Ghi chép của Xuân Ba
Đêm ấy, theo hải trình ra Trường Sa, tàu HQ... lừ lừ rẽ sóng qua đảo Cô Lin. Trong màn biển đêm đen kịt, không xa quầng sáng mờ ảo của Colin là chói rực các cỡ đèn của đảo Gạc Ma. Gạc Ma hằng bao thế kỷ vẫn chình ình trên hải đồ Trường Sa của Việt Nam và hiển hiện trước mắt tôi đây nhưng đã bị ngoại bang dùng sức mạnh chiếm cứ từ ngày 14-3-1988.
Ngày 14-3- 1988, máu của các chiến sĩ HQVN đã loang trong biển xanh Trường Sa, trong những ngày xanh hòa bình! Trong ầm ào âm thanh xé nước của con tàu vẫn mồn một những cung bậc trong câu chuyện về chuẩn Đô đốc Tư lệnh Hải quân NDVN, vị tướng ngoài biên ải Giáp Văn Cương trực tiếp chỉ huy chiến cuộc gìn giữ chủ quyền quốc gia mang tên CQ- 88 ( chủ quyền 1988)
Tôi như lọt thỏm trên boong tàu rộng thênh. Bên tôi là dáng dấp ấm áp tin cậy của những yếu nhân những tướng lĩnh sĩ quan của nhiều quân binh chủng... Chất giọng chắc khỏe rành rẽ của Đại tá Phạm Ngọc Chấn hồi ấy là chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải quân... Câu chuyện của ông dẫn dắt người nghe về cái ngày tít xa cậu bé họ Giáp quê ở mạn trung du Bắc Giang được giác ngộ CM và sau đó xung vào Vệ quốc đoàn... Thời đánh Mỹ, ông liên miên những trận mạc những vùng rừng núi miền Trung. Từng là yếu nhân của quân chủ lực của địa phương trên địa bàn Khu Tư, Khu V... Rồi những năm non sông liền một dải, tướng quân họ Giáp, như những rặng núi miền Trung tự nguyện choài mình ra biển với tố chất của ngưòi lính trước chủ quyền và toàn vẹn của lãnh hải quốc gia, ông sang phụ trách ngành hải quân với cương vị Đô Đốc Tư lệnh kiêm Tư lệnh HQ vùng IV.
Năm 1984, tướng Giáp Văn Cương được Bộ Quốc phòng điều động về làm tư lệnh hải quân lần thứ hai (lần đầu từ năm 1977-1980). Phát biểu của ông trong một cuộc họp trọng như một điềm triệu chẳng lành Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân VN. Quan điểm đó khi ấy đã may mắn giành được sự đồng thuận khá lớn!
Trong hai năm 1986-1987, Đô đốc yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Đảng ủy quân sự trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền VN ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.
Kế hoạch đó được chấp thuận. Ông ra lệnh: nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm thuộc chủ quyền quốc gia. Đối với những đảo chìm chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến tướng Hoàng Kiền. Tướng Hoàng Kiến lần ra Trường Sa ấy tôi chưa được biết. Mãi gần đây mới được diện kiến vị tư lệnh đang đảm trách con đường vành đai biên giới được coi là con đường bê tông dài nhất thế giới : hơn 10.000 km! Sâu đậm trong tâm trí vị tướng từng là Tư lệnh quân chủng công binh là những năm xa khi còn đang phụ trách Đoàn 83 Hải quân. Hơn một tháng trời ròng rã được tháp tùng chuyến công tác đặc biệt của Đô Đốc Giáp Văn Cương tư lệnh Hải Quân vào những năm tháng cam go nhạy cảm của chủ quyền cương vực quốc gia về lãnh hải... Tầm nhìn nhạy cảm chiến lược nhưng thiết thực hiệu quả của vị đô đốc ấy đã tìm thấy hiệu ứng tức thì ở viên sĩ quan phụ tá! Làm được không cậu? Báo cáo thủ trưởng, khó nhưng phải cố... Việc phải làm phải cố ấy là xây dựng gấp những công trình phòng thủ và sinh hoạt trên những hòn đảo nổi đảo chìm ở quần đảo Trường Sa. Đưa những loại vật liệu thông dụng như sắt thép, xi măng, bê tông trên lộ hải dằng dặc mấy trăm hải lý bây giờ còn đương là gian nan nữa là những năm cuối tám mươi của thế kỷ trước!
Ròng rã mười năm, từ năm 1989 đến năm 1998, Đoàn trưởng công binh 83 hải quân Hoàng Kiền, tính sao hết những lần ra Trường Sa, cùng lính phơi mặt với sóng gió với biển mặn trên hàng chục đảo lớn nhỏ chủ quyền. Tổ quốc ơi, tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống. Câu thơ Trần Đăng Khoa có vẻ đúng hơn cả với những người lính công binh Hải quân từng xây dựng công trình trên những đảo chìm Trường Sa. Phải nhìn xuống để mà lo việc, làm việc cho kỹ cho chất lượng!
Còn việc ủi bãi? Sao lại phải ủi bãi? Đại tá Chấn cố gắng làm cho chúng tôi láng máng hiểu việc ủi bãi là một tình thế bất đắc dĩ! Trong tình huống ngặt nghèo, phải cho tàu mở hết tốc lực lao thẳng lên cạn ở điểm đảo đó để khẳng định chủ quyền và chờ quân ra tiếp viện!
... Có lẽ cũng hợp khi vận cái câu tướng ngoài biên ải vào trường hợp của tướng Giáp Văn Cương thời điểm tháng 3 năm 1988. Nhưng kim cổ trận mạc, thường chỉ nghe câu tướng ngoài biên ải để gọi tính quyết đoán chủ động sáng tạo của việc hành binh điều binh trên bộ trên cạn ở rất xa về mặt địa lý, ở xa tầm chỉ đạo của trung ương chứ chưa từng có trường hợp nào ở đường thuỷ nhất là trên biển? Hải quân VN đầu năm 1988, trang bị hẳn còn thiếu thốn chứ chưa tạm tươm tươm như bây giờ ( cái khó cái quẫn những năm bao cấp ấy nào có tha một ai hay một lãnh vực nào) nhưng Đô đốc Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh vùng IV Hải Quân đã có mặt ở Cam Ranh lập sở chỉ huy trực tiếp chỉ huy chiến dịch mang tên CQ- 88 (Chủ quyền 1988). Người chỉ huy hải quân cao nhất vùng IV khi ấy đã quyết định chủ động (xin trân trọng cảm phục cùng kính cẩn nhắc lại hai từ chủ động ấy) cùng quân sĩ của mình quyết giữ quyết giành những hòn đảo chủ quyền quốc gia khi thế lực thù địch nước ngoài ỷ thế hạm to quân mạnh xâm lấn!
Trích từ tài liệu quân chủng
Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.
Dự đoán đối phương sẽ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Đô đốc Giáp Văn Cương chỉ đạo các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146 nhanh chóng đến các đảo này.
Đêm 13/3, quân ta bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Sáng 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 phát hiện bốn tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Một tổ 3 người được cử lên đảo bảo vệ Quốc kỳ.
Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lực lượng áp đảo nhưng không cướp được cờ. Quân địch bắn pháo 100 mm từ 2 chiến hạm vào tàu 604, khiến tàu bị thủng nhiều lỗ và chìm xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, Đại uý thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ ta đã hy sinh cùng tàu 604.
Tại đảo Cô Lin, tàu HQ-505 đã cắm hai lá cờ trên đảo lúc 5h. Khi thấy tàu 604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi trong làn pháo địch. Con tàu anh hùng này đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo trước khi bị tàu địch bắn cháy. Mặc dù thua kém đối phương về lực lượng, phương tiện, vũ khí, trong trận chiến đấu ngày 14/3/1988 những người lính HQND Việt Nam đã chiến đấu quên mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng ta mất 3 tàu, 64 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh hoặc mất tích, 11 người bị thương nhưng đã bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao. Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma.
...
Tháng 3 năm 1990, Đô đốc Giáp Văn Cương mất, thọ 69 tuổi.
... Phía chân mây đã rạng dần một vệt hồng báo hiệu một ngày nắng. Đại tá Chấn đứng im lìm trên boong dõi một cái nhìn đăm đăm về phía chân trời. Tôi khẽ khàng đến bên định bộc bạch chút băn khoăn rằng, đến tận thời điểm này, quân chủng HQ mặc dầu có nhiều nguời đeo lon tướng nhưng chỉ mỗi Thượng tướng Giáp Văn Cương được mang chức danh Đô đốc? Chất giọng rành rẽ hồi nãy đượm chút khàn khàn có lẽ ông đang xúc động... Đại tá chỉ tay xuống khoảng đại dương xanh đen bất chợt nói anh em mình vẫn còn nằm dưới kia... Chắp nối lại những câu rời rạc xúc động của đại tá, tôi biết được cái khoảng biển hồi đêm qua đào Cô Lin không xa là đảo Gạc Ma ấy là vị trí con tàu HQ- 604 của HQVN đã bị đánh chìm vào thời điểm huyết chiến 14-3-1988. Hơn 60 chiến sĩ HQVN dũng cảm bám tàu trong chiến đấu đã quyết không rời vị trí trong lúc gian nguy. Và bây giờ có lẽ anh em mình vẫn còn trong đó!
Vẫn còn trong đó? Tôi rùng mình nghe thêm khúc nhôi của đại tá rằng quân chủng cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan có trách nhiệm Việt Nam nhiều năm qua đã rất quyết liệt cái việc tìm cách để đưa anh em lên nhưng vẫn chưa được! Trục trặc khâu nào vậy? Ngáng trở ngớ ngẩn khâu nào cái việc quy tập hài cốt liệt sĩ? Bất cận nhân tình lẫn phi nhân đạo công đoạn nào vậy? Khó khăn gì cái việc điều thợ lặn và những phương tiện trục vớt đến chỗ khoảng biển và tọa độ ngay gần đảo Gạc Ma ấy? Hóa ra như cái thở dài não nuột của vị đại tá giữa biển đêm là do phía bên kia chứ không phải bên mình! Đơn giản là họ chưa đồng ý! Chỉ vậy thôi!
Chất giọng của đại tá Chấn càng khàn thêm khi ông cho biết, trong nhiều cuộc họp, bàn thảo khác nhau đã giành được sự đồng thuận cao việc quân chủng Hải quân có thể lấy một hòn đảo ở Trường Sa hoặc một con đường nào đó thuộc phạm vi quản lý của quân chủng mang tên Đô đốc Giáp Văn Cương! Quy tập hài cốt anh em CBCS Hải quân trận 14-3-1988. Một hòn đảo ở Trường Sa hoặc một con đường mang tên Giáp Văn Cương. Có lẽ đó là hai việc mà ông và nhiều đồng đội đang đau đáu từ lâu đến giờ. Và đại tá cho hay, đó cũng là nguyện vọng của ông trước khi về hưu...
Chập chờn nhớ lại thời điểm ra Trường Sa cùng đại tá Chấn là tháng 4 năm 2009. Lần gần đây nhất, qua điện thoại, giọng thiếu tướng Phạm Ngọc Chấn khá phấn chấn cho biết nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Quân chủng HQND Việt Nam, Đô đốc Giáp Văn Cương đã được vinh dự truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Khi được hỏi hai việc mà ông từng đau đáu ấy đã sắp được thực hiện? Giọng nói của thiếu tướng thoắt trở lại vẻ khàn khàn cố hữu trong buổi biển đêm Trường Sa năm ấy rằng vẫn chưa!
Tôi chỉ láng máng hai việc trọng ấy có lẽ nằm ngoài tầm tay của thiếu tướng Chấn?
Sớm quy tập hài cốt các chiến sĩ Hải Quân tàu HQ-604 trong trận 14-3-1988. Một con đường hoặc một hòn đảo mang tên người anh hùng của HQND Việt Nam. Liệu có muộn quá không?
Hà thành những ngày chập chờn Trường Sa
X.B
Một bài viết hay của Xuân Ba. Một đề nghị rất thấu lý đạt tình. Phải vinh danh, phaỉ mãi mãi ghi nhớ công ơn, tài năng, tấm lòng với Tổ Quốc của Thượng tướng Giáp Văn Cương
Trả lờiXóaChúng ta hãy nối vòng tay lớn cùng lực lượng hải quân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu.
Trả lờiXóaĐã có tên đường Giáp Văn Cương rồi ông Diện ơi ! Và cũng nên dọc lại bài báo này, trong lúc này...
Trả lờiXóahttp://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/377210/Giap-Van-Cuong---tu-lenh-cua-Truong-Sa.html
Việc vinh danh cũng như đặt tên một con đường mang tên tướng Giáp Văn Cương là việc nên làm,nhất là trong bối cảnh bây giờ.Còn việc quy tập hài cốt các CBCS Hải quân lẽ ra đã phải làm từ lâu rồi mới phải đạo,đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa,nó quan trọng và ý nghĩa hơn bất kỳ dự án công trình kinh tế nào dù lớn tới đâu.Nhưng không hiểu sao ta cứ nhún nhường,cứ chờ được sự đồng ý của ông bạn láng giềng khốn kiếp kia.Tôi nghĩ trong việc này nhà nước VN nên có sự quan tâm đặc biệt,không vì trở ngại nào mà kéo dài đến vài chục năm mà không làm được.Dù có tốn kém bao nhiêu tiền bạc cũng không bù đắp được sự hy sinh anh dũng của các CBCS Hải quân trong trận 14-3-1988.
Trả lờiXóaKhông cho trục vớt tàu HQ-604 và hài cốt các chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh? Thái độ ấy của ngoại bang, của một nước lớn? Ô hô ai tai!!!!
Trả lờiXóaCoi kỹ anh hùng Giáp Văn Cương nầy có phải là thời chống Pháp quê Ninh Bình không vậy? Khương hay Cương?
Trả lờiXóaNếu việc có thực như bác Nặc danh nói thì có thể tướng Chấn lẫn tác giả Xuân Ba chưa kịp hay?
toi vua gap tai buu dien phu my q7 tp ho chi minh mot ba gia gui ung ho 300 ngan dong gop da cho truong sa ,theo van dong cua bao tuoi tre / trong so tien do co 100 ngan cua chi osin cua gia dinh ba gop /
Trả lờiXóaCó rồi, thật xứng đáng biểu dương.
Trả lờiXóa