Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

NGUYỄN XUÂN DIỆN LÊN TIẾNG VỀ NẠN ĐẠO VĂN HIỆN NAY

TS. Nguyễn Xuân Diện:
“Phải xem xét đạo văn như một tội phạm kinh tế"
Thứ năm, 02 Tháng 6 2011 12:12 

(GDVN) - Đó là lời nói của TS. Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) khi trao đổi với PV báo điện tử Giáo dục Việt Nam về các công trình nghiên cứu khoa học và hiện tượng đạo văn hiện nay.

"Tài năng và đắc dụng" chỉ như cuốn truyện danh nhân

Thưa ông, một cuốn sách như thế nào thì được đánh giá là một công trình khoa học?

Một cuốn sách được coi là công trình khoa học khi nó đáp ứng đủ các tiêu chí như: Phải đưa ra một vấn đề khoa học cần được giải quyết, trả lời. Người thực hiện công trình khoa học không những nắm được phương pháp tối ưu nhất khi tiến hành công trình mà còn phải nắm được một khối lượng tư liệu đầy đủ, tin cậy, được sưu tập và phân loại một cách khách quan, khoa học. Điều quan trọng nhất là công trình đó đem được cái mới gì cho khoa học và có giá trị gì trong thực tiễn?

TS. Nguyễn Xuân Diện (bên trái ảnh)
TS. Nguyễn Xuân Diện (bên trái ảnh)

Về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”- cuốn sách được coi là nhánh của một công trình khoa học cấp nhà nước nhưng hiện nay bị coi là đạo của nhiều cuốn sách, ông nhận xét thế nào về cuốn sách này?

Theo đánh giá của tôi cuốn “Tài năng và đắc dụng” thực chất là một quyển truyện danh nhân vì nó không đáp ứng được tiêu chí gì của một công trình khoa học. Nó không đem lại một nhận thức mới, một hiểu biết mới nào trong khoa học. Chúng ta có thể đọc những lời viết ở trong cuốn sách này ở trong những cuốn sách khác. Đây là một cuốn sách có tính chất cóp nhặt, trình bày tư liệu thô chứ chưa phải là một công trình khoa học.

Ví dụ, nếu đây là một công trình khoa học thì không thể đơn thuần chỉ đưa lời kể của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về cuộc đời của mình vào cuốn sách mà phải xem xét tính chân thực của lời kể đó. Những lời kể lể trong này giống như một quyển truyện danh nhân.

Được biết, “Tài năng và đắc dụng” là một đề tài nhánh của một công trình khoa học cấp nhà nước do GS.TSKH Đào Trọng Thi chủ trì. Vì vậy, tôi không thể ngờ ông Đào Trọng Thi dù đã từng phát biểu rằng cuốn “Tài năng và đắc dụng” không phải là một công trình khoa học mà vẫn cho nghiệm thu công trình và in ấn.

Ông nhận xét gì về tình trạng đạo văn hiện nay?

Có lẽ chưa bao giờ, hiện tượng đạo văn lại phổ biến như hiện nay, mà không chỉ đạo văn, tình trạng đạo nhạc, đạo tranh, đạo bản dịch, đạo công trình nghiên cứu khoa học càng ngày càng lan rộng. Dư luận xã hội và báo chí sau một thời gian dài dành sự quan tâm sâu sắc đến hiện tượng này, nhưng rồi cũng lại xem đó là "chuyện thường ngày" nên cũng ít khi bị sốc trước các vụ việc mới bị dư luận phanh phui.

Bởi khi dư luận báo chí chìm xuống, kẻ đạo văn chỉ xấu mặt trong một thời gian ngắn, thì lại đâu vào đấy. Các công trình vẫn đặt trên những giá sách thư viện, chức danh địa vị của những người làm việc xấu đó vẫn oai phong lừng lẫy. Và theo đó kẻ sau vẫn tiếp tục đạo của kẻ trước, thầy đạo của trò, đồng nghiệp đạo của đồng nghiệp...
.

"Bị tước chức danh giáo sư vì "đạo văn"
.
Ở thời mà đạo văn là chuyện xảy ra như ‘cơm bữa”, ông có nhìn nhận như thế nào về đạo đức của một số nhà khoa học là tác giả của những công trình đạo?

Đối với người viết, tác phẩm văn học, khảo cứu, biên khảo chính là một phần cuộc đời họ.

Đó là công phu nghiền ngẫm học thuật mà để có được nó, họ đã phải học hành, trau dồi, rèn luyện qua biết bao nhiêu cấp học của biết bao nhiêu trường lớp, thụ giáo biết bao nhiêu ông thầy. Để có được những tư liệu và vốn liếng hiểu biết, họ đã không tiếc tiền của đi thực tế, tiếp cận các nhân vật và sự kiện, mua sách báo và tư liệu. Những công trình khoa học là kết tinh của tâm huyết, nỗ lực của cả đời học thuật.

Vì vậy, những đứa con tinh thần là những tác phẩm của họ chính là một phần cuộc đời của họ. Vậy mà, nhiều người đã đang tâm ăn cắp, xào xáo, chế biến bằng những thao tác từ đơn giản đến tinh vi để hòng có được tiền bạc, danh vọng từ mồ hôi công sức của người khác.

Tiếc rằng cái công sức, mồ hôi nước mắt của những kẻ thực học, sau khi bị đạo, lại chỉ được kết thúc bằng một câu xin lỗi, hay thu xếp dàn hòa hai bên.

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam từng nói rằng, nếu câu chuyện "đạo văn" chỉ cần giải quyết bằng một lời xin lỗi thì tính răn đe còn quá nhẹ. Và bà nhận định rằng một phần lý do thực trạng đạo văn diễn ra hàng ngày trên khắp các lĩnh vực "là do chúng ta chưa có chế tài xử lý nghiêm hơn".

Theo tôi đạo văn là kẻ thù của khoa học chân chính, phải coi đạo văn như một tội phạm kinh tế. Ở nước ta cho đến thời điểm này, chỉ có trường hợp đầu tiên và duy nhất bị chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) chính thức ký quyết định tước bỏ chức danh phó giáo sư là ông Trịnh Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, vì đã không trung thực (lấy công trình của người làm của mình), vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo".

Ngay sau khi tước bỏ chức danh PGS của ông Trịnh Xuân Dũng, tôi cũng nghe Giáo sư Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phát biểu với báo chí rằng: "Đây là lần đầu tiên HĐCDGSNN tước bỏ danh hiệu phó giáo sư đối với một nhà giáo. Việc làm này là cần thiết bởi không thể để một con sâu tồn tại trong hàng ngũ các giáo sư chân chính. Việc làm này của HĐCDGSNN đã rất được các nhà khoa học trong cả nước vô cùng hoan nghênh".

Có vẻ như những công trình đạo văn đã góp phần đưa các TS thành PGS, các PGS thành viện trưởng, thành những nhà quản lý. Bằng chứng là sau khi bị phát hiện đạo văn, những quan chức, đang làm công tác giảng dạy, quản lý văn hóa, khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu, sở VH-TT&DL đều đang tại vị, thậm chí một số vị vẫn thăng tiến trên quan lộ.

Những cuốn sách bị phát hiện đạo văn, hiện cũng chưa có cuốn nào có lệnh thu hồi. Cũng chưa có giải thưởng nào đã trao cho nó, bị thu hồi. Chúng vẫn được gửi đến các thư viện từ trung ương đến địa phương, thư viện các đại học và viện nghiên cứu và vẫn được các thư viện nước ngoài đặt mua.

Những cuốn sách đó vẫn được dùng làm giáo trình giảng dạy ở đại học, và cả sau đại học; vẫn được các thế hệ học viên học cao học, học nghiên cứu sinh trích dẫn, sử dụng trong học tập, nghiên cứu.

Ông đánh giá thế nào về việc một số Giáo sự, tiến sĩ,… có học hàm học vị cao, hiểu biết rộng mà vẫn đạo văn?

Theo tôi, những người phải "đạo" tác phẩm công trình của người khác thường là những kẻ bất tài, trình độ yếu kém nhưng lại muốn nổi tiếng, muốn thăng chức, thăng học hàm học vị, hoặc đơn giản chỉ vì muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng.

Mấy năm gần đây, không ít các vụ đạo văn lừng lẫy đã được đưa ra ánh sáng dư luận. Riêng cuốn sách Bàn phím và Cây búa của Nguyễn Hòa (NXB. Văn học, 2007) đã chỉ ra được 6 trường hợp đạo văn, đạo công trình nghiên cứu để làm giáo trình, chuyên khảo.

Những thợ đạo được chỉ mặt, nêu tên văn ở đây toàn các đấng bậc danh giá trong làng chữ nghĩa. Nào là PGS.TS. TNT (đạo của GS Trần Quốc Vượng), TS. HXL (đạo của TS Trần Hữu Sơn), TS. TND (đạo của PGS.TS Vũ Tuấn Anh), PGS.TS NCB (đạo của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh), nhà văn VNT (đạo của PGS.TS Trần Ngọc Vương), TS. CTTT và Thạc sĩ TTA (đạo của PGS.TS Trần Ngọc Thêm). Rồi GS. TS PL đạo của GS Trương Lập Văn (Trung Quốc)..

Có thể nói các vụ đạo văn ngày càng tinh vi. Mặc dầu người bị đạo biết mười mươi là người ta đạo của mình, nhưng cũng khó khăn lắm mới đưa ra dư luận. Có người có chứng cứ hẳn hoi, nhưng lại ngại va chạm nên cũng chẳng đưa ra công luận, rồi đành ngấm ngầm cam chịu bực tức. Bởi học thuật ở Việt Nam từ xưa đến nay vốn không sòng phẳng, và bên cạnh đó hành lang pháp lý cho những vụ việc như thế này cũng không chặt chẽ.

Đạo văn trong các công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước ảnh hưởng như thế nào tới xã hội? Ông có kiến nghị gì để làm giảm tình trạng đạo văn?

Vì chúng ta chưa có chế tài xử lí nghiêm nạn đạo văn nên rốt cuộc sách đạo văn vẫn để trên giá, lưu trong các thư viện, bán ngoài quầy, dạy trong các trường đại học và các cơ sở đào tạo sau đại học trên khắp cả nước... mà các cơ quan có trách nhiệm không hề có động thái gì. Người bị hại không được bảo vệ, còn kẻ hại người thì vẫn ung dung như chẳng có chuyện gì.

Có thể nói đây là một mối nguy hại lớn cho nền học thuật nước nhà, bởi khi dư luận báo chí qua đi, những thế hệ sau lại "hồn nhiên" trích dẫn những cuốn sách đạo văn đó, mà không biết đó chỉ là công trình, tác phẩm giả, được những kẻ lười biếng tạo nên.

Điều này dẫn đến một nguy hại khác không kém phần quan trọng là sự tụt hậu của nền học thuật, ảnh hưởng đến học phong và nền văn hóa nước nhà.

Thậm chí chúng còn làm hỏng cả một thế hệ, làm mất uy tín của khoa học nước nhà trước bạn bè quốc tế khi những vụ việc như vậy được phanh phui phát hiện.

Những tác phẩm đạo văn, đương nhiên là không có phát hiện gì mới về mặt học thuật (tư liệu không mới, kiến giải không mới, kết quả không mới, đề xuất không mới), mà chỉ là xào xáo lại các cái cũ (những kiến thức đã công bố, đã được nhà nước trả tiền, đã được nhuận bút, đã đem lại vinh dự cho người phát hiện lần đầu).

Vậy mà vẫn được in ra, vẫn được trả nhuận bút, vẫn đem lại bổng lộc và chức vị cho người xào xáo. Điều này hết sức bất công, không những làm lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân, mà hành vi dối trá này còn vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức khoa học và kìm hãm làm trì trệ sự phát triển của học thuật.

Nếu chúng ta không tìm được ra ngay biện pháp xử lý với vấn nạn này, thì không thể có một nền học thuật lành mạnh, minh bạch và phát triển; và càng ngày càng làm cho học thuật suy thoái.

Một số người còn đề nghị phải xem xét tội đạo văn như một thứ tội phạm kinh tế nữa, vì cho rằng việc đạo văn không chỉ làm phương hại đến sự tôn nghiêm của học thuật và nghệ thuật, ảnh hưởng đến trình độ dân trí mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến kinh tế đất nước vì đã dùng tiền đóng thuế của dân để trả cho những những sản phẩm không có tính sáng tạo của những kẻ lười biếng.

Trong khi đó vấn đề này đối với nước ngoài, được họ làm một cách hết sức triệt để. Sách bị phát hiện đạo văn bị thu hồi, hủy, giải thưởng đã được trao cũng bị tước, thậm chí những công trình đó nếu liên quan đến việc người đạo văn dùng nó để xin các chức danh học hàm học vị, thì cũng sẽ bị tước.

Điều này tạo lập nên ý thức của các thế hệ nghiên cứu.

Họ càng trung thực bao nhiêu trong các công trình của mình thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu.

Do vậy, việc nghiên cứu khoa học cũng sòng phẳng, những phát kiến mới được đánh giá cao, mặc dầu những phát kiến này không đi xa thế hệ trước là bao, nhưng sự minh bạch trong học thuật này sẽ tạo ra sự minh bạch trong khoa học và bớt đi những kẻ muốn tiến thân theo cái lối "dậu đổ bìm leo".

Xin cảm ơn ông!

Mai Khôi - Thanh Nguyên thực hiện

8 nhận xét :

  1. Các cụ nói đi đêm lắm có ngày gặp ma, chẳng sai. Có biết bao đề tài nhà nước, tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc mồ hôi của nhân dân cũng chỉ làm chỗ rửa tiền. Chúng ta thử đăng lên một vài công trình cấp nhà nước mà xem.
    Đã thế họ vẫn chưa biết dừng lại, mang ra xào nấu xuất bản để kiếm danh, kiếm tiền nữa. Thế mới bị lộ mặt, còn cứ cất trong tủ thì có ai biết.
    chẳng khác nào như thưa các đồng chí "chưa bị lộ"

    Trả lờiXóa
  2. Thưa anh Diện,
    Tại sao phải là "tội phạm kinh tế"? mà không pải là loại tội phạm khác, hay nói khác đi là "đạo văn là phạm tội (ác)" và "bị xử lý theo pháp luật", như vậy nó có vẻ hay hơn. Nhưng em ko biết là ở VN có luật này không?
    Đạo văn là ăn cắp tri thức của người khác. Còn ăn cắp trong kinh tế thì phạm trù nó khác. Em nghĩ là không thể so sánh được.
    Em Nguyên

    Trả lờiXóa
  3. Luật nghiêm khắc nhất là "danh dự". Muốn luật này thực thi nghiêm túc thì báo chí và dư luận là quan tòa. Báo chí của ta chỉ nêu tên và hình ảnh kẻ cắp,kẻ cướp giật về kinh tế hay hình sự thôi, chưa nêu tên chỉ mặt bọn "đạo văn". Bọn này sợ nhất là bêu gương trên phương tiện thông tin đại chúng. Mục mỗi ngày một cuốn sách thì hàng tháng nêu mỗi tháng một cuốn sach (kẻ cả công trình gọi là KH đi ăn cắp) ăn cắp và nêu đích danh cả hình ảnh kẻ cắp.
    Vì sách nó tồn tại lâu nên bất kỳ quyển nào "ĐẠO" đều được trình làng như danh dách được viết tắt ở trên.
    Đề nghi trang blog của TS Nguyễn Xuân Diện đi đầu trong mục này.

    Trả lờiXóa
  4. nen giao duc cua nuoc ta no tao ra su doi tra nhu vay day. xau ho qua

    Trả lờiXóa
  5. Có thể rất nhiều người không đi du lịch TQ.
    Dân ta "nồng nàn yêu nước" nhưng về tiêu dùng thì dân ta lại không yêu nước chút nào, thích hàng ngoại, không "yêu" hàng hàng trong nước sản xuất. Nếu vận động thắng lợi việc không nhập, tiêu dùng hàng TQ mới là giỏi, mới là yêu nước Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  6. May mà còn có sách được đạo. Chứng tỏ nó còn hay. Khi nào hết Đạo văn sẽ hết sách đọc.
    Hoa hòe

    Trả lờiXóa
  7. Chào anh Diện
    Đạo văn thì nhiều nhưng quyền cao chức trọng như GS TSKH Nguyễn Hoàng Lương thì quả là không còn gì để nói, vậy mà GS TS Mai Trọng NHuận Giám đốc ĐHQG Hà nội vẫn đang dùng ông Lương làm Tổng biên tập Tạp chí khoa học ĐHQG Hà nội. Ở vị trí này tha hồ mà cho qua các bài "đạo văn" về lĩnh vực vật lý của ông ta và các đệ tử như Nguyễn Hoàng Hải. Trời ơi, ông Nhuận ơi, thay ngay TBT Tạp chí khoa học của VNU đi....Xấu hổ lắm thay. Không hiểu thư viện của anh Diện có lưu trữ cuốn sách ĐẠO VĂN TÀI NĂNG VÀ ĐẮC DỤNG CHƯA? Nếu chưa xin liên hệ với các tác giả hoặc xin TT Thư viện ĐHQG Hà nội nhé.....

    Trả lờiXóa