Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

NGUYÊN NGỌC: ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐÔ ĐỐC GIÁP VĂN CƯƠNG

Đôi điều về Đô đốc Giáp Văn Cương
Nguyên Ngọc

Tôi được đọc trên Blog của anh Nguyễn Xuân Diện một bài cảm động của Xuân Ba viết về đô đốc Giáp Văn Cương. Đấy là người tôi có may mắn được biết và quen, trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tôi xin kể một ít kỷ niệm về ông, mong cung cấp thêm cho các bạn quan tâm đôi nét về người anh hùng này.

Trước hết xin nói rõ: có bạn trong một comment hỏi có phải đây cũng chính là người từng nổi tiếng trong một trận đánh ở núi Non Nước, Ninh Bình thời kháng chiến chống Pháp? Thưa không, người từng đánh trận Ninh Bình và đã trở thành chiến sĩ thi đua toàn quốc trong đại hội thi đua năm 1951 là Giáp Văn Khương, còn vị đô đốc sau này của chúng ta là Giáp Văn Cương; có lần tôi đã hỏi ông hai người có họ hàng gì với nhau không, ông bảo không, tên hơi gần giống nhau chỉ là ngẫu nhiên. 

Tôi được gặp ông lần đầu là ở Nam Tây Nguyên năm 1951, trong một trận đánh đồn không thành vì kế hoạch thay đổi vào phút cuối. Chính trong lần đó, trên đường rút về, ông đã kể với tôi trước Cách mạng tháng Tám ông từng làm xếp ga Diêu Trì,  phía nam Quy Nhơn, một ga nhỏ nhưng quan trọng vì là đề pô, nơi tập trung và sửa chữa các đầu máy và toa xe cho cả một cung đường lớn, hình như đến bây giờ vẫn vậy. Ngay từ hồi đó, ông đã bắt liên lạc với tổ chức cộng sản, tham gia hoạt động bí mật. Và trở thành chỉ huy quân đội ngay khi cuộc chiến chống Pháp bắt đầu.

Tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 19 nổi tiếng trong cuộc chiến giữ thành phố Đà nẳng, sau đó rút lên chiến đấu trên đèo Hải Vân. Chính trên ngọn đèo này, cuối năm 1946, tiểu đoàn 19 của ông đã lập một chiến công lừng lẫy, diệt cả hai đoàn ô tô và tàu hỏa quân sự lớn của Pháp từ Huế vào và từ Đà Nẵng ra, giết chết viên quan năm Roger. Trận này Giáp Văn Công được tặng huân chương Quân công hạng nhì, và người chiến sĩ đã trực tiếp đâm chết Roger bằng một cây dáo tre được tặng huân chương Quân công hạng ba. Người ta bảo đấy là hai người đầu tiên trong quân đội ta được tặng huân chương Quân công. Trên đèo Hải Vân nay vẫn còn một chiếc cầu gọi là cầu Roger ghi dấu chiến công anh hùng này …

Năm 1954, tôi lại được gặp ông trên Tây Nguyên, ở An Khê. Tháng 7 năm đó, lực lượng Khu 5 đánh một trận lớn ở Đak Pơ trên đường 19 từ An Khê về Pleiku, tiêu diệt hoàn toàn Binh đoàn cơ động tinh nhuệ GM 100 của Pháp vừa rút ở Triều Tiên về. Thực ra trước trận tiêu diệt GM 100, ta đã đánh một số trận nhỏ ở khu vực này, thăm dò và kéo địch ra khỏi An Khê. Trong một trận đánh như vậy, tôi đi cùng Giáp Văn Cương, với cương vị là phóng viên mặt trận. Ông bảo tôi ngồi cạnh ông suốt trận, bắt được tên lính Pháp nào ông giao cho tôi thẩm vấn ngay tại chỗ để biết chúng thuộc đơn vị nào, động tĩnh của lực lượng địch ở An Khê ra sao. Trận đánh không lớn nhưng rất ác liệt, kéo dài từ xế chiều cho đến đêm khá khuya. Cuối cùng địch dùng máy bay ném bom na pan, đốt cháy rực tất cả các đồi tranh trên trận địa, liệt sĩ và cả thương binh của ta đều bị đốt cháy. Tan trận, ông bảo tôi: Bây giờ mình nhờ cậu một việc: anh cán bộ phụ trách công tác thương binh liệt sĩ bổng lăn ra ốm. Cậu giúp tớ đêm nay lo chuyện chôn cất liệt sĩ. Giao cho cậu một tiểu đội dân công. Được không? Tôi trả lời anh: Được. Đêm ấy, cùng một tiểu đội dân công, chúng tôi đào huyệt, khâm liệm (đúng ra là gói xác các liệt sĩ trong các cuộn vải ta) và chôn cất chu đáo 11 liệt sĩ, tất cả đều bị chết cháy. Mờ sáng thì xong, tôi cắm cọc đánh dấu từng ngôi mộ, và vẻ sơ đồ mộ chí cẩn thận, đem về nộp cho ông. Suốt ba ngày sau, tôi không sao nuốt nổi một miếng cơm: cứ đưa hai bàn tay lên lại nghe nồng nặc mùi thịt người cháy. Ông Cương biết điều đó. Ông bảo: gắng mà ăn đi một chút, còn đánh nhau nữa mà … Chúng tôi thân nhau từ đó, dù ông ở cương vị chỉ huy cao hơn tôi nhiều. Những trận đánh của ông ở đâu đó, thỉnh thoảng ông viết những bức thư ngắn, “khoe” với tôi...

Chống Mỹ, chúng tôi lại gặp nhau ở chiến trường Khu 5. Có lần tôi đang ở chiến trường Quảng Đà thì nhận được một mẫu thư của ông kể: “Tớ vừa đánh một trận diệt bọn Nam Triều Tiên ở Đak Pơ , đúng ngay chỗ chúng mình diệt bọn GM 100 hồi trước, cậu còn nhớ không? Hai cuộc kháng chiến, hai trận đánh lớn cùng một chỗ, hay quá!”.

Chuẩn bị Tổng tấn công Xuân Mậu Thân, Khu 5 bị một tổn thất rất nặng nề. Trọng điểm của Khu là đánh vào Đà Nẵng. Trước đó ta chủ trương tấn công quận lỵ Quế Sơn, cách Đà nẵng khoảng 40 km về tây nam, kéo bọn lữ đoàn 196 Mỹ ra đây, làm trống Đà Nẵng khi ta đánh vào trong Tết Mậu Thân. Sư Đoàn 2, con cưng của Khu 5, được giao đánh trận này. Một buổi chiều đã xế, cả bộ chỉ huy sư đoàn ra một ngọn đồi trống dùng ống nhòm quan sát Quế Sơn. Không ngờ bọn địch trong đồn thấy, gọi trực thăng bầy đến vây bắn, sư đoàn trưởng Thạch, chính ủy Đạo và gần chục cán bộ trung đoàn hy sinh. Quân khu phải điều Giáp Văn Cương đang là tham mưu trưởng quân khu xuống thay làm Sư doàn trưởng… Hôm tôi từ căn cứ trên núi xuống để tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân thì Giáp Văn Cương – bấy giờ có bí danh là Trực - đã đánh xong trận quyết chiến với bọn lữ đoàn 196 Mỹ ở thung lũng Quế Sơn. Sáng hôm ấy tôi rời trạm giao liên ở chân núi Tý Sé đi xuống vùng Đại Lộc, dọc sông Thu Bồn. Cậu giao liên dẫn đường đi trước, bảo tôi cứ thong thả ăn sáng, đi sau, cậu ấy đi một đoạn sẽ dừng lại chờ. Đến khi tôi đi được một đoạn khá xa, mãi vẫn không thấy cậu giao liên đâu. Cố đi nhanh lên một lúc lâu nữa mới thấy xa xa phia tước có một nhóm người cùng đi xuống hướng đồng bằng. Tôi đã không hỏi tên cậu giao liên trước, chỉ biết mỗi ngày trạm lại cử một người dẫn “khách” đi, người ấy gọi là “trực” ngày hôm đó. Tôi cố đuổi theo và réo gọi: “Trực ơi! Trực đấy phải không?” Nhóm người đi trước dừng lại, và có người trả lời: “Trực đây!  Ai gọi đấy?” Tôi rảo bước lên, … thì hóa ra gặp Giáp Văn Cương! Ông nắm tay tôi, cười rất to: “Trông thấy một anh chàng lùn, tớ đoán ngay là cậu. Cậu xuống chậm mất rồi! Tớ vừa cho bọn lữ 196 Mỹ một mẻ ra trò, bên thung lũng Quế Sơn. Cả một lữ đoàn Mỹ tinh nhuệ gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiều qua tớ cho thả một tên tù binh Mỹ, bảo nó về báo lại cho bọn chỉ huy ở Đà Nẵng biết hôm nay cho chúng nó ngừng bắn một ngày, cấm tiệt không được xuất hiện máy bay chiến đấu trên khắp vùng trời này, chỉ cho trực thăng đến lấy xác và mang thương binh về. Chúng nó chấp hành răm rắp, hôm nay tuyệt không thấy chiếc mày bay chiến đấu nào! …” Cậu có đi Quế Sơn không? Ông hỏi. Không, tôi xuống Điện Bàn. Xuống đồng bằng có đồng nào trong túi không? Ông lại hỏi. Chẳng đồng nào cả, anh ạ. Ông móc túi đưa cho tôi 200 đồng: “Cầm lấy mà tiêu. Hôm nào vào được Đà Nẵng sẽ cho thêm! …”

Trận ấy ta không vào được Đà Nẵng, và đã xảy ra một chuyện đối với ông, mà tôi xin lỗi lần này chưa thể kể lại được, xin hẹn đến một ngày nào đó … tiện hơn. Chỉ xin nói: ông tên là Cương, và khi vào chiến trường miền Nam trong chống Mỹ thì lấy bí danh là Trực. Cương-Trực. Câu chuyện tôi xin mắc nợ là một chuyện rất đúng với tên ông.

Những năm về Hải quân, thỉnh thoảng ông nhắn tôi xuống Hải Phòng chơi. Hoặc đến nhà ông ở 34 Trần Phú Hà Nội.

Đối với tôi, ông là một người bạn lớn, một vị tướng tài, một con người cương trực, mà tôi đã có may mắn gặp, quen, và được ông cho phép coi là thân trong cuộc đời.

Cũng như các bạn, tôi mong có được một con đường mang tên Giáp Văn Cương, để mỗi lần đi qua lại như được gặp ông, vị tướng tài ba, anh hùng, yêu quý của tôi.
*Bài viết do Nhà văn Nguyên Ngọc gửi riêng NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!


   

4 nhận xét :

  1. Kính gửi Tác giả của " Đất nước đứng lên "
    Trong bài của Xuân Ba lần trước, cháu và nhiều người rất đồng tình với đề nghị đặt tên một con đuờng mang tên Giáp Văn Cương. Việc đó không những rất xứng đáng với công lao, tài đức của ông mà Tổ Quốc, Nhân dân ta mãi mãi biết ơn Ông, góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Nhà nước rất nhiều việc phải làm nên không thể nhớ hết việc cần làm. Do vậy cháu đề nghị nhà văn Nguyên Ngọc đứng ra làm những việc cụ thể từ bây giờ. Nếu cần tham khảo ý kiến nhân dân thì qua blog TS Diện. Kính chúc Bác luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc. Kính

    Trả lờiXóa
  2. Tôi thì không nghĩ có thể dễ dàng như thế. Ắt hẳn đâu đâu cũng có một danh danh sách dài những cái tên đang cần đường để đặt. Liệu có thể chen ngang được chăng.
    Viết một quyển sách về ông là việc, tôi nghĩ, nhà văn Nguyên Ngọc có thể làm được và làm được ngay.

    Trả lờiXóa
  3. Đại tướng Văn Tiến Dũng ( có thể vì những lý do nào đó của một vài nhóm người nào đó ) cũng không có tên trong bất kỳ một con đường phố nào ở tất cả các thành phố, thị xã, huyện lỵ ở Việt Nam. Đó cũng là điều cần phải suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi cùng bè bạn hớn hở lớn lên bên cạnh nhiều tác phẩm của Nguyên Ngọc và các nhà văn cách mạng.
    Ký ức xưa không bao giờ tàn phai và mãi giữ cho chúng tôi vĩnh viễn là chính mình ngày ấy.
    Chỉ tiếc mảnh đất Tây Nguyên hôm nay, nơi chúng tôi theo dấu chân Nguyên Ngọc gắn bó suốt quảng đời thanh xuân vẫn chưa có dấu ấn nào tương xứng với sự cống hiến ông.
    Ước gì Xã Nam, ĐăkPơ hay PleiKu có một nơi nào đó "phảng phất" dáng hình ông gần Anh hùng Núp. Nguên Ngọc, người con của Tây Nguyên, một cây bút mênh mông của Tây Nguyên bất khuất.
    Kính chúc ông luôn khỏe mạnh.

    Trả lờiXóa