Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

GIẤY MỜI DỰ LIÊN HOAN CA TRÙ TOÀN QUỐC 2011

 

Nhân dịp này, Nguyễn Xuân Diện - Blog xin gửi đến chư vị chùm bài về Ca trù, để chúng ta cùng nhau tìm hiểu về một di sản văn hóa đặc sắc và thuần Việt của dân tộc, từ đó chung lòng gìn giữ bông hoa nghệ thuật quý báu này.

Trước hết là chùm thuật ngữ trong ca trù, được rút từ cuốn sách Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù của Nguyễn Xuân Diện, xuất bản năm 2007, tái bản lần 1 năm 2010.

Một số thuật ngữ trong Ca trù:
Ả đào.Người ca nữ (có thể cũng đồng thời là vũ nữ) của nghệ thuật truyền thống của người Việt. Đây là từ chỉ chung cho các bộ môn nghệ thuật ca múa nhạc cổ của Việt Nam. Ả đào là chỉ người hát, khác với hát Ả đào là từ chỉ một bộ môn ca múa nhạc. Từ rất lâu nay trong giới nghiên cứu ca trù nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Và hệ quả là người ta căn cứ vào những chữ Ả đào xuất hiện trong các tài liệu Hán Nôm để cho rằng Hát Ả đào đã có từ thời Lý - Trần - Hồ.
Âm luật. Những quy luật tổ chức độ cao của âm thanh. Hiện nay đang có nhiều cách hiểu khác nhau về âm luật ca trù, và nhiều điều vẫn còn là ẩn số đối với giới nghiên cứu âm nhạc. Ngay như hệ thống ngũ cung trong âm luật ca trù như Nam, Bắc, Huỳnh, Pha, Nao cũng chưa được cắt nghĩa.
Ca công. Người làm nghề đàn hát.
Ca phả: Cuốn sách ghi chép về bài bản và lề lối của một bộ môn nghệ thuật.
Ca quán. Nhà hát mở riêng chỉ để làm nơi phục vụ khách nghe hát.
Ca trù. Từ chỉ một bộ môn hát trong đó việc thưởng thức phẩm bình tài nghệ của nghệ sỹ thông qua việc dùng thẻ tre, mỗi thẻ được quy ước bằng một số tiền. Cuối buổi sẽ căn cứ vào số lượng thẻ để tính tiền trả cho nghệ sĩ. Tư liệu sớm nhất nói về việc này là trong bài “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” của Lê Đức Mao, sáng tác trước năm 1500. Về sau, trở thành tên gọi riêng của bộ môn nghệ thuật hát ả đào.
Cầm chầu: Đánh trống trong hát ca trù. Trống ca trù có vai trò giục hát, ngắt câu và phẩm bình khen chê đối với nghệ sĩ (cả đào và kép).
Con hát: Từ chỉ người con gái làm nghề ca hát. Xem chữ Ả đào.
Đàn Đáy: Cây đàn dùng riêng để đệm cho ca trù. Thùng đàn hình vuông, cần dài, thường có ít nhất là 11 phím, có 3 dây (bằng tơ tằm hoặc sợi cước), khi đánh dùng móng và sử dụng một số kỹ thuật nhấn nhá riêng để tạo những âm thanh rất riêng đặc trưng của ca trù.
Đào nương: Xem chữ Ả đào.
Đình làng: Ngôi nhà công cộng trong làng (xã) của người Việt có nhiều chức năng: hội họp, thờ cúng thành hoàng, nơi biểu diễn nghệ thuật (hát ca trù, chèo, tuồng).
Dinh thự: Nhà để các quan làm việc và gia đình quan lại ở.
Giáo phường: Tổ chức hôi tụ những người làm nghề ca múa nhạc dân gian. Giáo phường do một người có chuyên môn và có uy tín đứng đầu, lo việc cắt cử nghệ sĩ đi hát phục vụ theo lời mời, lo việc quản lý nghệ sĩ và coi sóc việc truyền nghề, giữ gìn nghề. Giáo phường là từ chỉ riêng của nghề hát ca trù, không thấy cách gọi này ở các tổ chức của lối hát khác: ở chèo gọi là phường chèo, gánh chèo; ở vùng hát xoan gọi là phường xoan
Hát ả đào: Xem chữ ca trù.
Hát ca công: Cụm từ dùng để chỉ ca trù theo cách gọi ở Thanh Hóa. Theo Lê Huy Trâm thì hát ca công chính là ca trù.
Hát chơi: Hát phục vụ nhu cầu giải trí ở nhà dân.
Hát cửa đình: Từ chỉ việc trình diễn tại đình làng, phục vụ việc thờ Thành hoàng làng. Trước đây, hát cửa đình có thể không chỉ riêng ca trù mà còn các lối hát khác như hát xoan, hát chèo…Về sau, hát cửa đình chỉ riêng lối hát ca trù thờ Thành hoàng.
Hát cửa quyền: Hát ở nhà hoặc dinh thư của các quan lại, với mục đích giải trí.
Hát nhà tơ: Cách gọi khác của ca trù khi diễn ra ở các dinh thự của các quan lại (ty: dinh quan).
Hát nhà trò: Tên gọi khác của ca trù. Hát nhà trò là tên gọi ca trù rất phổ biến. Tên gọi này xuất phát từ việc ca trù, ngoài việc hát còn có các tiết mục múa và diễn trò.
Hát nói. Một thể cách ca trù ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Thể cách này đặc biệt được văn nhân trí thức ưa chuộng vì phần lời của nó là một thể thơ đặc sắc. Thể thơ hát nói là một sáng tạo riêng của văn học chữ Nôm. Thể thơ thường có 11 câu nhưng có thêm phần mở đầu bằng 1 hoặc 2 cặp lục bát. Ở vị trí giữa bài thơ là hai câu thơ chữ Hán. Bài thơ hát nói có vần và vận chặt chẽ nhưng chấp nhận những biến cách, để làm tăng khả năng phô diễn thể hiện cảm xúc. Hát nói rất được các nhà nho tài tử ưa chuộng.
Hát thi: Hình thức cuộc thi được tổ chức để tìm người hát hay, hoặc đàn giỏi. Cuộc thi nếu do chức sắc của làng (xã) tổ chức để chọn người vào hát thờ trong ngày chính tiệc thờ Thành hoàng. Nếu cuộc thi do Ty giáo phường tổ chức thì để chọn người hát hay và người đàn giỏi để đưa vào Kinh, hát phục vụ nhà vua tại hoàng cung.
Hát thờ: Hình thức hát phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, dâng lên thành hoàng làng hoặc các vị thần linh được thờ ở các đền miếu.
Họ. Theo Việt Nam ca trù biên khảo thì “Ngày xưa cô đầu và kép mỗi vùng có một tên riêng, như họ Tam, họ Ngàn, họ Thông, họ Thiên v.v…Người thuộc về họ nào, lấy chữ họ đó đặt lên trên, tên ở dưới. Ví dụ tên là Thuận mà thuộc về họ Thông thì gọi là Thông - Thuận. Họ này chỉ dùng riêng trong Giáo - phường, còn đối với chính - phủ vẫn theo tên họ cũ”(Sdd, tr. 54). Sách chỉ nêu ví dụ 3 “họ” kể trên và không đưa ra tư liệu xác thực để kiểm chứng. Nay, qua văn bia, ta biết được 8 “họ”: Xuân, Đông, Thịnh, Từ, Hoàng, Việt, Kiều, Khổng trên 11 bi ký Hán Nôm. Xã có thể có một hoặc nhiều giáo phường. Mỗi giáo phường là một họ riêng. Như vậy, “họ” chính là một hình thức đặt nghệ danh, để phân biệt giữa các giáo phường với nhau.
Hồng Hạnh. Tên một thể cách của ca trù. Theo Việt Nam ca trù biên khảo thì “Tương truyền chính bà Bạch - Hoa Công - chúa đã làm ra hai khúc Non - mai, Hồng - hạnh nên cô - đầu chỉ dành khi hát thờ bà mới hát, ngoài ra không bao giờ hát khúc ấy ở đền miếu khác và cũng không dám hát cho ai nghe”(Sdd, tr. 50).
Kép. Nhạc công nam, chơi đàn đáy trong ca trù. Nhạc công này có thể cũng là người hát trong một số tiết mục hát thờ ở cửa đình. Chữ Kép còn chỉ những người đàn ông làm nghề đàn, hát, diễn viên trong nghệ thuật ca hát truyền thống như tuồng, chèo.
Khổ. Một phần lời ca được quy định sẵn trong một bài ca trù”(Đặng Hoành Loan, Đặc khảo ca trù Việt Nam, tr. 573)
Làn điệu. Những lời thơ được hát lên với một giai điệu nhất định với chất liệu âm nhạc đặc thù. Mỗi làn điệu là một khúc hát độc lập có tên gọi riêng. Trong ca trù, thể thơ lục bát được sử dụng để cấu tạo nên nhiều làn điệu khác nhau, mỗi làn điệu có cấu trúc âm nhạc riêng.
Lễ tế tổ. Cuộc tế lễ do các giáo phường ca trù tổ chức để tưởng niệm các vị sáng lập ra ngành ca trù.
Lệnh tiền. Còn gọi la Tiền lệnh. Bi ký Hán Nôm không cho những thông tin rõ ràng để hiểu được một cách chính xác về lệnh tiền. Trần Thị Kim Anh cho rằng đây là tiền trả cho người cầm hiệu lệnh trong tế lễ - đánh chiêng trống là hiệu lệnh.(Đặc khảo ca trù Việt Nam, tr. 49).
Mua bán cửa đình.Quyền giữ cửa đình của các giáo phường được duy trì đời này qua đời khác. Giáo phường được giữ cửa đình có đặc quyền được ca hát và được hưởng một số quyền lợi. Tuy nhiên, nếu vì túng thiếu, cần tiền để chi dùng thì các giáo phường có thể bán lại quyền giữ cửa đình cho giáo phường khác, thậm chí cho quan viên chức sắc của chính làng sở tại. Việc mua bán sang nhượng và quyền lợi mỗi bên được ghi lại trên văn bia dựng tại đình. Cũng có khi giáo phường không bán hết các quyền lợi được ghi trong điều khoản của khoán ước mà chỉ bán một số khoản, hoặc lệ mà mình đang được hưởng mà thôi (ví dụ lệ như xông đình, , trù tiền, lệnh tiền, trù trùm). Trong số 62 văn bản mua bán được khắc trên bia đá có 28 văn bia ghi việc mua bán đứt đoạn; một số bia khác không ghi rõ việc mua bán đứt đoạn, hoặc chỉ ghi mua, bán một phần ba hoặc một phần của các quyền lợi.
Nhạc khí. Nhạc cụ dùng trong biểu diễn ca trù.
Non mai. Xem mục từ Hồng hạnh.
Phách. Nhạc cụ gõ do người hát ca trù gõ khi hát. Phách ca trù gồm bàn phách và lá phách. Lá phách gồm 1 dùi đơn và 1 dùi kép (do một dùi đơn chẻ làm đôi). Khi gõ phách đều phải ở trong khuôn khổ và tiếng hát đều phải nằm trong những khổ phách. Phách thường làm bằng tre hoặc gỗ.
Quản giáp. Người có tuổi hoặc có uy tín về nghề trong giáo phường. Người này do phường bầu ra để cắt đặt mọi việc trong giáo phường.
Quyền giữ cửa đình.Ty giáo phường chia việc giữ các cửa đình trong huyện cho các giáo phường. Các giáo phường này được phép toàn quyền biểu diễn tại đình làng này, hoặc được phép tuỳ ý mời giáo phường khác đến hát giúp trong một dịp nào đó. Đó chính là quyền giữ cửa đình của các giáo phường, được cam kết với dân làng có đình sở tại thông qua một văn bản khóan ước khắc trên bia đá, đặt tại đình làng. Quyền giữ cửa đình này được duy trì đời này qua đời khác.
Thần tích. Văn bản Hán Nôm ghi chép lai lịch, sự tích, sự nghiệp và nghi thức tể lễ, thờ phụng một hoặc một số vị thần linh được nhân dân thờ cúng tại các đình, đền, miếu. Văn bản thần tích do các quan chức hoặc chức sắc ở địa phương báo cáo về triều đình. Triều đình căn cứ vào lời khai đó để cho phép thờ phụng và ban tặng sắc phong.
Thẻ. Mảnh tre trên có ghi số tiền được quy định giữa làng và giáo phường, dùng để đại diện của làng (người cầm chầu trong cuộc hát) sẽ thả xuống chậu đồng để ghi nhận một sự tán thưởng, khen tặng của
Thể cách. Một thuật ngữ trong ca trù không thấy ở các bộ môn ca nhạc khác. Thuật ngữ “thể cách” chỉ các làn điệu hát, hoặc hình thức diễn xướng múa, diễn, nghi lễ, việc thi cử trong ca trù. Khi thể cách là làn điệu hát, thì “thể cách” hoàn toàn trùng hợp với “làn điệu”(ví dụ thể cách Hát nói, Bắc phản). Thể cách cũng chỉ một tiết mục múa, hoặc diễn xướng thậm chí một nghi lễ trong trình diễn ca trù, một trình diễn kỹ thuật về sử dụng trống hoặc đàn cũng gọi là thể cách.
Thơ ca trù. Phần lời của nghệ thuật ca trù. Đó là những bài thơ, chủ yếu là thơ lục bát, khi hát lên trong khuôn khổ của đàn, phách theo các thể cách khác nhau.
Thưởng. Hình thức biểu thị sự khen thưởng đối với giọng hát, tiếng phách của đào nương; tiếng đàn của kép đàn; hoặc đối với một chữ thơ, câu thơ hay của văn nhân dùng để hát ca trù. Việc thưởng do người cầm chầu thực hiện, thông qua việc gõ vào tang trống đồng thời với việc thả một thẻ tre xuống chậu đồng/ mâm đồng để báo cho nghệ sĩ biết. Xem thêm mục từ ca trù.
Tiếng lóng.Cách nói một ngôn ngữ riêng của đào kép ca trù và những người phục vụ trong các ca quán ca trù, cốt để trong nội bộ ca quán và khách quen của ca quán hiểu với nhau, không cho người lạ biết.
Trống chầu. Trống dùng trong ca trù. Nếu là hát thờ thì là trống lớn, điểm xen với chiêng. Còn khi nghe ca trù ở nhà riêng hoặc ca quán với mục đích giải trí thì chỉ dùng trống nhỏ.
Trù. Xem chữ Thẻ.
Trù tiền. Xem các mục từ Thẻ, Ca trù, Thưởng.
Trùm tiền. Còn gọi la Tiền trùm. Bi ký Hán Nôm không cho những thông tin rõ ràng để hiểu được một cách chính xác về trùm tiền. Trần Thị Kim Anh cho rằng đây là tiền trả cho người trùm.(Đặc khảo ca trù Việt Nam, tr. 49).
Truyền thuyết tổ nghề. Câu chuyện được thiêng hóa về sự tích của việc truyền dạy một nghề nghiệp nào đó. Đây là một truyền thống của các nước Phương Đông. Xunh quanh việc thờ tổ ca trù cũng bao trùm rất nhiều huyền thoại với nhiều câu chuyện ly kỳ, nhằm thiêng hóa truyền thống ca trù.
Ty giáo phường. Theo ghi nhận của bi ký Hán Nôm thì Ty giáo phường là một tổ chức quản lý hoạt động ca xướng tương đương cấp huyện. Giáo phường các xã thuộc về Ty giáo phường của huyện. Ty giáo phường gồm các giáo phường của các xã trong huyện họp lại. Người đứng đầu Ty giáo phường là một ông trùm. Ty giáo phường chia việc giữ các cửa đình trong huyện cho các giáo phường.
Xông đình. Lệ đặt ra, khi việc sửa chữa đình hoàn thành, làng tổ chức làm lễ, gọi là lễ xông đình, cáo yết với thành hoàng. Khi làm lễ xông đình, giáo phường sở hữu quyền giữ cửa đình đó có trách nhiệm vào hát thờ, tham gia các nghi thức tế lễ và hưởng lộc theo quy định tại văn bia khoán ước.


Nguyễn Xuân Diện



14 nhận xét :

  1. Híc, đúng bài của Tiến xỹ Diện nhé. TS ca trù

    Trả lờiXóa
  2. Bác Diện ơi. Thế nào sau này bác cũng phải giới thiệu nhiều nhiều về thể thơ hát nói nhé! Hồi nhỏ tôi học được hai bài theo thể thơ này, một của Cao Bá Quát và một của Nguyễn Công Trứ. Gần 40 năm trước rồi nên chỉ còn nhớ mang máng, nhưng sức hấp dẫn của thể thơ hát nói này lại là một ấn tượng khó quên. Cho tới giờ tôi vẫn còn thích thú nhớ lại sự kết nối tài tình từ lục bát, song thất lục bát rất Việt Nam bất thần nhảy qua hai câu Đường luật rất... "Hán"!

    Còn Ca Trù thì xin bác cứ tiếp tục đăng thêm vào đây, tôi sẽ ráng học. Giá có audio hay video thì càng tuyệt. Khi nào tôi về nước, bác cho tôi lại thăm, tôi sẽ hát thử một bài Ca Trù để bác chấm điểm nhé! Nói thiệt đấy! :)

    Trả lờiXóa
  3. Tuyệt quá, em hồi hay được nghe Ca trù ở chỗ cô Bạch Vân, nay lại phải đi làm xa không có điều kiện để thưởng thức môn nghệ thuật đặc sắc này nữa.
    Thấy trên giấy mời có ghi Câu lạc bộ Ca trù Đồng Chữ, đấy là một thôn cùng xã với nhà em, vậy mà giờ mới biết ở đó cũng có CLB Ca trù. Hix...:(.
    Chúc Liên hoan thành công để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt mình.

    Trả lờiXóa
  4. "Ca nương" là gì bác Diện ?

    Trả lờiXóa
  5. Gửi bác Ha Le
    Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát và là hai nhà nho tài tử đã ngang tàng khí phách lại sáng tác ca trù rất hay. Tôi mạn phép NXD chép tặng bác hai bài thơ ca trù, một của Nguyễn Công Trứ (nói về chính thú hát ca trù) và một của Cao Bá Quát.

    CẢNH BIỆT LY
    (Nguyễn Công Trứ)
    Kẻ về người ở
    Nghĩ bồi hồi thay lúc phân kỳ
    Khéo quấy người hai chữ tình si
    Lửa ly biệt bừng bừng không lúc nguội
    Bát ngát nhẽ trăm đường nghìn nỗi
    Biệt thời dung dị, kiến thời nan
    Trót đa mang khúc hát cung đàn
    Nên dan díu mối tình chưa dứt
    Sá nghĩ xa xôi nghìn dặm đất
    Tiếc công đeo đuổi mấy năm trời
    Khi ra vào tiếng nói giọng cười
    Một ngày cũng là người tri kỷ
    Sao nỡ để kẻ vui người tẻ
    Gánh tương tư riêng nặng bề bề
    Thương thay người ở đôi quê
    Nẻo đi thì nhớ nẻo về thì thương.

    THANH NHÀN LÀ LÃI
    (Cao Bá Quát)
    Xử thế nhược đại mộng
    Hồ vi lao kỳ sinh
    Kiếp phù sinh vinh nhục nhục vinh
    Liếc mắt đám mây trôi mấy chốc
    Con tạo vật bắt đeo râu tóc
    Nợ tang bồng phải trả mới là trai
    Mảnh áo xiêm buộc lấy cái hình hài
    Ngoài nghìn dặm chửa chồn chân ngựa ký
    Hiền ngu thiên tải tri thùy thị
    Phú quý bách niên năng kỷ hà
    Hội công danh lớn nhỏ cũng là
    Thôi mặt nhạt đã trải qua mùi thế
    Tìm thú cũ hỏi thăm sơn thủy
    Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong
    Thảnh thơi một giấc bắc song.

    Trả lờiXóa
  6. bác ơi cho cháu hỏi đến dự liên hoan ca trù có phải mua vé không ạ? cháu cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  7. bác ơi cho cháu hỏi đến dự liên hoan ca trù có phải mua vé không ạ? cháu cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  8. Tôi chẳng biết tí gì về ca trù, nhưng cái tôi quan tâm cách viết giấy mời. Qua đó cho thấy ban tổ chức một liên hoan liên quan đến văn hóa, di sản nhưng quá cẩu thả và thiếu tôn trọng người nhận giấy mời. Thứ nhất một lễ hội tầm cỡ như thế mà ko xác định được giờ tổ chức hay sao ko in luôn mà dùng bút điền vào. Thứ hai chổ "trân trọng kính mời" người ta chừa một hàng là để điền tên họ người được mời cho đúng ý nghĩa trân trọng, còn nếu dùng để "biếu" đại trà thì in 2 chữ kia luôn cho rồi. Ko biết là bao nhiêu người được nhận giấy mời này, nhưng giá như ban tổ chức ghi đầy đủ tên họ, người được mời sẽ cảm thấy được trân trọng hơn!

    Trả lờiXóa
  9. ĐTT xin lỗi chép sai chữ "mặn" thành chữ "mặt". Câu "Thôi MẶT nhạt đã trải qua mùi thế" xin sửa lại là "Thôi MẶN nhạt đã trải qua mùi thế".

    Trả lờiXóa
  10. Ca nương, cũng như Đào nương, ả đào, thưa Bác!

    Trả lờiXóa
  11. anh Diện ơi, nếu thu được (cả tệp âm thanh và video clip) đưa lên mạng cho dân tình ở xa ko tới được thì hay lắm ạ. Cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  12. Bác Diện ơi. Khai Xả muốn đi quá mà không được mời

    Trả lờiXóa
  13. Bac Dien oi,
    Tu ngay 21/8 den nay toi moi viet duoc vai dong tham bac vi may tinh cua toi khong co che o dang nhan xet, khong hieu nguyen nhan ra sao. Nay tu nhien co, cung khong hieu vi ly do gi. Mac du ngay nao toi cung vao blog cua bac it nhat 2 lan. Kinh phuc bac lam. Nhan tien cho toi gui loi chuc suc khoe ong cu than sinh cua bac. Chuc bac luon manh khoe, chan cung da mem. Va bac da co them 1 nguoi luon quan tam den bac voi tat ca tam long chan thanh.

    Trả lờiXóa
  14. Bác diện ơi. Có thể vào cửa tự do không?
    Em quan tâm và muốn up mấy cái clip lên. Trên mạng ít clip về ca trù quá nên thành thử nhiều người có muốn tìm hiểu vẫn mù tịt

    Trả lờiXóa