được tùy theo ý đồ. Đó mới là cái gốc chữa được bệnh tham nhung đang lan tràn ngoài xã hội. Còn đội ngũ nhà báo, người dân đen, hay cơ quan chống tham nhũng vào cuộc cũng chỉ phát hiện phần ngọn lỡ xui bị lộ tẩy mà thôi.

    Vậy nên chúng ta cần đẩy mạnh việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN khoa học, mọi việc đều phải dân chủ, công khai, minh bạch và sòng phẳng thì sẽ trị được bệnh tham nhũng tràn lan như hiện nay.

    Đôi lời góp ý với các bác.

    KS Dũng.

    Trả lờiXóa