Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

TAND TỐI CAO GIẢI THÍCH SAI CHÍNH QUYẾT ĐỊNH CỦA MÌNH?


TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO GIẢI THÍCH SAI 
CHÍNH QUYẾT ĐỊNH CỦA MÌNH?

Bài của Khương Duy

Trong phiên giám đốc thẩm, HĐTP kết luật rằng quyết định kháng nghị là không đúng pháp luật. Các chuyên gia và nhiều người dân đã phản biện rằng nếu quyết định kháng nghị không đúng pháp luật, vậy tại sao HĐTP còn xem xét nội dung kháng nghị suốt mấy ngày làm việc. Hôm qua, trả lời báo chí, ông thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ cho biết, “phần quyết định của kháng nghị giám đốc thẩm chỉ có 1 câu duy nhất là không chấp nhận kháng nghị của VKS; chúng tôi không nói về nội dung.


Tuy nhiên, trong phần nhận định về bản án, thì với diễn biến của phiên tòa 3 ngày, nếu như chúng tôi không nhận định một cái gì thì sẽ gây hoài nghi rất lớn cho xã hội, nhất là trong điều kiện vụ án có rất nhiều dư luận như thế. Do đó, phần nhận định thì chúng tôi vẫn phản ánh đầy đủ những vấn đề mà VKS kháng nghị và nhận định của HĐTP về vấn đề đó. Nhưng, trong phần quyết định thì chúng tôi không đả động đến..."

Tuy nhiên thực tế toàn văn quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm lại không đúng như vậy. Trước khi đi vào phần quyết định, HĐTP trình bày tổng cộng 22 điểm trong phần "Nhận định của Tòa án". Sau đó HĐTP nói "VÌ CÁC LẼ TRÊN" nên quyết định không chấp nhận kháng nghị. Với năng lực đọc hiểu văn bản tối thiểu, ai cũng hiểu rằng HĐTP bác bỏ kháng nghị không phải chỉ căn cứ vào điểm 22 (điểm bàn về sự phù hợp với thủ tục tố tụng của quyết định kháng nghị) mà vì tất cả 22 điểm được nêu, trong đó 21/22 điểm đều là nhận định về nội dung vụ án.

Thứ hai, căn cứ của việc hủy kháng nghị mà HĐTP đưa ra trong phần quyết định là Khoản 5 Điều 382 (nói về thẩm quyền giám đốc thẩm, cụ thể giải thích rằng đối với vụ việc này, thẩm quyền giám đốc thẩm thuộc về Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC); Khoản 1 Điều 388 (chỉ ra 1 trong 6 quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, đó là không chấp nhận kháng nghị) và quan trọng nhất là Điều 389 BLTTHS. Theo Điều 389, "Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi xét thấy bản án, quyết định đó có căn cứ và đúng pháp luật."

Như vậy rõ ràng khi HĐTP trực tiếp dẫn Điều 389 để bác bỏ kháng nghị nghĩa là đã căn cứ vào mặt nội dung của hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, chứ không phải do tính hợp pháp của quyết định kháng nghị như ông Tuệ lý giải.

Tóm lại, Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm cho thấy việc bác bỏ này là dựa trên việc HĐTP đã xem xét nội dung bản án, nhưng điều đó lại mâu thuẫn với việc HĐTP nhận định quyết định kháng nghị là trái pháp luật (vì nếu quyết định kháng nghị trái pháp luật thì không cần phải xem xét nội dung kháng nghị). Chính TANDTC đã tiền hậu bất nhất trong việc lý giải vì sao họ quyết định bác bỏ kháng nghị của VKSNDTC.

2 nhận xét :

  1. Xử án là dựa vào bằng chứng. Nếu không cần bằng chứng thi nên đổi tên TA NDTC thành Toà đoán án tối cao, xin bỏ chữ ND cho nhân dân khỏi mang tiếng.
    Xin Quốc hội bỏ từ Nhân Dân trong một sổ cơ quan như Công An, Toà án... để nhân dân khỏi mang tiếng

    Trả lờiXóa
  2. Mồm nó thì bảo kháng nghị của VKSND tối cao là trái pháp luật nhưng nó vẫn xem xét nội dung của kháng nghị suốt ba ngày: cái tay nó vả vào cái mồm nó!

    Trả lờiXóa