Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

VỀ CUỐN SÁCH “DẠY VỀ SỰ ĐÁNH GIẶC THIÊNG LIÊNG”

 VỀ CUỐN SÁCH “DẠY VỀ SỰ ĐÁNH GIẶC THIÊNG LIÊNG”
Nguyễn Hồng  Dương

Trong đợt đi thực tế năm 1998 tại xứ đạo Kẻ Sở, chúng tôi được Linh mục chính xứ tặng cuốn sách chữ Nôm: Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng

Kẻ Sở là xứ đạo lâu đời thuộc giáo phận Hà Nội. Hiện tại có tên là xứ Sở Kiện, thuộc xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Tính đến thời điểm năm 2004, xứ có 8509 giáo dân.(1) Vào nửa cuối thế kỷ XIX, Kẻ Sở là nơi mà Tòa Giám mục Tây Đàng Ngoài đóng trị sở. Nơi đây có nhà in của địa phận để ấn tống sách, kinh bổn Công giáo. Nhà in Kẻ Sở có từ khi nào, hiện chúng tôi chưa có tư liệu chính xác. Tác giả Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên trong cuốn Lịch sử địa phận Hà Nội 1926-1954 cho biết: “Năm 1858 Vĩnh Trị hầu hết các cơ sở bị phá bình địa, lịch sử 100 năm nay không để lại vết tích. Sau đó có công trình hồi phục, nhưng không được như trước, và có lẽ từ đây có chương trình lấy Kẻ Sở làm thủ phủ và cũng sẽ lập lại nhà in ở đây”.(2) Cuốn sách trên còn cho biết: Năm 1882, Giám mục Puginier mở rộng thêm nhà in Kẻ Sở, cho in sách học và sách Đạo cho giáo dân chừng 30 cuốn.(3) Như vậy nhà in Kẻ Sở là nhà in lớn của địa phận thời bấy giờ. Theo chúng tôi được biết, hiện tại ở Sở Kiện (Kẻ Sở) còn lưu giữ khá nhiều sách kinh bổn in bằng chữ Nôm, trong đó có cuốn Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng. Nhưng cuốn sách này có in tại nhà in Kẻ Sở hay không lại là vấn đề khác.
.
Nhà thờ Kẻ Sở. Ảnh: Internet
Ngoài cuốn sách chúng tôi có trong tay, theo chúng tôi được biết, cuốn Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng còn có hai ấn bản. Linh mục Nguyễn Hương trong cuốn Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam cho chúng ta biết một ấn bản Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng của Đức cha Charles Hubert, Jeantet Khiêm dịch, Kẻ Sở in 1864. Theo tác giả thì đây là cuốn sách chữ Nôm nguyên bản.(4) Chúng tôi gọi nó là cuốn Một. 

Cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa Sai Ba Lê, églises d’ Asie Série Histoire xuất bản cho biết tại thư khố của Hội có cuốn Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng, Giám mục Ca-rô-lô Khiêm Truyền Tử, Tonkin Occidental 1864. Khổ sách là 25,5x14,5 cm, mỗi trang có 9 dòng, mỗi dòng có 26 chữ. Ở trang 120 cuốn sách trên có chụp in trang bìa lót của cuốn sách.(5) Chúng tôi gọi nó là cuốn Hai.

So sánh cuốn Một và cuốn Hai, ta thấy người dịch cũng là Giám Mục Khiêm,(6) là sách chữ Nôm, in năm 1864. Cuốn Một cho biết in tại Kẻ Sở, còn cuốn Hai thì không. Cuốn Hai nói rõ khổ sách, số dòng, số chữ mỗi dòng và in trang bìa lót, cuốn Một thì không.

Theo đoán định của chúng tôi thì có lẽ hai cuốn sách này là một.

Còn cuốn Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng mà chúng tôi có trong tay từ linh mục chính xứ Sở Kiện (Kẻ Sở), chúng tôi gọi là cuốn Ba, thì lại khác với cuốn Một và cuốn Hai. Cuốn Ba này được in năm “Thiên Chúa Giáng sinh 1912”, Giám mục Phê-rô Ma-ri-a Đông Truyền Tử.(7) Lời tựa cuốn này cho biết: “Kẻ làm sách này là người rất có nhân đức thuộc về dòng ông Thánh Ca-chi-ta-nô. Ngài ấy đã dấu tên mình mất để mặc dòng Ngài truyền sách này cho thiên hạ mà thôi. Mà bởi vì sách này rất trọng rất tốt dường ấy, cho nên dầu khi đầu hết (trước hết) kẻ làm sách này thì dùng tiếng nước I-ta-li-a, nhưng mà đến sau có kẻ đã dịch sách này ra trong mười tiếng khác nhau". Trong lời tựa cuốn sách cũng cho biết người dịch cuốn sách này là Giám mục Phê rô Maria Đông.

Vậy là ít nhất cuốn Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng có hai người dịch đều là Giám mục (Giám mục Khiêm 1858-1866; Giám mục Đông 1892-1935). Cuốn do Giám mục Khiêm dịch in tại Kẻ Sở, còn cuốn Giám mục Đông dịch thì không rõ in ở đâu vì cuốn sách chúng tôi có trong tay đã mất bìa. Cuốn Ba có khổ 20,5 x 13,5cm, mỗi trang có 10 dòng, mỗi dòng có 24 chữ. Sách có độ dày 288 trang. 
.
Dưới đây là phần dịch của chúng tôi, bao gồm dịch trang bìa lót (tr.1), trang 2 ghi năm ấn tống; dịch phần phụ lục (từ trang 3 đến trang 8); dịch lời tựa từ trang 9 đến trang 16.

Trang bìa 1: Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng
Trang 2: Thiên Chúa giáng sinh 1912

Giám mục Phê-rô Ma-ri-a Đông Truyền Tử

Trang 3 đến trang 9: Mục lục Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng

Đoạn thứ nhất: Giảng cho biết Đức Chúa Giê-su dạy ở trọn lành thế nào (tr.1)

Đoạn thứ hai: Dạy cho kẻ cậy mình (tr.10)

Đoạn thứ ba: Dạy phải cậy Đức Chúa Trời (tr.15)

Đoạn thứ bốn: Dạy lẽ mà xét ta đã coi sự cậy mình lại được Đức Chúa Trời hay là không (tr.19)

Đoạn thứ năm: Dạy cho biết có kẻ làm vì nghĩ sự sờn lòng bởi nhân đức mà ra (tr.20)

Đoạn thứ sáu: Dạy lẽ khác cho khỏi sự cậy mình lại được lòng cậy Đức Chúa Trời. (tr.23)

Đoạn thứ bảy: Dạy phải dùng linh hồn và xác mà thờ phụng Đức Chúa Trời và trước hết phải sửa trí khôn (tr.25)

Đoạn thứ tám: Dạy về những sự thường làm cản trở kẻo ta biết sát mỗi việc cho nên (tr.28)

Đoạn thứ chín: Dạy lẽ khác cho biết tỏ việc làm ích hơn (tr.31)

Đoạn thứ 10: Dạy về sự sửa lòng và phải có ý thế nào (tr.35)

Đoạn thứ 11: Dạy một hai lẽ mà giục lòng muôn sự Đức Chúa Trời muốn (tr.42)

Đoạn thứ 12: Dạy trong mình ta có hai ý nghịch cùng nhiều lên (tr.44)

Đoạn thứ 13: Dạy phải chống trả lòng thú là như như thế nào (tr.49)

Đoạn thứ 14: Dạy khi thấy lòng đã gần thua thì phải làm thế nào (tr.57)

Đoạn thứ 15: Dạy lẽ khác cho biết chống trả kẻ thù nghịch (tr.62)

Đoạn thứ 16: Dạy kẻ làm quân lính Đức Chúa Giê-su thì phải dọn mình tự sáng ngày đêm (tr.64)

Đoạn thứ 17: Dạy khi chống trả tính mê phải giữ thứ tự nào (tr.68)

Đoạn thứ 18: Dạy phải dẹp xác thịt khi nó mải động lên (tr.69)

Đoạn thứ 19: Dạy cách chống trả tội về điều răn thứ sáu (tr.73)

Đoạn thứ 20: Dạy phải chống trả tính làm biếng thế nào (tr.84)

Đoạn thứ 21: Dạy phải dùng ngũ quan cho nên (tr.72)

Đoạn thứ 22: Dạy phải dùng sự bề ngoài mà ngẫm sự mầu nhiệm Đức Chúa Giê-su (tr.99)

Đoạn thứ 23: Dạy lẽ khác về sự dùng ngũ quan mà giục lòng đi đàng nhân đức. (tr.103)

Đoạn thứ 24: Dạy về sự sửa miệng lưỡi là thế nào (tr.112)

Đoạn thứ 25: Dạy kẻ làm quân lính Đức Chúa Giê-su thì phải giữ sự bình an trong lòng (tr.116)

Đoạn thứ 26: Dạy khi phải dấu tích thánh linh thì phải làm thế nào (tr.123)

Đoạn thứ 27: Dạy cho biết chước ma quỷ cám dỗ kẻ còn mê tội lỗi (tr.127)

Đoạn thứ 28: Dạy về chước ma quỷ làm cho kẻ mắc tội lại thêm phạm mãi (tr.128)

Đoạn thứ 29: Dạy về chước ma quỷ cùng kẻ muốn lừa lại (tr.131)

Đoạn thứ 30: Dạy về những kẻ lầm vì nghĩ mình đã nhiều đàng nhân đức (tr.138)

Đoạn thứ 31: Giảng về chước ma quỷ hay làm cho người ta bỏ đường nhân đức (tr.138)

Đoạn thứ 32: Dạy về chước ma quỷ lấy dọn sạch việc lành mà làm sạch tội (tr.145)

Đoạn thứ 33: Dạy về sự hãm mình mà tập việc lành (tr.157)

Đoạn thứ 34: Dạy phải đi dần dần cho được tập nhân đức (tr.162)

Đoạn thứ 35: Dạy phải cùng một hai nhân đức dành mà tập (tr.165)

Đoạn thứ 36: Dạy kẻ đi đàng nhân đức phải cứng rắn lên (tr. 169)

Đoạn thứ 37: Dạy chẳng thể bỏ dịp nào quá không mà chẳng tập (tr.171)

Đoạn thứ 38: Dạy phải mừng khi gặp dịp việc lành nhất là dịp khó (tr.174)

Đoạn thứ 39: Dạy cho biết có nhiều cách tập việc nhân đức (tr.179)

Đoạn thứ 40: Dạy phải tập một nhân đức là bao lâu (tr.182)

Đoạn thứ 41: Dạy phải sửa lòng hay muốn chống khỏi sự khó (tr.185)

Đoạn thứ 42: Dạy về chước ma quỷ xui làm việc lành trái lẽ (tr.187)

Đoạn thứ 43: Dạy chớ vội xét đoán người ta (tr.191)

Đoạn thứ 44: Dạy về sự cầu nguyện (tr.196)

Đoạn thứ 45: Dạy sự nguyện ngắm là gì (tr.204)

Đoạn thứ 46: Dạy phải nguyện ngắm là thế nào (tr.207)

Đoạn thứ 47: Còn dạy về sự nguyện ngắm (tr.209)

Đoạn thứ 48: Dạy về sự cậy rất Thánh Đức Bà mà ngắm (tr.210)

Đoạn thứ 49: Dạy về sự Đức Bà hay bảo cho kẻ có tội (tr.214)

Đoạn thứ 50: Dạy về sự cậy các Thánh Thiên thần và các Thánh mà ngắm (tr.216)

Đoạn thứ 51: Dạy cách ngắm về những sự thương khó Đức Chúa Giê-su (tr.219)

Đoạn thứ 52: Dạy khi ngắm về Câu Rút Đức Chúa Giê-su thì được (lợi) ích nào (tr.228)

Đoạn thứ 53: Dạy về phép Mình thánh Đức Chúa Giê-su (tr.237)

Đoạn thứ 54: Dạy về sự tuân lệnh chịu lễ mà chống trả tội (tr.239)

Đoạn thứ 55: Dạy tuân lệnh chịu lễ mà giục lòng kính mến Đức Chúa Trời (tr.244)

Đoạn thứ 56: Dạy về sự chịu lễ Thánh linh (tr.255)

Đoạn thứ 57: Dạy về sự đội ơn Đức Chúa Trời (tr.275)

Đoạn thứ 58: Dạy về sự dâng mình cho Đức Chúa Trời (tr.259)

Đoạn thứ 59: Dạy về lòng sốt sắng và lòng khô khan (tr.264)

Đoạn thứ 60: Dạy về sự xét mình (tr.273)

Đoạn thứ 61: Dạy phải ở bằng phẳng đánh giặc cho đến chết (tr.275)

Đoạn thứ 62: Dạy phải thuật mình chống trả chước ma quỷ khi gần chết (tr.278)

Đoạn thứ 63: Dạy khi gần chết chớ mất nhân, đức, tín (tr.280)

Đoạn thứ 64: Dạy khi gần chết chớ sờn lòng (tr.283)

Đoạn thứ 65: Dạy khi gần chết chớ cậy mình kiêu ngạo (tr.285)

Đoạn thứ 66: Dạy về các chước ma quỷ dùng khi ta gần chết (tr.286)


Trang 9 đến 16

Lời tựa Sách dạy đánh giặc thiêng liêng

Có nhiều kẻ chẳng tỏ ý trong đạo thánh Đức Chúa Trời thì hay nghi cho kẻ giảng đạo ấy hoặc là toan làm loạn, hay là sinh ra sự hỗn nháo trong nước chăng. Chưa chi những kẻ nghi trái lẽ làm vậy, thì lấy lòng thương yêu người ta mà soi xét những lẽ sẽ kể sau đây.

Một là, trong phép đạo thánh Đức Chúa Trời dạy ai nấy phải vâng kính mình. Nay vua chúa quan quyền là đấng thay mặt Đức Chúa Trời mà gìn giữ người ta trong nước cho được an cư lạc nghiệp. Mà hễ ai ai chẳng vâng phép các bậc ấy thì là như chẳng vâng phép Đức Chúa Trời. Bởi đấy cho nên các Thánh tử vì Đạo xưa nay khi thấy vua chúa dạy làm việc rối trong lẽ Đạo. Dẫu mà chẳng dám vâng phép làm vậy vì đã biết hễ được làm người thì phải kính trọng Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Song le các Thánh ấy đã chịu các hình khổ chẳng thà lừa lòng vờ cùng kẻ cầm quyền quản trị trong nước.

Hai là, trong phép Đạo dạy, hễ kẻ nào làm quân lính Đức Chúa Trời, nghĩa là kẻ nào muốn lập công cho sáng danh Đức Chúa Trời, thì chẳng thể rối lòng mà lo những việc thế gian. Vì chưng Đức Chúa trời dạy kẻ ấy phải làm việc trọng hơn là mở Đạo thánh Ngài cho càng ngày càng rộng, thiên hạ đều biết ơn Chúa đã sinh ra mình, cũng (như) cho biết những lẽ mầu nhiệm khác ai nấy phải tin lại cho biết hơn những ơn có sức giúp mình kẻo ngã thua xác thịt cũng cho hiểu biết phần thưởng phần phạt Đức Chúa Trời để dành cho kẻ làm con hiếu thuận hay là kẻ dữ sai trái là thế nào.

Ba là, khi Chúa Cứu thế sai các Thánh Tông đồ đi giảng Đạo thì Ngài răn dạy các Thánh ấy rằng: nay tao sai bay chẳng khác gì con chiên đi trong bầy sói lang vậy. Ấy con chiên là giống hiền lành cũng là hình bóng kẻ giảng Đạo, vì kẻ nấy phải ở khôn ngoan yêu thương mà dỗ lòng người ta theo phục lẽ chính, chẳng thể ở … cơn thịnh nộ mà dẹp tính những kẻ cùng một loài như mình đâu, dẫu mà Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng muốn sao nên vậy, nhưng mà Ngài thường lấy lòng lành mà chữa trị người ta, thế gian chẳng mấy khi dùng phép công bằng. Vậy các Thánh Tông Đồ hằng soi gương và rất nhân lành, mỗi ngày mỗi làm ơn cho kẻ bất nhân bội nghĩa cùng Ngài mà các thánh ấy hằng ra sức bắt chước như vậy thì những sói lang đã trở nên con chiên hiền lành. Nghĩa là kẻ dữ ban đầu quen ghét các đầy tớ Đức Chúa Giê-su thì đã bỏ lòng độc mà yêu mến việc Đạo mình đã ghét khi trước.

Bốn là, khi Chúa Cứu Thế còn ở thế gian thì Ngài đã phải ẩn mình vì dân, việc thấy những phép lạ Ngài làm thì nó toan đặt Ngài lên làm vua. Ấy Chúa Cứu Thế là con thật (của) Đức Chúa Trời, cũng là Đức Chúa Trời thật. Ngài đã làm muôn vàn phép lạ tỏ ra Ngài là Vua Cả hằng sống, hằng trị đời đời. Nhưng mà Ngài sinh dưới thế gian cho được lập nước thánh linh là gọi tìm kẻ có tội trở lại đàng công chính. Nhân vì việc ấy, Ngài chẳng chịu trị nước thế gian, Ngài thà chịu nạn chịu chết chịu sự tủi hổ, chẳng thà được sự sang trọng vui vẻ ở đời tạm này. Ấy vậy có lẽ nào mà những kẻ làm đầy tớ Ngài còn nên tham chức quyền danh vọng, là những việc Chúa mình đã từ chối làm vậy ru (chăng).

Năm là, những kẻ lặng lẽ giảng đạo xưa nay thì đã rời bỏ khuê phúc cha mẹ anh em họ hàng bạn hữu, lại cùng Thày mình đi những nơi xa xôi lạ lùng, phải vượt biển lâu ngày lâu tháng, liều mình trong giông bão táp lớn và nhiều sự hiểm nguy khác không kể xiết. Mà khi đã đến nơi lại phải ra công ráng học tiếng nước nọ nước kia những điều lạ lùng và rất khó, lại phải bỏ thói tục đã quen từ bé đến lớn mà tập tành thói ăn cách ở khác xa mọi đàng. Bằng khi nào việc Đạo chẳng được bình yên thì kẻ giảng việc lành lại phải ở ẩn lánh, chẳng dám ra mặt, chẳng khác gì như kẻ gian dữ vậy. Có khi nào bỏ xứ nọ đổi sang xứ kia. Có khi nào phải trốn ẩn núi non rừng bể. Còn những người phải tay kẻ dữ thì phải chịu trăm ngàn khốn khó. Kẻ thì phải chết đói trong ngục, kẻ thì phải kiểm xét và chịu những hình khổ khác dữ tợn hơn nữa. Dẫu khi bình an việc đạo thì kẻ giảng đạo cũng phải nhiều sự khốn khó vì chưng ai muốn cho sáng danh Đức Chúa Trời thì phải sửa dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, thăm viếng kẻ liệt lào và làm những việc khổ nhục hơn nữa bội phần. Ấy kẻ giảng đạo phải chiu khổ lắm vậy và khi đã làm những việc Đức Chúa Trời dạy làm thì cũng phải nhớ lời Chúa Cứu Thế đã răn dạy mà xưng mình là đầy tớ vô ích chẳng khác gì như những đầy tớ tốt tá thâu ngày ở ngoài đồng làm việc nặng nề khổ nhục đến khi nó trở về nhà thì chủ nhà chẳng những là chẳng mời nó nghỉ ngơi, mà lại bắt nó dọn dẹp cho mình ăn uống và dạy nó làm việc nọ việc kia, đoạn mới được ăn uống. Ấy đầy tớ ấy vâng lời Thày mình làm vậy, nhưng mà Thày nó cũng chẳng mắc ơn nghĩa gì với nó đâu. Cũng một lẽ ấy dẫu ta đã ra sức làm cho sáng danh Đức Chúa Trời thì Ngài chẳng hề có ơn gì ta, vì Ngài đã sinh ra ta, gìn giữ cứu chuộc ta thì thực là coi rẻ mọi sự lành ta làm. Mà khi Ngài trả công cho ta thì ta phải đội ơn ngợi khen Ngài mà chớ. Vậy khi ta kể những sự khốn khó kẻ giảng (đạo) phải chịu thì ta chẳng có ý cho người ta khen đâu, vì chưng kẻ phải trông cho đẹp lòng thế gian thì kẻ ấy chẳng được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ta có một ý tỏ ra cho ai nấy được biết việc Đạo là việc ngay lành. Ấy từ khi có kẻ đem tin lành cho nước An Nam này đầu hết (đầu tiên) cho đến này đã hơn hai trăm năm mươi năm nay thì có nhiều người nhiều nước khác tiếng khác thói, nhiều nghịch (ngược) cùng vua chúa. Ai có ý nghiệm lại thì đã biết kẻ giữ (đúng) chính phép Đạo dạy thì phải ở hết lòng cùng kẻ cai trị mình vì chưng trong phép Đạo chẳng những cấm việc làm loạn, mà lại dạy phải cầu xin cho vua chúa quan quyền được mọi sự lành. Lại những kẻ nào đọc đến sử ký các nước thiên hạ thì cũng đã hiểu các nước giữ đạo thánh Đức Chúa Trời thì đều được bình yên trên hoà dưới mục hơn các nước hãy còn ngoại đạo bội phần. Vì vậy khi ta dịch sách Đánh giặc thiêng liêng này thì ta chẳng có ý dạy người ta cho biết sắm sửa khí giới mà chém nhau đâu, cũng chẳng có ý tập kẻ làm người lại làm hại loài người đâu. Sự sống ta chẳng được bao lâu mà ta hầu dám truyền nghề cho người ta sống chết làm sao cho phải lẽ. Vậy ta mới có ý dạy người ta cho biết sắm khí giới mà phá phách tội lỗi cùng xua đuổi ma quỷ ra cho khỏi lòng người ta mà thôi. Lại (nữa), ta có ý tập người ta cho biết làm việc lành phúc đức và kính mến Đức Chúa Trời cùng thương yêu người ta mà thôi. Sau nữa, sự sống ta ở đời này thực ra sống tạm sống cố cho nên ta phải học cách nào cho được sống lâu vui vẻ đời đời. Do (mà) đã có nhiều sách dạy nghề cực nặng ấy, song le những kẻ quên đi đàng nhân đức thì đều khen sách này lắm, vì trong sách này tóm lại các lẽ Đức Chúa Giê-su dạy, nhất là các lời Ngài dạy chê bỏ… Lại hễ ra ai là cần cho được hiểu ý cùng vâng cứ những lời trong sách này đã dạy ắt là chẳng bao lâu kẻ ấy sẽ nên người thánh linh, cũng sẽ hết lòng yêu việc thế gian mà kính mến Chúa sinh nên muôn vật. Ông Thánh Phan-xi-cô Vít vồ xưa đã hầu hai mươi lăm người đi đâu thì đem sách này đi với mình, mà mỗi ngày mỗi đọc một hai điều cho nên Ngài đã được nên người trọn lành. Ngài quen coi sách này là thày dạy dỗ mình. Ngài cũng năng khuyên kẻ khác phải siêng năng đọc sách này. Ông Thánh ấy lại rằng, kẻ làm sách này là người rất có nhân đức thuộc về dòng ông Thánh Ca-chi-ta-nô. Ngài ấy đã dấu tên mình mất để mặc dòng Ngài truyền sách này cho thiên hạ mà thôi. Mà bởi vì sách này rất trọng rất tốt dường ấy, cho nên dầu khi đầu hết (trước hết) kẻ làm sách này thì dùng tiếng nước I-ta-li-a, nhưng mà đến sau có kẻ đã dịch sách này ra trong mười tiếng khác nhau. Sau khi ta cũng mượn lấy lời trong thư ông Thánh Phan-xi-cô gửi cho một người nhân đức kia và răn dạy người ấy rằng: con hãy đọc sách Đánh giặc thiêng liêng vì sách ấy tốt lành thật và dạy những sự vừa sức mỗi người. Dẫu một đoạn thứ nhất cũng đã đủ mà soi các linh hồn cho biết phúc đức và dẫn đúng đường lên trời. Vì vậy ta khuyên con hãy giữ mỗi lời sách này dạy thì con sẽ nên trọn lành chẳng sai.

Hết lời tựa Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng.

Chú thích:
(1) Văn phòng Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam: Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám 2004, Nxb. Tôn giáo, 2004, tr.519.
(2) Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên: Lịch sử địa phận Hà Nội 1926-1954, Paris 1994, tr.178.
(3) Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên: Lịch sử địa phận Hà Nội 1926-1954, sđd, tr. 241.
(4) Linh mục Nguyễn Hùng: Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo. Lưu hành nội bộ, 2000, tr.82.
(5) Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội Thừa sai Ba Lê, Églises d’ Asie Série Histoire xuất bản 2004, tr.29.
(6) Giám mục Charles Hubert Jeantet có tên gọi tiếng Việt là Khiêm. Giám mục Khiêm sinh năm 1792 ở St. Claude (Jura, Pháp), thụ phong linh mục năm 1818 và sau năm sau, 1819 đến Đàng Ngoài. Năm 1840 làm Giám đốc Chủng viện Kẻ Non. Năm 1847 được bổ nhiệm làm Giám mục phó. Năm 1858 làm đại diện Tông tòa, qua đời năm 1866 tại Hoàng Nguyên, thi hài được đưa về an táng tại Kẻ Non.
(7) Giám mục Gendrean có tên tiếng Việt là Đông (1892-1935), sinh năm 1850, vào Chủng viện Thừa sai năm 1871, thụ phong linh mục năm 1873. Năm 1887 được bổ nhiệm Giám mục phó với quyền kế vị. Năm 1892 là Giám mục, qua đời năm 1935./.
*Tác giả Nguyễn Hồng Dương là PGS. TS Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện KHXH VN).



7 nhận xét :

  1. xin cho biet sach nay o dau va co ban tieng viet khong

    Trả lờiXóa
  2. cho con xin ban day du bang tieng viet voi

    Trả lờiXóa
  3. Nên đọc để thương xót cho tây nguyên:
    Viết tiếp vụ đạo văn ở Gia Lai

    http://pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/cafe--tin-nhan/viet-tiep-vu-dao-van-o-gia-lai.html

    Trả lờiXóa
  4. Tôi theo đạo Phật,nhưng từ những năm 60-70 đã được giáo dục :đạo công giáo là phản động ?,ngày ấy lý lịch của ai ghi công giáo thì thôi rồi ,không thể ngóc đầu lên được .tôi có người bạn là công giáo ,biết thân phận mình ,nên sống rất khép kín ,rất tốt,học khá ,ngoan hiền ,chả cãi nhau với ai bao giờ ,nhưng bình bầu học sinh tiên tiến là bị loại đầu tiên vì "không chan hòa với quần chúng ".Mà quần chúng được giáo dục ,đó là phản đông ,thì ai cũng sợ liên lụy ....mà không dám gần.
    Bây giờ các con tôi đi học ở trường ,đến môn tôn giáo (thường là hai đạo chính :đạo thờ chúa Jesu ,và đạo thờ đức mẹ Ma ria)các cháu được tự do .Nhưng tôi vẫn đăng ký cho các cháu học đạo ở trong trường ,vì những người theo đạo công giáo được giáo dục rất nhân bản như đạo Phật vậy :tránh xa mọi tội lỗi ,làm việc thiện...đóng góp xây dựng đất nước ,đặc biệt họ không nói xấu đạo nào cả ,sống chan hòa với mọi người,với mọi tôn giáo.
    Sắp tới ngày lễ giáng sinh ,bằng giờ này đài báo đưa tin nhiều lắm ,nhưng năm nay tuyệt nhiên không thấy gì cả ? cứ như trẻ con...
    Nhân đây ,tôi và gia đình kính chúc đồng bào công giáo ở Việt nam ,một mùa giáng sinh vui vẻ ,bằng an ,thịnh vượng.Kính chúc TS Lâm Khang và gia đình cùng toàn thể đồng bào Việt nam một mùa giáng sinh ,một năm mới vui vẻ ,hòa bình ,vạn sự bằng an . Cùng nhau chung tay bảo vệ Tổ quốc Việt nam mãi mãi trường tồn .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bà Trần Thị Hương,
      Nếu bà đã nghe về Đạo Công Giáo, lại gửi các cháu vào những trường học Công Giáo để các cháu nhận được một nền giáo dục tốt, thì nếu có 'duyên', xin bà bớt chút thì giờ tìm hiểu về đạo ấy để tránh những sai lầm không đáng có.
      Hai "đạo" mà bà nói trên kia chỉ là một. Thật ra, không có đạo nào thờ Đức Mẹ Maria. Giáo Hữu chỉ thờ phương duy nhất một Thiên Chuá, mà Chuá Giê Su là một trong ba ngôi vị( nhưng lại là một, tỉ như ta nói tuy ba mà một...) còn Đức mẹ Maria, người được Thiên Chuá chọn để sinh ra Chuá Giê Su thì được tôn kính, khác với thờ phượng,vì ngài có công "hợp tác" với chương trình cứu rỗi nhân loại cuả Thiên Chuá.

      Xóa
  5. Cám ơn TS Nguễn x Diện đã cho đăng bài này để nhiều người đọc và hiểu thêm về đạo Thiên chúa giáo!
    (một người Công giáo)

    Trả lờiXóa
  6. Theo tôi hiểu, cuốn "Dạy Về Sự Đánh Giặc Thiêng Liêng" này được xếp vào thể loại gọi là "sách tu đức", và lối tu đức này là theo "linh đạo" (con đường tâm linh) mà thánh Ignatio khởi xướng (tiếng Việt phiên âm thành Y Nhã, 1491-1556, vị sáng lập Dòng Tên).

    Vị thánh người Tây Ban Nha này từng là một sĩ quan quân đội, thế nên về sau, khi trình bày các phương pháp tu tập, Ngài hay dùng hình ảnh và kiểu nói nhà binh như chúng ta thấy ở đây: đánh giặc, chiến sĩ, quân lính, tuân lệnh, chống trả cho đến chết... Anh em tu sĩ Dòng Tên sau này đôi khi cũng theo kiểu nói quen thuộc ấy mà mô tả Dòng mình như một đạo quân, như các chiến sĩ. Tất nhiên những kiểu nói này cần được hiểu theo nghĩa tượng trưng, nghĩa "thiêng liêng".

    Oái oăm là khi các giáo sĩ Dòng Tên, những người tiên phong đến các xứ Á Đông như Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam để truyền giáo, những kiểu nói hay kiểu mô tả ấy lại dễ gây e ngại cho triều đình (hay cho chính quyền), hoặc triều đình (hay chính quyền) lại dễ vin vào kiểu nói ấy để kết tội đạo Công giáo có ý đồ chính trị, làm loạn, tiếp tay cho ngoại xâm...

    Thật thú vị khi đọc thấy tác giả của phần lời tựa đã phải phân minh ngay từ đầu về sự hiểu nhầm hay nghi oan tai hại ấy, đồng thời xác định lương tâm của người Công giáo là không chống đối chính quyền, cầu nguyện cho chính quyền, và thậm chí có thể dùng chữ mạnh hơn là "vâng phục chính quyền". Tuy nhiên, vế thứ hai trong lương tâm người Công giáo còn quan trọng hơn: thà chịu khổ hình, thà chịu chết chứ không thể vâng lời hay làm ngơ im lặng đồng lõa khi chính quyền làm điều trái đạo lý, trái lương tâm.

    Trong suốt 3 thế kỷ bị bách hại, người Công giáo VN đã phải đi trên con đường cheo leo ấy. Hàng chục ngàn, có sách tính ra đến cả trăm ngàn người đã chấp nhận cái chết chứ không chọn con đường "làm loạn" và cũng không chọn phản bội, chối bỏ niềm tin của mình.

    Trả lờiXóa